Các đặc điểm cần lưu ý khi xử trí lâm sàng co giật ở trẻ

Co giật ở trẻ nhỏ có thể gây các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe hiện tại và sự phát triển trong tương lai của trẻ. Khi xử trí lâm sàng co giật trẻ em, bác sĩ cần hết sức nhanh chóng và thận trọng với nguyên tắc phòng ngừa thiếu oxy não, cắt cơn co giật và điều trị nguyên nhân gây co giật.

1. Co giật trẻ em là gì?

Co giật là trạng thái rối loạn tạm thời về ý thức, vận động, cảm giác, thần kinh tự động do sự phóng điện đột ngột quá mức nhất thời của một số nơron thần kinh. Các cơn co giật thường xảy ra trong hai năm đầu đời của trẻ, ước tính có khoảng 5% trẻ dưới 5 tuổi có ít nhất một cơn co giật. Sau cơn co giật đầu, có khoảng 30-50% trẻ bị co giật lặp lại nhiều lần, đây là những triệu chứng báo hiệu bệnh động kinh.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây co giật ở trẻ nhỏ như:

1.1. Co giật trẻ em do các bệnh tổn thương thực thể hệ thần kinh

  • Nhiễm khuẩn hệ thần kinh gây viêm não, viêm màng não, áp xe não,...
  • Chấn thương sọ não: cơn co giật ở trẻ có thể xảy ra ngay hoặc xảy ra vài năm sau khi bị chấn thương.
  • Sang chấn sản khoa và thiếu oxy não chiếm 70% các nguyên nhân gây co giật ở trẻ sơ sinh.
  • Trẻ mắc các khối choán chỗ nội sọ như u não, ổ tụ máu,...
  • Khuyết tật bẩm sinh do thiếu oxy não thai, mẹ bị nhiễm siêu vi trong 4 tháng đầu thai kỳ,...
  • Co giật trẻ em do tắc mạch máu não do bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tim bẩm sinh, nhồi máu não,...
  • Bệnh thoái hóa chất trắng, chất xám; loạn sản thần kinh ngoại bì,...
Nhồi máu não
Nhồi máu não gây co giật ở trẻ

1.2. Co giật trẻ em do rối loạn chuyển hóa

  • Bệnh GM2 gangliosidosis (Tay-Sachs): trẻ sa sút trí tuệ, mất thị giác, chậm phát triển từ 3 tháng kèm theo co giật.
  • Hội chứng Rett: khi mới sinh ra trẻ phát triển bình thường, từ tháng thứ 6 trở đi, vòng đầu trẻ không phát triển, không phát triển tinh thần cũng như vận động, kèm các cơn co giật.
  • Bệnh Phenylceton niệu: là một bệnh di truyền do gen lặn, do cơ thể trẻ thiếu men phenylalanin 4-hydroxylase, trẻ bị vàng da, chậm phát triển tinh thần, bị co giật cục bộ.
  • Bệnh nhiễm leucine: là bệnh di truyền gen lặn gây rối loạn quá trình chuyển khử cacbon để chuyển hóa acid amin.
  • Co giật ở trẻ nhỏ còn có thể do các rối loạn chuyển hóa khác như do hạ canxi máu, hạ magie máu, hạ hoặc tăng natri máu, thiếu vitamin B6; do ngộ độc camphor, strychnin,...

1.3. Co giật ở trẻ nhỏ nguyên nhân bệnh não do cao huyết áp

Trẻ bị cao huyết áp do mắc các bệnh lý như u tế bào ưa chrome, viêm cầu thận, hẹp eo động mạch chủ, dị dạng động mạch thận,... Cao huyết áp gây nhức đầu, nôn ói, chóng mặt,...kèm co giật ở trẻ, đây gọi là nhóm bệnh não do cao huyết áp.

viêm cầu thận
Trẻ có thể bị cao huyết áp kèm co giật

1.4. Co giật ở trẻ nhỏ do sốt cao

Co giật ở trẻ nhỏ do sốt cao là những cơn co giật xảy ra trong quá trình trẻ đang mắc một bệnh lý cấp tính có sốt. Co giật do sốt cao ở trẻ em có 3 dạng là:

  • Sốt cao co giật đơn thuần, đây là dạng co giật lành tính ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Co giật xảy ra khi thân nhiệt trẻ hơn 39 độ, kiểu co giật lan tỏa, thời gian co giật ngắn, dưới 10-15 phút, số cơn co giật ít. Trẻ và gia đình không có tiền sử bệnh thần kinh, kết quả điện não đồ bình thường, xét nghiệm dịch não tủy bình thường. Co giật lành tính ở trẻ sơ sinh và trẻ em không để lại di chứng trong hơn 90% trường hợp.
  • Co giật do sốt cao phức tạp: thân nhiệt lúc lên cơn co giật có thể thấp hơn 39 độ, kiểu co giật có thể là lan tỏa, cục bộ hoặc liệt Todd. Cơn cơ giật kéo dài trên 15 phút. Số cơn co giật nhiều trên 5 cơn, trẻ hoặc gia đình có tiền sử bệnh động kinh. Kết quả khám thần kinh, điện não đồ bất thường, xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả bệnh lý. Trẻ bị sốt cao co giật phức tạp, 2-7% trẻ khi lớn lên có thể mắc bệnh động kinh và suy giảm trí tuệ.
  • Trạng thái động kinh do sốt: co giật trẻ em kéo dài hơn 30 phút hoặc từng đợt lặp lại liên tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tri giác và tính mạng trẻ.
sốt cao co giật
Sốt cao là nguyên nhân gây co giật phổ biến ở trẻ

1.5. Co giật ở trẻ nhỏ do động kinh

Động kinh có thể là hậu quả của những bệnh lý, rối loạn nêu trên hoặc là bệnh tự phát không rõ nguyên nhân. Bệnh động kinh là tập hợp các cơn động kinh với đặc tính là các cơn có tính định hình lặp lại nhiều lần, các cơn xảy ra đột ngột và ngắn, trong cơn có rối loạn chức năng thần kinh, trên điện não đồ có các đợt sóng kịch phát.

2. Co giật trẻ em nguy hiểm như thế nào?

  • Thiếu oxy não: đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp trong cơn co giật. Co giật ở trẻ nhỏ có thể gây ngưng thở, thở nhanh sâu, thở kiểu Cheyne-Stokes, tăng tiết dịch hầu họng,... Ngoài ra, trẻ có thể hít phải dịch dạ dày gây tổn thương phổi, điều này cũng có thể làm nặng thêm tình trạng giảm oxy ở các mô tế bào và mô não.
  • Nhiễm toan do tăng acid lactic từ chuyển hóa yếm khí, tăng hoạt động của cơ từ đó gây nguy cơ tổn thương tế bào thần kinh. Tuy nhiên, ngay sau ngừng co giật thì tình trạng này được giải quyết thông qua cơ chế chuyển hóa của thận và bù trừ của phổi.
  • Tăng thân nhiệt do rối loạn vùng dưới đồi hoặc là hậu quả của co giật tiếp diễn.
  • Tăng hủy cơ làm tăng Kali máu từ đó làm gia tăng nguy cơ loạn nhịp tim.
  • Thay đổi huyết áp: trong giai đoạn đầu co giật, huyết áp tăng do tăng catecholamin nhưng sau đó huyết áp giảm gây giảm lưu lượng máu đến não, có thể làm chết tế bào não và gây di chứng thần kinh vĩnh viễn.
  • Chấn thương: co giật trẻ em có thể làm trẻ té khi lên cơn, gây các vết thương mô mềm, trật khớp,...
Nguyên nhân thiếu oxy lên não
Thiếu oxy lên não là biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị co giật

3. Các đặc điểm cần lưu ý khi xử trí lâm sàng co giật ở trẻ

Trong quá trình xử lý lâm sàng co giật ở trẻ, bác sĩ cấp cứu sẽ đặc biệt lưu ý đến các đặc điểm sau đây:

Tiếp cận chẩn đoán

Ngay khi tiếp nhận co giật ở trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ nhanh chóng đánh giá sơ bộ chức năng sống và thực hiện các bước sơ cứu cơ bản của hồi sức, nhằm đảm bảo cho não bộ và các chức năng sống khác không bị tổn thương trong quá trình khai thác bệnh sử cũng như khám lâm sàng.

Khai thác bệnh sử

Khai thác bệnh sử có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh, trong co giật trẻ em, các yếu tố bác sĩ sẽ quan tâm khai thác là:

  • Trẻ có sốt, tiêu chảy, bỏ ăn hay không?
  • Tính chất cơn co giật của trẻ là toàn thể, cục bộ hay khu trú, thời gian co giật kéo dài bao lâu, số cơn co giật tái phát theo thời gian.
  • Tiền sử bệnh của trẻ: trẻ có từng bị sốt cao co giật trước kia, có bị động kinh, rối loạn chuyển hóa, chất thương đầu hay tiếp xúc với độc chất hay không? Sự phát triển tâm thần vận động của trẻ như thế nào?
  • Hỏi người trực tiếp chăm sóc, trẻ đã từng có cơn co giật không?

Thăm khám lâm sàng

Đặc điểm cần lưu ý khi khám lâm sàng co giật ở trẻ nhỏ là:

  • Khám tri giác xem trẻ tỉnh hay mê
  • Khám các dấu hiệu sinh tồn của trẻ như mạch, huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở, SaO2
  • Khám để phát hiện các tổn thương ngoài da liên quan đến chấn thương
  • Khám để phát hiện dấu hiệu thiếu máu do trẻ bị sốt rét ác tính hoặc xuất huyết não màng não
  • Khám dấu hiệu màng não: trẻ có dấu hiệu cổ cứng, thóp phồng hay không?

Ngoài ra, khám dấu hiệu thần kinh khu trú, dấu hiệu mất nước, khám toàn diện tai mũi họng,...

chườm ấm trẻ sốt
Khi xử trí lâm sàng co giật ở trẻ cần thăm khám lâm sàng như xem trẻ tỉnh hay mê

Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thực hiện

  • Các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán bệnh gồm: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, đường huyết, dextrostix, ion đồ.
  • Chọc dò tủy sống khi nghi ngờ có triệu chứng lâm sàng của viêm màng não, dịch tủy sống được dùng để thực hiện xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi trùng, Latex, IgM hoặc huyết thanh chẩn đoán viêm não.
  • Đo điện não đồ: nhằm chẩn đoán chính xác thể động kinh để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Chỉ định đo điện não đồ cho những trẻ có nguy cơ cao và khi trẻ co giật tái phát nhiều lần có thể dẫn đến động kinh.
  • Echo não xuyên thóp. Thực hiện CT Scanner não nếu nghi ngờ trẻ có tụ máu, u não, áp xe não mà không làm được siêu âm xuyên thóp hoặc siêu âm có lệch M-echo.
  • Chỉ định X-quang phổi, cấy máu, cấy phân, xét nghiệm vi sinh mũi họng nếu cần thiết.

Xử trí lâm sàng co giật ở trẻ

Những cơn co giật kéo dài hoặc tái phát liên tục sẽ gây những hậu quả rất nặng nề. Có thể ngay lập tức làm thiếu oxy não do co cứng cơ hô hấp gây ngưng thở, tăng tiết đàm nhớt, té ngã trong cơn co giật. Hậu quả lâu dài sẽ làm sẽ chậm phát triển tâm thần, vận động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, khi xử trí lâm sàng co giật ở trẻ cần chú ý các nguyên tắc chung là:

  • Phòng ngừa thiếu oxy não: cho trẻ nằm nghiêng, đầu ngửa, hút đờm nhớt, cho trẻ thở oxy,...
  • Cắt cơn co giật bằng các thuốc Diazepam, Midazolam, Phenobarbital,... với liều thích hợp. Chuẩn bị bóng và mask thở để đề phòng trẻ ngưng thở khi dùng thuốc, đặc biệt là khi tiêm mạch nhanh.
  • Điều trị nguyên nhân gây co giật trẻ em: dựa vào khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây co giật ở trẻ nhỏ và điều trị theo phác đồ phù hợp.
  • Tư vấn cho gia đình về chăm sóc trẻ co giật để đề phòng tái phát.
thở oxy
Cần cho trẻ thở oxy phòng ngừa thiếu oxy não

Đối với trẻ co giật do sốt cao, dù hầu hết các trường hợp là co giật lành tính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên nếu đã xảy ra thì rất có khả năng sẽ tái phát. Do đó, những gia đình có con nhỏ nên có sẵn thuốc hạ sốt trong nhà, cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38 độ. Khi trẻ đã từng bị co giật thì chú ý cho trẻ hạ sốt sớm, đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị. Để phòng ngừa các bệnh viêm màng não mủ, viêm não có thể gây tổn thương não, gây co giật, các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ, tránh để trẻ bị muỗi đốt, đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng một số loại vắc-xin được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng dịch vụ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan