Vai trò của kẽm với tăng cường miễn dịch và tăng trưởng của trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Kẽm là một trong những chất khoáng vi lượng quan trọng đối với cơ thể con người. Mặc dù kẽm chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ thể nhưng đây là một vi chất không thể thiếu. Đặc biệt đối với trẻ em, kẽm có vai trò giúp tăng cường hệ miễn dịch và tăng trưởng ở trẻ.

1. Kẽm là gì?

Kẽm là một chất khoáng vi lượng thiết yếu đối với cơ thể con người, và chủ yếu được hấp thu qua đường tiêu hóa tại ruột non. Kẽm có nhiều chức năng sinh học quan trọng, là thành phần thiết yếu của nhiều loại protein, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng ở trẻ.

Kẽm thường có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm đồng, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, lươn, gan lợn, sò, hàu, cá, các loại hạt dầu, đậu nành,... Đậu xanh nảy mầm cũng là một trong những thực phẩm giàu kẽm và dễ hấp thu. Một người nhu cầu kẽm cần có trong khẩu phần ăn trong một ngày sẽ phân theo từng lứa tuổi như sau:

  • Trẻ dưới 5 tháng: 2,8 mg/ngày;
  • Trẻ từ 6-11 tháng đến 2 tuổi: 4,1 mg/ngày;
  • Trẻ từ 3-5 tuổi: 4,8 mg/ngày;
  • Trẻ từ 6-9 tuổi: 5,6 mg/ ngày;
  • Từ 1 - 19 tuổi: đối với nữ là 7,2 mg/ ngày, đối với nam là 8,6 mg/ngày.

Mặc dù kẽm chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ thể nhưng không thể thiếu chúng. Cơ thể thiếu kẽm sẽ suy giảm hệ miễn dịch, chậm tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, thiếu kẽm có thể gây ra một số bệnh nghiêm trọng.

Kẽm
Kẽm là một chất khoáng vi lượng thiết yếu đối với cơ thể con người, và chủ yếu được hấp thu qua đường tiêu hóa tại ruột non

2. Vai trò của kẽm trong tăng cường miễn dịch

Kẽm có nhiều vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch bao gồm:

  • Kẽm giúp phát triển hệ thống miễn dịch và duy trì hoạt động hiệu quả;
  • Bảo vệ cơ thể trước bệnh tật;
  • Giúp vết thương mau lành;
  • Kích thích sự phát triển của các tế bào lympho Tlympho B, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng.

Nếu thiếu kẽm, cơ thể sẽ giảm phát triển và suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch bao gồm tế bào lympho T, lympho B và đại thực bào. Đối với trẻ em, thiếu kẽm sẽ dẫn tới hiện tượng hoạt hóa đại thực bào và hiện tượng thực bào bị suy giảm. Do đó, khi cơ thể thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng của hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Theo một nghiên cứu của Castillo - Duran, việc bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp làm giảm 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong lên tới trên 50%.

3. Vai trò của kẽm trong tăng trưởng và phát triển ở trẻ em

Vai trò của kẽm rất cần thiết cho sự tăng trưởng ở trẻ em:

  • Thúc đẩy sự tăng trưởng về thể chất bằng những tác động ở hệ tiêu hóa;
  • Tăng cường sự hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm và phân chia tế bào. Khi thiếu kẽm dẫn tới sự phân chia tế bào khó xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển chiều cao ở trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì.
  • Tham gia vào quá trình tổng hợp và điều hòa chức năng của các trục hormone dưới đồi ví dụ như: GH, IGF-I. Đây là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.
  • Duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Sự chuyển hóa của các tế bào vị giác sẽ bị ảnh hưởng nếu thiếu kẽm, dẫn tới biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ em lười ăn sẽ bị suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ;
  • Kẽm giúp vận chuyển canxi vào não giúp ổn định thần kinh và duy trì phát triển trí não. Do vậy, nếu được bổ sung kẽm đầy đủ, trẻ nhỏ sẽ có một trí nhớ tốt;
  • Kẽm điều hòa chức năng nội tiết tố của tuyến yên và sinh dục. Kết hợp với hệ thần kinh, nội tiết tố điều hòa hoạt động giúp cơ thể con người thích nghi với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Vì vậy, trẻ thiếu kẽm sẽ kém thích nghi với biến đổi môi trường, dễ ốm vặt và mắc một số bệnh liên quan tới môi trường;
  • Bên cạnh đó, kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch. Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng và phát triển, tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em.

Theo một nghiên cứu của Castillo - Duran, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp được bổ sung kẽm sẽ cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt ở cân nặng và chiều cao trong 6 tháng đầu đời.

Trẻ bị tiêu chảy cấp nên được bổ sung thêm kẽm
Vai trò của kẽm rất cần thiết cho sự tăng trưởng ở trẻ em

4. Phòng chống thiếu kẽm ở trẻ em

Kẽm có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên biểu hiện của thiếu kẽm lại vô cùng tiềm tàng và khó chẩn đoán, có thể nhầm lẫn với một số bệnh. Những dấu hiệu của thiếu kẽm bao gồm:

  • Mất cảm giác thèm ăn;
  • Rụng tóc;
  • Tiêu chảy kéo dài;
  • Mắc các bệnh về da như: chàm da, vết thương lâu lành, chậm liền sẹo
  • Rối loạn thị giác;
  • Rối loạn phát triển xương: trẻ chậm phát triển, hay ốm, sụt cân,...

Việc phòng ngừa thiếu kẽm ở trẻ em rất quan trọng, giúp cho trẻ phát triển khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch. Một số biện pháp phòng ngừa thiếu kẽm bao gồm:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít sẽ có nguy cơ thiếu kẽm bởi vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Do đó, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và kéo dài tới 2 tuổi. Ngoài ra, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả mẹ và con.
  • Bổ sung thực phẩm giàu kẽm trong bữa ăn hàng ngày: Thức ăn nhiều kẽm như lòng đỏ trứng, thịt bò, gan lợn, cá, tôm đồng, lươn, hàu, sò, sữa, đậu nành, các hạt có dầu,...
  • Bổ sung thêm kẽm: Sữa công thức, bột dinh dưỡng,... Hoặc bổ sung kẽm bằng các sản phẩm có chứa kẽm dưới dạng cốm đa vi chất dinh dưỡng có chứa kẽm hoặc các dạng sirô,... Đặc biệt là trong những giai đoạn trẻ bị bệnh như tiêu chảy, hay nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ cần nhu cầu kẽm cao hơn bình thường.

Tóm lại, kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Kẽm tham gia vào nhiều chức năng sinh học trong cơ thể con người, đặc biệt có vai trò quan trọng trong tăng cường miễn dịch và tăng trưởng ở trẻ. Vì vậy, cần bổ sung kẽm cho trẻ đầy đủ bằng các loại thực phẩm giàu kẽm. Đối với trẻ em , cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ dễ hấp thu hơn sữa bò, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ kẽm cho cả mẹ và con. Ngoài ra, khi thấy những dấu hiệu thiếu kẽm như rụng tóc, mất cảm giác kèm ăn, trẻ chậm lớn,... cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan