Làm thế nào để phát hiện sỏi tiết niệu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh nội tiết- Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có 36 năm kinh nghiệm làm việc.

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp nhất tại hệ tiết niệu, chiếm từ 40 - 60% bệnh lý của đường tiết niệu. Nằm trong nhóm những bệnh phổ biến tại Việt Nam và gặp ở cả nam và nữ. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu là gì?

Bản chất của sự hình thành sỏi trong đường tiết niệu là do sự kết tủa của một số chất trong nước tiểu cùng với đó là sự lắng đọng nước tiểu trong hệ niệu bởi một số thói quen như nhịn tiểu, uống quá ít nước hay những bệnh lý làm giảm chức năng của các cơ quan trong hệ tiết niệu như thận, bàng quang... cũng là một trong những yếu tố giúp cho sỏi phát triển thuận lợi. Có rất nhiều nguyên nhân, điều kiện thuận lợi giúp sỏi hình thành và phát triển, có thể kể đến ở đây như:

1.1. Tác dụng phụ của thuốc

Một số bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương và có sử dụng nhiều thực phẩm chức năng chứa canxi, khi cơ thể không thể hấp thụ hết lượng canxi đưa vào cơ thể sẽ bị đào thải qua thận, lượng canxi sẽ góp phần hình thành nên sỏi tiết niệu, điển hình là sỏi canxi oxalat. Ngoài ra thói quen lạm dụng viên C sủi (Chứa nhiều vitamin C) mỗi khi cảm thấy mệt mỏi cũng là một yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành sỏi thận do Vitamin C làm tăng quá trình hấp thu canxi từ ruột vào máu.

1.2. Thói quen sinh hoạt

Một số thói quen xấu như cố gắng nhịn tiểu qua đêm tình trạng không uống đủ nước mỗi ngày làm cho nước tiểu bị ứ đọng và cô đặc tại hệ niệu giúp cho quá trình tạo sỏi thuận lợi hơn.

1.3. Nguy cơ sỏi từ bệnh lý khác

Tình trạng ăn quá nhiều đạm (sử dụng quá nhiều thịt đỏ, tôm, hải sản...) làm tăng nồng độ acid uric trong máu, khi nồng độ acid uric vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể sẽ lắng đọng tại một số tổ chức gây ra bệnh Gout hay lắng đọng ở thận sẽ là yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành sỏi đường niệu.

Một số bệnh lý khác như U tiền liệt tuyến hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng là yếu tố nguy cơ gây nên sỏi tiết niệu.

sỏi
Sỏi có thể ở bất kì vị trí nào trên đường niệu

2. Làm sao để để phát hiện sỏi tiết niệu sớm?

Hậu quả của sỏi tiết niệu là vô cùng nặng nề, chính vì vậy việc phát hiện sớm tình trạng bệnh là vô cùng quan trọng. Khi gặp một số dấu hiệu dưới đây bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

2.1. Đau tức vùng thắt lưng

Khi gặp phải tình trạng đau thắt lưng với cường độ từ từ, tăng dần lan dần xuống vùng bẹn và sinh dục cùng bên bệnh nhân phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa ngay, triệu chứng này gợi ý tình trạng đường niệu của bạn bị ứ dẫn đến tăng áp lực lên vùng thận đây chính là nguyên nhân khởi phát cơn đau.

đau thắt lưng
Đau vùng thắt lưng là dấu hiệu gợi ý sỏi thận

2.2. Đái rắt, đái khó hay đái máu

Do khi sỏi còn nhỏ và di chuyển trong đường niệu bệnh nhân kích thích cảm giác buồn tiểu của bệnh nhân, mặc dù đi tiểu số lượng rất ít nhưng vẫn buồn tiểu. Ngoài ra do sỏi rất cứng và nhiều cạnh sắc nhọn nên trong quá trình di chuyển trong đường niệu nó có thể gây cọ xát và làm tổn thương niệu quản và làm chảy máu, điều này giải thích vì sao nước tiểu bệnh nhân có màu đỏ.

2.3. Cương dương vật đau

Khi sỏi nhỏ di chuyển xuống niệu đạo kết hợp với tình trạng cương cứng làm bơm máu và thể hang, thể xốp làm giảm thiết diện niệu đạo, sỏi cọ sát vào niệu đạo gây đau dương vật.

3. Khám sàng lọc sỏi tiết niệu

Có nhiều dấu hiệu nghi ngờ định hướng đến sự xuất hiện của sỏi trong đường niệu, tuy nhiên để chính xác nhất cần đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa để khám sỏi tiết niệu, tại đây ngoài việc thăm khám lâm sàng, bệnh nhân còn được sử dụng những xét nghiệm cận lâm sàng hiện đại, chính xác để chẩn đoán sỏi tiết niệu.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng sỏi tiết niệu có thể kể đến như:

Xét nghiệm nước tiểu

  • Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện được các thành phần trong nước tiểu như bạch cầu, hồng cầu giúp gợi ý cho sự hiện diện của vi khuẩn hay nếu số lượng hồng cầu lớn cũng là một trong những nguyên nhân do sỏi tiết niệu gây nên.
  • Soi cặn lắng có thể phát hiện các tinh thể như oxalat, photphat, canxi trong nước tiểu
  • Cấy nước tiểu: Việc cấy nước tiểu cho biết chính xác tình trạng nhiễm khuẩn của đường niệu để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Siêu âm đường niệu:

Siêu âm là một biện pháp an toàn, chi phí hợp lý, không những đánh giá được sự xuất hiện của sỏi trong đường niệu thông qua hình ảnh đặc trưng mà còn có thể đánh giá mức độ giãn của đài, bể thận, thông qua đó mà có được những biện pháp can thiệp kịp thời.

siêu âm đường niệu
Siêu âm là biện pháp chẩn đoán sỏi tiết niệu an toàn

Chụp X-Quang hệ tiết niệu:

X-Quang là một trong những biện pháp rất có giá trị và độ nhạy cao trong việc phát hiện sỏi tiết niệu. X quang cho biết hầu hết các vấn đề của sỏi từ vị trí, số lượng, kích thước, hình dạng...Ngoài ra một số kỹ thuật chụp X-Quang như chụp X-Quang kết hợp với thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch hay chụp thận niệu ngược dòng còn đánh giá được chức năng bài tiết của từng thận hay mức độ giãn nở của đài bể thận... qua đó giúp bác sĩ đưa ra những chiến lược hợp lý và hiệu quả cho từng bệnh nhân.

Định lượng PSA trong máu

PSA là một kháng nguyên được tiết ra bởi tiền liệt tuyến, bình thường hàm lượng PSA trong máu với nồng độ rất nhỏ, tuy nhiên khi tiền liệt tuyến gặp vấn đề như viêm, phì đại, ung thư thì nồng độ PSA trong máu sẽ thay đổi. Việc định lượng PSA giúp cho bác sĩ chẩn đoán sớm tình trạng phì đại tiền liệt tuyến của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan