Bạn biết gì về hội chứng hít nước ối phân su?

Hội chứng hít phân su (viết tắt MAS). MAS có thể xảy ra trước trong hoặc sau khi sinh, do trẻ hít phải nước ối có phân su, gây tắc nghẽn đường thở 1 phần hoặc toàn phần, có thể dẫn đến rối loạn trao đổi khí và suy hô hấp nặng.

1. Phân su là gì?

Phân su là cặn bã tích tụ trong ruột bé sơ sinh, phân su chứa nước (70 – 80%), các tế bào vảy, chất tiết từ đường tiêu hóa, lông tóc thai nhi, dịch ối, glycoproteins và muối mật. Phân su bình thường không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Phân su trẻ sơ sinh có màu xanh lá cây, màu đen và có kết cấu dính. Khoảng 12 giờ sau sinh, nhờ bú sữa non của mẹ và hệ tiêu hóa trẻ bắt đầu hoạt động, phân su sẽ được tống ra khỏi ruột già. Liên quan đến phân su có hội chứng tiêu biểu nhất là hội chứng hít nước ối phân su. Tình trạng này có thể gây ngạt, khiến bé khó thở và gặp nhiều di chứng khác về sau.

2. Hội chứng hít nước ối phân su là gì?

Những áp lực mà bé trải qua trước hoặc trong khi sinh có thể khiến trẻ thải phân su khi còn trong tử cung. Hội chứng hít ối phân su là tình trạng bé hít phải hỗn hợp phân su và nước ối vào trong phổi hay đường khí quản lúc mẹ chuyển dạ.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng hít nước ối phân su

Hội chứng hít phân su thường liên quan đến suy thai do các vấn đề trong bụng mẹ như nhiễm trùng hoặc khó khăn trong khi sinh. Thai nhi có thể thiếu oxy làm kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng hoạt động ruột, giãn cơ vòng hậu môn (van cơ kiểm soát việc thải phân từ hậu môn) và tống xuất phân su vào dịch ối quanh thai.

Bạn biết gì về hội chứng hít nước ối phân su?
Hội chứng hít phân su thường liên quan đến suy thai do các vấn đề trong bụng mẹ

Tuy nhiên, việc xuất hiện phân su trong quá trình chuyển dạ và sinh nở không phải lúc nào cũng liên quan đến tình trạng suy thai. Đôi khi, những em bé không bị suy vẫn thải phân su trước khi được sinh ra. Các yếu tố rủi ro gây hội chứng hít phân su bao gồm:

  • Quá trình sinh nở khó và kéo dài.
  • Tuổi thai cao (hoặc thai nghén quá kỳ): tuổi thai kéo dài hơn 40 tuần có thể dẫn đến tình trạng nhau thai lão hóa, hay còn gọi là thai “già tuổi”. Nhau thai là cơ quan cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, khi nhau thai bị lão hóa do quá tuần tuổi sẽ không thể cung cấp đủ oxy cho thai. Lúc này lượng nước ối đã giảm càng kích thích phân su, chất nhầy tích tụ. Kết quả, hội chứng hít nước ối phân su gặp phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh quá ngày so với trẻ sinh non hoặc trẻ sinh đúng ngày.
  • Người mẹ hút thuốc lá nhiều.
  • Mẹ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao (tăng huyết áp), mắc các bệnh hô hấp hoặc bệnh tim mạch mãn tính.
  • Các bệnh lý nhiễm trùng.
  • Biến chứng dây rốn
  • Thai nhi chậm phát triển (em bé phát triển chậm trong tử cung)
  • Sinh non không phải là một yếu tố rủi ro gây ra trẻ hít phân su. Trên thực tế, hội chứng này rất hiếm ở trẻ sinh ra trước 34 tuần.

4. Dấu hiệu của hội chứng hít ối phân su là gì

Trước hoặc trong khi sinh, bác sĩ có thể sẽ nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng của hội chứng hít ối phân su, bao gồm:

  • Có phân su hoặc những vết bẩn màu xanh đậm trong nước ối
  • Da bé đổi màu – có thể là xanh lam (tím tái) hoặc xanh lá cây (do bị nhuộm bởi phân su)
  • Vấn đề về hô hấp: thở nhanh, thở khó khăn (khó thở) hoặc ngừng thở, ngực căng phồng bất thường.
Bạn biết gì về hội chứng hít nước ối phân su?
Bé có vấn đề về hô hấp: thở nhanh, thở khó khăn (khó thở) hoặc ngừng thở, ngực căng phồng bất thường

  • Bé có nhịp tim thấp trước khi sinh
  • Chỉ số Apgar thấp (được thực hiện ngay sau khi trẻ được sinh để nhanh chóng đánh giá màu sắc, nhịp tim, phản xạ, trương lực cơ và nhịp thở)
  • Trẻ yếu.

5. Biến chứng có thể xảy ra khi trẻ hít ối phân su

Hầu hết trẻ sơ sinh bị hội chứng hít ối phân su sẽ không gặp biến chứng sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe trẻ sơ sinh vì phân su tồn tại trong phổi có thể gây viêm và nhiễm trùng.

Phân su cũng có thể làm tắc nghẽn đường thở, phì đại phổi. Nếu phổi phì đại quá nhiều có thể vỡ hoặc suy, không khí từ bên trong phổi tích tụ trong khoang ngực và xung quanh phổi. Tình trạng này được gọi là tràn khí màng phổi và gây khó khăn cho việc tái tạo phổi.

Hội chứng hít ối phân su còn làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị tăng huyết áp phổi dai dẳng. Huyết áp cao trong các mạch máu phổi sẽ hạn chế lưu lượng máu khiến bé khó thở đúng cách. Huyết áp phổi ở trẻ sơ sinh là một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng.

Trong những trường hợp hiếm, hội chứng hít ối phân su nghiêm trọng có thể làm hạn chế oxy đến não trẻ, gây tổn thương não vĩnh viễn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan