Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thoát vị hoành là các khiếm khuyết trên cơ hoành làm các tạng trong ổ bụng đi vào lồng ngực. Phẫu thuật là cách điều trị duy nhất; trong đó, mổ nội soi ưu tiên được chọn lựa vì có nhiều ưu điểm.

1. Phẫu thuật nội soi thoát vị hoành là gì?

Cơ hoành là một lớp cơ mỏng, ngăn cách hai phần ngực và bụng. Thoát vị hoành xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng di chuyển lên trên, vào trong lồng ngực thông qua bất kỳ một khiếm khuyết nào trên bề mặt cơ hoành. Ở trẻ em, khiếm khuyết này có thể xảy ra ngay từ khi mới chào đời, gọi là thoát vị hoành bẩm sinh. Ở người lớn, thoát vị hoành thường do mắc phải sau chấn thương, tai nạn. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào, nếu thoát vị cơ hoành xảy ra cấp tính, các tạng trong ổ bụng chèn ép tim, phổi gây ảnh hưởng hô hấp đều cần phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo tính mạng. Ngược lại, nếu khối thoát vị nhỏ, không kẹt, người bệnh có thể được sắp xếp can thiệp theo chương trình.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị hoành: phẫu thuật hở và phẫu thuật nội soi. Cả hai cách đều có cùng nguyên tắc là sắp xếp lại các cơ quan từ lồng ngực và đặt trở vào ổ bụng và sau đó là sửa chữa cơ hoành, khôi phục lại tính toàn vẹn liên tục. Tuy nhiên, nếu không phải là tình huống cấp cứu, phẫu thuật nội soi ngày nay được ưu tiên tiến hành hơn do nhiều ưu điểm.

Đối với phẫu thuật nội soi, người bệnh được can thiệp tối thiểu thông qua các lỗ rất nhỏ trên da, đưa các ống nhỏ, mỏng và linh hoạt, bên trong ống có chứa máy ảnh cũng như các dụng cụ can thiệp vào lồng ngực và ổ bụng. Hình ảnh thu nhận trên camera sẽ được chiếu lên màn hình, hướng dẫn cho các bác sĩ điều khiển dụng cụ bên trong cơ thể người bệnh. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là đạt độ thẩm mỹ cao với vết sẹo rất nhỏ trong khi phẫu thuật hở lại có diện can thiệp rộng, cần nhiều thời gian phục hồi, nguy cơ lành sẹo xấu. Tuy vậy, các trung tâm muốn có khả năng phẫu thuật nội soi sửa chữa cơ hoành thì đòi hỏi cần có hệ thống máy móc, trang bị theo yêu cầu kỹ thuật nội soi, phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm nhằm hạn chế nguy cơ tái phát.

Thoát vị cơ hoành
Ở trẻ em, khiếm khuyết này có thể xảy ra ngay từ khi mới chào đời, gọi là thoát vị hoành bẩm sinh

2. Các bước chuẩn bị trước phẫu thuật

Nếu không phải là các trường hợp thoát vị hoành do chấn thương cần mổ cấp cứu, tỷ lệ thành công của việc can thiệp sửa chữa cơ hoành sẽ tùy thuộc vào mức độ chuẩn bị trước đó.

Theo đó, trước khi quyết định phẫu thuật, người bệnh cần xác chẩn chẩn đoán thoát vị cơ hoành thông qua thăm khám lâm sàng và các dấu hiệu trên hình ảnh học như siêu âm, x-quang, chụp cắt lớp vi tính. Bên cạnh đó, cần đảm bảo bệnh nhân có khả năng chịu đựng được cuộc gây mê và phẫu thuật, không mắc các bệnh lý nặng, giai đoạn cuối hay bệnh lý ác tính. Ngoài ra, bác sĩ phải loại trừ các chống chỉ định của can thiệp ngoại khoa nói chung như rối loạn đông máu, nhiễm trùng tại chỗ trên thành bụng-ngực hay các chống chỉ định của mổ nội soi là cần bơm hơi phúc mạc như bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh phổi mãn... vành, bệnh van tim, bệnh tâm phế mãn tính.

Kế tiếp, người bệnh sẽ được thăm khám tiền phẫu và thực hiện các xét nghiệm cơ bản tổng quát. Bên cạnh đó, việc nội soi tiêu hóa trên cũng có thể cần thiết, giúp phẫu thuật viên đánh giá được trước kiểu dị dạng của cơ hoành. Đồng thời, người bệnh còn được hướng dẫn vệ sinh cơ thể, nhịn ăn, bù đắp nước và điện giải, tiêm truyền kháng sinh dự phòng, an thần, gây mê ngay trước khi cuộc mổ diễn ra.

3. Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành được thực hiện như thế nào?

Trên bàn mổ, người bệnh được sắp xếp nằm ngửa tư thế đầu cao chân thấp, chênh lệch một góc 30 độ so với mặt phẳng nằm ngang; các chi duỗi thẳng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được đặt ống thông dạ dày, ống thông tiểu và thở qua nội khí quản.

Sau đó, khi toàn bộ quá trình trên đã được ổn định, phẫu thuật viên sẽ tiến hành cuộc mổ bằng cách đưa camera vào quan sát và bơm hơi. Kế tiếp, việc sửa chữa cơ hoành sẽ được thực hiện qua ba bước liên tục nhau:

3.1. Tái cấu trúc lại vị trí các tạng

  • Đưa các phần của tạng thoát vị vào lồng ngực trở về lại ổ bụng. Các tạng thường bị thoát vị là tạng rỗng, khả năng dịch chuyển cao như tâm vị của dạ dày, các quai ruột non hay đại tràng.
  • Nếu lỗ thoát vị hẹp hay có sự dây dính của các tạng vào cơ quan lân cận, cần bóc tách cẩn thận, tránh làm sang chấn, thủng vỡ thêm.

3.2. Sửa chữa cơ hoành

  • Nếu lỗ thoát vị nhỏ thì tiến hành khép miệng và khâu đóng lỗ thoát vị vĩnh viễn.
  • Nếu lỗ thoát vị lớn, xem xét việc cần sử dụng mảnh ghép, che chắn lại lỗ thoát vị.

3.3. Thám sát ổ bụng và kết thúc

  • Cần thám sát sự liên tục của các tạng trong ổ bụng và bề mặt cơ hoành nhằm tránh thoát vị tái phát hay thoát vị ở vị trí khác.
  • Cuối cùng là kiểm tra dịch túi cùng, các rãnh tự nhiên trong ổ bụng trước khi rút trocar, khâu đóng thành bụng.

4. Theo dõi gì sau phẫu thuật?

Các điều cần theo dõi ở bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành cũng tương tự như các cuộc mổ trong ổ bụng nói chung. Trong đó, quan trọng nhất là công tác điều dưỡng khi hồi tỉnh, chăm sóc vết mổ cũng như hướng dẫn cho bệnh nhân ăn uống trở lại bằng đường miệng.

Ngoài ra, cần tiếp tục kháng sinh cho đủ 5 đến 7 ngày do đây là cuộc mổ nhiễm, có nguy cơ viêm phúc mạc cao. Song song đó, theo dõi các chức năng hô hấp, tim mạch, nhu động ruột, thân nhiệt hằng ngày sau mổ.

Thuốc
Cần tiếp tục kháng sinh cho đủ 5 đến 7 ngày do đây là cuộc mổ nhiễm

5. Các biến chứng và cách xử trí

5.1. Các biến chứng xảy ra trong khi phẫu thuật

  • Sang chấn gây thủng các tạng như thủng cơ hoành và các tạng lân cận trong quá trình thực hiện như thủng thực quản, thủng dạ dày, thủng ruột: khâu kín lại ngay, dẫn lưu dịch tiết.
  • Chảy máu do sang chấn mạch máu: kẹp clip cầm máu đối với mạch máu lớn, đốt điện đối với mạch máu nhỏ.

5.2. Các biến chứng xảy ra sau phẫu thuật

  • Chảy máu rỉ rả trong ổ bụng: mở thành bụng để thám sát lại và cầm máu
  • Viêm phúc mạc do thủng tạng, ápxe tồn lưu: bóc tách khối viêm, ápxe, đóng thành tạng, làm sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu kết hợp với kháng sinh phổ rộng đường toàn thân.
  • Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: thở máy, dẫn lưu hay cần phải phẫu thuật lồng ngực
  • Thoát vị hoành tái phát: tỷ lệ là 5 đến 20% và lên đến khoảng 30% cho các trường hợp đóng lỗ thoát vị có sử dụng mảnh ghép nhân tạo.

Khi bệnh nhân có những dấu hiệu của rối loạn chức năng cơ hoành tốt nên đi khám sớm, tránh biến chứng nặng.

Tóm lại, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành là một kỹ thuật tương đối phức tạp, nguy cơ tái phát cao cũng như các biến chứng nguy hiểm. Để hiệu quả được nâng cao, cần lựa chọn trung tâm đáng tin cậy, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn, giàu kinh nghiệm cũng như được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện cần thiết. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các chuyên gia giỏi và trang thiết bị hiện đại nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời nhất tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan