Khi nào em bé nên ngừng sử dụng núm vú giả?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Không thể phủ nhận một số lợi ích nhất định của núm vú giả đối với trẻ sơ sinh, trong đó có ngăn ngừa đột tử (SIDS). Tuy nhiên, trẻ có thể gặp một số rắc rối về khả năng phát triển nếu sử dụng núm vú giả trong một thời gian quá dài. Đối với một số bậc phụ huynh, núm vú giả được coi là vật dụng hữu ích không thể thiếu với trẻ. Sử dụng núm vú giả giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ, thậm chí có thể dỗ dành những lúc trẻ quấy khóc. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng và cho trẻ dùng quá lâu dù chúng có tốt đến như thế nào đi chăng nữa.

1. Lưu ý khi lựa chọn núm vú giả

Khi mua núm vú giả, hãy đảm bảo tuân theo các hướng dẫn sau của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ:

  • Hãy tìm loại núm vú giả có miếng núm vú mềm (một số loại núm vú hai miếng có thể bị vỡ ra).
  • Tấm chắn ở núm vú giả phải được làm bằng nhựa chắc chắn với các lỗ thoát khí và phải có chiều ngang ít nhất là 2,5cm để bé không thể nuốt được.
  • Mua núm vú giả đảm bảo an toàn khi được cho vào máy rửa và vệ sinh chúng theo cách này thường xuyên cho đến khi trẻ được 6 tháng; sau đó, vệ sinh núm vú giả thường xuyên bằng xà phòng và nước nóng
  • Núm vú giả có hai kích cỡ: 0-6 tháng và 6 tháng trở lên; để tạo sự thoải mái cho em bé, hãy đảm bảo rằng trẻ được sử dụng núm vú giả có kích thước chính xác.
  • Để đảm bảo an toàn cho trẻ, không bao giờ buộc núm vú giả quanh tay, cổ hoặc lan can cũi của bé. Thay vào đó, hãy sử dụng kẹp núm vú giả.
  • Không bao giờ sử dụng núm vú bình sữa và vòng thay cho núm vú giả; núm vú có thể tách khỏi vòng và gây nguy cơ nghẹt thở.
  • Thường xuyên kiểm tra núm vú giả để phát hiện hư hỏng và thay thế chúng nếu núm vú giả bị đổi màu hoặc bị rách.
Chọn núm vú phù hợp
Thường xuyên kiểm tra núm vú giả để thay thế nếu chúng bị đổi màu hoặc bị rách

2. Khái niệm cơ thể về việc sử dụng núm vú giả

Richard Dowell, Tiến sĩ, nhà tâm lý học thần kinh nhi tại Bệnh viện Cộng đồng Evangelical ở Lewisburg, Pennsylvania cho biết, trẻ sinh ra có nhu cầu bú núm vú giả bẩm sinh. Trẻ sơ sinh dựa vào "phản xạ bú núm vú giả" này không chỉ để bú mà còn là cách để xoa dịu bản thân. Dowell giải thích: “Trẻ sơ sinh không có cơ chế nào khác để kiểm soát cơn đau của chúng. Trẻ sơ sinh không thể tự lấy sữa khi đói; không thể yêu cầu lấy chăn khi lạnh; không thể sử dụng tay để điều khiển mọi thứ. Ngậm ti giả là cách để trẻ bình tĩnh trở lại."

Do đó, nếu không ngậm núm vú giả, thì trẻ sẽ ngậm ngón tay cái, ngón tay, bình sữa hoặc vú. Theo chuyên gia: Nếu trẻ cần bú nhiều hơn hai giờ một lần, mẹ có thể sử dụng núm vú giả cho trẻ và lưu ý rằng trong những trường hợp như vậy, núm vú giả có thể giúp đáp ứng nhu cầu bú không bổ sung dinh dưỡng của trẻ trong khi mẹ cần thời gian để nghỉ ngơi.

Trong trường hợp này, mẹ chỉ cần đảm bảo rằng việc cho con bú được thiết lập tốt trước khi đưa núm giả cho trẻ ngậm. Đối với những trẻ gặp khó khăn khi học cách bú sữa mẹ, núm vú giả có thể hình thành cho trẻ những thói quen xấu.

3. Ưu và nhược điểm của núm vú giả

Mặc dù rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng núm vú giả có thể gây hại cho răng của trẻ, tuy nhiên trên thực tế ngậm ti giả thường không ảnh hưởng đến trẻ dưới 2 tuổi. Theo một nha sĩ nhi khoa ở Dickson, Tennessee cho biết "Từ góc độ sức khỏe răng miệng, tốt nhất nên hạn chế sử dụng núm vú giả khi trẻ lên 2 và ngừng hoàn toàn khi trẻ được 4 tuổi. Sau 4 tuổi, núm vú giả có thể gây một số vấn đề ảnh hưởng đến việc nhai, lời nói và cách mọc răng ở trẻ. Nhiều bậc phụ huynh cho trẻ dùng núm vú giả chỉnh nha nhằm hạn chế sự tác động đến răng miệng của trẻ tuy nhiên cái gọi là núm vú giả chỉnh nha cũng không tạo ra sự khác biệt. Điều quan trọng bố mẹ cần lưu ý chính là tần suất và cường độ của thói quen ngậm núm vú giả của trẻ.

3.1. Ưu điểm núm vú giả

  • Giảm căng thẳng: Thời gian trẻ sơ sinh khóc tăng lên từ lúc mới sinh cho đến khoảng 6 tuần, khi trẻ khóc trung bình ba giờ một ngày. Theo Cynthia R. Howard, MD, MPH, phó giáo sư nhi khoa tại Trường Y và Nha khoa Đại học Rochester ở New York cho biết: Đó là khi trẻ sơ sinh cảm thấy căng thẳng. Ngậm núm vú giả chắc chắn sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn, đó là lý do tại sao núm vú giả lại được sử dụng rất phổ biến.
  • Lợi ích sức khỏe: Những lợi ích y tế đã được chứng minh có sự liên quan đến núm vú giả đã được tìm thấy ở những trẻ sinh non. Theo một nghiên cứu năm 1992 được công bố trên tạp chí Acta Pediatrica của Thụy Điển, những đứa trẻ bú mẹ tăng cân nhanh hơn. Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả ngay sau khi sinh sẽ có thói quen bú sớm hơn và ít gặp biến chứng về sức khỏe hơn. Nina L. Shapiro, trợ lý giáo sư về tai mũi họng nhi khoa tại Đại học California, Los Angeles, Trường Y khoa, cho biết: “Ngậm núm vú giả giúp thúc đẩy chức năng cơ miệng và phát triển cơ.
  • Giảm nguy cơ SIDS: Sử dụng núm vú giả có liên quan đến việc giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh(SIDS), theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy đối với trẻ sơ sinh, việc sử dụng núm vú giả trong khi ngủ có nguy cơ tử vong vì SIDS thấp hơn 20 lần so với những trẻ không cần núm vú giả. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng núm vú giả có thể giữ cho trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc hơn hoặc có thể giữ cho lưỡi của chúng hướng về phía trước và tránh xa đường thở của chúng. Nhưng vì mối quan hệ nguyên nhân và kết quả chưa được chứng minh rõ ràng, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về việc sử dụng núm vú giả và ngăn ngừa SIDS.
Ngậm núm vú giả giúp giảm nguy cơ đột tử sơ sinh
Trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả sẽ có thói quen bú sớm hơn và ít gặp biến chứng về sức khỏe hơn

3.2. Khuyết điểm của núm vú giả

  • Nhiễm trùng tai: Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa năm 1995, sử dụng núm vú giả được coi là nguyên nhân gây ra 25% trường hợp nhiễm trùng tai ở trẻ em dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, một nghiên cứu tiếp theo vào năm 2000 (cũng trong Nhi khoa) cho thấy, việc hạn chế sử dụng núm vú giả ngay trước khi trẻ ngủ giúp làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm trùng tai. Các chuyên gia cho biết, ngậm núm vú giả thúc đẩy quá trình tích tụ chất lỏng trong tai, điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng tai.
  • Cai sữa mẹ sớm: Cho trẻ đủ tháng ngậm núm vú giả có thể khiến trẻ không ăn được thứ mà trẻ thực sự cần, chẳng hạn như thức ăn. Thật vậy, một số nghiên cứu đã liên kết việc sử dụng núm vú giả với việc ngừng cho con bú sớm. Tuy nhiên, một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng núm vú giả có lẽ không phải là nguyên nhân khiến trẻ cai sữa sớm. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng chúng là dấu hiệu của việc khó cho con bú hoặc giảm động lực cho con bú.

Mặc dù mối liên hệ giữa núm vú giả và việc cho con bú vẫn còn là một câu hỏi, nhưng nếu bạn cho con bú sữa mẹ, tốt nhất là bạn nên chờ đợi một tuần sau khi trẻ chào đời. Nếu bạn muốn cho trẻ sử dụng núm vú giả, hãy đợi đến trẻ được 4 đến 6 tuần, bởi lúc này nguồn sữa của bạn đã được ổn định.

  • Các vấn đề về răng miệng: Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết, trẻ trên 2 tuổi ngậm bất cứ thứ gì, chẳng hạn như ngón cái, ngón tay hoặc núm vú giả đều nguy cơ mọc răng cửa nhô ra và/hoặc mọc lệch ở răng sữa cao hơn. Trong một số trường hợp, những vấn đề này vẫn tồn tại khi trẻ mọc răng vĩnh viễn.

Ngay cả khi trẻ không gặp rắc rối với bệnh nhiễm trùng tai và nha sĩ không nhận thấy bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào, bạn cũng không nên cho trẻ dùng núm vú giả trong thời gian quá dài. Bởi thói quen này ở trẻ cũng rất khó bỏ.

Một số chuyên gia cho rằng núm vú giả có thể cản trở sự phát triển của kỹ năng nói. Nếu trẻ thường ngậm núm vú giả trong miệng có thể ít bập bẹ và tập nói hơn những đứa trẻ khác, hoặc núm vú giả có thể làm sai lệch giọng nói của trẻ.

4. Khi nào nên ngừng sử dụng núm vú giả cho trẻ?

Học viện Nha Khoa Hoa Kỳ (AAPD) khuyến cáo rằng nên ngừng sử dụng núm vú giả khi trẻ đã được 3 tuổi hoặc thậm chí là sớm hơn. Những thay đổi trong quá trình phát triển khuôn mặt cho trẻ có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp việc sử dụng núm giả của trẻ kéo dài. Về cơ bản, thói quen này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của chính con nếu bạn tiếp tục cho bé sử dụng núm vú giả sau 3 tuổi .

5. Cách ngừng núm vú giả cho trẻ

Có nhiều cách để giúp trẻ ngừng sử dụng núm vú giả, vì vậy hãy chọn một cách mà bạn cho là phù hợp nhất với con mình. Một số cha mẹ cho rằng, họ cảm thấy dễ dàng nhất để bắt đầu bằng cách hạn chế sử dụng vào ban ngày, sau đó hướng trẻ đến những hoạt động khác để loại bỏ dần thói quen ban đêm. Bắt đầu luyện cho trẻ thói quen đi ngủ mà không sử dụng núm vú giả.

Chọn núm vú và bình sữa
Ngừng sử dụng núm vú giả bắt đầu bằng việc luyện cho trẻ thói quen đi ngủ mà không sử dụng chúng

5.1 Hướng dẫn giúp trẻ ngừng sử dụng núm vú giả theo “Kế hoạch ba ngày”

Dưới đây là cách thực hiện.

Ngày thứ nhất:

Vào buổi sáng và trước khi đi ngủ, hãy nói với con rằng bạn có thể thấy con muốn làm nhiều việc khiến con lớn hơn. Nói với trẻ rằng đó là một ý kiến ​​hay và ba ngày nữa sẽ là lúc trẻ nói lời tạm biệt với núm vú giả. Hãy nói với trẻ rằng bạn biết con có thể làm được và bạn sẽ cùng con thực hiện điều này. Giữ cuộc nói chuyện trong 30 giây và hãy chú ý quan sát thái độ của trẻ. Nếu con bạn phản ứng, hãy phản ánh lại cảm xúc của con - "Mẹ biết con không muốn" - sau đó tiếp tục nói chuyện với trẻ. Đừng lo lắng rằng con bạn sẽ trở nên lo lắng nếu được cảnh báo trước. Theo các chuyên gia: “Giống như người lớn, trẻ em thích chuẩn bị cho mình về thể chất, tâm lý và tình cảm trước khi thay đổi."

Ngày thứ hai:

Lặp lại cùng nội dung cuộc nói chuyện trong 30 giây với tần suất hai lần mỗi ngày, chỉ thay thế "trong ba ngày" bằng "ngày mai". Bạn cần giữ nguyên giọng điệu và cách cư xử đối với trẻ như ngày đầu tiên.

Ngày thứ ba:

Nhắc con rằng đã đến ngày thứ ba và đã đến lúc thu dọn núm vú giả. Hãy hành động như thể bạn đang đi lượm nhặt rác và hỏi con xem có muốn bạn giúp không. Ngay cả khi trẻ từ chối và phản đối, hãy tiếp tục thu nhặt núm vú giả của trẻ, đặt chúng vào một túi nhựa và để ở bậc thềm trước để "xe tải tái chế đến lấy". Bạn nên giải thích để trẻ hiểu rằng núm vú giả sẽ được làm thành lốp xe hoặc đồ chơi mới. Trẻ em nhận ra rằng việc tái chế là có mục đích và điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy ít khó chịu hơn nhiều so với việc bạn vứt những chiếc núm vú giả quý giá của chúng vào thùng rác. Điều này không có nghĩa là trẻ sẽ dễ dàng đồng ý. Tuy nhiên, bạn cần tỏ thái độ đồng cảm với trẻ nhưng phải thật kiên quyết, và nói cho trẻ hiểu rằng hầu hết trẻ em sẽ từ bỏ được việc sử dụng núm vú giả trong vòng 48 giờ.

5.2. Cho trẻ ngừng sử dụng núm vú giả một cách từ từ

Bạn có thể cho trẻ ngừng sử dụng núm vú giả bằng cách tháo núm vú giả trong một số tình huống không cần thiết như khi trẻ đang ở nhà, vui vẻ và chơi đùa. Một khi trẻ đã quen với việc không có núm vú giả ở nhà, hãy loại bỏ việc sử dụng nó ở ngoài trời. Bạn không cần phải đưa ra lời giải thích. Theo các chuyên gia: “Đôi khi chúng ta nói quá nhiều với con cái của mình. Tất cả những gì bạn cần làm chính là: không mang theo núm vú giả khi đi ra ngoài."

Một số ý kiến cho rằng: Khi gần đến ngày lễ , bạn có thể nói với con mình rằng ông già Noel thu nhặt tất cả núm vú giả cho trẻ sơ sinh và mang đồ chơi cho tất cả các bé gái và bé trai lớn. Hoặc bạn có thể nói với con bạn rằng nha sĩ hoặc bác sĩ muốn thu gom núm vú giả cho trẻ mới sinh và nếu mẹ tặng núm vú giả, con sẽ nhận được một món đồ chơi đặc biệt. Tuy trẻ rất hứng thú với món quà mình nhận được nhưng cũng có thể đột nhiên khóc lên đòi núm vú giả. Hầu như đứa trẻ nào cũng vậy, đừng nên quá lo lắng, trẻ sẽ sớm tìm thấy những nguồn an ủi khác.

Các chuyên gia đồng ý rằng núm vú giả hoàn toàn thích hợp để xoa dịu trẻ, giúp trẻ bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, các nha sĩ nhi khoa khuyên bạn nên giới hạn thời gian ngậm núm vú giả khi trẻ được 2 tuổi và cho trẻ ngừng sử dụng núm vú giả khi 4 tuổi để tránh các vấn đề về răng miệng.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, parents.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

89.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan