Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi nguyên nhân và các giải pháp điều trị

Bài viết được viết bởi BS. Hồ Thị Hồng Tho, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của môi trường bên ngoài có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ không phát triển đúng với tiềm năng của nó. Khi dinh dưỡng không hợp lý, chiều cao, cân nặng, vòng ngực, hệ thống xương phát triển chậm đi nhiều, đồng thời sức đề kháng của cơ thể giảm.

1. Định nghĩa

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu protein, năng lượng và các vi chất dinh dưỡng hoặc tiêu thụ quá mức cần thiết dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng trong thời gian dài ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là cân nặng của trẻ thấp hơn so với cân nặng chuẩn của WHO.

2. Chẩn đoán

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân được chẩn đoán khi cân nặng của trẻ thấp hơn so với cân nặng chuẩn của WHO từ 90% trở xuống và được chia thành ba độ:

  • Độ 1: Trọng lượng của trẻ chỉ đạt 90 đến 76% so với cân nặng chuẩn ở độ tuổi của mình.
  • Độ 2: Trọng lượng của trẻ chỉ đạt 75 đến 61% so với cân nặng chuẩn ở độ tuổi của mình.
  • Độ 3: Trọng lượng của trẻ chỉ đạt từ 60% trở xuống so với cân nặng chuẩn ở độ tuổi của mình.
Cân nặng trẻ 3 tháng tuổi
Suy dinh dưỡng ở trẻ được dựa theo tiêu chí cân nặng của WHO

3. Nguyên nhân

Các nguyên nhân khiến trẻ nhẹ cân:

  • Trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ. Theo Daly, sữa mẹ luôn luôn đáp ứng tốt cho nhu cầu của trẻ trong những tháng đầu, vì người ta thấy trong những trường hợp sinh 2, thậm chí sinh 3 vẫn có thể nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn tới 6 tháng tuổi hoặc hơn với những ưu việt sau:
  • Năng lượng từ sữa mẹ đạt rất cao 600-700 kcal/lít;
  • Protein: Sữa mẹ là sữa albumin, trong đó lactalbumin dưới tác dụng của dịch tiêu hoá sẽ kết tủa thành các phân tử nhỏ khoảng 30 mm rất dễ hấp thu. (Sữa công thức trong thành phần protein chứa 85% casein khi vào dạ dày tạo thành các phân tử lớn 102 mm rất khó hấp thu). Do đó 25% protein của sữa mẹ được hấp thu ngay tại dạ dày;
  • Lipid: 50 % chất béo có trong sữa mẹ là acit béo không no, do vậy cũng rất dễ hấp thu;
  • Glucid: Chủ yếu là β-lactose dễ tiêu hoá đồng thời là môi trường tốt cho vi khuẩn Bifidus - một loại vi khuẩn có khả năng ngăn cản các vi khuẩn đường ruột không có lợi khác phát triển;
  • Các IgA có trong sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Trẻ được ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, khi trẻ mới được 2-3 tháng tuổi hoặc thậm chí có nơi cho trẻ ăn bổ sung ngay từ tháng đầu tiên. Khi bé ăn dặm sớm thì hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn non yếu khiến cho hệ tiêu hóa của bé phải làm việc quá tải, dẫn tới rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột. Sức đề kháng của trẻ trong giai đoạn này cũng còn yếu nên trẻ sẽ rất hay bị tái phát rối loạn tiêu hóa và từ đó làm sức khỏe đường tiêu hóa suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Khi cho trẻ ăn dặm quá muộn khiến bài tiết men tiêu hóa giảm, trẻ không có cảm giác thèm ăn dẫn tới chậm tăng cân.
  • Sử dụng thực phẩm không đúng cách: Sữa mẹ chứa hàm lượng khá thấp các chất cần thiết như sắt, kẽm nhưng khi trẻ bú mẹ hoàn toàn thì tỷ lệ hấp thụ khá cao. Tuy nhiên khi trẻ sử dụng các loại ngũ cốc sẽ làm ảnh hưởng đến hấp thụ kẽm, đặc biệt nếu cho ăn ngay sau khi bú mẹ. Giai đoạn ăn dặm trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt những trẻ được nuôi dưỡng bằng thức ăn bổ sung nhưng không được kiểm soát vệ sinh: Cháo ăn liền, cháo dinh dưỡng, các loại đồ uống khác...
  • Bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng của các dưỡng chất: Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy dinh dưỡng ở các nước nghèo.
  • Chế độ ăn không cân đối giữa các nhóm chất: Các bà mẹ đôi khi cho các bé ăn nhiều, nhưng nếu không đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất thì trẻ vẫn có thể bị suy dinh dưỡng.
Giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ
Trẻ không được bú đủ sữa mẹ sẽ dễ mắc bệnh hơn, gây suy dinh dưỡng

  • Thiếu các vi chất dinh dưỡng: Khi cho trẻ ăn không đúng cách khiến cho khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém dẫn đến thiếu các vi chất dinh dưỡng. Điều này khiến trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột do đó sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn chất dinh dưỡng từ thực phẩm đưa vào và hậu quả tất yếu là trẻ sẽ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngược lại thiếu vi chất dinh dưỡng lại làm giảm bài tiết men tiêu hóa, thức ăn không được phân hủy hoàn toàn, tồn tại ở đường ruột lâu và gây ra rối loạn tiêu hóa. Điều này tạo thành vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn rối loạn tiêu hóa - thiếu vi chất dinh dưỡng – suy dinh dưỡng – rối loạn tiêu hóa khó điều trị triệt để.
  • Trẻ hay bị ốm: Với những trẻ có sức đề kháng kém, hay bị ốm hoặc bị bệnh mạn tính thường có biểu hiện chán ăn, giảm bài tiết men tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng dẫn tới suy dinh dưỡng.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần: nhiều rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như trầm cảm, chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn ói và các rối loạn ăn uống khác. Nguyên nhân này cũng có thể gặp phải ở trẻ em. Khi bị gia đình ép buộc ăn uống quá mức, trẻ dễ có tâm lý sợ hãi sinh ra những nỗi ám ảnh về thức ăn, dần dần sẽ dẫn tới bệnh chán ăn và gây ra suy dinh dưỡng. Bởi vậy Paplop từng nói “Chỉ khi nào người ta muốn ăn thì việc đó mới đem lại lợi ích tối đa, còn khi người ta không muốn ăn mà bắt ép thì sẽ không có kết quả”.
Trẻ tăng nhịp tim kèm lồi mắt
Trẻ hay ốm là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thể nhẹ cân

4. Các giải pháp điều trị

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất hai năm. Chỉ cân nhắc cho trẻ sử dụng sữa công thức khi tình trạng không đủ sữa mẹ không giải quyết nhanh chóng được;
  • Hướng dẫn các bà mẹ cho trẻ bú đúng cách;
  • Ăn thức ăn phong phú các loại, thường xuyên thay đổi món ăn, kích thích ngon miệng;
  • Tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên để kích thích sự thèm ăn;
  • Cho trẻ đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Trẻ lớn hướng dẫn cho trẻ hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi như cho trẻ bơi, đạp xe, xà đơn, bóng rổ,... giúp cho trẻ tăng chiều cao tối ưu;
  • Điều trị triệt để các bệnh lý tại đường tiêu hóa cũng như các bệnh lý toàn thân;
  • Gặp gỡ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được tư vấn và chữa trị các chứng rối loạn ăn uống và các rối loạn tâm thần khác có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống;
  • Thêm các bữa nhẹ xen kẽ giữa các bữa chính;
  • Không lạm dùng kháng sinh trong việc điều trị bệnh;
  • Thường xuyên theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ;
  • Hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm một cách kinh tế và đầy đủ.
Bú mẹ
Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch

Trường hợp trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan