Quản lý bệnh giãn phế quản ở người lớn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị nội hô hấp.

Bệnh giãn phế quản là một bệnh phổi mạn tính, đường thở của người bệnh rộng hơn mức bình thường. Điều này dẫn đến việc tích tụ chất nhầy trong phổi và có thể làm cho người bệnh có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn.

1. Bệnh giãn phế quản

1.1.Bệnh giãn phế quản là gì?

Bệnh giãn phế quản là tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại ở phổi gây ho có đờm. Những triệu chứng này là do giãn nở bất thường ở phế quản.

Giãn nở phế quản gây nhiều khó khăn cho việc loại bỏ chất nhầy, đờm từ đường hô hấp dưới lên trên và ra ngoài. Chính chất đờm nhầy này là nơi cư trú lý tưởng để nhiều loại vi khuẩn, vi trùng cư trú sinh sôi và phát triển. Điều này dẫn đến nhiễm trùng và sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây ra tình trạng sưng viêm và kích thích. Nhiễm trùng, sưng viêm gây ảnh hưởng đến đường hô hấp, làm giãn phế quản nhiều hơn và tình trạng giãn phế quản trở nên xấu hơn. Quá trình này có khi được gọi là giả thuyết chu kỳ luẩn quẩn của giãn phế quản.

1.2 Triệu chứng của bệnh giãn phế quản

Các triệu chứng của giãn phế quản thường gặp nhất là ho, ho ra đờm và hụt hơi. Người mắc giãn phế quản cũng có thể bị viêm xoang, ho ra máu, đau ngực và cảm thấy mệt mỏi.

1.3 Mục đích điều trị bệnh giãn phế quản

Mục tiêu điều trị cho người mắc giãn phế quản:

  • Ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp
  • Điều trị chấm dứt triệu chứng của bệnh
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống
  • Tránh các yếu tố làm bệnh diễn tiến nặng hơn.

2. Những xét nghiệm nào nên làm khi bị giãn phế quản

Xét nghiệm máu
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng tất cả những người được chẩn đoán giãn phế quản đều nên được làm xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm máu: Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng tất cả những người được chẩn đoán giãn phế quản đều nên được làm xét nghiệm máu để xác định liệu giãn phế quản có liên quan đến bệnh lý miễn dịch của họ hay không.
  • Test lấy da: Tất cả những trường hợp bị giãn phế quản nên kiểm tra tình trạng nhiễm nấm aspergillus khí quản – phổi dị ứng (ABPA). Đây là tình trạng người bệnh trở nên mẫn cảm với Aspergillus, dạng phổ biến. Muốn chẩn đoán cần xét nghiệm làm test lấy da.
  • Cấy đờm: Để xác định chính xác nếu có nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm
  • Xét nghiệm chức năng hô hấp: Xét nghiệm tình trạng hoạt động của phổi, giúp xác định rõ mức độ tổn thương phổi.

3. Điều trị và chăm sóc bệnh nhân giãn phế quản

Đánh răng
Hằng ngày vệ sinh răng miệng và tắm rửa để tránh các ổ nhiễm khuẩn

Ðể phát hiện sớm bệnh giãn phế quản, người bệnh cần đến các cơ sở y tế khám bác sĩ khi có những dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ. Ngoài khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm các thăm dò cận lâm sàng như xét nghiệm đờm, X-quang ngực, CT-scanner ngực, nội soi phế quản... để xác định bệnh.

Tùy mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị thích hợp. Nói chung, việc điều trị sẽ bao gồm: Kháng sinh để chống nhiễm khuẩn; dẫn lưu đờm, thuốc làm loãng đờm; thuốc giãn phế quản khi cần; oxy liệu pháp; điều trị cầm máu khi có ho ra máu.

Phế quản đã bị giãn trong bệnh giãn phế quản không thể hồi phục lại như cũ. Vì vậy, việc điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn hô hấp cũng như cách phòng bệnh là rất quan trọng. Ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ thì người bệnh cần lưu ý những điều sau:

3.1 Nghỉ ngơi, yên tĩnh và chăm sóc đúng cách

  • Khi ngủ, nằm nghỉ ở tư thế nằm ngửa, đầu cao, đảm bảo thông thương đường hô hấp.
  • Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân, tránh gió lùa.
  • Hằng ngày vệ sinh răng miệng và tắm rửa để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho người bệnh, áo quần, chăn ga trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.
  • -Nếu bệnh nhân ho nhiều, phải hướng dẫn cho bệnh nhân nằm tư thế đầu cao, nghiêng về một bên, cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, làm ấm và ẩm không khí để bệnh nhân dễ thở, các biện pháp trên có tác dụng làm long đờm và bệnh nhân sẽ dễ khạc ra hơn.

3.2.Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống của người bệnh giãn phế quản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu có một nguyên tắc ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh. Ngược lại, nếu ăn uống không tốt có thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Trong cách chăm sóc bệnh nhân giãn phế quản cần chú ý tới chế độ ăn uống như sau:.

  • Người bệnh nên chọn ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, thanh đạm và dễ tiêu hóa. Thực phẩm chính nên chọn là bột mì, gạo, đậu Hà Lan, kiều mạch...Ngoài ra người bệnh cũng có thể chọn ăn sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà... là những thực phẩm vừa thanh đạm, lại giàu protein.
  • Củ sắn, bắp cải, mướp, bầu bí, dưa hấu, ngó sen, lê, quýt, táo, dứa, mía, hồng, đào... là những thứ rất giàu vitamin và chất khoáng, vô cùng cần thiết cho người bệnh giãn phế quản.
  • Người bệnh khạc ra máu nên ăn nhiều ngó sen sẽ có tác dụng bổ trợ cầm máu. Ngoài ra hạnh nhân, hạt bí đao, hạch đào nhân có tác dụng nhuận phổi giảm ho, có thể dùng ăn vặt hàng ngày.

Bên cạnh những thực phẩm bổ dưỡng, cần thiết thì người bệnh giãn phế quản cũng nên tránh các thực phẩm sau:

  • Kiêng ăn các thực phẩm cay gây kích thích và nhiều mỡ ngấy: như ớt, hạt cải, hạt tiêu, món quay rán, thịt hun khói, mỡ động vật ... vì loại thực phẩm này kích thích niêm mạc khí quản gây ra ho. Mỡ chiên rán và mỡ động vật khó tiêu, cần nhiều oxy, làm cho phổi phải làm việc nặng hơn.
  • Kiêng rượu: vì chức năng lưu thông không khí ở phổi của bệnh nhân đã kém, rượu có tác dụng làm tê liệt trung khu hô hấp, dễ xuất hiện tình trạng khó thở và ngừng thở, rất nguy hiểm đến tính mạng.
  • Kiêng ăn uống đồ lạnh: vì khi bị kích thích lạnh, họng sẽ bị viêm, gây ho, làm cho bệnh tăng nặng hơn.
Kiêng bia
Bệnh nhân giãn phế quản phổi cần lưu ý kiêng bia rượu

2.3.Chế độ sinh hoạt

Bên cạnh chế độ ăn uống người bệnh giãn phế quản cần phải chú ý tới chế độ sinh hoạt hàng ngày.

  • Cần tránh các yếu tố khiến bệnh nặng hơn như khói thuốc lá, thời tiết chuyển mùa, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại...
  • Khi thay đổi thời tiết hoặc khi người bệnh đi ra ngoài cần đeo khẩu trang, mặc ấm để tránh gió lùa, làm các bệnh về đường hô hấp nặng hơn, tình trạng giãn phế quản kéo dài hơn.
  • Người bệnh cần duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng phù hợp nhằm tăng cường sức khỏe.

Cùng với việc áp dụng một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, người bệnh giãn phế quản nên theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà, tái thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Từ đó có đơn thuốc điều trị giãn phế quản phù hợp.

Bệnh giãn phế quản là một tình trạng tiến triển và xấu đi với việc nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần. Chính vì vậy, mục đích kết quả của việc điều trị là ngăn chặn sự nhiễm trùng và đợt kịch phát. Điều quan trọng là cố gắng giúp cho phổi được khỏe nhất ở mức có thể với chức năng phổi tốt. Người bệnh nên sớm tiếp xúc với nhân viên chăm sóc sức khỏe nếu xuất hiện các triệu chứng của đợt kịch phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan