Các bệnh nghiêm trọng trẻ có thể mắc trong giai đoạn 0-3 tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thái Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Nếu trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng được liệt kê dưới đây thì nguy cơ cao đã bị mắc phải các bệnh nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi đó, hãy tìm đến sự hỗ trợ và chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

1. Trẻ buồn ngủ và không phản ứng

Đôi khi trẻ cảm thấy buồn ngủ là điều hoàn toàn bình thường, đặc biệt cơn buồn ngủ của bé thường xuất hiện sau khi bú sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu con bạn có biểu hiện buồn ngủ quá mức bình thường, đây có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

Trong trường hợp trẻ ngủ mà không thể đánh thức dậy, ngay cả khi bạn đã cố làm cho bé tỉnh nhiều lần, tốt nhất hãy liên hệ tới bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Tình trạng không phản ứng của trẻ rất có thể là triệu chứng của một số bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp), hoặc nhiễm trùng não (viêm màng não) đe dọa đến tính mạng của trẻ.

2. Trẻ khóc the thé, yếu ớt hoặc khóc liên tục

Bệnh lồng ruột dễ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi
Trẻ bị lồng ruột dẫn đến tình trạng đau bụng dữ dội, làm trẻ khóc thét và vô cùng khó chịu

Hầu hết mọi đứa trẻ đều khóc trong những năm tháng đầu đời để báo hiệu cho bố mẹ biết khi trẻ cảm thấy đói hoặc buồn ngủ. Tuy nhiên, khi con bạn khóc một cách bất thường, ví dụ như tiếng khóc the thé, yếu ớt hoặc khóc không ngừng, đây có thể là biểu hiện của một số vấn đề về sức khỏe ở trẻ.

Dựa theo tiếng khóc của bé, kết hợp với các triệu chứng bên ngoài có thể giúp bạn nhận biết được tình trạng bệnh mà trẻ đang mắc phải:

  • Bệnh viêm màng não: Dấu hiệu đầu tiên cho căn bệnh này là trẻ liên tục khóc thét, đôi khi dừng lại một lát rồi tiếp tục quấy khóc. Các triệu chứng khác kèm theo bao gồm sốt cao, nôn trớ thức ăn, chán ăn, cứng gáy, căng phồng thóp (ở trẻ sơ sinh), bỏ bú, ngủ li bì, thậm chí bị hôn mê hoặc co giật.
  • Bệnh lồng ruột: Căn bệnh này thường khiến cho trẻ bị đau bụng dữ dội, làm trẻ khóc thét và vô cùng khó chịu. Một số triệu chứng khác có thể nhận thấy bao gồm bỏ bú, nôn mửa, bụng trướng, đại tiện có máu lẫn trong phân. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, trẻ thường có biểu hiện khóc thét từng cơn, la hét, sau đó cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, kèm theo sốt cao, giảm tần suất đi tiểu, da xanh tái, hôn mê, lờ đờ, hoặc cơ thể bị mất nước trầm trọng.
  • Bệnh ngạt mũi hoặc cảm cúm: Trẻ sẽ có biểu hiện như quấy khóc không yên và không có dấu hiệu ngừng khóc, kể cả khi đã được dỗ dành.
  • Bệnh viêm ruột hoại tử sơ sinh: Trẻ thường có các triệu chứng đáng chú ý như khóc thét từng cơn, ngủ li bì, tiêu chảy, nôn ra dịch vàng, đại tiện ra máu, hoặc chướng bụng.
  • Bệnh viêm phổi: Trẻ có các dấu hiệu như sốt cao, thở khò khè, quấy khóc liên tục, bú kém, phập phồng cánh mũi hoặc thở rên. Trong trường hợp tiếng khóc của trẻ nghe yếu ớt, và có tiếng rên ngắt quãng rất có thể là triệu chứng của suy tim.
  • Bệnh viêm amidan cấp: Trẻ thường khóc không ngừng, tiếng khóc nghe khàn khàn, rõ nhất khi về đêm. Ngoài ra, các triệu chứng khác của viêm amidan cấp ở trẻ em, bao gồm sốt, ho, khó thở, khó nuốt, hôi miệng, nôn mửa hoặc đau họng.

3. Trẻ khó thở hoặc thở bất thường

Trẻ sơ sinh có thể bị ho vào buổi sáng
Trẻ ho dai dẳng thường cảm thấy khó thở

Khi cảm thấy khó thở, trẻ thường có các biểu hiện cụ thể sau:

  • Phải cố gắng thở nhiều hơn để đưa không khí vào trong phổi
  • Trẻ bị ho dai dẳng
  • Co thắt các cơ ở giữa các xương sườn khi trẻ cố gắng thở
  • Trẻ không thể nói hoặc phát ra âm thanh

Trong trường hợp nghiêm trọng, con bạn có thể trông rất mệt mỏi và xanh xao. Bé trở nên mệt mỏi, yếu sức, hoặc phát ra tiếng rên theo từng nhịp thở. Các triệu chứng thở này có thể do viêm phổi hoặc hen suyễn nặng gây ra.

4. Da trẻ xanh xao và nhợt nhạt

Khi da trẻ có biểu hiện xanh xao và nhợt nhạt có thể là do máu lưu thông kém hoặc lượng oxy trong cơ thể thấp. Cả hai vấn đề này đều có thể là các triệu chứng của một tình trạng bệnh nghiêm trọng ở trẻ em.

5. Trẻ bị co giật hoặc động kinh

Trẻ bị co giật
Hình ảnh trẻ bị co giật

Khi bị co giật hoặc động kinh, mắt của trẻ có thể bị trợn ngược lên. Ngoài ra, một số trẻ không phản ứng, trong khi một số khác lại run rẩy dữ dội ở tất cả các chi trong một thời gian ngắn, kèm theo thở nông hoặc thở bất thường.

Sau khi hết cơn co giật, bạn nên để con nằm nghiêng trên một bề mặt mềm, và giữ cho chân của bé hơi cong lại. Tư thế này có thể giúp trẻ phục hồi lại. Ngoài ra, bạn cũng không nên để trẻ cho ngón tay hay bất cứ thứ gì vào miệng trong thời gian này. Vì điều này có thể khiến con bạn bị tắc thở.

6. Trẻ bị phát ban

Các nốt phát ban hoặc nốt đốm xuất hiện ở trên da nhưng không có dấu hiệu mờ đi khi bạn ấn mạnh lên da của bé rất có thể là biểu hiện của căn bệnh nhiễm trùng não mô cầu đe dọa đến tính mạng của trẻ.

7. Trẻ sốt cao trên 38 ° C

Trẻ sốt không rõ nguyên nhân
Trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt không rõ nguyên nhân cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay

Khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 38 ° C, đây là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại sự nhiễm trùng. Hầu hết trẻ nhỏ bị sốt không phải là một căn bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, sốt có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng nguy hiểm.

Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, bạn nên đưa bé tới khám bác sĩ ngay lập tức. Vì trẻ em trong độ tuổi này khó có thể phân biệt được liệu chúng có bị mắc phải các bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng hay không. Nhưng nếu con bạn đã trên 3 tháng tuổi và không có các dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng, bạn vẫn nên đưa con đến bác sĩ để được sàng lọc và sớm ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe.

8. Trẻ bị mất nước

Một trong những dấu hiệu ban đầu khác của một số căn bệnh nghiêm trọng là tình trạng mất nước ở trẻ. Khi cơ thể bị mất nước, tần suất đi tiểu của trẻ sẽ bị giảm xuống.

9. Nôn mửa thường xuyên

Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ
Nếu trẻ nôn mửa không ngừng cần cho trẻ đến bệnh viện ngay lập tức

Nôn mửa là một cách để cơ thể đào thải các chất gây khó chịu ra bên ngoài. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu của bệnh tật hoặc sự nhiễm trùng.

Nôn mửa không ngừng có thể dẫn đến tình trạng mất nước và mất cân bằng nguy hiểm trong hệ thống hóa học của cơ thể. Bạn cần cho trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì, và vẫn bị nôn sau:

  • 12 giờ đối với trẻ dưới 2 tuổi
  • 24 giờ đối với trẻ em trên 2 tuổi

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: Raisingchildren.net.au

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan