Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1-3 tuổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ. Dinh dưỡng đủ đầy đủ và hợp lý sẽ giúp trẻ ít phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và ít bị đau ốm. Vậy nhu cầu nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi như thế nào là hợp lý? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.

1. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi như thế nào?

Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 – 3 tuổi có vai trò quan trọng tới sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ. Trẻ em không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ dẫn tới chậm phát triển cả về thể chất, trí tuệ, những biến đổi về hóa sinh và hậu quả bệnh tật của việc thiếu chất dinh dưỡng.

1.1. Nhu cầu về năng lượng

Trẻ em ở giai đoạn này đã có những bước phát triển mới về hệ thống tiêu hóa, bé 1 tuổi đã mọc một số răng và khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng đã khá hơn. Mặc dù tốc độ phát triển của trẻ có giảm hơn so với giai đoạn trước 12 tháng tuổi nhưng các hoạt động đã bắt đầu tăng lên cùng với tuổi tập nói, tập đi... Vì vậy năng lượng tiêu hao của trẻ cũng tăng lên.

Nhu cầu năng lượng của trẻ từ 1 – 3 tuổi là 1180 kcal mỗi ngày (khoảng 110 kcal/cân nặng). Theo đó, năng lượng do protein bổ sung mỗi ngày là 2,5 – 3 g/kg cân nặng và lượng protein động vật ở lứa tuổi nên chiếm trên 50% tổng số lượng protein cơ thể. Lipit cung cấp khoảng 35 – 40% (khoảng 70% là chất béo từ động vật) năng lượng và glucid cung cấp 45 – 50% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, năng lượng cung cấp từ các loại thức ăn nên được tính là 1 g glucid và 1 g protein cho 4 kcal, 9 kcal trong 1 1g lipid.

1.2. Nhu cầu về vitamin

Các vitamin và khoáng chất là các chất dinh dưỡng không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ. Ở mỗi giai đoạn phát triển thì nhu cầu về hàm lượng vitamin của trẻ là khác nhau.

Bảng 1. Nhu cầu vitamin mỗi ngày cho trẻ từ 1 - 3 tuổi

Vitamin A 400 µg Vitamin B2 0,5 mg
Vitamin K 13 µg Vitamin B1 0,5 mg
Vitamin D 5 µg Vitamin PP 6 mg
Vitamin B6 0,5 mg Vitamin C 30 mg

1.3. Nhu cầu về chất khoáng

Cùng với năng lượng và vitamin thì các chất khoáng bao gồm kẽm, canxi, sắt... cũng đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em từ 1 - 3 tuổi. Theo đó, nhu cầu canxi hàng ngày ở trẻ em khoảng 600 mg/ngày, bởi chúng tham gia và quá trình tạo xương và răng của cơ thể. Lượng vitamin D cũng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

Đối với chất khoáng là sắt là vi chất có vai trò quan trọng trong sự tạo máu và tham gia vào thành phần các men trong cơ thể. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ nhu cầu sắt ở giai đoạn phát triển của trẻ. Theo đó, giai đoạn trẻ 1 - 3 tuổi trở lên nhu cầu về sắt cho cơ thể là khoảng 7,7 mg mỗi ngày.

Chất khoáng kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và giúp trẻ ăn ngon. Cha mẹ cần bổ sung đủ nhu cầu kẽm của trẻ tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), cha mẹ nên bổ sung kẽm cho trẻ 1 - 3 tuổi với hàm lượng khoảng 4,1 mg mỗi ngày.

nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi về khoáng chất cần được đảm bảo

2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 1 – 3 tuổi

2.1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em 1 tuổi sẽ giúp cha mẹ có chế độ chăm sóc trẻ tốt nhất. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em ở giai đoạn 1 tuổi vẫn nên được tiếp tục bú sữa mẹ, đến giai đoạn trẻ được 18 – 24 tháng tuổi có thể cai sữa cho bé hoặc lâu hơn. Bên cạnh đó, chế độ ăn bổ sung cho trẻ ở giai đoạn này là không thể thiếu và cha mẹ nên đảm bảo thành phần thức ăn phải bổ sung đủ các chất dinh dưỡng gồm tinh bột, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất như sau:

  • Bột đường: Sắn, gạo, mì, khoai...
  • Thực phẩm giàu protein: Thịt, tôm, cua, cá, trứng...
  • Vitamin, chất xơ: Trái cây, rau, củ...
  • Lipid: Lạc, vừng, mỡ động vật, dầu ăn, sữa...

Thực phẩm sử dụng cho các bữa ăn của bé phải đảm bảo độ tươi ngon, hạn chế sử dụng các đồ ăn sẵn và mỗi bữa ăn được chế biến an toàn, sạch sẽ. Chẳng hạn như các loại rau củ quả, thịt, cá luôn tươi sống, không ôi thiu và không chứa các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Khẩu phần ăn cho trẻ nên được chia thành 3 bữa nếu trẻ còn bú mẹ và 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ) nếu trẻ không còn bú sữa mẹ. Khẩu phần ăn trong các bữa ăn phụ có thể sử dụng các loại thức ăn nhẹ dễ tiêu hóa như phô mai, trái cây, đặc biệt là sữa chua giúp bổ sung các vi sinh vật có lợi cho đường tiêu hóa.

2.2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 2 – 3 tuổi

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi đến 3 tuổi cũng cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như giai đoạn trẻ 1 tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi này trẻ đã có thể ăn thức ăn cùng với gia đình với 3 bữa chính là cơm hoặc cháo và 1 – 2 bữa phụ xen kẽ bữa chính có thể là sữa, phô mai, trái cây... Trẻ em ở độ tuổi này, nguồn cung cấp năng lượng từ sữa vẫn rất quan trọng. Theo đó mỗi ngày trẻ nên được uống khoảng 600 – 800 ml sữa.

Chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ ước tính khoảng từ 100 – 140 g gạo hoặc ngũ cốc, 80 – 120 g trứng, cá, thịt, đậu hũ..., 20 ml dầu ăn, rau củ quả và trái cây theo nhu cầu của bé với ít nhất 100 – 200 g các loại rau xanh và 100 – 200 g các loại quả chín giúp cân đối nhu cầu năng lượng và các thành phần dinh dưỡng cho quá trình phát triển của trẻ.

Cha mẹ nên xây dựng chế độ chăm sóc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi đến 3 tuổi thông qua việc chế biến các món ăn thích hợp và thường xuyên thay đổi khẩu vị cho trẻ để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, ngăn ngừa chứng biếng ăn và sợ một loại thức ăn nào đó do ăn liên tục hoặc ăn quá nhiều. Chẳng hạn như mẹ có thể chế biến món súp bổ dưỡng kết hợp đầy đủ các loại thực phẩm tạo màu sắc hấp dẫn cho món ăn, các nhóm chất dinh dưỡng như súp tôm – thịt – trứng, súp thịt – bí đỏ - đậu xanh...

nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi đến 3 tuổi cần phù hợp với trẻ

Giai đoạn trẻ đã tập ăn cơm mềm, cha mẹ nên nấu cơm thật mềm và tán nhỏ để bé dễ ăn. Dinh dưỡng trong bữa cơm cũng cần đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, canh và món xào... Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên xây dựng thói quen cho trẻ ăn đúng bữa, không ăn kẹo bánh và ăn vặt trước bữa cơm. Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn sẽ giúp bé tăng hứng thú, niềm yêu thích với thức ăn và giúp bé ăn ngon miệng hơn.

Chăm sóc trẻ ở giai đoạn 1 – 3 tuổi thì việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và có chế độ chăm sóc đúng cách, tạo điều kiện để trẻ hoạt động với các trò chơi phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ phát triển tốt cả về tinh thần và thể chất.

Như vậy để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 1 - 3 tuổi một cách tối ưu nhất, các bậc cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

Cha mẹ cũng cần lưu ý việc bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho trẻ diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần kiên trì, bình tĩnh khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường uống hay các loại thực phẩm chức năng (TPCN). Đặc biệt là việc bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua các TPCN thì nên chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên để dễ hấp thu, mẹ không nên dùng nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng sẽ không đem lại hiệu quả tốt.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan