Cách phòng bệnh sốt virus ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sốt virus là bệnh thường gặp vào mùa hè ở trẻ, biểu hiện bằng việc trẻ bị sốt cao 39-40 độ C, đi kèm với ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa, phát ban,... Phòng ngừa sốt virus ở trẻ là một việc rất quan trọng mà phụ huynh cần nắm rõ để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này.

1. Biểu hiện của bệnh sốt virus ở trẻ em

  • Sốt cao: Triệu chứng điển hình nhất của sốt virus hay sốt siêu vi ở trẻ em là sốt cao 39-40 độ C, thậm chí có khi lên tới 40-41 độ C. Trẻ trong cơn sốt thường tỏ ra mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường. Khi đã hạ được sốt, trẻ tỉnh táo trở lại và hoạt động bình thường;
  • Đau mình mẩy: Trẻ lớn thường kêu đau khắp người, đặc biệt là phần cơ bắp; trẻ nhỏ vì bị đau nên sẽ quấy khóc nhiều;
  • Đau đầu: Một vài trường hợp trẻ bị sốt virus có thể bị đau đầu nhưng vẫn trong trạng thái tỉnh táo, không kích thích;
  • Rối loạn tiêu hóa: Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa thì trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, biểu hiện bằng việc đi ngoài phân lỏng, không có máu, chất nhày. Biểu hiện này cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt;
  • Ban đỏ: Các ban đỏ thường xuất hiện 2-3 ngày sau sốt, lúc này trẻ sẽ đỡ sốt hơn.

2. Sốt virus ở trẻ sơ sinh diễn biến thế nào?

Trong những ngày hè, lượng bệnh nhi phải nhập viện để điều trị sốt virus thường tăng nhanh, điều này có thể do trẻ em mà đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa có hệ miễn dịch tốt nên rất dễ nhiễm bệnh. Trong điều kiện bình thường, nhiều virus ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa,... của trẻ, chỉ cần có điều kiện thuận lợi là chúng sẽ phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh.

Các loại virus thường gây sốt ở trẻ gồm Myxovirus, Coxackie, Enterovirus, sởi,... Virus có thể lây từ người bệnh sang người lành, đặc biệt những bệnh gây ra bởi virus ở đường tiêu hóa có thể bùng phát thành dịch. Triệu chứng điển hình nhất của tình trạng nhiễm virus là sốt cao, do vậy thuật ngữ y học gọi tình trạng này là sốt virus.

Sốt virus ở trẻ sơ sinh diễn biến rầm rộ với các triệu chứng kể trên và sẽ giảm dần rồi mất đi sau 3-5 ngày, sức khỏe của sẽ trẻ trở lại bình thường.

Sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào
Sốt virus ở trẻ sơ sinh diễn biến rầm rộ và sẽ giảm dần rồi mất đi sau 3-5 ngày

3. Xử trí sốt virus ở trẻ em như thế nào?

Hầu hết các bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bệnh sốt virus ở trẻ em cũng vậy. Các biện pháp xử trí khi trẻ bị sốt virus mà cha mẹ có thể áp dụng gồm:

  • Cặp nhiệt độ cho trẻ: Đặt nhiệt kế vào nách hoặc hậu môn trẻ. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút với cánh tay trẻ áp sát vào thành ngực.
  • Hạ sốt cho trẻ theo 2 cách:
    • Dùng thuốc hạ sốt: Thường dùng paracetamol với liều 10mg/kg, cách 6 giờ uống 1 lần;
    • Chườm cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát và mặc quần áo mỏng. Cởi quần áo và bỏ bớt chăn cho trẻ nếu đang sốt cao;
    • Lau mình trẻ bằng khăn ấm: Dùng khăn mềm, sạch nhúng vào nước ấm pha theo công thức 1 cốc nước sôi + 3-3,5 cốc nước nguội, lau lên khắp người trẻ cho tới khi thân nhiệt hạ xuống 37 độ C. Lưu ý không được chườm nước lạnh vì sẽ làm trẻ sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi;
  • Chống co giật: Áp dụng với trẻ sốt cao trên 38,5 độ. Lúc này cần dùng thuốc hạ sốt đi kèm thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là ở những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao;
  • Bù nước và điện giải: Đối với trẻ sơ sinh cần cho bú nhiều hơn bình thường, đồng thời cho uống bù nước Oresol theo chỉ dẫn. Nếu trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước này vào môi, miệng trẻ liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thụ nước, tránh tình trạng thiếu nước và chất điện giải;
  • Vệ sinh: Vệ sinh sạch sẽ thân thể trẻ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Cho trẻ nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch natriclorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp;
  • Chú ý tới dinh dưỡng: Nên cho trẻ ăn thức ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh,...

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện như sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là 39 độ C mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt; trẻ lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, bị co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan, sốt kéo dài trên 5 ngày.

4. Phòng bệnh sốt virus ở trẻ sơ sinh

Kinh nguyệt ra ít sau khi sinh con
Sốt virus là bệnh rất hay gặp ở trẻ trong mùa nóng

Sốt virus là bệnh rất hay gặp ở trẻ trong mùa nóng, đặc biệt là trẻ có sức đề kháng kém như trẻ sơ sinh. Do vậy, cha mẹ cần tìm hiểu và thực hành tốt những biện pháp phòng tránh sốt virus ở trẻ sơ sinh, nhất là trong thời điểm bệnh đang bùng phát thành dịch.

Thực tế việc phòng ngừa sốt virus cho trẻ không phải dễ dàng, do vậy, rất cần sự kiên trì, nghiêm túc của cha mẹ. Phương pháp thường được khuyến cáo là thực hiện tốt việc cách ly trẻ sơ sinh khỏi người bệnh. Nếu trong nhà có người mắc bệnh thì nên hạn chế tối đa tiếp xúc với trẻ.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh trong thời điểm giao mùa, cần tăng cường sức đề kháng toàn diện của trẻ bằng cách cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều các thực phẩm giàu kẽm, vitamin C, vitamin A:

  • Thực phẩm giàu kẽm gồm: Hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng,...
  • Thực phẩm giàu vitamin C gồm: Cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt chuông xanh,...
  • Thực phẩm giàu vitamin A gồm: Cà rốt, gan động vật, thịt đỏ, rau ngót, đu đủ hoặc các loại quả có màu đỏ khác,...

Chế độ sinh hoạt, vận động ở trẻ cần hợp lý, đảm bảo hài hòa trong ngủ - nghỉ. Cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách rửa tay, giữ sạch sẽ khi chơi đùa để loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính tay trẻ.

Để phòng tránh sốt virus và các bệnh khác ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan