Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trào ngược dạ dày thực quản (TNDDTQ) là tình trạng ọc sữa hoặc trớ sữa. Hiện tượng này xảy ra khi các chất trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản hoặc miệng. Vì dạ dày sản xuất acid, trào ngược đôi khi được gọi là trào ngược acid.

1. Tổng quan

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng bình thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Hầu hết trẻ sơ sinh có những cơn ngắn, trẻ có thể ọc sữa qua miệng hoặc mũi. Trào ngược thường không ảnh hưởng đến trẻ, ít nguy cơ biến chứng lâu dài và thường không cần điều trị.

Ngược lại, ở một số trẻ, trào ngược dạ dày thực quản gây ra các biến chứng như chậm tăng cân, viêm phổi tái phát hoặc ói ra máu. Trong trường hợp này, trẻ được coi là mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng này thường cần xét nghiệm thêm và điều trị. Trẻ bị đau bụng hoặc quấy khóc bất thường nên cần đi khám. Hầu hết các trường hợp, trẻ không bị bệnh trào ngược. Hầu hết bệnh thường cải thiện khi trẻ lớn lên, nhưng một số trẻ vẫn còn các triệu chứng sau này.

2. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Khi ăn, thức ăn được đưa từ miệng xuống dạ dày qua thực quản, một cấu trúc hình ống. Thực quản được cấu tạo bởi các lớp mô và cơ, cấu trúc này có thể mở ra và co lại để đẩy thức ăn đến dạ dày thông qua một loạt các chuyển động giống như sóng gọi là nhu động.

Ở đầu dưới của thực quản nơi nối với dạ dày, có một vòng cơ tròn được gọi là cơ thắt thực quản dưới. Cơ này giãn ra để cho phép thức ăn đi vào dạ dày và sau đó co lại để ngăn chặn sự trào ngược của thức ăn và acid vào thực quản.

Đôi khi, cơ này không đóng lại hoàn toàn hoặc giãn ra không đúng lúc, tạo điều kiện cho chất lỏng trong dạ dày trào ngược lên thực quản, đặc biệt thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết, các cơn này không thấy được vì hiện tượng trào ngược xảy ra ở thực quản.

Khi trẻ lớn lên và góc nối giữa dạ dày và thực quản thay đổi, trào ngược sẽ ít hơn. Ọc sữa sẽ biến mất ở hơn 50% trẻ khi được 10 tháng tuổi, 80% khi trẻ 18 tháng và 98% khi trẻ được hai tuổi [1]. Trẻ sơ sinh thường xuyên ọc sữa trong ba tháng đầu có nhiều khả năng mắc các triệu chứng liên quan tiêu hóa sau này.

Bé hơn 1 tháng khóc kèm ọc sữa khi xì hơi có sao không?
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa do trào ngược dạ dày thực quản

2.1 Trào ngược dạ dày thực quản không biến chứng

Trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở trẻ trong vài tháng đầu đời, khoảng 50% trẻ từ sơ sinh đến ba tháng có ít nhất một lần ọc sữa mỗi ngày.

Trẻ ọc sữa thường xuyên nhưng bú tốt, tăng cân bình thường và không cáu gắt thường được coi là bị trào ngược “không biến chứng”. Ở nhóm này, ọc sữa là hiện tượng bình thường vì thực quản ngắn và dạ dày nhỏ cho phép chất lỏng trào ra khỏi dạ dày dễ dàng. Vỗ ợ hơi thường xuyên trong khi bú và hạn chế hoạt động sau khi bú có thể làm giảm tần suất và lượng sữa ọc.

Các xét nghiệm không cần thiết đối với trẻ bị trào ngược không biến chứng. Nếu trẻ có các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi khám: các triệu chứng trở nặng hơn; trẻ hơn 6 tháng tuổi mới lần đầu xuất hiện trào ngược; hoặc triệu chứng không cải thiện khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi.

2.2 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không biến chứng

Trào ngược trở thành bệnh lý khi acid trong chất trào ngược gây ra vấn đề như: tình trạng hen suyễn nặng hơn, chậm lớn, hoặc tổn thương thực quản. Chỉ một vài trẻ trào ngược có các vấn đề này. Tổn thương thực quản dễ xảy ra khi trào ngược thường xuyên, lượng dịch trào ngược nhiều.

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị bệnh bao gồm bỏ ăn, thường xuyên khóc hoặc ưỡn cổ và lưng như bị đau, sặc khi ọc sữa, nôn vọt, ọc ra máu, ho thường xuyên hoặc không tăng cân.

Thường rất khó để biết trẻ nhỏ có bị đau hay không. Nhìn chung, trẻ khỏe mạnh là khi trẻ khóc mà có thể được an ủi bằng cách dỗ dành, đánh lạc hướng hoặc đáp ứng nhu cầu của trẻ (đói, ngủ, hoặc thay tã).

2.3 Khó chịu và trào ngược

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng trào ngược là nguyên nhân khiến trẻ cáu kỉnh hoặc khó ngủ. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng trào ngược thường không gây đau và giảm acid dạ dày không giúp cải thiện tình trạng cáu gắt [2,3].

Khó chịu và khó ngủ là những vấn đề có thể liên quan đến một số bệnh lý. Nên đưa trẻ đi khám khi trẻ cáu kỉnh và thường xuyên ọc sữa.

3. Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ cần hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng; đồng thời nếu nghi ngờ bệnh lý có thể chỉ định một số cận lâm sàng cần thiết như:

● Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.

● Chụp X Quang thực quản dạ dày cản quang để đánh giá mức độ nuốt của trẻ và đánh giá giải phẫu của dạ dày.

● Ngoài ra có thể nội soi nếu cần để đánh giá tình trạng niêm mạc thực quản.

Xét nghiệm máu
Bác sĩ tiến hành các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán tình trạng bệnh

4. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Trẻ bị trào ngược không biến chứng không cần điều trị. Trẻ sơ sinh bị bệnh lý trào ngược thường được điều trị trước tiên bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm: tránh cho ăn quá nhiều, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bế đứng sau khi bú, chế độ ăn kiêng sữa bò, và cho ăn đặc.

Nhiều trẻ có triệu chứng trào ngược sẽ cải thiện với các biện pháp không dùng thuốc. Trong một nghiên cứu, hơn 80% trẻ sơ sinh sẽ cải thiện một phần hoặc hoàn toàn chỉ bằng các biện pháp không dùng thuốc, bao gồm cho ăn đặc, tránh khói thuốc và thử chế độ ăn kiêng sữa bò (sữa thủy phân hoàn toàn hoặc mẹ hạn chế ăn đạm bò nếu bú sữa mẹ).

4.1 Chế độ ăn kiêng bò

Một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản do bởi sữa bò. Nguyên nhân phổ biến nhất là do không dung nạp protein sữa bò (đôi khi được gọi là viêm thực quản do dị ứng do protein bò hoặc dị ứng đạm sữa bò, mặc dù đây không phải là dị ứng thực sự).

Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của dị ứng đạm sữa bò đa dạng. Triệu chứng thường gặp bao gồm: ọc sữa và hoặc phân lỏng hoặc phân máu, và đôi khi chàm sữa. Hầu hết trẻ được chẩn đoán mắc dị ứng đạm sữa bò dựa trên các triệu chứng và triệu chứng này thay đổi theo chế độ ăn; xét nghiệm không cần thiết để chẩn đoán.

Phần lớn trẻ bị dị ứng đạm sữa bò chỉ nhạy cảm với đạm sữa bò; mặc dù vậy, một số trẻ có thể đồng thời nhạy cảm với đạm đậu nành. Ở trẻ còn bú mẹ, mẹ cần loại bỏ tất cả sữa và các sản phẩm từ đậu nành khỏi chế độ ăn của mình.

Nếu các triệu chứng trào ngược của trẻ được cải thiện sau hai đến ba tuần sau khi kiêng ăn, người mẹ nên tiếp tục chế độ ăn hạn chế đạm bò và sản phẩm từ đậu nành. Nếu các triệu chứng không cải thiện, người mẹ có thể ăn lại chế độ ăn bình thường và thảo luận với bác sĩ về việc hạn chế một số loại thực phẩm khác. Nếu các triệu chứng cải thiện, nên tiếp tục chế độ ăn kiêng cho đến khi trẻ được một tuổi. Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ em đều có thể dung nạp sữa bò.

Đối với trẻ bú sữa công thức, trẻ có thể bú sữa thủy phân hoàn toàn. Sữa thủy phân hoàn toàn cần duy trì trong một đến hai tuần để xác định xem tình trạng trào ngược của trẻ sơ sinh có cải thiện hay không. Một số trẻ có thể phản ứng với protein ngô có trong nhiều loại sữa công thức. Thử một loại sữa công thức không chứa ngô (ví dụ Similac Alimentum) có thể có lợi. Nếu các triệu chứng không cải thiện, có thể bắt đầu lại công thức đang sử dụng trước đó.

4.2 Thức ăn đặc hơn

Sữa công thức được làm đặc hoặc sữa mẹ được vắt ra có thể giúp giảm số lần trào ngược. Đây cũng là một biện pháp hiệu quả để giảm các triệu chứng ở trẻ khỏe mạnh đang tăng cân tốt. Đối với trẻ dưới ba tháng tuổi hoặc những trẻ bị dị ứng, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho ăn đặc hoặc trước khi thay đổi sữa. Tuy nhiên, thức ăn đặc thường không được khuyến cáo là phương pháp điều trị duy nhất cho trẻ sơ sinh bị viêm thực quản do trào ngược.

Ở một số nước, có thể sử dụng tinh bột gạo, bột carob, để làm đặc sữa. Ngũ cốc yến mạch cho trẻ sơ sinh là lựa chọn tốt cho hầu hết các bé. Hãy nhớ kiểm tra thành phần trong ngũ cốc vì một số loại có chứa protein đậu nành mà trẻ có thể không dung nạp được. Để làm đặc thức ăn, 30mL sữa công thức hoặc sữa mẹ vắt ra thường được kết hợp với tối đa 1 thìa (15mL) ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh. Núm vú của bình sữa có thể cần phải được làm lớn hơn để cho chất lỏng đặc đi qua dễ dàng. Thận trọng khi lỗ của núm vú lớn quá lớn vì trẻ có thể bị sặc nếu sữa ra quá nhanh. Có thể sử dụng núm vú cho phép điều chỉnh được dòng chảy sữa. Đối với trẻ bú sữa công thức, sữa công thức "Chống trào ngược" có thể sử dụng. Những loại này thường chứa bột gạo để làm đặc sữa.

Trẻ đang bú mẹ được khuyến khích tiếp tục bú mẹ; không nên chuyển sang sữa công thức chỉ với mục đích làm đặc sữa. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ trào ngược ở trẻ.

sữa mẹ và sữa công thức
Làm sữa đặc hơn là một trong những biện pháp giúp trẻ giảm trào ngược hiệu quả

4.3 Tư thế

Trẻ có thể ít bị trào ngược hơn nếu trẻ có thể được bế thẳng trong 20 đến 30 phút sau khi bú (tức là được bế trên vai người lớn). Cha mẹ nên tránh cho trẻ bú quá no và cho trẻ ngừng bú ngay khi trẻ không muốn bú thêm.

Giống như tất cả trẻ khác, những trẻ bị trào ngược nên nằm ngửa khi ngủ. Trẻ sơ sinh không được nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ, vì điều này làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

4.4 Thuốc điều trị trào ngược

Nếu các triệu chứng của trẻ không cải thiện sau khi thử các phương pháp điều trị không dùng thuốc, thì có thể dùng thử thuốc ức chế acid dạ dày. Các loại thuốc này điều trị hiệu quả trào ngược ở người lớn. Tuy nhiên, độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc này ở trẻ nhỏ tùy từng trường hợp:

● Đối với trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày thực quản không biến chứng, các loại thuốc làm giảm acid dạ dày hoặc thuốc đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày không đem lại lợi ích cho bé.

● Đối với trẻ nhỏ nghi ngờ mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản như đã đề cập ở trên, có thể dùng thử một loại thuốc giảm sản xuất acid dạ dày. Omeprazole và lansoprazole đã được nghiên cứu tốt nhất ở trẻ nhỏ. Nếu triệu chứng không cải thiện đáng kể trong vòng vài tuần, thường nên ngừng thuốc.

● Thuốc kháng acid và các loại thuốc khác (ví dụ: famotidine) không hiệu quả như omeprazole và lansoprazole trong việc ngăn chặn acid, nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Tất cả loại thuốc này, ngay cả thuốc kháng acid, có thể gây ra tác dụng phụ và chỉ dùng khi bác sĩ chỉ định.

5. Tiên lượng về sau

Đối với hầu hết trẻ bị trào ngược, các triệu chứng sẽ biến mất sau 1 tuổi và không tái phát sau này. Trẻ nhỏ có các triệu chứng kéo dài hơn ba tháng có nhiều khả năng bị ợ chua/ợ nóng sau này, nhưng mức độ liên quan của các triệu chứng này chưa rõ ràng.

Trẻ 16 tháng tuổi
Các triệu chứng của trào ngược sẽ giảm dần hoặc tự mất đi khi trẻ lớn lên

6. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Trẻ bị trào ngược khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây nên đi khám:

● Nôn nhiều lần hoặc nôn ra máu

● Tiêu chảy nặng, phân có máu

● Viêm phổi

● Chậm tăng cân

● Trẻ đã khóc hơn hai giờ

● Từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì

● Trẻ dưới ba tháng tuổi bị nôn trớ nhiều sau mỗi lần bú nhưng vẫn còn đói

● Thay đổi hành vi, bao gồm thờ ơ hoặc giảm phản ứng với xung quanh

Với những trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản ở mức độ nghiêm trọng như ngăn chặn sự phát triển của trẻ hoặc cản trở hơi thở của trẻ, sẽ phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. Cơ thắt thực quản dưới được phẫu thuật để thắt chặt ngăn acid chảy ngược vào thực quản.

Khi thấy con có dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ Nhi khoa: có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases

(https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/acid-reflux-ger-gerd-infants)

GI Kids (Children's Digestive Health Information for Kids and Parents)

(http://www.gikids.org), available in English and Spanish

La Leche League

(www.llli.org/FAQ/ger.html)

National Library of Medicine

(www.nlm.nih.gov/medlineplus/healthtopics.html)

[1] Shepherd RW, Wren J, Evans S, et al. Gastroesophageal reflux in children. Clinical profile, course and outcome with active therapy in 126 cases. Clin Pediatr (Phila) 1987; 26:55.

[2] Orenstein SR, Hassall E, Furmaga-Jablonska W, et al. Multicenter, double-blind, randomized, placebo-controlled trial assessing the efficacy and safety of proton pump inhibitor lansoprazole in infants with symptoms of gastroesophageal reflux disease. J Pediatr 2009; 154:514.

[3] Moore DJ, Tao BS, Lines DR, et al. Double-blind placebo-controlled trial of omeprazole in irritable infants with gastroesophageal reflux. J Pediatr 2003; 143:219.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

816 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan