Đồ uống bổ sung năng lượng: Những điều cần biết

Những loại thức uống bổ sung năng lượng hiện đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện nay, nhất là với những người luyện tập thể thao, tập gym. Tuy nhiên việc sử dụng thường xuyên các loại thức uống năng lượng này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

1. Thế nào là thức uống bổ sung năng lượng?

Hiện nay các loại thức uống bổ sung năng lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường với mục đích được cho là hỗ trợ hiệu suất tập luyện, tăng trưởng cơ bắp và phục hồi năng lượng.

Ban đầu, những loại đồ uống thể thao được tạo ra với kỳ vọng là sẽ thay thế các chất điện giải và carbohydrate. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, các loại nước uống bổ sung năng lượng có chứa chất kích thích và chất phụ gia đã xuất hiện ở hầu hết các phòng tập thể dục, cửa hàng tạp hóa và được bày bán rộng rãi trên thị trường. Trong khi đó, việc tiếp xúc lâu dài với các thành phần khác nhau của những loại đồ uống này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe.

Phần lớn những người thường hay tiêu thụ nước uống bổ sung năng lượng là từ 11 đến 35 tuổi. Hầu như các sản phẩm này đều chứa những thành phần có tác dụng gây hưng phấn, kích thích. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các thức uống gây kích thích có liên quan đến những hành vi nguy hiểm ở đối tượng thanh thiếu niên và cả trẻ vị thành niên, bao gồm lạm dụng rượu bia, đánh nhau, hút thuốc lá, thậm chí những hành vi cấm, chẳng hạn như sử dụng cần sa, sử dụng ma túy bất hợp pháp.

Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm “thức uống bổ sung năng lượng“ và “đồ uống thể thao“. Đồ uống thể thao dành cho những đối tượng là vận động viên, người tập luyện thể thao và chúng thật sự có thể bổ sung chất điện giải, carbohydrate và thành phần hydrat hóa cho cơ thể hồi phục sau vận động. Trong khi đó, thức uống bổ sung năng lượng có nồng độ cafein khá cao, dẫn đến tác dụng lợi tiểu, giữ muối và nước. Ngoài ra, các sản phẩm này có khả năng kích thích cơ thể, gây sinh nhiệt. Hơn nữa, đa phần các loại thức uống năng lượng cung cấp một lượng carbohydrate vượt xa mức khuyến nghị đối với ngay cả những vận động viên. Điều này dẫn đến tình trạng chậm tốc độ hấp thu chất lỏng vào máu hoặc gây ra suy hô hấp.

2. Các thành phần có trong thức uống năng lượng

Thức uống bổ sung năng lượng
Cafein là chất kích thích thường có mặt trong hầu hết các thức uống bổ sung năng lượng

Các thành phần phổ biến nhất có trong thức uống thức uống năng lượng là cafein, thường được kết hợp cùng với taurine, glucuronolactone, guarana, và các vitamin nhóm B để tạo thành một thứ mà nhà sản xuất thường gọi là “hỗn hợp bổ sung năng lượng”. Sau đây là một số thông tin cơ bản về thành phần từng chất:

2.1. Cafein

Cafein là một chất đối kháng thụ thể adenosine, có tác dụng kích thích hoạt động của các tế bào thần kinh trong hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên. Đây là chất kích thích thường có mặt trong hầu hết các thức uống bổ sung năng lượng trên thị trường hiện nay.

Cafein làm tăng nhịp tim và huyết áp. Những tác động xấu thường biểu hiện khi sử dụng nhiều hơn 200 mg cafein bao gồm: mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, đau đầu, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim và buồn nôn. Cafein đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho các vận động viên khi uống trước hoặc trong khi tập luyện với lượng vừa phải (3 - 6 mg cafein / kg khối lượng cơ thể).

Cafein sử dụng các phần tử chất béo làm nhiên liệu kích thích cơ bắp hoạt động, làm chậm tiêu thụ glycogen và kéo dài thời gian luyện tập.

Cafein kích thích tế bào cơ tim, dẫn đến tăng co bóp và tăng nhịp tim, nghĩa là tim sẽ đập nhanh hơn và mạnh hơn. Tốc độ hấp thu của cafein khá nhanh, dẫn đến tác dụng kích thích giao cảm xuất hiện gần như ngay lập tức, gây ra triệu chứng tăng huyết áp và tăng sức cản mạch ngoại biên.

2.2. Taurine

Taurine là axit amin nội bào phổ biến nhất ở người và là thành phần thường xuất hiện trong chế độ ăn uống của chúng ta.

Taurine có nhiệm vụ điều chỉnh chức năng co bóp cơ xương và làm giảm khả năng gây hại đến DNA trong quá trình luyện tập thể thao. Taurine còn đảm nhiệm nhiều chức năng sinh lý quan trọng khác, bao gồm: liên kết axit mật và phòng ngừa tắc nghẽn đường mật, tác dụng chống loạn nhịp tim và ổn định co thắt cơ tim, điều biến hệ thần kinh trung ương, hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của võng mạc, tác dụng trên hệ nội tiết cũng như quá trình chuyển hóa và các đặc tính như chống oxy hóa và chống viêm. Taurine cũng tham gia vào tiến trình ổn định màng tế bào, thẩm thấu và giải độc cho cơ thể.

Tuy nhiên, trong các thức uống năng lượng phổ biến, nồng độ taurine xác định được lại thấp hơn nhiều so với mức dự kiến ​​có thể phát huy lợi ích trị liệu cho cơ thể.

2.3. Glucuronolactone

Glucuronolactone là chất hóa học tham gia vào quá trình tổng hợp glycogen, được sản xuất tự nhiên trong cơ thể với lượng rất nhỏ. Bổ sung glucuronolactone có tác dụng hỗ trợ cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại các chất gây ung thư và kích thích khối u. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào đưa ra kết luận chính xác về vai trò của glucuronolactone trong bất cứ mục đích điều trị nào.

2.4. Vitamin nhóm B

Các vitamin nhóm B dưới dạng coenzyme rất cần thiết đối với chức năng của tế bào, đặc biệt là chức năng của ty thể trong quá trình sản xuất năng lượng. Các vitamin thuộc nhóm B bao gồm thiamine (B1), riboflavin (B2), niacin (B3), axit pantothenic (B5), pyridoxine hydrochloride (B6), biotin (B7), cyanocobalamin (B12) và inositol (trước đây được gọi là vitamin B8 nhưng về sau inositol không được xem là một vitamin do cơ thể có khả năng tự tổng hợp được).

Hầu hết các thức uống bổ sung năng lượng đều chứa lượng đường rất lớn, vì vậy các vitamin nhóm B thường được quảng cáo là thành phần cần thiết để chuyển hóa lượng đường này trở thành năng lượng cho cơ thể. Hay nói cách khác, các vitamin nhóm B là thành phần không thể thiếu, đóng vai trò “mở khóa” tất cả những đồng tiền năng lượng được cung cấp dưới dạng các loại đường đơn giản trong những thức uống bổ sung năng lượng hiện nay và đây chính là thứ năng lượng bổ sung mà các công ty đã nhắc đến trong nội dung quảng cáo.

2.5. Guarana

Guarana là một loại cây rừng nhiệt đới được thuần hóa ở Amazon. Hạt Guarana chứa nhiều cafein hơn bất kỳ loại cây nào khác trên thế giới, với tỷ lệ dao động từ 2% đến 8%. Chiết xuất từ hạt này cũng chứa các chất kích thích như theobromine và theophylline.

Tuy nhiên, lượng guarana có mặt trong các thức uống năng lượng phổ biến hiện nay lại thấp hơn so với mức có thể mang lại hiệu quả trị liệu.

2.6. Nhân sâm (Ginseng)

Nhân sâm là một trong những dược liệu quý trên thế giới, được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý thường gặp. Chiết xuất từ nhân sâm đã được chứng minh có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế căng thẳng, sang chấn tâm lý, tâm trạng lo lắng và mệt mỏi.

Nhân sâm hiện được ứng dụng để bổ sung năng lượng, giảm căng thẳng và tăng trí nhớ bằng cơ chế kích thích tuyến dưới đồi và tuyến yên tiết ra corticotropin (hormone kích vỏ thượng thận). Mặt khác, nghiên cứu còn cho thấy việc sử dụng nhân sâm có thể dẫn đến nhiều tác tác dụng phụ, bao gồm hạ huyết áp, phù, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, viêm động mạch não, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, hưng phấn, xuất huyết âm đạo, vô kinh, sốt, ức chế cảm giác thèm ăn, mẩn ngứa, viêm họng.

Tuy nhiên, thành phần chiết xuất từ nhân sâm được tìm thấy trong các loại đồ uống bổ sung năng lượng lại thấp hơn rất nhiều so với mức có thể đem lại lợi ích trị liệu hoặc gây ra tác dụng phụ.

Thức uống bổ sung năng lượng
Thành phần chiết xuất từ nhân sâm được tìm thấy trong các loại đồ uống bổ sung năng lượng lại thấp hơn rất nhiều so với mức có thể đem lại lợi ích trị liệu

2.7. Ginkgo biloba (thành phần chính của bạch quả)

Chiết xuất từ bạch quả đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa, hỗ trợ chức năng vận mạch, giảm sự kết dính của các tế bào máu với màng trong mạch máu, ức chế kích hoạt tiểu cầu và tế bào cơ trơn, ảnh hưởng đến các kênh ion và thay đổi tín hiệu. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nào đủ lớn cho thấy ginkgo biloba có tác dụng lâm sàng rõ rệt trên người khỏe mạnh và người bệnh.

2.8. L-carnitine

L-carnitine là axit amin được tạo ra chủ yếu bởi gan và thận để tăng cường sự trao đổi chất. Bổ sung loại axit amin này thông qua chế độ ăn uống được chứng minh có tác dụng làm tăng mức tiêu thụ oxy tối đa, giảm chỉ số hô hấp và kích thích chuyển hóa lipid. L-carnitine đóng vai trò quyết định trong việc ngăn ngừa tổn thương tế bào và có tác động tốt đến sự phục hồi sau khi tập luyện. Sự hấp thu l-carnitine từ tế bào máu có khả năng kích thích tạo máu, ức chế kết tập tiểu cầu do collagen và ngăn ngừa tế bào chết theo chu trình dưới tác động của hệ miễn dịch.

2.9. Đường

Đường là thành phần cơ bản, cung cấp năng lượng cho cơ thể, có mặt trong hầu hết các loại thức uống bổ sung năng lượng dưới dạng fructose hoặc sucrose). Bổ sung đường trước, trong và sau khi tập thể dục kéo dài (hơn 1 giờ) đã được chứng minh là có tác dụng trì hoãn sự mệt mỏi, bảo tồn glycogen cơ bắp và cải thiện hiệu suất tập luyện.

Tuy nhiên, lượng đường được cung cấp trong một đơn vị thức uống năng lượng (500mL) là khoảng 54 g. Một muỗng cà phê chứa được khoảng 4g đường, do đó 54g đường tương đương với khoảng 13 muỗng cà phê. Lượng đường này được xem là quá mức so với nhu cầu năng lượng của cơ thể, ngay cả khi tập luyện. Dư thừa đường trong cơ thể lâu dài dễ dẫn đến béo phì và đề kháng insulin.

2.10. Chất chống oxy hóa

Trong khi tập luyện thể thao, tình trạng oxy hóa dễ xảy ra mỗi khi có tổn thương cơ bắp hoặc biến dưỡng cơ. Chất chống oxy hóa được bổ sung với giả thiết có thể hỗ trợ cơ thể trong giai đoạn phục hồi sau tập luyện và giảm thiệt hại đến các tế bào cơ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục cho thấy việc tập thể dục đòi hỏi phải cung cấp các chất chống oxy hóa, cũng như chưa có tác dụng đáng kể nào được chứng minh là có lợi cho vận động viên.

Thức uống bổ sung năng lượng
Đường là thành phần cơ bản, cung cấp năng lượng cho cơ thể, có mặt trong hầu hết các loại thức uống bổ sung năng lượng

3. Thức uống bổ sung năng lượng có an toàn cho cơ thể?

Để trả lời câu hỏi về sự an toàn của các loại thức uống bổ sung năng lượng, điều quan trọng là phải xem xét cả những tác động ngắn hạn và dài hạn sau khi sử dụng những sản phẩm này. Theo đó, tác động sinh lý xảy ra ngay sau khi uống lần đầu tiên.

3.1. Tác động ngắn hạn

Ngay sau khi dùng thức uống năng lượng, gần như sẽ có sự gia tăng đáng kể về nhịp tim và huyết áp. Do đó bệnh nhân bị tăng huyết áp không nên sử dụng loại thức uống này. Một nghiên cứu khác cho thấy nước tăng lực có khả năng làm tăng khả năng co bóp của tim sau khi dùng. Điều này có thể không tốt cho bệnh tim mạch.

Với những người không thường xuyên dùng cafein, thức uống năng lượng cung cấp một lượng cafein đáng kể, có thể kích thích thận sản xuất nước tiểu, cho thấy tác dụng dehydrat hóa.

3.2. Ảnh hưởng lâu dài

Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng dài hạn của caffeine, taurine và glucuronolactone trong các loại thức uống bổ sung năng lượng lên cơ thể. Tuy nhiên, các thức uống này có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim vì đã có nhiều nghiên cứu cho thấy những loại nước uống năng lượng có thể gây ra lệ thuộc thuốc. Na Uy, Đan Mạch và Pháp đã cấm bán nước tăng lực khi kết quả nghiên cứu trên chuột được bổ sung taurine cho thấy chúng thể hiện những hành vi bất thường.

3.3. Tương tác với rượu

Hiện nay có nhiều người uống rượu chung với các loại nước bổ sung năng lượng. Sự kết hợp giữa 2 loại thức uống này có khả năng dẫn đến suy giảm nhận thức và giảm các triệu chứng do ngộ độc rượu, dẫn đến mất khả năng kiểm soát hành vi (nguy cơ gây ra tai nạn, phạm tội) và hình thành thói quen nghiện rượu. Tương tác giữa hai loại đồ uống này cũng làm tăng triệu chứng rối loạn nhịp tim ở những bệnh nhân mắc bệnh tim tiềm ẩn.

4. Uống gì để bổ sung năng lượng lành mạnh?

Thức uống bổ sung năng lượng
Nước ép trái cây nguyên chất có tác dụng tăng đường huyết và bổ sung các loại vitamin cần thiết cho tập luyện

Qua những thông tin trên, rõ ràng các loại thức uống bổ sung năng lượng có thể không như lời quảng cáo. Ngược lại, các sản phẩm này có khả năng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn và chưa thật sự phù hợp với những vận động viên, những người thường hay luyện tập thể thao hoặc những bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi do thiếu năng lượng.

Để bổ sung năng lượng một cách lành mạnh, những thức uống sau đây được xem là lựa chọn hợp lý:

  • Dung dịch điện giải: Giúp bù nước và cân bằng điện giải trong quá trình tập luyện thể lực, ra mồ hôi nhiều. Bổ sung chất điện giải giúp cân bằng lại nguồn ion cần thiết cho cơ thể, hạn chế các biểu hiện cho thiếu năng lượng như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi;
  • Nước ép trái cây nguyên chất: Có tác dụng tăng đường huyết và bổ sung các loại vitamin cần thiết cho tập luyện, như vitamin C, B, A, tăng khả năng miễn dịch, bù điện giải, chống khát nước và giúp tinh thần tỉnh táo hơn;
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: Là thức uống giàu protein, giúp bù năng lượng và bổ sung calo cho cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, để tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, tránh tình trạng mất sức, mất năng lượng, ngoài việc cung cấp những thức uống lành mạnh để bổ sung năng lượng, bạn cũng cần xây dựng cho mình những thói quen tốt, bao gồm uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tập luyện vừa phải, cân bằng dinh dưỡng với những thực phẩm cho sức khỏe như rau xanh, ngũ cốc và trái cây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan