Bé ăn bột bao lâu nên chuyển sang cháo?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bạn đang cho con ăn dặm theo kiểu truyền thống và con bạn đang trong thời kỳ ăn bột nhưng bạn chưa biết bắt đầu từ đâu để chuyển từ ăn bột sang ăn cháo? Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ bé biết được thời điểm cho bé chuyển từ ăn bột sang cháo.

1. Khi nào mẹ nên cho bé ăn cháo ?

Khi bé càng lớn thì nhu cầu ăn của con cũng tăng lên theo, lượng sữa mẹ sẽ không còn đáp ứng đủ cho nhu cầu của con. Cũng bởi lý do đó mà khi con được 6 tháng tuổi, các bậc cha mẹ nên bắt đầu một chế độ ăn dặm riêng với bột hay cháo rây. Nhưng các bậc cha mẹ cũng cần phải ghi nhớ sữa mẹ hay sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ, chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn trong suốt năm đầu tiên đến khi trẻ được 1 tuổi.

Khởi đầu, các mẹ nên cho con làm quen với thức ăn bằng cách cho con ăn bột gạo hoặc cháo trắng sau đó dần dần thêm các loại rau củ xay nhuyễn, tiếp đến là các loại thịt và hải sản. Theo nguyên tắc của ăn dặm truyền thống thì các mẹ cũng nên cho con ăn từ ngọt sang mặn, từ loãng đến đặc dần. Những nguyên tắc này phù hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ.

Khi trẻ được gần 7 tháng tuổi, các mẹ có thể cho bé ăn đặc dần với bột đặc hoặc cháo loãng. Vẫn theo nguyên tắc bắt đầu với rau củ và sau đó là thịt và hải sản. Vậy câu hỏi đặt ra là cho bé ăn bột bao lâu nên chuyển sang cháo ?

Câu trả lời là khi bé được 8 tháng tuổi thì mẹ có thể cho con bắt đầu ăn cháo. Nhưng thời điểm này các mẹ cũng chỉ nên cho con ăn cháo xay nhuyễn để trẻ dần làm quen với tinh bột trước. Sau một thời gian, mẹ có thể nấu cháo loãng và nguyên hạt như người lớn.

Chuyển từ ăn bột sang ăn cháo
Bé ăn bột bao lâu nên chuyển sang cháo là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ có

2. Ba thời điểm cho trẻ ăn cháo xay, cháo vỡ hạt, cháo nguyên hạt

2.1. Thời điểm cho trẻ ăn cháo xay nhuyễn

Như đã đề cập ở phần trên, khi trẻ tập ăn cháo nên bắt đầu với cháo xay nhuyễn. Bởi vậy, thời điểm này là khi trẻ được 7 hoặc 8 tháng tuổi. Các mẹ có thể cho trẻ ăn cháo xay nhuyễn khoảng 1 đến 2 tháng để bé dần làm quen với thức ăn lợn cợn. Tùy vào nhu cầu và khả năng của con mà thời gian ăn cháo xay nhuyễn dài hay ngắn.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung thì trẻ em nên bắt đầu ăn cháo khi được từ 8 tháng tuổi trở lên. Thời điểm bắt đầu ăn dặm là khi trẻ được 6 và 7 tháng thì nên cho trẻ ăn bột.

2.2. Thời điểm cho trẻ ăn cháo vỡ hạt

Cháo vỡ hạt có độ thô nhất định nên khi bé đã làm quen với cháo được 1 đến 2 tháng thì mẹ hãy bắt đầu cho con chuyển sang loại cháo này. Và thời điểm đó là khi trẻ được khoảng 10 tháng tuổi - đây cũng là lúc dạ dày của trẻ đã quen với thực phẩm thô trước đó nên có thể tiêu hóa được loại cháo này.

Lúc này mẹ không cần phải xay nhuyễn cháo nữa mà chỉ cần nấu nhừ cháo và đánh nhuyễn. Các loại thực phẩm khác ăn kèm cháo cũng nên xay lợn cợn để con tập nhai đồng thời dạ dày của con thực hiện được chức năng xử lý thực phẩm thô và tiêu hóa tốt hơn.

Giai đoạn cho trẻ ăn cháo vỡ hạt cũng chỉ nên duy trì trong khoảng 2 tháng. Ở giai đoạn này, các bé có thể sẽ ăn chậm hơn vì trẻ đang tập nhai nên các ông bố bà mẹ hãy kiên trì cùng với con và giúp con chia nhỏ các bữa ăn. Mách bạn một mẹo nhỏ là bạn có thể nấu các loại nước Dashi (một công thức chế biến của Nhật Bản bằng cách nấu các loại rau củ hoặc thịt cá trong một thời gian nhất định sau đó đổ các loại nước này vào từng khay đá trữ đông trong vài ngày), việc chế biến các loại nước dashi này vừa tiết kiệm thời gian cho các mẹ mà còn kích thích vị giác của các con, thêm nữa chúng còn chứa nhiều loại khoáng chất và vitamin thiết yếu giúp trẻ tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, kích thích não bộ, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Thêm nữa, các mẹ cũng có thể nấu cháo với các loại hạt dinh dưỡng tốt cho trí não như óc chó hay hạt macca... để thay đổi khẩu vị cho trẻ.

2.3. Thời điểm cho trẻ ăn cháo nguyên hạt

Sau khoảng thời gian của 2 tháng ăn cháo vỡ hạt, các mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn cháo nguyên hạt. Thời điểm lý tưởng nhất là khi trẻ được 12 tháng tuổi. Các mẹ nên cho trẻ ăn thô tăng lên để kích thích sự phát triển của cơ hàm, trẻ nhai kỹ và tăng cường vị giác hơn. Việc cho trẻ ăn thô khi trẻ được 1 tuổi cũng giúp trẻ thích thú với các món ăn hơn, tạo tiền đề tốt để trẻ có thể dần chuyển sang ăn cơm hạt.

Cho bé ăn cháo loãng
Cha mẹ có thể cho bé 7-8 tháng tuổi chuyển từ ăn bột sang ăn cháo

3. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng về cấu trúc thức ăn theo từng độ tuổi.

Các mẹ không nên cho trẻ ăn dặm trước 5.5 tháng tuổi vì bắt đầu ăn dặm sớm sẽ khiến trẻ biếng ăn và dễ bị viêm da dị ứng.

Không nên cho trẻ ăn các loại bột ăn dặm chế biến sẵn. Hãy bắt đầu với các loại bột gạo, chuối, bơ hoặc cà rốt nghiền với sữa (nếu cần).

Khi đến độ tuổi thích hợp như đã đề cập đến ở phần trên thì chuyển dần sang cấu trúc mới cho trẻ và cho trẻ khoảng thời gian 2 tuần chuyển tiếp để trẻ dần thích nghi, đừng quá khắt khe.

Trong các giai đoạn chuyển tiếp trẻ sẽ ăn ít hơn, cha mẹ cũng nên chú ý lượng ăn trong giai đoạn chuyển tiếp, đừng cố “nhồi nhét” trẻ ăn như lượng trước đó, khi trẻ dần quen với cấu trúc mới thì tăng lượng lại như ban đầu.

Khi giới thiệu cấu trúc mới, cha mẹ nên nấu riêng từng loại để trẻ dễ cảm nhận cấu trúc mới và mùi vị. Khi đã quen với các loại thức ăn thì có thể trộn đa dạng.

Khi trẻ đã ăn quen với cháo thì có thể cho trẻ ăn trong khoảng thời gian 7 - 9 tháng là ngày 2 lần mỗi lần 1/2 chén cháo (khoảng 100ml/bữa). Mỗi bữa ăn nên cách nhau ít nhất 3 tiếng thì bé mới có cảm giác đói và sẽ ăn tốt hơn, mỗi cữ ăn < 30 phút không kéo dài hơn, nếu trẻ không muốn ăn hoặc ăn ít cũng nên dẹp đĩa để trẻ ăn tốt hơn vào bữa sau.

Chỉ nên cho trẻ ăn thịt bò, thịt gà hoặc thịt lợn trước, sau khi được 8 tháng cho trẻ làm quen với cá, tôm đồng sau đó mới ăn đồ biển. Với mỗi loại đồ ăn mới thì cho trẻ ăn trong 3 ngày liên tiếp để xem liệu trẻ có bị dị ứng không và nếu không thì vẫn tiếp tục cho trẻ ăn. Rau nấu cho trẻ khoảng 20 gram rau (tương đương 2 muỗng rau bằm) + 2.5ml dầu oliu (hoặc 2.5ml dầu omega 3 / bữa) hoặc mỡ động vật. Ba mẹ nên cho trẻ ăn xen kẽ dầu thực vật và mỡ động vật. Đối với dầu thực vật nên cho trẻ ăn dưới dạng thô nguyên hạt bởi nó sẽ giữ được liên kết đôi quý giá từ dầu thực vật mà không bị oxy hóa khi chế biến.

Sữa chua hay váng sữa cũng không nên cho trẻ ăn trước 8 tháng và sau 8 tháng có thể cho ăn một ít nhưng thời điểm tốt nhất vẫn là sau 10 tháng mới cho ăn các loại đó để tránh nguy cơ dị ứng.

“ Nuôi con có phải là một cuộc chiến ?” Câu trả lời ở chính những ông bố bà mẹ, hãy là những ông bố bà mẹ thông thái, hiểu con để chăm sóc con được tốt. Đồng hành cùng con trên mỗi bước phát triển của con chính là niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng có được. Chúc bạn sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích để có thể cho con được chế độ ăn uống hợp lý nhất giúp con phát triển toàn diện. Mỗi em bé là một cá thể, không em bé nào giống em bé nào, để ý đến nhu cầu của con để có những thay đổi phù hợp với con.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

80.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan