Thế nào là vàng da nhân não?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Với trẻ bị vàng da bệnh lý, cần được sớm đưa đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để khám và điều trị. Thể dạng bệnh nặng không thể coi thường vì nếu không chữa trị, có thể gây biến chứng nghiêm trọng đặc biệt là não trong vàng da nhân não.

1. Vàng da sơ sinh là gì?

Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh sau khi sinh 2-3 ngày khá phổ biến. Đa phần ở trẻ sinh non tháng, tỉ lệ khoảng 30% ở những trẻ đủ 40 tuần thai. Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi trong khoảng 2 tuần, còn vàng da bệnh lý cần được chữa trị bởi bác sĩ.

Nếu như vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi sinh và khỏi trong vòng 10 ngày thì vàng da bệnh lý cần điều trị lâu dài bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy mức độ bệnh.

Có 4 yếu tố chính gây ra bệnh vàng da sớm ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đó là:

  • Sinh non: Những bé sinh non trước 36 tuần có nguy cơ mắc bệnh vàng da sinh lý cao hơn, do gan không có khả năng xử lý Bilirubin nhanh như trẻ được sinh đủ tháng.
  • Bầm tím trong khi sinh: Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở tự nhiên hoặc cũng có thể là sinh mổ một số bé bị bầm tím trên cơ thể đó cũng là yếu tố gây vàng da sớm.
  • Nhóm máu: Vàng da do bất đồng nhóm máu thường xảy ra khi trẻ có nhóm máu A hoặc B, trong khi người mẹ thuộc nhóm máu O. Có khoảng 4% trong số những trẻ vàng da do bất đồng nhóm máu ABO phải thay máu. Một trường hợp nữa hiếm gặp hơn, là khi người mẹ có nhóm máu Rh (-) trong khi trẻ có nhóm máu Rh (+). Vàng da do bất đồng yếu tố Rh là trường hợp nặng, trẻ càng sinh sau thì mức độ nguy hiểm càng lớn.
  • Cho con bú: Trẻ bú mẹ có nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn. Tuy nhiên, những lợi ích mà sữa mẹ mang lại vượt xa những bất lợi mà vàng da có thể gây ra nên các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ nên cho con bú từ khi mới lọt lòng.

2. Biểu hiện vàng da bệnh lý

Khác với các biểu hiện của vàng da sinh lý như: Xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn khoảng 24 giờ sau sinh, hết trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh sớm hơn. Ở mức độ này trẻ vẫn phát triển tốt và lên cân đều. Vàng da ở trẻ sơ sinh được coi là bệnh lý khi có các biểu hiện bất thường sau:

  • Vàng da đậm xuất hiện sớm
  • Không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng
  • Mức độ vàng toàn thân và cả mắt
  • Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, sốt, khóc nhiều...
  • Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
Biểu hiện vàng da bệnh lý
Biểu hiện vàng da bệnh lý dễ dàng được phát hiện bằng mắt thường

3. Biến chứng vàng da nhân não là gì?

Với trẻ bị vàng da bệnh lý, cần được sớm đưa đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để khám và điều trị. Thể bệnh nặng không thể coi thường vì nếu không chữa trị, có thể gây biến chứng nghiêm trọng.

Bilirubin não cấp tính: Nếu mẹ phát hiện trẻ bị vàng da có các dấu hiệu khác như ngủ li bì, không tập trung, khóc nhiều, bỏ bú có thể sốt cao cần nghĩ ngay tới tình trạng Bilirubin não cấp tính. Theo các bác sĩ, Bilirubin rất độc hại đối với tế bào của bộ não. Vàng da nặng có khả năng Bilirubin đi vào trong não và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Vàng da nhân não: Khi chất Bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, thì có nguy cơ thấm vào não tức là trẻ đã bị vàng da nhân. Điều này gây tổn thương não không hồi phục được. Vì thế, nếu xác định vàng da bệnh lý phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.

Vàng da nhân não là gì?
Vàng da nhân não là gì?
  • Giai đoạn sớm: Trẻ vàng da nhiều, ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.
  • Giai đoạn trung gian: Trẻ lừ đừ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ, có thể sốt, khóc the thé hay lơ mơ và giảm trương lực cơ, tăng trương lực cơ biểu hiện bằng ưỡn cổ và thân. Thay máu trong giai đoạn này trong một số trường hợp có thể cải thiện được các biểu hiện thần kinh.
  • Giai đoạn nặng: Hệ thần kinh bị tổn thương và không hồi phục được , biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ -ưỡn người, khóc the thé, không bú được, có cơn ngừng thở, hôn mê, một số trường hợp co giật và tử vong.

Vàng da nhân: Là hình thức mãn của ACE, trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, mắt nhìn trần, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.

4. Lời khuyên cho mẹ

Theo dõi trẻ trong vòng 7 ngày sau sinh để phát hiện vàng da bệnh lý sớm, điều trị kịp thời:

Vàng da sinh lý chuyển sang vàng da bệnh lý rất mong manh và thường khó nhận diện do nhiều trẻ không có các dấu hiệu chỉ điểm như: Kích thích, vật vã hoặc li bì, bỏ bú mà đôi khi trẻ vẫn bú, vận động và ngủ bình thường. Khi xuất hiện những dấu hiệu lâm sàng, điển hình như tăng trương lực cơ, rối loạn hô hấp, co giật, li bì hoặc khóc thét thì đã rất nặng. Khi đó dù có điều trị được thì cũng vẫn sẽ để lại những di chứng rất nặng nề.

Trẻ bị vàng da sơ sinh bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời, chỉ trong 7 ngày đầu đời, chất bilirubin sẽ qua hàng rào máu não gây hội chứng vàng da nhân não, để lại nhiều di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng mà không thể phục hồi như: Điếc, chậm phát triển về vận động và trí tuệ.

Vàng da nhân não
Theo dõi trẻ trong vòng 7 ngày sau sinh để phát hiện vàng da

Tuy nguy hiểm nhưng việc theo dõi và phát hiện các dấu hiệu vàng da bệnh lý lại không quá khó nếu các bà mẹ biết các kỹ năng đơn giản sau: Tập trung theo dõi sát con trong 7 ngày đầu đối với tất cả các trẻ sinh non hoặc sinh thường. Đánh giá vàng da ở trẻ sơ sinh dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng trời). Không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có vàng da hay không; dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ trên nền xương cứng ( trán, gò má, ngực, mu bàn tay, cẳng chân, bàn chân ) từ mặt da giữ vài giây, sau đó quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn nhẹ ngón tay xuống.

Nên quan sát da trẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Bắt đầu từ trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân. Nếu chỉ thấy vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa Sơ sinh để khám ngay. Tại đây các bác sĩ sẽ đánh giá sâu hơn bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm định lượng bilirubin/máu. Thời gian “vàng” để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch. Nếu để muộn hơn thời gian này thì da bé dày hơn và phương pháp chiếu đèn sẽ không còn hiệu quả.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh, trong đó có vàng da. Tại Vinmec được trang bị hệ thống chiếu đèn an toàn, dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn. Có nhiều loại đèn chiếu phù hợp cho từng đối tượng vàng da cần chiếu đèn: Đèn dạng nôi (trẻ nằm trực tiếp lên trên, dạng đèn kép chiếu trên dưới (dùng trong các trường hợp cần chiếu đèn tích cực), đèn dạng chăn, túi quấn quanh người trẻ (rất thuận tiện cho mẹ khi chăm sóc bé: vừa bế lên được để cho bú, vừa chiếu đèn).

Nếu như điều trị trẻ vàng da nặng khi chiếu đèn không hiệu quả hay trẻ bị vàng da nặng đến muộn, có nồng độ bilirubin trong máu quá cao, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng biện pháp thay máu là biện pháp cuối cùng. Khi thay máu ta có thể lấy được nhanh bilirubin đang lưu hành trong lòng mạch, dẫn đến giảm bilirubin trong máu và nhờ đó cũng giảm được bilirubin ở ngoài tổ chức.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Ân nguyên là Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, là người rất tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Hiện tại, là Bác sĩ Nhi - Sơ sinh- Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan