Ngăn ngừa khò khè ở trẻ em bị hen suyễn

Hen suyễn là một trong những căn bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, trẻ bị khò khè, ho dai dẳng, khó khăn khi nói chuyện hoặc tham gia các hoạt động hàng ngày. Nếu hen suyễn ở mức độ cực nặng có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ, khi đó trẻ cần được cấp cứu kịp thời để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

1. Hen phế quản ở trẻ em là gì?

Hen phế quản còn có tên gọi khác là hen suyễn, đây là một căn bệnh mãn tính liên quan đến đường hô hấp. Căn bệnh này có thể xảy ra đối với mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em từ 2-10 tuổi.

Hen suyễn thường làm tăng chất nhầy niêm mạc ở phế quản và khiến co thắt phế quản, dẫn đến tình trạng khó thở, thở khò khè ở trẻ nhỏ. Hầu hết các cơn hen thường “tấn công” vào một số thời điểm nhất định, chẳng hạn như thay đổi thời tiết thất thường, chuyển giao mùa, hoặc do trẻ vô tình tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, vi rút, vi khuẩn, khói thuốc, lông thú,...Một số trường hợp khác có thể bị hen phế quản khi ăn các loại thực phẩm có nguy cơ cao làm kích hoạt các cơn hen, bao gồm động vật có vỏ, cua, cá biển, các sản phẩm từ sữa hoặc trứng.

Thuốc lá
Khói thuốc có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị hen suyễn nặng

2. Các mức độ của hen phế quản ở trẻ em

Nhìn chung, hen phế quản ở trẻ em có bốn mức độ chính, đối với mỗi mức độ khác nhau sẽ có những dấu hiệu và biểu hiện khác nhau, bao gồm:

  • Mức độ 1: Dấu hiệu nhận biết là xuất hiện những cơn hen ngắt quãng ở trẻ nhỏ. Nghĩa là các cơn hen suyễn xảy ra rất ít, dưới 1 tuần/ lần, và chủ yếu vào ban ngày. Hen phế quản ở mức độ 1 không gây ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động của trẻ.
  • Mức độ 2: Hen suyễn ở cấp độ nhẹ, cũng xuất hiện chủ yếu vào ban ngày và dưới 1 tuần / lần.
  • Mức độ 3: Hen suyễn ở cấp độ trung bình, các triệu chứng của hen phế quản ở trẻ em có thể xuất hiện vào mỗi ngày, gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động của trẻ.
  • Mức độ 4: Hen suyễn cấp độ nặng, các triệu chứng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và lâu hơn, đặc biệt vào ban đêm, khiến các hoạt động thường ngày của trẻ bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn.

3. Nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản ở trẻ em xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong số đó điển hình nhất là các tác nhân gây dị ứng, bao gồm:

  • Khói thuốc lá: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh hen suyễn, và những căn bệnh về đường hô hấp khác. Thậm chí, ngay cả những trẻ em chưa từng bị hen phế quản bao giờ cũng có nguy cơ cao khởi phát đột ngột các cơn hen nếu thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.
  • Khói bụi: Những trẻ em phải sống trong môi trường có mật độ khói bụi cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hơn so với những người khác.
  • Mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp: bao gồm viêm xoang, viêm mũi, viêm amidan, viêm họng, hoặc viêm VA.
  • Các chất gây dị ứng: Chẳng hạn như lông thú cưng, phấn hoa, chăn lông, mùi xăng dầu, mùi sơn hoặc bụi kim loại đều có khả năng cao làm kích hoạt các triệu chứng của hen suyễn ở trẻ nhỏ.
Viêm amidan mãn tính
Viêm amidan là một nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ em

  • Các chất có mùi nặng: Bao gồm sơn phun, nước hoa, nước xịt côn trùng.
  • Một số loại thực phẩm: Chẳng hạn như các chất phụ gia được sử dụng trong bao quản thực phẩm cũng có thể gây ra các cơn hen suyễn.
  • Hoạt động thể chất quá sức: Khi trẻ hoạt động trong một thời gian dài, hoặc quá sức sẽ làm khởi phát các cơn hen suyễn.
  • Bên cạnh đó, một số yếu tố khác không phải là tác nhân gây dị ứng cũng góp phần làm kích hoạt các cơn hen ở trẻ nhỏ, bao gồm di truyền, hoặc tâm lý (ví dụ như sang chấn tâm lý, lo lắng, căng thẳng).

4. Triệu chứng của hen phế quản ở trẻ em

Những trẻ em bị mắc hen suyễn mức độ nhẹ thường có các triệu chứng chủ yếu là ho, hoặc nghe có tiếng ran rít ở phổi, thường xảy ra khi trẻ hoạt động gắng sức, chẳng hạn như nô đùa, chạy nhảy, hay khóc.

Khi bị hen suyễn ở mức độ vừa phải, trẻ sẽ có các biểu hiện như ho, tiếng nói bị ngắt quãng, bắt đầu nhận thấy có các triệu chứng như hõm ngực, co kéo lồng ngực, hố thượng đòn, kèm theo tiếng ran rít ở phổi.

Đối với những trường hợp bị hen phế quản mức độ nặng thường có các biểu hiện như ho, khó thở, cánh mũi phập phồng, co kéo lồng ngực, môi tím tái, khó khăn khi nói chuyện, hố thượng đòn lộ rõ, và có tiếng rít to ở phổi.

Khi hen suyễn chuyển sang giai đoạn rất nặng, các biểu hiện thường thấy bao gồm không thể thở nổi, khóc, hoặc nói, tiếng ran rít ở phổi đã biến mất. Hơn nữa, các cơn hen xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày mà không có dấu hiệu dừng lại, trừ khi có biện pháp can thiệp kịp thời. Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng trên kèm theo sốt, khả năng cao trẻ đã bị viêm đường hô hấp trên hoặc dưới. Nguyên nhân chính có thể xuất phát từ việc nhiễm các loại vi rút, hoặc vi khuẩn.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc viêm đường hô hấp trên

5. Ngăn ngừa khò khè ở trẻ em bị hen suyễn

Các chuyên gia y tế thường khuyến cáo rằng không nên cho trẻ bị hen suyễn ăn nhiều bánh kẹo có chứa các chất hóa học làm tăng mùi thơm, hoặc các loại đồ uống, nước ngọt có chứa chất bảo quản hay đường hóa học.

Để làm giảm tình trạng thở khò khè, cũng như các triệu chứng khác của bệnh hen suyễn, bạn có thể cho trẻ bổ sung thêm nhiều loại khoáng chất thiết yếu như vitamin C, magnesium và selen, thường được tìm thấy trong rau quả tươi, hoặc nước khoáng tự nhiên.

Khi trẻ đang lên cơn hen suyễn, tuyệt đối không được tắm ngay cho trẻ, tránh cho trẻ ngồi, hoặc chơi ở nơi có gió lùa để không làm cho cơn hen diễn tiến theo chiều hướng xấu đi.

Ngoài ra, những trẻ em bị mắc bệnh hen suyễn cũng nên hạn chế sử dụng phấn bảng, hoặc tiếp xúc với các loại hóa chất, bao gồm xà phòng bột, mỹ phẩm, thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu, hoặc xăng dầu.

Bên cạnh đó, các triệu chứng hen suyễn ở trẻ nhỏ cũng có thể được kiểm soát và điều trị bằng thuốc kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa. Mặt khác, thuốc được sử dụng cho trẻ bị hen sẽ khác nhau về liệu lượng cũng như cách sử dụng đối với thuốc hen dành cho người lớn. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc trị hen cho trẻ mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này không những khiến cho bệnh tình trở nên khó chữa trị, mà còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Tự mua thuốc kháng sinh uống sau khi hút thai
Chỉ sử dụng thuốc điều trị hen suyễn cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ

Đối với những trẻ lớn bị hen phế quản, cha mẹ cần thường xuyên an ủi, động viên và dành nhiều tình cảm cho con hơn, không nên khiến trẻ cảm thấy buồn bã, chán nản hay lo lắng, bởi vì yếu tố tâm lý có thể làm kích hoạt các cơn hen. Khi trẻ có các biểu hiện như khó thở cực độ, môi tím tái, không khóc được, nói khó khăn hoặc không thể nói được; bạn cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều điều trị bệnh hen

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan