Giảm hao hụt vitamin C trong rau quả

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và khỏe mạnh của cơ thể. Dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng này có nhiều trong các loại rau quả, tuy nhiên, chúng rất dễ bị hao hụt nếu không cẩn thận trong quá trình bảo quản, chế biến.

Theo TS. BS Trần Thị Minh Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam, quýt, ớt đỏ ngọt, ớt xanh ngọt, dâu tây, cà chua, ổi, bông cải xanh, khoai lang, khoai tây... Trong các loại vitamin thì vitamin C là loại dễ hao hụt, "bay hơi" nhất khi tiếp xúc với ánh nắng, không khí, nhiệt độ cao. Dưới đây là những bí quyết giúp các bà nội trợ bảo tồn, tránh làm thất thoát vitamin C trong rau quả một cách hiệu quả.

Tránh ánh nắng

Ánh nắng mặt trời là tác nhân khiến rau quả nhanh héo úa và mất nước dẫn đến mất vitamin C. Vì vậy nên bảo quản thực phẩm giàu vitamin C trong môi trường lạnh, ẩm, tránh phơi trần hay để trong môi trường nhiệt độ cao. Tốt nhất, rau quả mua về nên sử dụng ngay trong ngày.

Càng cắt nhỏ càng hao hụt

Không nên cắt/ thái rau củ thành từng miếng nhỏ rồi mới đem đi rửa, vì việc này càng làm vitamin C dễ biến mất hơn. Tương tự, nên hạn chế cắt nhỏ, vò nát rau khi chế biến; không để thực phẩm chèn ép nhau gây giập nát; khi rửa cũng phải nhẹ tay. Rau, củ cắt nhỏ sẽ phóng thích enzymes tạo điều kiện cho ô xy từ không khí lọt vào phá hủy vitamin C. Bạn có thể giữ nguyên hình dáng của rau xanh khi luộc hoặc cắt thành khoanh, miếng lớn. Lưu ý, không nên ngâm rau, quả quá lâu vì vitamin C rất dễ hòa tan trong nước.

Hạn chế nấu ở nhiệt độ cao

Nhiệt độ càng cao, vitamin C càng dễ hao hụt, vì vậy cần hạn chế nấu nướng rau, củ ở nhiệt độ cao. Thay vì vậy, nên hấp, luộc với ít nước hoặc dùng lò vi ba chế biến trong thời gian ngắn. Chỉ nên cho rau, củ vào nấu khi nước đã sôi, khi thực phẩm chín thì tắt bếp ngay, hạn chế thời gian nấu nhiều. Ngoài ra, vitamin C rất dễ tan trong nước, vì vậy khi nấu không nên cho quá nhiều nước. Đặc biệt, khi chế biến nên đậy kín nắp để hạn chế mất nước, làm hao hụt vitamin C.

Ăn sau khi chế biến

Nên sử dụng thức ăn ngay sau khi chế biến vì để càng lâu, lượng vitamin C trong món ăn sẽ càng giảm. Không nên nấu món ăn có rau, quả chứa vitamin C cho cả ngày mà chỉ nên nấu cho từng bữa. Càng hâm nóng nhiều lần thì lượng vitamin C sẽ mất đi càng nhiều. Nên ăn rau quả ngay sau khi gọt vỏ, bảo quản nước trái cây đã qua chế biến trong tủ lạnh không quá 2 - 3 ngày. Một số loại trái cây, củ bạn có thể ăn, chế biến để nguyên cả vỏ sẽ giữ vitamin C tốt hơn, tuy nhiên cần đảm bảo vệ sinh.

Lựa chọn thực phẩm tốt

Thực phẩm giập, nát thì lượng vitamin C hao hụt càng nhiều. Vì thế, nên chọn thực phẩm còn nguyên vẹn, tươi, chín tự nhiên (trái cây chín tự nhiên chứa nhiều vitamin C hơn trái cây chín ép). Nếu có thể, nên sử dụng rau, trái cây còn tươi, ăn sống, không qua chế biến để bảo đảm lượng vitamin C ít bị hao hụt nhất.

Cân nhắc khi bổ sung vitamin C

Mặc dù vitamin C rất cần thiết và tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là dùng càng nhiều càng tốt. Khi ăn thực phẩm có chứa khoảng 100mg vitamin C, cơ thể sẽ hấp thu từ 80 -90% vitamin C. Nhưng tiêu thụ ở mức cao hơn khoảng 1,5mg thì cơ thể chỉ hấp thu 49%. Nếu dùng lượng lớn vitamin C hoặc uống vitamin C liều cao, cơ thể sẽ hấp thu không hết, lượng vitamin C còn dư sẽ tồn tại trong ruột gây đau bụng, tiêu chảy.

Theo Dep.com.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Chủ đề: Dinh dưỡng
Bài viết liên quan