Các loại dính khớp sọ thường gặp ở trẻ em

Dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ em là một dị tật tương đối ít gặp. Loại dị tật này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn hạn chế sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ.

1. Dính khớp sọ ở trẻ em là gì ?

Dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ em là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi các đường khớp sọ dính với nhau sớm. Bình thường các khớp này sẽ cài vào nhau lúc trẻ được 2 – 4 tuổi và chỉ dính thật sự sau 20 tuổi.

Có hai cơ chế chính hoặc là do bệnh lý của xương sọ (dính khớp sọ nguyên phát) hoặc là do bệnh lý của não bộ không phát triển được nên các khớp sọ bị đóng sớm (dính khớp sọ thứ phát gây tật đầu nhỏ).

2. Các loại dị tật dính khớp sọ sớm

Dính khớp sọ
Hình ảnh một số loại dính khớp sọ

2.1 Dính đường khớp vành một bên (Coronal synostosis)

Đường khớp vành một bên bắt đầu từ tai và đi vào khớp dọc. Tính trạng đóng sớm đường khớp này sẽ dẫn đến dị tật đầu méo trước. Điều này có thể khiến trán của trẻ dẹt ở một bên, hốc mắt bên khớp bị dính sẽ bị kéo lên trên và mũi cũng bị lệch sang một bên. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến giảm thị lực hay thậm chí là mù mắt ở một bên.

2.2 Dính đường khớp lăm-đa (Lamboidal synostosis)

Đóng sớm đường khớp lăm-đa sẽ dẫn đến một tình trạng dị tật đầu méo sau. Loại dị tật này có thể khiến đầu méo phía sau, xương chũm bị nhô ra và tai cũng bị lệch ra sau. Tình trạng này là loại dị tật hiếm gặp nhất và có thể được chẩn đoán nhầm là tật đầu méo do tư thế.

2.3 Dính đường khớp vành hai bên (Bicoronal synostosis)

Xảy ra khi cả hai bên trái và phải của đường khớp vành đều dính. Hai khớp vành đóng sớm sẽ dẫn đến tình trạng tật đầu ngắn và rộng. Dị tật này làm cho phần trán và cung mày bị dẹt, nâng lên cao và lõm vào trong.

2.4 Dính đường khớp trán (Metopic synostosis)

Đường khớp trán bắt đầu từ mũi và đến khớp dọc. Nếu khớp này đóng sớm có thể gây ra tình trạng tật đầu hình tam giác. Dị tật này làm cho trẻ có trán nhọn, gờ xương nhô cao giữa trán, hộp sọ hình tam giác và hai mắt quá gần nhau.

2.5 Dính đường khớp dọc (Sagittal synostosis)

Đây là loại dị tật dính khớp sọ sớm phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ đến 3-5/1.000 ca trẻ sơ sinh. Khi khớp này đóng sớm có thể gây ra tình trạng tật đầu hình thuyền. Bởi vì hộp sọ không thể mở rộng sang hai bên, nó buộc phải phát triển về phía trước và phía sau, từ đó khiến trán của bé nhô ra, đầu dài ra chiều trước sau và hẹp đường kính ngang.

3. Điều trị

Trẻ em
Độ tuổi tốt nhất để phẫu thuật là từ 3-6 tháng tuổi, lúc này xương sọ của trẻ còn mỏng nên dễ can thiệp hơn

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ các đường khớp bị dính, tạo hình lại một phần hay toàn bộ hộp sọ, tạo không gian để não bộ phát triển và cải thiện thẩm mỹ cho trẻ. Độ tuổi tốt nhất để phẫu thuật là từ 3-6 tháng tuổi, lúc này xương sọ của trẻ còn mỏng nên dễ can thiệp hơn.

Đối với những trường hợp dính khớp sọ đơn thuần, chỉ cần 1 lần mổ tạo hình là có thể mang lại hiệu quả tốt. Trong những trường hợp dính khớp sọ phức tạp, thường cần can thiệp nhiều giai đoạn, bắt đầu từ 3 tháng tuổi cho đến 10 tuổi. Phẫu thuật tạo hình sọ là phẫu thuật lớn và thường kéo dài từ 5 - 8 giờ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan