Hội chứng đầu phẳng ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hội chứng đầu phẳng là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi hiện tượng đầu của trẻ không đối xứng, mặt phía sau hoặc mặt bên cạnh của đầu trẻ có dạng phẳng hoặc bị biến dạng.

1. Hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh

Hội chứng đầu phẳng (Plagiocephaly) là tình trạng đầu của trẻ không đối xứng hoặc bị biến dạng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hộp sọ của trẻ sơ sinh khá mềm, có thể thay đổi hình dạng khi có lực tác dụng vào. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đầu phẳng ở trẻ là:

  • Trẻ ngủ tư thế nằm ngửa: trẻ nhỏ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Nằm ngửa là tư thế nằm ngủ phổ biến nhất, giúp giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ em(SIDS). Tuy nhiên, khi trẻ ngủ tư thế nằm ngửa liên tục, áp lực tác động vào một điểm kéo dài sẽ tạo nên mặt phẳng trên hộp sọ.
  • Trẻ sinh non: trẻ sinh non có nguy cơ mắc hội chứng đầu phẳng cao hơn do hộp sọ của trẻ sinh non mềm hơn so với những trẻ sinh đủ tháng.
  • Mẹ sinh nhiều con một lúc: người mẹ mang nhiều thai sẽ làm không gian sinh trưởng của thai bị hạn chế. Do đó, một số trẻ sinh đôi, sinh ba có thể mắc hội chứng đầu phẳng ngay từ khi chưa ra đời. Với các mẹ chỉ có một thai nhưng tử cung nhỏ, thai không có nhiều không gian để phát triển và di chuyển, trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng đầu phẳng.
  • Thai ngôi mông: hội chứng đầu phẳng cũng có thể xảy ra với những thai ngôi mông, do hộp sọ của trẻ bị chèn ép bởi xương sườn của mẹ.
  • Trẻ mắc bệnh lý vẹo cổ (torticollis): trẻ bị vẹo cổ sẽ có đầu bị nghiêng sang một bên và cằm nghiêng sang hướng ngược lại. Trẻ bị tật vẹo cổ cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng đầu phẳng vì chúng thường ngủ quay đầu sang một bên.

Một dạng khác của hội chứng đầu phẳng là chứng Craniosynostosis, đây là một dị tật bẩm sinh trong đó hộp sọ bị dị dạng do các xương của hộp sọ bị đóng sớm. Trẻ mắc chứng craniosynostosis cần được phẫu thuật để não phát triển bình thường.

Hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh trẻ mắc hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh

2. Làm sao để phát hiện hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh?

Nhiều trẻ sinh qua đường âm đạo có đầu bị biến dạng do áp lực khi qua ống sinh. Hiện tượng này thường sẽ tự khắc phục trong khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, nếu sau 6 tuần tuổi, đầu của trẻ vẫn chưa tròn trịa. Hoặc bạn phát hiện trẻ có vết phẳng trên hộp sọ lần đầu tiên sau 6 tuần tuổi thì rất có thể trẻ đã mắc hội chứng đầu phẳng.

Phần lớn các trường hợp mắc hội chứng đầu phẳng sẽ cải thiện khi trẻ được 6 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu bò và ngồi dậy. Tuy nhiên, một số ít các trường hợp đầu phẳng mức độ nặng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như loạn thị, chậm phát triển, khó nói, mất tầm nhìn, nguy cơ nghe kém,... Do đó, khi nhận thấy đầu trẻ bị phẳng vào bất cứ thời điểm nào, cha mẹ đừng chờ đợi mà hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ. Hộp sọ của trẻ sẽ ngày càng cứng khi trẻ lớn lên. Nên các phương pháp giúp điều chỉnh hộp sọ sẽ thực hiện thuận lợi hơn khi trẻ còn nhỏ.

3. Hội chứng đầu phẳng ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Các biện pháp giúp điều chỉnh hội chứng đầu phẳng ở trẻ em được thực hiện theo nguyên tắc thường xuyên thay đổi tư thế khi nằm của trẻ để tránh gây áp lực lên vùng đầu bị bẹp. Một số biện pháp bạn có thể thực hiện bao gồm:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng đầu luân phiên bên trái và bên phải khi trẻ ngủ.
  • Hầu hết giường ngủ của trẻ đặt dựa vào tường, bạn nên đặt trẻ nằm với đầu trẻ hướng vào chân giường hoặc đầu giường, xen kẽ cách ngày. Điều này sẽ khuyến khích trẻ nằm nghiêng đầu để nhìn vào trong phòng. Tuyệt đối không được dùng khăn cuộn lại hoặc dụng cụ định vị để giữ đầu trẻ sang một bên. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ (SIDS) và ngạt thở.
  • Luân phiên thay đổi tư thế cho trẻ bú để tránh gây áp lực lên vị trí đầu phẳng.
  • Hạn chế để trẻ nằm ngửa hoặc tựa đầu một thời gian dài trên các bề mặt phẳng như ghế ô tô, xích đu em bé, ghế dành cho trẻ,...
  • Tăng cường cho trẻ nằm sấp: trong thời gian trẻ thức dậy, mẹ hãy tăng cường cho trẻ nằm sấp để phát triển các kỹ năng vận động. Nằm sấp cũng giúp tăng sức mạnh của cơ cổ. Khi cơ cổ khỏe hơn, trẻ sơ sinh có thể di chuyển đầu trong khi ngủ, giúp cải thiện hội chứng đầu phẳng.
  • Hãy thường xuyên ôm, bế trẻ để giúp trẻ giảm áp lực trên đầu.
  • Tập vật lý trị liệu: bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ tập cho trẻ các bài tập vật lý trị liệu hàng ngày để giúp tăng phạm vi chuyển động ở cổ của trẻ. Các bài tập này phải được thực hiện một cách chính xác và đều đặn trong một khoảng thời gian nhất định để đạt hiệu quả.
Hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh
Hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh được chia làm các mức độ khác nhau

Nếu các biện pháp điều chỉnh trên không thành công, hội chứng đầu phẳng ở trẻ ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ xem xét biện pháp chỉnh hình hộp sọ. Việc sử dụng mũ bảo hiểm để chỉnh hình sọ não là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Trẻ cần phải đội mũ bảo hiểm khoảng 23 giờ một ngày để điều chỉnh hình dạng đầu. Việc điều trị thường kéo dài từ hai đến sáu tháng, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ lúc bắt đầu điều trị và mức độ nghiêm trọng của hội chứng đầu phẳng.

Liệu pháp đội mũ bảo hiểm thường được phối hợp với vật lý trị liệu để đạt được kết quả tốt nhất. Độ tuổi phù hợp nhất để bắt đầu điều trị là khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Đội mũ bảo hiểm có thể không hiệu quả khi trẻ sau 12 tháng tuổi vì hộp sọ không thể định hình lại khi các xương sọ đã dày lên.

Khi thăm khám hội chứng đầu phẳng ở trẻ em, bác sĩ sẽ kiểm tra trẻ có mắc dị tật dính khớp sọ sớm (craniosynostosis) tật vẹo cổ bẩm sinh hay bất thường cột sống cổ hay không. Nếu trẻ có các bệnh lý nêu trên, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan