Buồng trứng bình thường có bao nhiêu nang?

Buồng trứng có vai trò sản xuất và phóng thích trứng (noãn) vào đường sinh dục nữ vào thời điểm giữa của mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, buồng trứng cũng sản xuất ra các hormone nữ là estrogen và progesterone nhằm tạo thành giới tính nữ ngay từ giai đoạn bào thai.

1. Tìm hiểu về buồng trứng?

Buồng trứng là một phần của hệ thống sinh sản nữ giới. Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng, nằm hai bên tử cung, thuộc phần hạ vị. Chúng có hình bầu dục, dài khoảng 4cm và được giữ cố định bằng dây chằng gắn với tử cung nhưng không được gắn trực tiếp vào phần còn lại của đường sinh sản nữ là hai ống dẫn trứng.

Vai trò của buồng trứng là chức năng sinh sản chính trong cơ thể. Chúng vừa tạo ra noãn (trứng) để thụ tinh, tạo thành phôi thai và chúng cũng tạo ra các hormone sinh sản, estrogen và progesterone. Chức năng của buồng trứng được kiểm soát bởi hormone giải phóng gonadotropin được phóng thích từ các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi, sẽ gửi thông điệp đến tuyến yên để sản xuất hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng. Từ đó, chu kỳ về nồng độ của các loại hormone này trong máu sẽ tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.

Kích thích buồng trứng
Buồng trứng đóng vai trò là chức năng sinh sản chính trong cơ thể

2. Buồng trứng bình thường có bao nhiêu nang?

Trong một chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng sẽ phóng thích trứng (noãn) vào thời điểm giữa của mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, chỉ có một tế bào trứng duy nhất từ ​​một buồng trứng được giải phóng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt và mỗi buồng trứng sẽ thay phiên nhau giải phóng một quả trứng.

Buồng trứng bình thường có bao nhiêu nang tùy thuộc vào số lượng ngay từ khi tạo hình thai nhi là giới nữ trong tử cung của người mẹ. Trong quá trình phát triển của bào thai, số lượng nang trứng cũng sẽ giảm dần. Cho đến khi chào đời, một em bé gái được sinh ra với tất cả số trứng sẽ có ước tính khoảng hai triệu quả.

Tuy nhiên, khi một bé gái đến tuổi dậy thì, con số này đã giảm xuống còn khoảng 400.000 quả trứng được dự trữ trong buồng trứng. Mặc dù vậy, từ tuổi dậy thì đến khi mãn kinh, sẽ chỉ có khoảng 400–500 trứng trưởng thành, được giải phóng ra khỏi buồng trứng (trong một quá trình gọi là rụng trứng) và có khả năng được thụ tinh trong ống dẫn trứng của đường sinh dục nữ, tạo thành bào thai.

3. Buồng trứng hoạt động như thế nào?

Sự hoạt động của buồng trứng thể hiện thông qua chu kỳ kinh nguyệt. Theo đó, các giai đoạn của buồng trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt là kéo dài 28 ngày. Sự rụng trứng xảy ra vào giữa chu kỳ, tức ngày thứ 14.

Chu kỳ kinh nguyệt
Sự hoạt động của buồng trứng thể hiện thông qua chu kỳ kinh nguyệt

Trong buồng trứng, tất cả trứng ban đầu được bao bọc trong một lớp tế bào duy nhất được gọi là nang trứng, có chức năng nâng đỡ trứng. Theo thời gian, những quả trứng này bắt đầu trưởng thành để một quả chín nhất sẽ được giải phóng ra khỏi buồng trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Khi trứng trưởng thành, các tế bào trong nang trứng phân chia nhanh chóng và nang trứng trở nên lớn dần. Nhiều nang trứng mất khả năng hoạt động trong quá trình này, có thể mất vài tháng, nhưng một nang trứng chiếm ưu thế trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt và trứng mà nó chứa đựng sẽ được phóng thích vào ống dẫn trứng lúc rụng trứng.

Khi các nang phát triển, chúng sẽ tạo ra hormone estrogen. Khi trứng đã được phóng thích vào thời điểm rụng trứng, nang trứng trống còn lại trong buồng trứng được gọi là thể vàng và giải phóng lượng hormone progesterone cao hơn và estrogen ít đi. Những hormone này chuẩn bị cho niêm mạc tử cung sẵn sàng cho nhiệm vụ mang thai trong trường hợp trứng được giải phóng vào tử cung và được thụ tinh. Nếu trứng được phóng thích ra không được thụ tinh và không có thai trong chu kỳ kinh nguyệt này, thể vàng sẽ nhanh chóng bị tiêu hủy và quá trình tiết estrogen, progesterone ngừng lại. Sự sụt giảm nồng độ các hormone này đột ngột khiến nội mạc tử cung bắt đầu bị bong tróc và bị loại bỏ khỏi cơ thể qua các cơn co thắt của cơ tử cung, tạo thành kinh nguyệt. Sau 3 đến 5 ngày hành kinh, một chu kỳ buồng trứng khác bắt đầu.

Khi người phụ nữ vào giai đoạn trung niên, thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ bắt đầu, chuẩn bị cho việc kết thúc những năm sinh sản của phụ nữ sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng chính thức xác định. Nguyên nhân là do mất tất cả các nang còn lại trong buồng trứng có chứa trứng. Khi không còn nang trứng, buồng trứng sẽ không còn tiết ra các hormone estrogen và progesterone, không còn tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt tiếp diễn. Hệ quả là chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt.

Sau khi sinh con có thể dẫn tới mức độ hormone thay đổi khiến kinh nguyệt không đều
Sự sụt giảm hormone khiến nội mạc tử cung bong tróc và hình thành kinh nguyệt

4. Điều gì có thể xảy ra với buồng trứng?

Bất kỳ yếu tố hay tình trạng bệnh lý nào làm ngăn cản buồng trứng hoạt động bình thường đều có thể làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ.

Buồng trứng tự nhiên sẽ có khuynh hướng dãn cách và ngừng hoạt động vào thời kỳ mãn kinh. Điều này xảy ra ở hầu hết phụ nữ khoảng 50 tuổi. Nếu điều này xảy ra sớm hơn, trước 40 tuổi, thì gọi là suy buồng trứng sớm.

Bất thường phổ biến nhất xảy ra tại buồng trứng là hội chứng buồng trứng đa nang, ảnh hưởng đến 5–10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và nếu tình trạng bệnh của bạn không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh càng cao. Vì vậy, nếu bạn đang ở độ tuổi sinh sản mà có những dấu hiệu bất thường như: Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, đau âm ỉ vùng vùng bụng – lưng – vùng chậu thì tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để sớm phát hiện bệnh và có giải pháp điều trị thích hợp.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang có Gói Khám, Sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp phát hiện bệnh cả khi chưa có triệu chứng. Tại đây, bệnh nhân sẽ được đội ngũ y bác sĩ giỏi thăm khám, nếu phát hiện có u nang bệnh nhân sẽ được tư vấn u nang buồng trứng kích thước bao nhiêu thì mổ?. Từ đó, đưa ra những phác đồ phù hợp nhất với tình trạng bệnh.

Tóm lại, buồng trứng bình thường có bao nhiêu nang tùy thuộc vào lúc bé gái chào đời nhưng số lượng này sẽ nhanh chóng giảm đi. Chính vì thế, để duy trì chất lượng các nang trứng cũng như kéo dài đời sống tính dục nữ giới, người phụ nữ cần có các biện pháp chăm sóc sức khỏe thích hợp, cho hệ thống các cơ quan hoạt động bình thường nói chung và buồng trứng nói riêng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan