Dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ

Tiêu lỏng hay tiêu phân có máu kèm nóng sốt, đau quặn bụng là các dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ. Đây là bệnh cảnh tiêu chảy thường gặp khiến trẻ phải nhập viện và điều trị tích cực từ đầu để tránh mất nước, suy kiệt.

1. Tình trạng trẻ bị kiết lỵ là gì?

Kiết lỵ được định nghĩa là tình trạng tiêu chảy có máu trong phân. Nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bị kiết lỵ cấp tính là do Shigella, đặc biệt là S. flexneri và S. dysenteriae typ 1. Các nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới trẻ bị kiết lỵ bao gồm Campylobacter jejuni, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và ít gặp hơn là Salmonella.

Một số tác nhân như vi khuẩn E. coli xâm nhập cũng có liên quan chặt chẽ với nhiễm Shigella và có thể gây những dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ mức độ nặng. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm tác nhân này là không phổ biến. Trong khi đó, Entamoeba histolytica gây bệnh kiết lỵ ở trẻ lớn và người lớn, nhưng hiếm gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong các bệnh cảnh tiêu chảy, trẻ bị kiết lỵ là một tình trạng nặng. Khoảng 15% tổng số các đợt tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi là chứng lỵ và chiếm tới 25% tổng số ca tử vong do tiêu chảy.

Hơn nữa, chứng kiết lỵ đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ em bị suy dinh dưỡng, mất nước rõ ràng trên lâm sàng trong thời gian bị bệnh hoặc không được bú sữa mẹ. Ngoài ra, bé bị kiết lỵ cũng có ảnh hưởng nhiều đến tình trạng dinh dưỡng hơn là tiêu chảy cấp tính. Mặt khác, dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ cũng xảy ra với tần suất và mức độ gia tăng ở trẻ em mắc bệnh sởi hoặc đã bị bệnh sởi trong tháng trước đó. Các đợt tiêu chảy bắt đầu bằng bệnh kiết lỵ có thể trở nên dai dẳng hơn so với những đợt bắt đầu bằng phân có nước thông thường.

2. Dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ như thế nào?

Dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ được xác định để chẩn đoán lâm sàng là chỉ dựa vào sự hiện diện của máu có thể nhìn thấy trong phân tiêu chảy. Phân cũng sẽ chứa nhiều tế bào mủ (bạch cầu đa nhân trung tính) có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi và có nhiều chất nhầy. Những đặc điểm này cho thấy trẻ đã nhiễm một tác nhân vi khuẩn xâm nhập niêm mạc ruột (như C. jejuni hoặc Shigella).

Trong một đợt điển hình, dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ với phân ban đầu là nước, sau một hoặc hai ngày trở thành máu. Trẻ bị tiêu chảy ra nước đôi khi nghiêm trọng và có thể gây mất nước. Tuy nhiên, thông thường, nếu trẻ đi ngoài ra nhiều phân nhỏ có máu thì tình trạng mất nước nặng nề không xảy ra.

Bên cạnh đó, bé bị kiết lỵ còn thường xuyên bị sốt nhưng đôi khi nhiệt độ thấp bất thường, đặc biệt là trong những trường hợp nghiêm trọng. Mặt khác, trẻ còn có biểu hiện đau bụng quặn thắt và đau trực tràng khi đại tiện hoặc cố gắng đại tiện (mót rặn). Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là hoàn toàn không thể mô tả được những điều này.

bé bị kiết lỵ
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bị kiết lỵ cấp tính là do Shigella

3. Bé bị kiết lỵ phải làm sao?

Trong hầu hết các trường hợp, khi phát hiện các dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ, bệnh cảnh này nên được coi là bị nhiễm trùng Shigella và điều trị cho phù hợp càng sớm càng tốt. Bởi lẽ tác nhân Shigella gây ra khoảng 60% các trường hợp bé bị kiết lỵ đến khám tại các cơ sở y tế và gần như tất cả các trường hợp bệnh nặng, đe dọa đến tính mạng.

Đồng thời, nếu xét nghiệm phân bằng kính hiển vi và thấy các tế bào của E. histolytica có chứa hồng cầu thì cũng nên chỉ định sớm các liệu pháp cơ bản của điều trị bệnh kiết lỵ, bao gồm: Kháng sinh, bù dịch và theo dõi sát.

  • Liệu pháp kháng sinh

Điều trị sớm các trường hợp bé bị kiết lỵ do shigella bằng một loại kháng sinh thích hợp sẽ giúp rút ngắn thời gian bệnh và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ có hiệu quả khi Shigella nhạy cảm với kháng sinh được chỉ định. Ngược lại, nếu điều trị chậm trễ hoặc sử dụng kháng sinh mà vi khuẩn Shigella không nhạy cảm, vi khuẩn có thể gây tổn thương rộng rãi cho ruột và xâm nhập vào hệ tuần hoàn chung gây nhiễm trùng huyết, suy tuần hoàn và đôi khi là sốc nhiễm trùng. Các biến chứng này xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ sơ sinh và có thể gây tử vong.

Trẻ nhỏ bị kiết lỵ không nên điều trị diệt amip thường quy. Chỉ nên điều trị khi xác định được vi khuẩn E. histolytica có chứa tế bào hồng cầu trong phân hoặc khi phân có máu vẫn tồn tại sau khi điều trị liên tiếp bằng hai loại kháng sinh thường có hiệu quả đối với Shigella. Phương pháp điều trị ưu tiên đối với bệnh lỵ amip là metronidazol. Nếu bệnh kiết lỵ do E. histolytica gây ra, sự cải thiện sẽ xảy ra trong vòng 2-3 ngày kể từ ngày bắt đầu điều trị.

  • Bù dịch trong điều trị kiết lỵ ở trẻ

Trẻ bị kiết lỵ nên được đánh giá các dấu hiệu mất nước và điều trị phù hợp. Theo đó, tất cả bệnh nhân bị kiết lỵ nên được cung cấp nước và các thức uống khác một cách tích cực trong thời gian bị bệnh, đặc biệt nếu bị sốt.

  • Dinh dưỡng khi trẻ bị kiết lỵ

Trẻ bị kiết lỵ nên tiếp tục ăn như bình thường để có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại về mặt dinh dưỡng trong thời gian bị bệnh. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn có thể khó khăn vì trẻ thường biếng ăn.

Theo đó, người mẹ cần được khuyến khích tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Trẻ lớn hơn cần cho các bữa ăn nhỏ thường xuyên ít nhất 6 lần một ngày. Luôn khuyến khích đứa trẻ ăn và chọn thực phẩm giàu năng lượng, chất dinh dưỡng mà trẻ thích. Nên cho trẻ ăn thêm một bữa mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần sau khi hết tiêu chảy nhằm đảm bảo bồi đắp đủ dinh dưỡng cần thiết.

  • Theo dõi sát khi trẻ bị kiết lỵ

Hầu hết các trường hợp bé bị kiết lỵ sẽ cho thấy sự cải thiện đáng kể trong vòng 2 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh hiệu quả. Những bệnh cảnh này nên hoàn thành đợt điều trị 5 ngày và không cần theo dõi đặc biệt.

Trong khi đó, các bệnh nhân khác cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trẻ em không có cải thiện rõ ràng trong vòng 2 ngày và trẻ em được biết là có nguy cơ tử vong cao hoặc các biến chứng khác. Trẻ em có nguy cơ cao (tức là trẻ sơ sinh, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ không được bú sữa mẹ và bất kỳ trẻ nào bị mất nước) nên được theo dõi thường xuyên cả ngoại trú hoặc nhập viện. Trẻ bị kiết lỵ có kèm suy dinh dưỡng nặng nên nhập viện một cách thường quy. Nếu dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ không cải thiện sau 2 ngày điều trị kháng sinh đầu tiên nên được dùng một loại kháng sinh khác.

Trẻ bị kiết lỵ
Trẻ bị kiết lỵ nên tiếp tục ăn như bình thường để bổ sung dinh dưỡng

4. Trẻ bị kiết lỵ có thể dẫn tới những biến chứng nào?

Một số biến chứng nặng và có thể gây tử vong có thể xảy ra khi trẻ bị kiết lỵ, đặc biệt là khi nguyên nhân là do vi khuẩn Shigella, bao gồm:

  • Thủng ruột, giãn ruột;
  • Sa trực tràng;
  • Co giật (có hoặc không kèm theo sốt cao);
  • Nhiễm trùng huyết, hội chứng tan máu-huyết
  • Hạ natri máu kéo dài.

Một biến chứng chính của bệnh kiết lỵ là sụt cân và tình trạng dinh dưỡng xấu đi nhanh chóng. Điều này là do khi bé bị kiết lỵ sẽ kèm theo chán ăn trong khi nhu cầu cơ thể tăng cao đối với các chất dinh dưỡng thiết yếu để chống lại nhiễm trùng và sửa chữa các mô bị tổn thương. Hơn nữa, trẻ bị suy kiệt còn do mất protein huyết thanh từ ruột bị tổn thương).

Biến cố tử vong khi trẻ bị kiết lỵ thường do tổn thương ruột lan tỏa trên hồi tràng và ruột kết, biến chứng nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng thứ phát (viêm phổi) hoặc thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Trẻ em điều trị bệnh kiết lỵ cũng có nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác, có lẽ do tình trạng dinh dưỡng kém hoặc khả năng miễn dịch bị suy giảm.

Tóm lại, trẻ bị kiết lỵ là một nguyên nhân quan trọng của bệnh cảnh tiêu chảy. Các dấu hiệu trẻ bị kiết lỵ điển hình là đi phân có nước và máu kèm theo sốt, khiến trẻ mất nước và suy dinh dưỡng. Tình trạng vệ sinh kém thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh kiết lỵ do lây lan ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây bệnh qua thức ăn hoặc nước uống. Do đó, để phòng tránh bệnh cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cho trẻ, rửa tay thường xuyên với xà phòng.

Nguồn tham khảo: medbroadcast.com, sites.kowsarpub.com, rehydrate.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan