Môi nứt nẻ: Khi nào nên đi khám?

Nếu đôi mắt được ví là cửa sổ tâm hồn thì đôi môi sẽ là cánh cửa chính. Môi khô, nứt nẻ, chảy máu và còn đau đớn khi cười nói sẽ gây nhiều hạn chế giao tiếp, tự ti trước người đối diện. Vì da môi mỏng hơn nhiều so với da ở lưng và tay, vùng này rất dễ bị tổn thương, dù chỉ với một động tác đơn giản như liếm môi hay khi tiết trời thay đổi.

1. Nguyên nhân gây ra môi khô nứt nẻ chảy máu

Môi nứt nẻ là do nguyên nhân tương tự gây ra nứt nẻ ở bất kỳ đâu trên bộ da của cơ thể, như môi trường khô cực kỳ nghiêm trọng, cơ thể thiếu nước hay cả khi người bệnh có thói quen liếm môi nhiều do nước bọt vốn có chứa các enzym được bài tiết để giúp tiêu hóa thức ăn chứ không phải để dưỡng ẩm cho đôi môi. Khi không khí đặc biệt khô, độ ẩm giảm thấp, việc liếm môi sẽ khiến nước bọt nhanh chóng bay hơi, càng làm môi khô nứt nẻ. Điều này sẽ dẫn đến lớp da trên cùng bị khô, khiến chúng co lại và tách ra khỏi các lớp bên dưới, gây chảy máu.

Các nguyên nhân cũng gây nứt nẻ môi khác có lẽ ít rõ ràng hơn. Chúng bao gồm tiếp xúc với nước ép từ trái cây họ cam quýt; bị dị ứng với niken (đó là lý do tại sao không nên cho các đồ kim loại như kẹp giấy vào miệng) và tiêu thụ quá nhiều vitamin A. Một số loại thuốc bao gồm một số loại dùng để điều trị huyết áp, mụn trứng cá và chóng mặt cũng có thể gây ra vấn đề khô môi.

Trong một số trường hợp, môi nứt nẻ còn có thể do dị ứng với các thành phần trong kem đánh răng và các sản phẩm dành cho môi. Vì thế, cần kiểm tra xem kem đánh răng đang dùng có chứa guaiazulene hoặc sodium lauryl sulfate hay son môi có chứa propyl gallate hoặc phenyl salicylate hay không. Nếu có, hãy ngừng sử dụng các sản phẩm này và có thể tình trạng môi sẽ cải thiện một cách nhanh chóng.

2. Cách phòng ngừa tình trạng môi quá khô phải làm sao?

Không liếm môi là cách ngăn chặn tình trạng môi khô hiệu quả và đơn giản nhất.

Kế tiếp, người bệnh nên thoa son dưỡng môi hàng ngày. Nếu có dành thời gian ở ngoài trời, hãy sử dụng kem chống nắng cho môi có chỉ số SPF từ 15 đến 30 và thoa lại thường xuyên. Tuy nhiên, một lời cảnh báo là nếu môi đã bị khô và nứt nẻ, hãy tránh xa kem chống nắng hóa học vì có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này mà chỉ nên dùng kem chống nắng vật lý.

Trong khi đó, luôn nhớ cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước. Môi trường trong nhà nên được điều chỉnh với một máy tạo độ ẩm, giúp làm ẩm không khí và giúp môi không bị khô. Tập thói quen hít thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng vì có thể làm khô môi. Cuối cùng, không nên tắm nước quá nóng hay xông hơi nhiệt độ cao vì sẽ khiến tình trạng khô môi và cả khô da trở nên tồi tệ hơn.

Môi nứt nẻ: Khi nào nên đi khám?
Người bệnh nên thoa son dưỡng môi hàng ngày

3. Cách điều trị môi khô nứt phải làm sao?

Quy tắc quan trọng đầu tiên là bắt buộc thoa son dưỡng môi. Người dùng nên tìm kiếm một công thức có các thành phần dưỡng ẩm tự nhiên, chẳng hạn như dầu thực vật, axit hyaluronic và dimethicone. Mục đích không phải là dưỡng ẩm nhiều cho đôi môi mà nhằm tạo ra một rào cản giữa làn da mỏng manh tại chỗ với các chất gây kích ứng, bao gồm không khí khô, nước bọt và thức ăn hoặc đồ uống. Đồng thời, kem dưỡng môi cũng giúp làm mềm những mảng vảy mà người bệnh không nên dùng ngón tay bóc ra - vì làm như vậy có thể tạo ra những vết cắt sâu hơn trên môi, làm môi khó lành hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể cân nhắc thoa một ít mật ong. Cách này có tác dụng tốt vì mật ong sẽ thu hút độ ẩm từ môi trường. Tuy nhiên, cần tránh xa các hương vị gây khó chịu như bạc hà, long não và tinh dầu bạc hà; các thành phần này càng khiến môi mỏng hơn, càng dễ bị bong tróc.

Trong trường hợp bị môi khô nứt nẻ chảy máu, các loại thuốc bôi có chứa Hydrocortisone không kê đơn, là một chất chống viêm, cũng có thể giúp làm dịu đôi môi nứt nẻ. Tuy nhiên, sử dụng các sản phẩm này ở mức hạn chế tối đa, vì các loại kem có chứa cortisone đặc biệt mạnh có thể làm mỏng da. Đồng thời, người dùng cũng đừng sử dụng loại kem mà bác sĩ đã chỉ định cho dùng cho các bộ phận khác của cơ thể để áp dụng cho môi.

Môi nứt nẻ: Khi nào nên đi khám?
Thoa mật ong lên môi sẽ thu hút độ ẩm từ môi trường

4. Môi nứt nẻ: Khi nào nên đi khám?

Nếu đã tự áp dụng các cách trên để điều trị đôi môi của mình trong bốn hoặc năm ngày và chúng trở nên tồi tệ hơn - hoặc tự nhận thấy các vết nứt hở, cùng với sự xuất hiện của dịch màu vàng, mủ - môi có thể đã bị nhiễm trùng. Lúc này, người bệnh cần đến khám tại bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây môi khô nứt nẻ có thể là do dị ứng với các thành phần trong son dưỡng môi, chẳng hạn như một số chất bảo quản, nước hoa hoặc chất tạo màu. Và đôi khi, đôi môi nứt nẻ dai dẳng chỉ ra một vấn đề y tế tiềm ẩn mà chỉ có bác sĩ mới có thể giúp chẩn đoán được. Các tình trạng này bao gồm viêm môi do hoạt hóa, nguyên nhân là do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều; bệnh tuyến giáp; bệnh vẩy nến; hoặc lupus, gây nhạy cảm ánh sáng trên môi. Theo đó, người bệnh cũng cần đi khám sớm nếu môi khô nứt nẻ kéo dài quanh năm, điều trị nhiều biện pháp mà không cải thiện.

Tóm lại, môi khô nứt nẻ chảy máu là một tình trạng khó chịu, gây kém thẩm mỹ và thường gặp trong cuộc sống. Một số điều chỉnh đơn giản như bỏ thói quen liếm môi, uống đủ nước và dùng son dưỡng môi có thể nhanh chóng cải thiện vẻ ngoài cho làn môi. Tuy nhiên, nếu môi khô nứt nẻ chảy máu kéo dài, đây có thể là một dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn, hoặc nếu môi bị nhiễm trùng, người bệnh cần thăm khám sớm tại bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị phục hồi cho sức khỏe, vẻ đẹp của đôi môi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.usnews, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan