Bất đồng nhóm máu khi mang thai: Những điều cần biết

Sự không tương thích Rh xảy ra khi bà mẹ mang thai có nhóm máu Rh âm tiếp xúc với máu Rh dương từ thai nhi, dẫn đến sự phát triển của kháng thể Rh trong cơ thể người mẹ. Điều này khiến thai nhi bị thiếu máu, có thể dẫn đến bệnh tan máu của trẻ sơ sinh. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, mọi sản phụ đều cần xét nghiệm Rh khi mang bầu.

1. Nhóm máu là gì?

Mỗi giọt máu chứa các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể bạn; ngoài ra máu cũng chứa các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống nhiễm trùng và tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.

Nhưng đó không phải là tất cả các thành phần có trong máu. Máu của bạn còn chứa các kháng nguyên, có bản chất là các protein và đường nằm trên bề mặt các tế bào hồng cầu và đây là cách mà các nhà khoa học phân loại nhóm máu của từng người. Trong khi có ít nhất 33 hệ thống nhóm máu thì thực tế lâm sàng chỉ có hai hệ thống được sử dụng rộng rãi. Đây là các hệ thống nhóm máu ABO và Rh dương / Rh âm. Hai hệ thống này kết hợp với nhau tạo thành tám nhóm máu cơ bản mà hầu hết mọi người đều quen thuộc:

  • Nhóm máu A dương tính
  • Nhóm máu A âm tính
  • Nhóm máu B dương tính
  • Nhóm máu B âm tính
  • Nhóm máu AB dương tính
  • Nhóm máu AB âm tính
  • Nhóm máu O dương tính
  • Nhóm máu O âm tính

Thì tương tự đối với trường hợp bà mẹ mang thai có nhóm máu Rh âm như mẹ nhóm máu O Rh- khi mang thai, nhóm máu O Rh+ khi mang thai, nhóm máu B Rh+ khi mang thai ....

bat-dong-nhom-mau-khi-mang-thai-nhung-dieu-can-biet-1
Sự không tương thích Rh xảy ra khi bà mẹ mang thai có nhóm máu Rh âm tiếp xúc với máu Rh dương từ thai nhi

2. Vì sao cần xét nghiệm Rh mang thai?

Khi mang thai, các vấn đề có thể xảy ra nếu sản phụ Rh(+) và thai nhi mang Rh(-) thì được gọi là bất đồng nhóm máu mẹ con. Thông thường, máu sản phụ không hòa lẫn với máu của thai nhi trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, một lượng nhỏ máu của em bé có thể tiếp xúc với máu của sản phụ trong khi sinh hoặc nếu sản phụ bị chảy máu hoặc chấn thương bụng khi mang thai. Nếu sản phụ Rh(-) và thai nhi Rh(-), cơ thể của sản phụ có thể tạo ra các protein gọi là kháng thể Rh sau khi tiếp xúc với các tế bào hồng cầu của thai nhi.

Các kháng thể được tạo ra không phải là vấn đề nguy hiểm trong lần mang thai đầu tiên. Mối quan tâm lớn hơn là với lần mang thai tiếp theo của cùng chính sản phụ đó. Nếu thai nhi tiếp theo mag Rh(+) thì các kháng thể Rh này có thể đi qua nhau thai và phá huỷ các tế bào hồng cầu của thai nhi. Điều này có thể dẫn đến thiếu máu đe dọa tính mạng thai nhi, đây là tình trạng trong đó các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn khả năng sản xuất hồng của của cơ thể thai nhi, trong khi đó các tế bào hồng cầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng để mang oxy đi khắp cơ thể và nuôi dưỡng thai nhi.

Do đó, sản phụ mang Rh(-) được khuyến cáo nên thực hiện một số xét nghiệm máu khác như xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong ba tháng đầu của thai kỳ, trong tuần thứ 28 của thai kỳ và khi sinh. Xét nghiệm sàng lọc kháng thể được sử dụng để phát hiện kháng thể chống lại máu Rh(+). Nếu sản phụ chưa bắt đầu sản xuất kháng thể Rh, có thể sản phụ sẽ cần tiêm một sản phẩm máu có tên là globulin miễn dịch Rh. Globulin miễn dịch ngăn cơ thể sản phụ sản xuất kháng thể Rh trong thai kỳ. Nếu em bé sinh ra mang nhóm máu Rh(-) thì không cần điều trị bổ sung, còn em bé sinh ra là Rh(+), sản phụ sẽ cần một mũi tiêm khác ngay sau khi sinh.

Nếu sản phụ Rh(-) và thai nhi có thể là Rh(+), bác sĩ có thể khuyên nên tiêm globulin miễn dịch Rh trong các tình huống máu của sản phụ có thể tiếp xúc với máu thai nhi, bao gồm:

  • Sảy thai
  • Phá thai
  • Mang thai ngoài tử cung - khi trứng được thụ tinh và làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng
  • Cắt bỏ thai trứng (molar pregnancy), đây là khối u không ung thư (lành tính) phát triển trong tử cung
  • Chọc dò nước ối - xét nghiệm tiền sản trong đó mẫu chất lỏng bao quanh và bảo vệ em bé trong tử cung (nước ối) được lấy ra để xét nghiệm hoặc điều trị
  • Lấy mẫu để sinh thiết gai nhau
  • Thử nghiệm di truyền trước sinh (tên tiếng Anh là Cordocentesis), còn gọi là lấy mẫu xét nghiệm máu qua da tại vùng dây rốn (PUBS). Máu được lấy từ tĩnh mạch trong dây rốn để tiến hành kiểm tra các bất thường về nhiễm sắc thể. Bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm này khi thai nhi được 18 tuần tuổi. Xét nghiệm này có nguy cơ sảy thai cao hơn xét nghiệm chọc ối hay sinh thiết gai nhau. Nói chung, xét nghiệm này chỉ được thực hiện khi kết quả của các xét nghiệm khác không rõ ràng
  • Chảy máu khi mang thai
  • Chấn thương bụng khi mang thai
  • Bác sĩ hoặc hộ sinh thực hiện xoay tư thế của thai nhi bằng thủ công trước khi chuyển dạ
  • Trong quá trình sinh con bị chảy máu và có sự tiếp xúc giữa máu của mẹ và trẻ

Nếu xét nghiệm sàng lọc kháng thể cho thấy sản phụ đã sản xuất kháng thể thì việc tiêm globulin miễn dịch Rh sẽ không có hiệu quả. Thai nhi và sản phụ sẽ được theo dõi cẩn thận và sát sao. Người đó có thể được truyền máu qua dây rốn khi mang, nếu cần thiết, thai nhi có thể được truyền máu qua dây rốn hoặc ngay sau khi sinh.

3. Cách phòng tránh bất đồng nhóm máu mẹ con

3.1 Tiêm phòng anti-D Immunoglobulin

Tiêm phòng anti-D Immunoglobulin làm trung hòa mọi kháng nguyên RhD dương tính có thể đã xâm nhập vào máu của người mẹ khi mang thai. Nếu các kháng nguyên đã được trung hòa, máu của người mẹ sẽ không tạo ra kháng thể chống lại hồng cầu của thai nhi.

Sản phụ sẽ được tiêm phòng anti-D Immunoglobulin nếu bác sĩ nghi ngờ sản phụ có nguy cơ kháng nguyên RhD từ thai nhi đã xâm nhập vào máu của sản phụ trong trường hợp sản phụ bị chảy máu, có thủ thuật xâm lấn (như chọc ối) hoặc nếu bị chấn thương bụng.

Tiêm phòng anti-D Immunoglobulin cũng được chỉ định trong ba tháng cuối của thai kỳ nếu nhóm máu của sản phụ âm tính với RhD. Điều này là do có khả năng một lượng máu nhỏ từ thai nhi sẽ đi vào máu của sản phụ trong thời gian này.

Bất đồng nhóm máu khi mang thai: Những điều cần biết
Tiêm phòng anti-D Immunoglobulin

3.2 Dự phòng chống D thường quy trước khi sinh

Hiện tại có hai cách để sản phụ tiêm phòng anti-D Immunoglobulin

  • Phác đồ điều trị 1 liều: Sản phụ được tiêm immunoglobulin vào trong tuần từ 28 đến 30 của thai kỳ
  • Phác đồ điều trị 2 liều: Sản phụ sẽ được nhận được 2 mũi tiêm; một trong tuần thứ 28 và liều còn lại trong tuần thứ 34 của thai kỳ

Hiện này, dường như không có sự khác biệt nào về hiệu quả giữa các phác đồ điều trị 1 liều hoặc 2 liều.

3.3 Khi nào sản phụ được tiêm phòng anti-D Immunoglobulin?

Tiêm phòng anti-D Immunoglobulin được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh(-), những người chưa nhạy cảm với kháng nguyên RhD, ngay cả khi trước đó sản phụ đã được tiêm phòng anti-D Immunoglobulin.Vì khi đã tiêm phòng anti-D Immunoglobulin sẽ không bảo vệ sản phụ suốt đời để chống lại bệnh rhesus do đó, sản phụ cần tiêm nhắc lại nếu sản phụ đáp ứng các điều kiện cần thiết để cần phải tiêm lại.

3.4 Tiêm phòng anti-D Immunoglobulin sau khi sinh

Sau khi sinh, mẫu máu của trẻ sơ sinh sẽ được lấy từ dây rốn. Nếu sản phụ có RhD âm tính và trẻ sơ sinh dương tính với RhD và sản phụ chưa sản xuất kháng thể chống lại Rh(+) thì sản phụ sẽ được tiêm phòng anti-D Immunoglobulin trong vòng 72 giờ sau khi sinh.Việc tiêm sẽ phá hủy bất kỳ tế bào máu RhD(+) đã xâm nhập vào máu của sản phụ trong quá trình sinh nở. Điều này có nghĩa là máu của sản phụ sẽ không có cơ hội tạo ra kháng thể và sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lần mang thai tiếp theo mắc bệnh rhesus (hay còn gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ con).

3.5 Biến chứng do tiêm phòng anti-D Immunoglobulin

Một số các tác dụng phụ có thể gặp do dị ứng với tiêm phòng anti-D Immunoglobulin như phát ban hoặc các triệu chứng giống như cúm.Mặc dù anti-D Immunoglobulin được sản xuất từ ​​huyết tương của người hiến máu và sẽ được xét nghiệm, sàng lọc cẩn thận, nhưng vẫn có thể có một số rủi ro nhưng rất nhỏ. Tuy nhiên, bằng chứng tiêm phòng anti-D Immunoglobulin cho thấy lợi ích của việc ngăn ngừa bệnh rhesus vượt xa so với những rủi ro này.

Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong thai kỳ, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: nhs.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan