Khi nào có thể cho bé ăn các loại hải sản?

Hầu hết các loại hải sản đều rất giàu canxi, kẽm, omega3, chất đạm,... nên rất cần cho sự phát triển về thể chất cũng như vận động của bé. Tuy nhiên, đạm trong hải sản nói chung cũng như cá biển thường gây dị ứng cho trẻ cao, do đó tốt nhất là nên cho bé ăn hải sản từ tháng thứ 7 trở đi.

1. Khi nào bé được ăn hải sản?

Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm (6 tháng sau khi sinh), nhiều phụ huynh thường thắc mắc về việc khi nào cho bé ăn hải sản hay bé mấy tháng ăn được tôm, cá, cua,... Thông thường, vì đạm trong hải sản nói chung cũng như cá thường gây dị ứng cho trẻ cao, do đó tốt nhất là nên cho bé ăn hải sản từ tháng thứ 7 trở đi.

Trẻ ăn nhiều hải sản tốt không? Ăn như thế nào là hợp lý? Theo đó phụ huynh có thể ngày nào cũng cho bé ăn 1 – 2 bữa hải sản, nhưng tuỳ theo tháng tuổi mà lượng ăn ở mỗi bữa sẽ khác nhau. Cụ thể:

  • Trẻ có độ tuổi từ 7 – 12 tháng: Với trẻ ở lứa tuổi ăn dặm này, mỗi bữa phụ huynh có thể chế biết ăn 20 – 30g thịt của cá, tôm đã bỏ xương và vỏ để nấu với bột hoặc cháo. Mỗi ngày có thể cho bé ăn 1 bữa, tối thiểu ăn 3 – 4 bữa/tuần
  • Trẻ có độ tuổi từ 1 - 3 tuổi: Trẻ từ 1 đến 3 tuổi nên ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mỳ, bún, súp... mỗi ngày với khoảng 30 - 40g thịt của hải sản.
  • Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Nếu khi trẻ đã 4 tuổi trở lên thì có thể ăn 1 – 2 bữa hải sản/ngày với khoảng 50 – 60g thịt của hải sản.

2. Nên cho bé ăn và không nên ăn những loại hải sản nào?

Có rất nhiều loại hải sản, tuy nhiên, không phải bất kỳ một loại hải sản nào cũng tốt cho bé, phụ huynh chỉ nên cho bé ăn các loại hải sản sau đây:

  • Đối với hải sản, cá biển chính là một trong những thực phẩm tuyệt vời đối với sức khỏe con người bởi trong cá biển chứa đạm có giá trị sinh học cao với tỷ lệ cân đối. Ngoài ra cá còn rất giàu omega-3, đây là dưỡng chất cần thiết để tạo màng tế bào thần kinh cũng như phòng chống bệnh tim mạch và gan cá còn rất giàu vitamin A và D, do đó ăn cá biển rất tốt cho trẻ. Các loại cá biển nên ăn đó là cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá basa.
  • Hàu cũng là một loại hải sản rất tốt nên phụ huynh có thể thêm vào thực đơn dinh dưỡng cho bé, bởi hàu giàu kẽm - là chất cần thiết để trẻ tăng trưởng cũng như phát triển hệ sinh dục.
  • Tôm cũng là thức ăn giàu đạm và canxi nên rất tốt cho hệ xương và phát triển thể chất cho bé, vì vậy từ tháng thứ 7 trở đi các bà mẹ có thể cho bé ăn tôm biển hoặc tôm đồng.
  • Các loại hải sản có vỏ khác như ngao, hến, trai thì tốt nhất nên cho bé ăn khi đã được 1 tuổi. Cách chế biến đó là dùng nước nấu cháo, còn thịt xay băm nhỏ, các loại hải sản này cũng có chứa nhiều kẽm nên rất tốt và quan trọng đối với sự phát triển của bé.

Hải sản thường giàu đạm, ít chất béo no và chứa axit béo không no omega-3 cũng như các dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết khác. Bên cạnh đó, hải sản còn giàu khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, đồng, kali... và giàu vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B). Do đó, việc bổ sung hải sản vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho bé sẽ góp phần đa dạng cho chế độ ăn cân đối cũng như khỏe mạnh và tăng trưởng ở trẻ.

Tuy nhiên, một số loại hải sản cũng ẩn chứa các nguy cơ đối với sức khỏe trẻ, do đó phụ huynh không nên cho bé ăn. Các loại hải sản mà phụ huynh không nên cho bé ăn đó là các loại cá chứa hàm lượng thủy ngân và các chất ô nhiễm rất cao như cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ) hoặc cá thu lớn và cá ngừ lớn.

Hải sản
Hầu hết các loại hải sản đều rất giàu canxi, kẽm, omega3, chất đạm,... nên rất cần cho sự phát triển về thể chất cũng như vận động của bé

3. Cách chế biến hải sản cho bé như thế nào?

Cách chế biến hải sản không đúng cách cũng có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với cơ thể của bé. Nếu chế biến hải sản chưa chín hẳn thì có thể tiềm ẩn các loại vi trùng và ký sinh trùng, dẫn đến nhiễm trùng đường ruột khi bé ăn hải sản. Bên cạnh đó, hiện môi trường ngày càng ô nhiễm nên việc bé nhiễm phải kim loại nặng như thuỷ ngân cũng không thể tránh khỏi. Do đó, vấn đề quan trọng nhất khi cho bé ăn hải sản là nên chọn hải sản còn tươi rồi chế biến theo các cách sau đây:

  • Trong trường hợp trẻ còn trong giai đoạn ăn bột và cháo thì tốt nhất là phụ huynh nên xay nhuyễn, nghiền nhỏ cá, tôm để nấu cho bé ăn. Nếu là cá nhiều xương thì nên luộc chín cá rồi gỡ xương, còn nếu là cá biển nạc như cá hồi thì có thể xay sống như xay thịt rồi cho vào nấu cho bé. Với cua biển thì luộc chín rồi gỡ thịt và nghiền nhỏ ra để nấu cho bé, còn tôm to thì bóc vỏ sau đó xay hoặc băm nhỏ.
  • Với các loại hải sản có vỏ thì phụ huynh nên luộc chín lấy nước nấu cháo hoặc bột. Còn thịt thì xay băm nhỏ cho vào cháo và bột
  • Khi trẻ đã từ 3 tuổi trở lên thì có thể chế biến hải sản với các loại cháo, mỳ, miến... hoặc cho bé ăn hải sản dạng luộc hấp như cua luộc, ghẹ hấp, luộc, ngao hấp... Điều quan trọng nhất là cần cho trẻ ăn chín uống sôi.

4. Một vài lưu ý khác khi cho trẻ ăn hải sản

Hầu hết các loại hải sản đều rất giàu canxi, kẽm, omega3, chất đạm,... nên rất cần cho sự phát triển về thể chất cũng như vận động của bé. Tuy nhiên, khi cho bé ăn hải sản nếu không biết lựa chọn, bảo quản cũng như chế biến hải sản đúng cách và ăn có mức độ thì có thể dẫn đến các tác hại nguy hiểm cho bé. Do vậy khi cho bé ăn hải sản, phụ huynh cần lưu ý một số điều cơ bản sau:

  • Sau khi ăn hải sản không nên cho bé ăn hoa quả, nguyên nhân là những chất dinh dưỡng có trong hải sản như đạm, canxi sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu kết hợp với các loại quả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự hấp thụ của canxi, protein có trong hải sản mà chính lượng tannin trong trái cây khi kết hợp với protein và canxi thì sẽ tạo thành canxi không hòa tan, từ đó kích thích đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn, nôn ói.
  • Trong trường hợp nếu gia đình có người có tiền sử bị dị ứng với hải sản thì tốt nhất mẹ nên cho bé ăn các loại hải sản muộn hơn một chút, đồng thời quan sát thật kỹ xem bé có phản ứng dị ứng không.
  • Tuyệt đối không nên cho bé thử những loại hải sản lạ, không cho trẻ ăn nhiều những món hải sản chiên vì khi chiên sẽ khiến hàm lượng chất dinh dưỡng suy giảm cũng như sản sinh ra peroxit lipid có hại cho sức khỏe của bé.

Tóm lại, hải sản mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bé để hỗ trợ bé phát triển toàn diện nhất. Tuy nhiên, phụ huynh nên cho bé ăn hàng ngày, nhưng cần tập cho bé ăn từ ít đến nhiều, chọn các loại hải sản tươi ngon, chế biến đúng cách để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

110.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan