Trẻ tăng động giảm chú ý có chữa được không?

Tăng động giảm chú ý là một chứng rối loạn thần kinh thường gặp phải ở trẻ nhỏ. Căn bệnh này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ trong tương lai nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

1. Tăng động giảm chú ý ở trẻ là tình trạng gì?

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là một rối loạn sinh học thần kinh, được đặc trưng bởi tình trạng giảm sự tập trung chú ý trong khi trẻ bị tăng hoạt động quá mức hoặc thiếu kiềm chế, cụ thể:

Các biểu hiện giảm chú ý ở trẻ:

  • Dễ mất tập trung khi có sự tác động từ bên ngoài.
  • Khó duy trì được sự chú ý lâu do so với những trẻ cùng lứa tuổi.
  • Trẻ kém sự cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ và dễ gặp sai sót.
  • Trẻ hay quên hoặc làm mất đồ chơi / đồ dùng.
  • Trẻ ít tuân theo những chỉ dẫn và thường hiếm khi hoàn thành trọn vẹn bài vở hay nhiệm vụ.
  • Hay bỏ dở công việc trước mắt để làm sang việc khác.
  • Thường xuyên né tránh hoặc không muốn tham gia vào các hoạt động cần đến sự nỗ lực tư duy.

Các biểu hiện trẻ tăng hoạt động:

  • Thường xuyên leo trèo, chạy nhảy hoặc không thể ngồi yên một chỗ lâu.
  • Hay bồn chồn, ngồi thường cử động chân tay liên tục.
  • Trẻ gặp khó khăn khi tham gia hoặc chơi các hoạt động tĩnh.
  • Trẻ nói quá nhiều, thường xuyên trả lời bộc phát khi chưa nghe hết câu hỏi.
  • Thiếu kiên nhẫn hoặc khó khăn khi phải chờ đợi.
  • Hay chen ngang hoặc ngắt quãng cuộc hội thoại của những người khác.

Những biểu hiện trên ở trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường kéo dài trên 6 tháng và có xu hướng xuất hiện trước 12 tuổi. Tình trạng này có thể xảy ra ngay khi trẻ ở nhà, nơi công cộng hoặc trường học. Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị trẻ tăng động giảm chú ý sẽ gây cản trở lớn đến quá trình sinh hoạt, học tập và các mối quan hệ của bé.

Một số thể bệnh tăng động giảm chú ý mà trẻ thường mắc phải, bao gồm:

  • Thể giảm chú ý nổi trội.
  • Thể tăng đột – xung động nổi trội.
  • Thể kết hợp cả tăng động lẫn giảm chú ý.

Thông thường, các bé trai sẽ có tỷ lệ mắc tăng động giảm chú ý cao hơn so với bé gái (gấp 3 lần). Rối loạn này thường đi kèm với những tình trạng rối loạn khác như rối loạn Tic, rối loạn ứng xử, rối loạn chống đối, trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các khuyết tật học tập.

2. Nguyên nhân nào khiến trẻ mắc tăng động giảm chú ý?

Hiện nay, nguyên do dẫn đến bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo chuyên gia cho biết, một số yếu tố có thể góp phần làm hình thành nên chứng rối loạn này, bao gồm:

  • Yếu tố sinh học: Bệnh lý của người mẹ khi mang thai, di truyền, bệnh lý sau sinh, trẻ bị tổn thương não sau sinh, sinh non hoặc dùng một số loại thuốc.
  • Yếu tố môi trường: Sự căng thẳng tâm lý trong gia đình, môi trường sống ồn ào / chật chội / đông đúc, trẻ chơi điện tử, xem tivi, dùng thiết bị điện tử quá nhiều hoặc do một số yếu tố độc hại từ môi trường ô nhiễm.

3. Tăng động giảm chú ý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ ra sao?

Trước khi tìm hiểu các cách điều trị trẻ tăng động giảm chú ý, các bậc phụ huynh cũng cần biết được chứng rối loạn này có ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ như thế nào nếu không quản lý tốt. Dưới đây là một số tác hại của tình trạng tăng động giảm chú ý gây ra cho trẻ:

  • Làm sa sút kết quả học tập: Các triệu chứng như kém tập trung, hiếu động hoặc nghịch ngợm được xem là nguyên nhân chính khiến trẻ bị xao nhãng và phân tâm việc học tập. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tiếp thu kiến thức của trẻ, đồng thời gây khó khăn trong việc sắp xếp các hoạt động đòi hỏi tư duy, tính toán, viết, đọc,...
  • Khiến trẻ khó kết bạn hoặc duy trì các mối quan hệ: Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể khiến trẻ khó kiểm soát cảm xúc, dễ bị cô lập và phát sinh những cảm xúc tiêu cực như lo âu, trầm cảm,... Điều này vô tình tạo nên một rào cản khiến trẻ khó kết bạn với những trẻ khác.
  • Tạo nên xu hướng bạo lực: Đa số trẻ bị tăng động thường có tính cách bồng bột, nóng nảy, hay cáu giận, hung hăng vô cớ và có xu hướng bạo lực khi trưởng thành. Mặt khác, trẻ bị tăng động giảm chú ý nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bé dễ mắc phải các tệ nạn xã hội khi lớn lên, chẳng hạn như lạm dụng bia rượu, đua xe, dùng chất gây nghiện hoặc trộm cắp,...
  • Mắc một số rối loạn thần kinh khác: Một số trẻ bị tăng động giảm chú ý còn mắc thêm một số tình trạng rối loạn thần kinh khác như rối loạn hành vi chống đối, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc,...

Việc áp dụng sớm các biện pháp điều trị trẻ tăng động giảm chú ý sẽ giúp bé phát triển tốt hơn về mặt thể chất và tâm thần. Điều này cũng giúp ngăn ngừa những nguy cơ sức khoẻ khác cho trẻ.

4. Liệu trẻ tăng động giảm chú ý có chữa được không?

Thực tế, bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ là hoàn toàn có thể chữa được. Khi điều trị càng sớm, trẻ càng có khả năng phục hồi sự phát triển tốt có thể. Các biện pháp chữa tăng động giảm chú ý ở trẻ thường bao gồm dùng hoá dược kết hợp với liệu pháp tâm lý.

4.1. Điều trị trẻ tăng động giảm chú ý bằng hoá dược

Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho những bệnh nhi mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, bao gồm:

  • Các thuốc thuộc nhóm hướng tâm thần gây nghiện, giúp kích thích hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như Dextroamphetamine thường được sử dụng cho trẻ trên 3 tuổi hoặc thuốc Methylphenidate dành cho trẻ trên 6 tuổi. Liều lượng sử dụng các loại thuốc này sẽ được xác định cụ thể dựa trên khuyến cáo của bác sĩ.
  • Thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin và thuốc chống trầm cảm 3 vòng được đánh giá là lựa chọn ưu tiên thứ 2 dành cho những trường hợp trẻ bị tăng động giảm chú ý không đáp ứng điều trị bằng những loại thuốc hướng tâm thần, đồng thời kèm theo triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm.
  • Thuốc Clonidine (đồng vận α-Adrenergic) được sử dụng dành cho những trường hợp trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý kèm theo rối loạn Tic, có hành vi gây hấn hoặc hội chứng Gilles de la Tourette.

4.2. Chữa tăng động giảm chú ý ở trẻ bằng liệu pháp tâm lý

Mặc dù liệu pháp hoá dược có thể điều trị được chứng tăng động giảm chú ý, tuy nhiên chúng có nguy cơ để lại một số tác dụng phụ và đôi khi kém hiệu quả nếu chỉ dùng riêng lẻ. Vì vậy, các chuyên gia thường khuyến nghị kết hợp thêm liệu pháp tâm lý cho trẻ, giúp tình trạng bệnh của bé sớm được cải thiện.

Dưới đây là một số liệu pháp tâm lý mà cha mẹ có thể áp dụng cho bé bị tăng động giảm chú ý:

  • Luôn đặt ra những quy tắc rõ ràng, cụ thể và ngắn gọn, khuyến khích trẻ tuân theo và để trẻ biết được cha mẹ đang mong muốn điều gì ở mình.
  • Giao những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhằm giúp nâng cao lòng tự trọng cũng như trách nhiệm của chúng.
  • Tạo cho trẻ thói quen lên kế hoạch trước bất kỳ công việc gì. Cha mẹ có thể lập kế hoạch cùng con, theo dõi và hỗ trợ trẻ hoàn thành từng nhiệm vụ.
  • Tạo cho trẻ thói quen chú ý lắng nghe mỗi khi bạn nói chuyện.
  • Cha mẹ nên đặt sự quan tâm đúng mực đối với trẻ, đồng thời tìm hiểu điểm mạnh của con để khích lệ, động viên, trong khi đó giúp trẻ hoàn thiện những điểm yếu.
  • Nên cho trẻ khám phá những trò chơi cần đến sự tư duy, chẳng hạn như giải câu đố, xếp hình,... Tránh để trẻ chơi game hay những trò bạo lực.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao giúp nâng cao sức đề kháng.
  • Trước khi cho trẻ đến nơi công cộng, luôn nhắc nhở trẻ các luật lệ và nội quy cần thiết.
  • Trong quá trình điều trị trẻ tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần giữ thái độ kiên nhẫn, lúc nhu lúc cương. Nếu trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc thực hiện một hành động đúng đắn, bạn có thể thường cho bé một phần quà tích cực nhằm khích lệ trẻ.

Trẻ em vốn hiếu động, có tính tò mò nhưng lại dễ bị tổn thương. Mặt khác, tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Đóng vai trò là phụ huynh, mỗi bậc cha mẹ cần dành cho con sự quan tâm và yêu thương đúng mực, đồng thời kề vai sát cánh cùng con trong hiện tại và cả mai sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

756 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan