Hội chứng tắc ruột của trẻ sơ sinh

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Hội chứng tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa hay gặp ở trẻ sơ sinh. Tắc ruột có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào của đường tiêu hoá, gây tắc nghẽn các chất có trong lòng ruột. Bệnh rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Triệu chứng tắc ruột của trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ bị tắc ruột sẽ có các triệu chứng sau

  • Trẻ nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, dịch ruột
  • Chướng bụng vùng trên rốn hoặc toàn bộ ổ bụng, có hình quai ruột nổi
  • Bí trung – đại tiện, có thể vẫn ỉa phân su hoặc chậm ỉa phân su hoặc chỉ ra kết thể trắng đục
  • Toàn thân: có dấu hiệu mất nước ở các mức độ khác nhau

Tuỳ theo vị trí tắc, mức độ tắc và thời gian bị bệnh mà các triệu chứng trên biểu hiện ở các mức độ khác nhau

Tắc cao: từ dưới môn vị tới góc tá – hỗng tràng

  • Nôn: xuất hiện sớm, thường ngay ngày đầu, trẻ nôn dịch mật (tắc dưới bóng Vater) hoặc sữa, dịch dạ dày (trên bóng Vater), nôn nhiều khi tắc hoàn toàn, ít khi tắc không hoàn toàn
  • Chướng bụng: không chướng hoặc chướng vùng trên rốn, dạ dày dãn, nổi lên tự nhiên hoặc khi kích thích
  • Đại tiện: không có phân su, kết thể trắng đục hoặc xanh nhạt, ít nếu tắc hoàn toàn; vẫn đại tiện phân su nhưng ít nếu tắc không hoàn toàn.
Trẻ nôn trớ
Dấu hiệu nôn xuất hiện sớm ở trẻ bị tắc ruột

Tắc vừa: tắc ở hỗng tràng – hồi tràng (góc Treitz – van Bauhin)

  • Nôn: thường ngày thứ 2,3 sau đẻ, nôn dịch mật, dịch dạ dày, mức độ tuỳ thuộc mức độ tắc.
  • Chướng bụng: bụng chướng đều, quai ruột nổi, có sóng nhu động tự nhiên hoặc khi kích thích da bụng
  • Đại tiện: không có phân su, kết thể trắng đục hoặc xanh nhạt, ít nếu tắc hoàn toàn, vẫn đại tiện phân su nhưng ít nếu tắc không hoàn toàn.

Tắc thấp: tắc ở đại tràng – trực tràng

  • Nôn: xuất hiện muộn hơn, thường khoảng 3 ngày sau đẻ, nôn dịch mật, dịch ruột.
  • Chướng bụng: thường chướng toàn bộ ổ bụng, có quai ruột nổi, dấu hiệu rắn bò.
  • Đại tiện: không có phân su; chỉ ra kết thể trắng đục nếu tắc hoàn toàn, vẫn đại tiện phân su nhưng ít.

Thăm khám hậu môn – trực tràng có thể có dị tật hậu môn trực tràng

Toàn trạng: tùy mức độ tắc nghẽn và thời gian bị bệnh sẽ có các dấu hiệu:

  • Dấu hiệu mất nước
  • Sốt
  • Rối loạn hô hấp: do chướng bụng, hít chất nôn
  • Vàng da
  • Các dị tật kèm theo.

2. Cần làm gì để chẩn đoán tắc ruột?

Khi trẻ có các triệu chứng trên, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm, cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán xác định tắc ruột.

  • Xquang bụng không chuẩn bị để chẩn đoán vị trí tắc và có thể cả mức độ tắc.
Xquang trẻ
Chụp XQuang ổ bụng giúp bác sĩ chẩn đoán tắc ruột

  • Chụp lưu thông tiêu hóa: khi chụp không chuẩn bị không rõ tắc và vị trí tắc
  • Chụp khung đại tràng: nghi có xoắn trung tràng
  • Siêu âm bụng
  • Xét nghiệm: Công thức máu, đông máu cơ bản, nhóm máu, khí máu, điện giải đồ, chức năng gan - thận, protein, albumin

3. Nguyên nhân gây tắc ruột là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột ở bất kỳ đoạn nào của đường tiêu hóa như:

  • Tắc ở tá tràng do teo toàn bộ hoặc gián đoạn tá tràng, hẹp tá tràng....
  • Tắc ở ruột non do teo ruột, do chèn ép, do phân su
  • Tắc ở đại trực tràng, hậu môn do nút phân su, teo đại tràng, hirschprung, dị tật hậu môn trực tràng

4. Điều trị tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Lồng ruột là một tình trạng cấp cứu y tế. Trẻ cần được cấp cứu để tránh tình trạng nôn quá nhiều gây mất nước, chất điện giải, sốc và ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm có thể xảy ra khi một phần ruột bị hoại tử do thiếu máu.

Quy trình điều trị tắc ruột ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện gồm:

  • Truyền dịch cho trẻ thông qua đường truyền tĩnh mạch.
Tiêu chảy ở trẻ nên truyền dịch gì
Trẻ được truyền dịch thông qua tĩnh mạch ngoại vi

  • Giải nén ruột bằng cách đặt ống thông vào dạ dày từ mũi.
  • Tháo lồng bằng khí hoặc barium. Đây là hoạt động vừa có giá trị chẩn đoán, vừa điều trị. Nếu quá trình thụt tháo đạt hiệu quả tốt thì trẻ không cần phải điều trị gì nữa.
  • Nếu tháo lồng ruột không hiệu quả hoặc ruột đã bị thủng thì trẻ cần phải phẫu thuật để xử lý tắc ruột.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp cho trẻ bị tắc ruột

  • Cho trẻ uống nhiều nước, bú sữa mẹ (nếu vẫn còn bú), uống nước trái cây... để tránh bị mất nước
  • Tránh các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn khó tiêu hóa
  • Tránh các loại thực phẩm tạo hơi như: các loại đậu, lạc, rau, nước giải khát
  • Cho trẻ ăn đồ ăn dễ tiêu, lỏng như: súp, cháo
  • Để hạn chế tình trạng tắc ruột nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, cho trẻ ăn chế độ ăn uống ít chất xơ, không ăn ngũ cốc và các loại hạt.

Khi nghi ngờ trẻ bị tắc ruột, quý phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan