Các mốc phát triển xã hội, nhận thức và thể chất của trẻ 5 tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hầu hết trẻ em từ 5 tuổi đã bắt đầu phát triển tính độc lập, tự chủ và sáng tạo hơn. Trẻ cũng đã có những phát triển nhất định về xã hội, nhận thức và thể chất. Ở độ tuổi này, trẻ hài lòng với việc chơi với đồ chơi của mình trong thời gian dài hơn, háo hức thử những điều mới và khi cảm thấy thất vọng, trẻ có khả năng thể hiện cảm xúc của mình tốt hơn. Mặc dù trẻ em lớn lên và phát triển theo tốc độ chung, nhưng con bạn có thể sẽ đạt được hầu hết các mốc phát triển xã hội, nhận thức và thể chất riêng. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này của trẻ 5 tuổi.

1. Các mốc phát triển

1.1. Phát triển về thể chất và vận động

Em bé 5 tuổi của bạn giờ đã có thể phối hợp được nhiều vận động phức tạp hơn và chắc chắn sẽ rất thích được thể hiện những khả năng về thể chất của mình. Bạn có thể thấy con mình không thể ngồi yên một chỗ, luôn vặn vẹo ngay cả khi xem tivi hoặc khi ăn, thậm chí ngay cả khi trẻ ngủ ở một vị trí này nhưng thức dậy lại ở vị trí khác với tư thế khác. Đừng quá lo lắng đó chỉ là những biểu hiện rất bình thường của những đứa trẻ trong tầm tuổi. Khi trẻ 5 tuổi có thể đạt được những mốc phát triển như:

  • Khả năng chạy, nhảy của con bạn trở nên tốt hơn vì ở độ tuổi này, trẻ sẽ có sự phối hợp và thăng bằng tốt hơn. Trẻ có thể đi xe đạp, nhảy dây, giữ thăng bằng trên một chân trong khoảng thời gian ngắn, đi bộ xuống cầu thang ...
  • Cơ bắp nhỏ của con bạn hoạt động tốt hơn, sử dụng tay linh hoạt để cài cúc áo sơ mi, bắt một quả bóng lớn, tự chải tóc và thậm chí buộc dây giày của mình,
  • Con bạn có thể ít cần hỗ trợ hơn để cho ăn và thậm chí có thể tự ăn các bữa ăn của mình.
  • Con bạn có thể tăng khoảng 5cm chiều cao và 2kg cân nặng khi trẻ được 4 tuổi.

1.2. Phát triển về hành vi

Trẻ 5 tuổi đã đi học được một khoảng thời gian, cách con bạn cư xử ở trường học, ở nhà hoặc những người xung quanh rất quan trọng. Bạn hãy luôn để mắt đến hành vi của trẻ. Sau đây là một số cột mốc phát triển về hành vi của một em bé 5 tuổi:

  • Con của bạn có thể trở nên độc lập hơn ở độ tuổi này, và trẻ có thể thích bắt đầu hòa nhập với các thành viên trong gia đình và bạn bè.
  • Con bạn có thể muốn tự mình làm mọi việc, như tự ăn bữa hoặc tự mặc quần áo, tự lựa chọn bộ quần áo con thích, tự mang giày dép ...
  • Con bạn có thể trở nên hòa đồng hơn khi bắt đầu đi học và gặp gỡ nhiều trẻ em hơn.

1.3. Phát triển về nhận thức

Phát triển nhận thức nghĩa là phát triển khả năng tư duy, lập luận và giải quyết vấn đề. Sự phát triển nhận thức đảm bảo rằng một đứa trẻ phát triển cả về tinh thần và cảm xúc. Bạn có thể nhận thấy rằng giờ đây sự chú ý của con đã tăng lên đáng kể và giờ trẻ có thể ngồi chơi một trò chơi yêu thích lâu hơn trước. Con bạn cũng sẽ có thể hiểu đầy đủ khái niệm về thời gian (hôm nay, ngày mai, hôm qua) và cũng biết các mùa, nhận biết các từ bằng mắt và cố gắng phát âm các từ khó. Một vài trẻ đã có thể đọc được những chữ đơn giản hoặc làm một vài bài toán dành cho tiểu học. Dưới đây là những mốc phát triển về nhận thức bạn nên biết:

trẻ 5 tuổi
Sự phát triển nhận thức đảm bảo rằng một đứa trẻ phát triển cả về tinh thần và cảm xúc
  • Trẻ có thể hiểu khái niệm về các quy tắc và thậm chí có thể làm theo chúng, giúp cha mẹ một vài việc nhỏ trong gia đình.
  • Chơi những trò chơi phức tạp hơn như ghép hình hoặc lego.
  • Trẻ kiên nhẫn và độc lập hơn, có thể đưa ra vài quyết định nhỏ.
  • Con bạn có thể hiểu khái niệm 'đúng' và 'sai'.
  • Con bạn sẽ nhận ra hầu hết các bảng chữ cái, thậm chí có thể tự viết ra bằng trí nhớ của mình.
  • Trẻ thích đọc sách tranh và kể một câu chuyện tưởng tượng theo ý thích.
  • Con bạn có thể nhớ số điện thoại của bạn, có khả năng nói tên đầy đủ, địa chỉ, tuổi và ngày sinh của trẻ.

1.4. Phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp:

Khi con bạn lên 5 tuổi, trẻ sẽ giao tiếp với mọi người tốt hơn. Kỹ năng giao tiếp tốt luôn giúp ích về lâu dài. Bạn sẽ nhận thấy trẻ thích nói chuyện hơn, ngay cả khi không có ai ở trong phòng trẻ có thể tưởng tượng ra những câu chuyện để nói với những người bạn búp bê hay siêu nhân của mình. Bạn cũng có thể thấy trẻ đang sử dụng những câu phức tạp đầy đủ và sẽ có những cuộc trò chuyện giống như người lớn. Chúng có thể hiểu các câu chuyện cười, câu đố và sẽ thích tham gia vào các buổi biểu diễn ở trường.

Các mốc phát triển ngôn ngữ của em bé 5 tuổi:

  • Trẻ nói được những câu dài hơn, phức tạp hơn một cách rõ ràng mạch lạc. Bạn có thể sẽ bất ngờ và cảm thấy thú vị khi trẻ nêu quan điểm của trẻ về một sự việc hay câu chuyện nào đó.
  • Nói cho bạn nghe về một ngày ở trường, bày tỏ cho bạn thấy sở thích của mình.
  • Có thể hiểu quan điểm của người khác.
  • Thể hiện những cảm xúc phức tạp hơn, như ghen tị hoặc thất vọng

1.5. Phát triển về tình cảm và xã hội

Sự phát triển xã hội và tình cảm có thể giúp một đứa trẻ có được những người bạn mới. Nó cũng giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình cũng như cảm xúc của người khác. Trẻ cũng sẽ có thể đồng cảm và chia sẻ những vấn đề của mình. Tính độc lập của trẻ đang được thể hiện ở thời điểm này, nhưng trẻ vẫn cần tình yêu và sự quan tâm của bạn. Do đó, sự phát triển xã hội và tình cảm ở một đứa trẻ giúp hoàn thiện nhân cách của chúng.

5 tuổi
Sự phát triển xã hội và tình cảm có thể giúp một đứa trẻ có được những người bạn mới

Những việc trẻ có thể làm để thể hiện sự phát triển về tình cảm và xã hội trong giai đoạn này bao gồm:

  • Thể hiện cảm xúc rõ ràng, hiểu những cảm xúc phức tạp hơn như ghen tị / thất vọng. Trẻ có thể kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình, ít bộc phát tức giận / buồn bã bất ngờ.
  • Kiên nhẫn hơn, cởi mở hơn và cũng lý luận hơn nữa. Tìm kiếm sự chấp thuận, nhưng có thể không phản hồi tốt với những lời chỉ trích.
  • Tận hưởng những ngày vui chơi với bạn cùng lớp.
  • Kết nối với các thành viên trong gia đình
  • Con bạn có thể phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng.

1.6. Học tập và phát triển giáo dục

Đến 5 tuổi, các kỹ năng học tập của con bạn sẽ phát triển. Để biết liệu con bạn có đang đạt được các mốc học tập và giáo dục hay không, hãy xem những mốc sau:

  • Con bạn sẽ có thể phân biệt và viết chữ thường và chữ hoa.
  • Con bạn đã có thể nắm vững các khái niệm cơ bản về bảng chữ cái, số và màu sắc, v.v.

2. Lời khuyên cho cha mẹ để giúp phát triển ở trẻ 5 tuổi

Con bạn học hỏi được nhiều điều từ việc khám phá những điều mới và rút ra kinh nghiệm. Do đó, điều quan trọng là cho con bạn tiếp xúc với các môn thể thao, thủ công và các tình huống xã hội mới. Là cha mẹ, bạn có thể giúp con học những điều mới và đạt được các mốc phát triển khác nhau như sau :

  • Cho con bạn chơi các trò chơi có thể giúp con phát triển các kỹ năng xã hội khác nhau như quan tâm, chia sẻ, v.v.
  • Thu hút con bạn tham gia các hoạt động như hát, kể chuyện và ngâm thơ, vì những hoạt động này sẽ giúp con bạn phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình.
  • Bạn có thể cho trẻ tham gia nhiều công việc gia đình khác nhau với bạn như nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, v.v. Những công việc hàng ngày này sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động của mình.
  • Thu hút con bạn tham gia các hoạt động liên quan đến vẽ, tô màu, v.v.
  • Cho con bạn tham gia một số hoạt động ngoài trời như đạp xe, bơi lội, chơi bóng, v.v. cùng những người bạn.
  • Nếu có thể cho con bạn làm quen với một vài ngoại ngữ, đây là thời điểm thích hợp để trẻ làm quen và ghi nhớ.
trẻ 5 tuổi
Cho con bạn chơi các trò chơi có thể giúp con phát triển các kỹ năng xã hội khác nhau như quan tâm, chia sẻ, ...

3. Khi nào bạn cần lo lắng

Trẻ em phát triển và tăng trưởng theo tốc độ của riêng chúng, vì vậy đừng quá lo lắng nếu con bạn chưa đạt được tất cả các mốc quan trọng này trước 5 tuổi. Bạn không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác vì sớm muộn gì bé cũng có thể đạt được tất cả các mốc phát triển đó. Tuy nhiên, có thể có những biểu hiện bất thường ở trẻ trong độ tuổi này bạn nên nhận biết được để có thể can thiệp sớm hoặc tham khảo lời khuyên của bác sĩ:

  • Bạn nhận thấy rằng con bạn có vẻ thu mình và bị cô lập hoặc tự kỷ
  • Con bạn thể hiện những cảm xúc hoặc hành vi quá khích như buồn bã, lo lắng, sợ hãi , v.v.
  • Bạn nghĩ rằng con bạn không đáp lại người khác hoặc nếu trẻ đang cư xử hời hợt trước mặt người khác.
  • Bạn nhận thấy rằng con bạn dễ bị phân tâm và khó tập trung vào bất kỳ hoạt động nào trong hơn năm phút.
  • Con bạn có thể quên hoặc mất kỹ năng mà trẻ đã từng có.
  • Con bạn gặp khó khăn trong việc làm việc nhà hàng ngày như tự cởi quần áo, lau khô tay sau khi rửa hoặc đánh răng hoặc một số rối loạn vận động có thể gặp ở trẻ.
  • Con bạn có những hành vi không phù hợp lứa tuổi.
  • Con bạn trằn trọc khó ngủ yên.
  • Con bạn chưa thể vẽ những bức tranh cơ bản.
  • Con bạn không chia sẻ các hoạt động hàng ngày của mình.
  • Con bạn không sử dụng không thể sử dụng ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ) để diễn đạt được cảm xúc cũng như suy nghĩ của mình.
  • Con bạn không thể nhớ tên hoặc họ của mình.
  • Con bạn không thích thực hiện nhiều hoạt động hoặc trò chơi khác nhau.
  • Con bạn không thể phân biệt được tình huống thực và không thực.
  • Con bạn không thể hiện những cảm xúc khác nhau (rối loạn cảm xúc).

Trong giai đoạn phát triển của trẻ 5 tuổi, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở nhận thức, thể chất,.. cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com, expatwoman.com, parenting.firstcry.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan