Lưu ý khi truyền máu, chế phẩm máu cho trẻ sơ sinh

Khi truyền máu cho trẻ sơ sinh, cần tuân thủ những nguyên tắc quan trọng để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ gặp phải những rủi ro không mong muốn.

1. Tác dụng của truyền máu và chế phẩm máu

Truyền máu và chế phẩm máu là việc cung cấp các thành phần gồm hồng cầu, tiểu cầu và có thể là bạch cầu cho bệnh nhân. Ngoài ra, truyền máu và các chế phẩm máu còn nhằm mục đích cung cấp các yếu tố đông máu, cung cấp các protein tạo áp lực keo cho bệnh nhân để điều trị bệnh.

2. Nguyên tắc truyền máu cho trẻ sơ sinh

  • Chỉ định truyền máu ở trẻ sơ sinh là truyền một thành phần của máu mà trẻ cần;
  • Lượng hemoglobin (hoặc hematocrit) của trẻ không phải là nhân tố quyết định truyền máu. Quyết định truyền máu nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng lâm sàng như đang chảy máu, đồng thời phòng ngừa biến chứng và tử vong. Nếu trẻ chảy máu liên tục, hemoglobin sẽ không thể phản ánh tình trạng lâm sàng thực tế của trẻ;
  • Với những trẻ nhẹ cân (dưới 2,5kg khi sinh hoặc sinh trước 37 tuần tuổi), hemoglobin có thể giảm dần (thiếu máu ở trẻ sinh non). Tuy nhiên, khuyến cáo chỉ truyền máu khi hemoglobin thấp hơn 8g/dl (hematocrit dưới 24%) nếu trẻ khỏe mạnh;
  • Trong trường hợp trẻ bị sốc do mất máu, nếu không có sẵn máu để truyền ngay lập tức, có thể cung cấp dịch truyền natri clorua 0,9% cho đến khi có máu.
Nguyên tắc truyền máu cho trẻ sơ sinh
Cần lưu ý nguyên tắc khi truyền máu cho trẻ sơ sinh

3. Một số nguy cơ khi truyền máu cho trẻ sơ sinh và biện pháp phòng ngừa

3.1 Nguy cơ

  • Nhiễm virus: HIV, viêm gan;
  • Nhiễm khuẩn nếu máu và các chế phẩm máu được chuẩn bị hoặc bảo quản không đúng cách;
  • Các phản ứng dị ứng: Ngứa, phát ban, hoặc khó thở, khò khè;
  • Phản ứng truyền máu tán huyết nghiêm trọng;
  • Bệnh vật ghép với ký chủ.

3.2 Biện pháp giảm nguy cơ khi truyền máu

  • Kiểm soát người hiến máu: Điều tra trước về tiền sử bệnh tật, sinh hoạt tình dục, đi du lịch và sử dụng thuốc trước khi lấy máu;
  • Sàng lọc các bệnh lý nhiễm trùng lây truyền trong máu của người hiến máu như HIV, virus viêm gan, Human T-lymphotropic virus (virus gây bệnh bạch cầu), vi khuẩn gây bệnh giang mai, West Nile virus (virus gây sốt xuất huyết, sốt vàng da và viêm não Nhật Bản);
  • Đảm bảo chất lượng nhóm máu, thử nghiệm tương hợp, lưu trữ và vận chuyển của máu;
  • Đảm bảo ngân hàng máu tuân theo các khuyến cáo cho máu an toàn;
  • Sử dụng máu thích hợp, thực hiện đúng theo quy chế truyền máu;
  • Cha mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ trong trường hợp trẻ có dấu hiệu khó chịu, đau, phát ban, khó thở trong hoặc sau khi truyền máu. Những phản ứng dị ứng này có thể được xử trí bằng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Nếu các phản ứng dị ứng thường xuyên diễn ra, trẻ có thể được cho uống thuốc phòng trước khi truyền máu nhằm giảm thiểu nguy cơ và tần suất dị ứng;
  • Máu được truyền cho trẻ phải được làm phản ứng chéo với máu của trẻ. Khi gửi mẫu máu của trẻ để làm nhóm máu và phản ứng chéo có thể gửi một mẫu máu của mẹ.
Thực hiện truyền máu và chế phẩm máu cho trẻ sơ sinh
Sử dụng máu thích hợp và thực hiện đúng quy chế truyền máu

4. Truyền máu và chế phẩm máu cho trẻ sơ sinh được thực hiện như thế nào?

  • Kiểm tra lại những nguyên tắc chung của việc sử dụng chế phẩm máu;
  • Thiết lập đường truyền ngoại biên nếu chưa có;
  • Trước khi bắt đầu truyền máu nên kiểm tra để đảm bảo sử dụng đúng nhóm máu cho trẻ, thông tin của trẻ được ghi nhận rõ ràng, máu đã được kiểm tra với máu của mẹ và trẻ. Trường hợp cấp cứu nên sử dụng nhóm máu O. Đồng thời, túi máu truyền chưa bị mở, không rò rỉ; túi máu không được để ngoài tủ lạnh quá 4 giờ, plasma không có màu hồng, hồng cầu lắng không có màu xanh hay đen, máu không có cục đông; đường truyền tĩnh mạch phải thông suốt;
  • Ghi nhận nhiệt độ, nhịp tim và nhịp thở của trẻ;
  • Bỏ lớp bảo vệ khỏi túi máu, không chạm vào phần mở và gắn túi máu với bộ truyền máu;
  • Mở nút chặn trên dây chuyền của bộ truyền máu để máu chảy tới cuối dây truyền, sau đó khóa nút chặn;
  • Tháo nút truyền máu của dây chuyền, gắn dây chuyền vào bộ truyền máu ngay lập tức;
  • Truyền máu cho trẻ sơ sinh với tốc độ 15-20 ml/kg cân nặng, thời gian trung bình là 2 giờ, tối đa khoảng 4 giờ;
  • Theo dõi nhiệt độ, nhịp tim và nhịp thở của trẻ, giảm tốc độ truyền xuống một nửa khi các dấu hiệu sinh tồn của trẻ bắt đầu tăng;
  • Nếu có thể nên sử dụng máy truyền máu để kiểm soát tốc độ truyền;
  • Khi kết thúc truyền máu, cần đánh giá lại sức khỏe của trẻ. Nếu cần truyền máu tiếp, nên truyền với cùng tốc độ và thể tích.

5. Theo dõi sau truyền máu

  • Khi truyền máu, nên theo dõi sinh hiệu trẻ theo các bước: Trước khi truyền máu; ngay khi bắt đầu truyền máu; mỗi 5 phút trong 15 phút đầu khi bắt đầu truyền máu; ít nhất mỗi 1 giờ trong suốt quá trình truyền máu và mỗi 4 giờ trong 24 giờ sau khi hoàn tất truyền máu;
  • Khi theo dõi, cần ghi nhận các thông tin của trẻ: Tổng trạng, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ, bilan xuất nhập (dịch nhập đường miệng, đường truyền tĩnh mạch và lượng nước tiểu bài tiết ra);
  • Ghi nhận thêm thời gian bắt đầu và kết thúc truyền máu, thể tích và loại máu truyền, mã số túi máu, các tác dụng phụ.

Khi cần truyền máu cho trẻ sơ sinh để điều trị bệnh, các bậc phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan