Đo chức năng hô hấp là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đo chức năng hô hấp hay còn gọi là đo chức năng thông khí là xét nghiệm dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi bệnh lý hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi hạn chế.

1. Đo chức năng hô hấp là gì?

Đo chức năng hô hấp là biện pháp sử dụng máy đo các dòng khí khi hít vào, thở ra, từ đó tính toán được nhiều chỉ số chức năng phổi quan trọng. Hơn nữa, đây còn là là kỹ thuật thường được dùng trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý hô hấp. Kỹ thuật giúp ghi lại những thông số hô hấp liên quan đến hoạt động của phổi, từ đó giúp đánh giá hai hội chứng rối loạn thông khí: tắc nghẽn và hạn chế.

Ý nghĩa các chỉ số đo chức năng thông khí cho ta biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi, đồng thời cho phép đánh giá mức độ tắc nghẽn phế quản và mức độ trầm trọng của giãn phế nang.

Kết quả đo chức năng hô hấp được thể hiện bằng số cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường. Các trị số đo được của chức năng hô hấp sau đó được biểu diễn dưới dạng một đường cong, trong đó một trục thể hiện các số đo về lưu lượng khí lưu thông, trục còn lại thể hiện các số đo của các thể tích khí có trong phổi, do vậy đường cong này còn được gọi là đường cong lưu lượng thể tích.

Đo chức năng thông khí là thăm dò khá đơn giản và không gây đau cho bệnh nhân, hầu như không gây khó chịu hay tai biến.

2. Chỉ định đo chức năng hô hấp khi nào?

2.1. Chẩn đoán

  • Chẩn đoán các bệnh lý hô hấp, khi có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm khác bất thường như: khó thở, khò khè, ngồi thở, thở ra khó khăn, ho đờm kéo dài, ho khan kéo dài, dị dạng lồng ngực;
  • Đánh giá các dấu hiệu, triệu chứng hoặc bất thường nghi ngờ do bệnh hô hấp;
  • Đánh giá ảnh hưởng của bệnh trên chức năng phổi;
  • Sàng lọc các trường hợp có yếu tố nguy cơ với bệnh phổi;
  • Đánh giá tiên lượng trước phẫu thuật;
  • Đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi làm nghiệm pháp gắng sức.

2.2. Theo dõi, lượng giá mức độ đáp ứng điều trị, diễn tiến bệnh

  • Đánh giá can thiệp điều trị;
  • Theo dõi ảnh hưởng của bệnh trên chức năng phổi;
  • Theo dõi tác động của tiếp xúc yếu tố nguy cơ trên chức năng phổi;
  • Theo dõi phản ứng phụ của thuốc;
  • Đánh giá mức độ của bệnh;
  • Đánh giá người bệnh khi tham gia chương trình phục hồi chức năng;
  • Đánh giá mức độ tàn tật: trong y khoa, công nghiệp, bảo hiểm y tế.
hút thuốc lá
Người hút thuốc lá nên thực hiện đo chức năng hô hấp để tầm soát bệnh

2.3. Tầm soát bệnh trên đối tượng có nguy cơ cao

  • Người hút thuốc lá;
  • Người làm việc nơi có khói và hóa chất độc hại.

2.4. Y tế công cộng

Khảo sát dịch tễ học về bệnh.

3. Chống chỉ định đo chức năng hô hấp khi nào?

Người bệnh có các đặc điểm sau thì không được chỉ định đo chức năng hô hấp:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp cấp;
  • Ho ra máu không rõ nguyên nhân;
  • Phình động mạch chủ ngực, chủ bụng;
  • Vừa mới qua đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen dưới 6 tuần;
  • Tim mạch không ổn định, nhồi máu cơ tim; phẫu thuật mắt, bụng, ngực dưới 3-6 tháng;
  • Đau ngực không rõ chẩn đoán;
  • Đau thắt ngực không ổn định trong 24 giờ;
  • Lao phổi tiến triển;
  • Có triệu chứng bệnh cấp tính: nôn,tiêu chảy.
  • Người rối loạn thần kinh tâm thần, bệnh nhân không hợp tác.
Đau ngực
Chống chỉ định đo chức năng hô hấp cho bênh nhân đau thắt ngực không ổn định trong 24 giờ

4. Lưu ý khi đo chức năng hô hấp

  • Không dùng thuốc giãn phế quản, thuốc chẹn beta adrenergic trong vòng 6 giờ trước khi đo chức năng thông khí;
  • Đã ăn no sau ăn 2 giờ.
  • Sử dụng đồ uống có cồn thì sẽ đo chức năng hô hấp sau 4 giờ;
  • Vừa hút thuốc thì sẽ đo sau 1 giờ. Tốt nhất không nên hút thuốc trong vòng 24 giờ trước khi đo chức năng hô hấp.

5. Các bước đo chức năng hô hấp

Bệnh nhân đo chức năng thông khí theo 2 động tác chính:

  • Động tác thứ nhất: Hít vào thở ra bình thường, sau đó được yêu cầu hít vào sâu thật hết sức, rồi thở ra thật hết sức;
  • Động tác thứ hai: Hít vào thở ra bình thường, rồi sau đó được yêu cầu hít vào thật hết sức và thổi ra thật nhanh, thật mạnh, hết sức có thể, và tiếp tục thở ra cho đến khi ít nhất 6 giây.

Các bác sĩ sẽ sử dụng các thông số (FEV1 và FVC) để chẩn đoán đo chức năng thông khí ở phổi. Các thông số này giúp xác định xem phổi của bạn đang làm việc như thế nào.

Đo chức năng hô hấp được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Quý khách có thể trực tiếp đến hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan