Trẻ 25 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

25 tháng tuổi chính là giai đoạn phát triển trí tuệ quan trọng của trẻ. Trẻ trở nên tò mò, ham học hỏi và thích khám phá mọi thứ xung quanh. Để kích thích và đa dạng những vận động tư duy của bé, mẹ hãy thử tham khảo một số gợi ý nhằm giúp trí não bé phát triển.

1. Sự phát triển thể chất, vận động của trẻ 25 tháng tuổi

Trẻ 25 tháng tuổi có thể chạy nhảy và di chuyển một cách thuần thục hơn. Trẻ có thể lên xuống cầu thang, đi giật lùi...Kỹ năng vận động của trẻ ở giai đoạn này đã phát triển, trẻ có thể thực hiện các hoạt động kết hợp tay, mắt phức tạp hơn trước.

So với tháng trước, chiều cao của trẻ ở tháng này đã có sự thay đổi lớn. Tuy trẻ không tăng cân nhiều nhưng trẻ vẫn phát triển và trưởng thành đều đặn. Vóc dáng của trẻ sẽ bị tác động bởi các yếu tố gen, môi trường và dinh dưỡng. Tuy cùng nhóm tuổi nhưng bạn có thể thấy các bé có chiều cao và cân nặng khác nhau với đặc điểm cơ thể riêng.

24 tháng tuổi
25 tháng tuổi chính là giai đoạn phát triển trí tuệ quan trọng của trẻ

2. Sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ 25 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, trí tưởng tượng phong phú là một trong những điều tốt đẹp nhất mà bé có, dĩ nhiên ta không bàn tới những lúc bé hoảng sợ vì những ám ảnh đáng sợ mà trí tưởng tượng mang lại. Không chỉ nhìn sự việc bằng mắt thường, những đứa trẻ 2 tuổi có thể tưởng tượng ra gần như mọi điều bởi tâm trí của mình nữa, dẫn chứng là vài đứa trẻ rất ghét người lạ hoặc các bé rất sợ bác sĩ bởi ngày xưa phải chịu đau khi tiêm.

Não bộ của bé được miêu tả giống như một tổ ong chứa đựng chi chít những hoạt động thường ngày được kết nối với nhau nhằm có thể lý giải những thắc mắc cái gì, tại sao, như thế nào mà bé nhìn thấy trong cuộc sống. Bé tìm tòi và đang cố bắt nhịp với những gì mọi người xung quanh đang làm thông qua những thắc mắc, những câu hỏi tại sao của trẻ, nhờ vậy mà trẻ có thể tương tác với mẹ lâu hơn và học được thêm nhiều từ ngữ mới.

Tuy trẻ 2 tuổi không thể tự đi vệ sinh nhưng các trẻ đã sẵn sàng học điều này. Bạn sẽ không thấy cô đơn khi bé con cứ quanh quẩn bên cạnh. Bé thích tán gẫu và gây sự chú ý khi trẻ 25 tháng tuổi. Trẻ vẫn gần gũi mật thiết với bạn về mặt tình cảm mặc dù có lúc trẻ bị hấp dẫn một điều gì đó. Sự độc lập của trẻ chỉ gia tăng khi chúng lớn lên dù nhiều lúc điều này khiến bạn cảm thấy ngột ngạt.

Trẻ đang học cách giao tiếp và bắt chước các bạn và người lớn. Trẻ vẫn cảnh giác với người lạ nhưng nếu có cảm giác an toàn, trẻ cũng sẽ không ngần ngại nữa. Ở độ tuổi này, trẻ trở nên vô cùng đáng yêu. Bé thích tạo ra những vẻ mặt ngớ ngẩn rồi cười một mình và ngắm mình trong gương. Trẻ thích tham gia vào các cuộc trò chuyện mặc dù không phải lúc nào trẻ cũng hiểu được.

Trẻ thích làm theo ý mình như chọn quần áo mình thích để mặc sau khi tắm, tự mang/cởi giày, tất sau khi đi chơi đâu đó và hứng thú khi được giúp đỡ bố mẹ. Trẻ có thể giúp mẹ tự rửa tay và lau khô tay, tự mặc quần áo, cài nút áo giúp mẹ.

Trẻ đã bắt đầu ý thức về bản thân mình trong độ tuổi này. Trẻ thích chơi trò gọi tên các bộ phận trên cơ thể, trò chơi trí tuệ như xếp hình, xây tháp bằng gạch nhựa hay vẽ một đường thẳng, phân biệt màu sắc, những khái niệm đối lập,...

Trẻ rất thích được chơi cùng những bạn cùng lứa tuổi. Trẻ rất thích chơi cùng nhiều bạn, thích chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với các bạn, mặc dù có những lúc trẻ hơi hung hăng, quyết đoán. Điều này khiến trẻ rất thân thiện hoà đồng với mọi người, tự tin hơn trước mặt người quen và ít rụt rè, ít nhút nhát hơn trước người lạ.

So với những tháng trước, khả năng nói chuyện và giao tiếp xã hội cũng tốt hơn. Trẻ có khả năng sử dụng vốn từ trên 200 từ. Mặc dù giọng kể của trẻ vẫn còn khá ngọng, nhưng trẻ rất thích kể một câu truyện ngắn mẹ hay kể cho trẻ nghe. Khi kể chuyện, trẻ cố bắt chước giọng của mẹ, trông trẻ thực sự đáng yêu. Bạn sẽ bật cười khi nghe trẻ kể chuyện. Trẻ có khả năng nói một số các câu trả lời đơn giản, thuộc và hát được một vài câu hát ngắn.

Trẻ xếp đồ vật theo kích thước
Trẻ 25 tháng thích chơi trò gọi tên các bộ phận trên cơ thể, trò chơi trí tuệ như xếp hình, xây tháp bằng gạch nhựa hay vẽ một đường thẳng

3. Chế độ dinh dưỡng của trẻ 25 tháng tuổi

Để có thể phòng ngừa sớm một số bệnh sau này, mẹ sẽ phân vân không biết có nên bắt đầu khống chế lượng chất béo và cholesterol mà bé ăn vào hằng ngày hay không. Mẹ hãy chuyển thức ăn thức uống của bé sang các sản phẩm sữa ít béo và tăng cường chất xơ bằng cách cho bé ăn ngũ cốc hạt thô, rau quả trái cây cùng với các loại thức ăn giàu đạm như gà và cá nếu cảm thấy chưa sẵn sàng. Vitamin dạng nhai cũng là một ý kiến hay. Không nên quá cứng nhắc khi áp dụng chế độ ăn này bởi trẻ con cần nguồn chất béo tốt cho tim mạch để có thể phát triển cả về thể chất lẫn trí não, vậy nên mẹ hãy bàn bạc với bác sĩ về những gì nên đưa vào chế độ ăn của bé.

Trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn khi trẻ cảm thấy đói. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lượng thức ăn và việc bé có muốn ăn thường xuyên không. Nên tạo khoảng cách giữa các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ và đừng cho bé uống nhiều sữa. Tuy bữa sáng vô cùng quan trọng nhưng đừng quá lo lắng nếu trẻ không muốn ăn ngay sau khi thức dậy.

Để bắt đầu một ngày mới, một số trẻ mất cả tiếng hoặc lâu hơn, chỉ đơn giản là trẻ chưa muốn ăn ngay, trong khi có những trẻ vừa rời phòng ngủ đã đi thẳng ra tủ lạnh để lục đồ ăn.

Tùy thuộc theo trọng lượng và chiều cao của trẻ, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Lúc này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ còn cao hơn cả người lớn. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển tốt cả về thể lực và trí tuệ tạo đà cho các kỳ tăng trưởng tiếp theo.

Ở lứa tuổi này, trung bình nhu cầu năng lượng cần thiết ở mức 95 Kcal/kg/24 giờ. Tuy bộ máy tiêu hóa và các chức năng tiêu hóa, hấp thu vẫn chưa thật hoàn chỉnh, nhưng trẻ bắt đầu nhai được các loại thức ăn cứng hơn.

Vì vậy cần thiết lập chế độ ăn uống hợp lý với trẻ. Ngoài 3 bữa ăn chính, trẻ cần được bổ sung thêm các bữa phụ. Mỗi bữa cách nhau 4 tiếng, lượng thức ăn chính khoảng 5 gr cộng thêm các món khác. Cần đảm bảo o đủ các loại chất dinh dưỡng như: Thịt, cá, tôm, trứng, các loại rau xanh trong các bữa ăn chính.

Cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn: Đạm, tinh bột, dầu mỡ và vitamin. Ngoài ra, để giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, cần cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh, hoa quả, sữa chua. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu của trẻ. Để cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày của trẻ, cần đảm bảo cho trẻ uống đủ 500 ml sữa mỗi ngày để cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày của trẻ.

Cho trẻ ăn
Ngoài 3 bữa ăn chính, trẻ 25 tháng cần được bổ sung thêm các bữa phụ

Để kích thích khả năng học tập, sáng tạo, biết chia sẻ, nhường nhịn đồ chơi, đồ ăn với nhau, ở giai đoạn này, bạn có thể cho trẻ chủ động tiếp xúc với nhiều trẻ khác cùng trong độ tuổi của trẻ. Đây cũng chính là cơ hội cho bạn cùng các mẹ khác có thời gian nhâm nhi chén trà chia sẻ những kinh nghiệm hay.

Khuyến khích trẻ vận động và cố gắng hạn chế thời gian bé dán mắt vào màn hình tivi. Hãy để ý trẻ đang xem gì trên tivi, bởi không chỉ những gì trẻ xem mới quan trọng mà những gì trẻ không làm trong lúc ngồi yên xem ti vi mới là quan trọng.

Đi dạo, đi chơi công viên hoặc về nhà ông bà cũng tạo cho trẻ thói quen biết yêu thương, giao tiếp xã hội, từ đây kích thích khả năng nói chuyện và vận động của trẻ.

Bố mẹ lưu ý thường xuyên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để tiêm phòng và khám bệnh định kỳ. Hãy giữ vệ sinh thân thể, ăn uống, sinh hoạt, tạo cho trẻ một môi trường thật tốt để phát triển toàn diện.

Trẻ 25 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan