Tiêm thuốc trợ phổi cho thai nhi khi mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Thuốc trưởng thành phổi được sử dụng trong trường hợp thai phụ có biểu hiện dọa sinh non hoặc có nguy cơ cao sinh non để tránh nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh do phổi chưa trưởng thành. Vậy có nên tiêm thuốc trợ phổi thai nhi khi mang thai không?

1. Thuốc trưởng thành phổi là gì?

Tiêm thuốc trưởng thành phổi được sử dụng nhằm thúc đẩy trưởng thành phổi ở thai nhi có nguy cơ sinh non, làm giảm nguy cơ trẻ sinh ra mắc phải hội chứng hô hấp cấp do phổi chưa trưởng thành. Ngoài ra, thuốc trưởng thành phổi còn giúp giảm nhiễm trùng hệ thống, xuất huyết não, viêm ruột,... qua đó giúp giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Hai loại thuốc trưởng thành phổi được sử dụng phổ biến hiện nay là Dexamethasone và Betamethasone. Đây là hai thuốc corticosteroid được nghiên cứu rộng rãi để sử dụng thúc đẩy trưởng thành các cơ quan nội tạng của thai nhi. Sau khi phụ nữ mang thai được tiêm thuốc trợ phổi, thuốc sẽ được truyền qua thai nhi và tác động đến phổi của trẻ, kích thích phổi trẻ sản sinh ra hoạt chất surfactant. Surfactant giúp giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang và chống lại lực đàn hồi của phổi. Thiếu surfactant sẽ làm tăng nguy cơ xẹp phổi và suy hô hấp cấp. Bên cạnh đó, thuốc trưởng thành phổi giúp kích thích tăng thể tích phổi đồng thời giảm lượng chất lỏng trong phổi.

Thai nhi bị nang bạch huyết
Thuốc trưởng thành phổi được sử dụng để thúc đẩy trưởng thành phổi ở thai nhi có nguy cơ sinh non

2. Có nên tiêm thuốc trợ phổi thai nhi khi mang thai không?

2.1. Tiêm thuốc trợ phổi thai nhi khi mang thai trong trường hợp nào?

Tiêm thuốc trợ phổi thai nhi khi mang thai là cần thiết trong các trường hợp thai phụ có dấu hiệu dọa sinh non hoặc có nguy cơ sinh non cao. Sinh non là tình trạng bé sinh ra còn sống khi tuổi thai từ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần. Sinh non được chia thành các nhóm là:

  • Sinh cực non khi tuổi thai dưới 28 tuần
  • Sinh rất non khi tuổi thai từ 28-32 tuần
  • Sinh non trung bình khi tuổi thai từ 32 đến dưới 37 tuần

Khi bị sinh non, các cơ quan nội tạng của trẻ chưa trưởng thành, nhất là phổi chưa đảm bảo về mặt chức năng để trao đổi khí gây suy hô hấp.

Các dấu hiệu sinh non của thai phụ là:

  • Xuất hiện các cơn co tử cung gây đau, các cơn co xuất hiện thường xuyên, ít nhất 2 cơn trong 1 giờ.
  • Âm đạo có thể ra máu hoặc xuất hiện chất nhầy màu hồng.
  • Bác sĩ khi khám, siêu âm phát hiện có sự biến đổi ở cổ tử cung.

Thai phụ có nguy cơ sinh non cao là những người có dị dạng tử cung bẩm sinh, cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, người mắc các bệnh lý như: u xơ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu hoặc có tiền sử khoét cổ tử cung, tiền sử sinh non,... Ngoài ra, các thai sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, thai chậm tăng trưởng, đa thai, rỉ ối, vỡ ối,... cũng có nguy cơ cao sinh non.

Sau khi thăm khám, nếu đánh giá thai phụ có nguy cơ sinh non, bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm trưởng thành phổi thai nhi. Thuốc được tiêm cho thai phụ vào tuần thứ 24-34 của thai kỳ. Nếu thai phụ chưa sinh trong 7 ngày và vẫn còn nguy cơ sinh non trong 7 ngày tới thì bác sĩ sẽ tiêm nhắc lại 1 đợt.

Thai nhi tuần 25
Thời điểm thích hợp nhất để tiêm thuốc là vào tuần thứ 24-34 của thai kỳ

Liều lượng thuốc được sử dụng như sau

  • Betamethasone: tiêm bắp 12mg/liều, tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 24 giờ.
  • Dexamethasone: tiêm bắp 6mg/liều, tiêm 4 liều, mỗi liều cách nhau 12 giờ.

Không khuyến cáo tiêm thuốc trưởng thành phổi theo định kỳ hay tiêm nhiều hơn 2 đợt. Nếu thai nhi sau 34 tuần thì không cần thiết phải tiêm vì thuốc trưởng thành phổi lúc này không còn tác dụng.

2.2. Có nên tiêm thuốc trợ phổi thai nhi khi không có nguy cơ sinh non?

Tiêm thuốc trợ phổi thai nhi khi mang thai bình thường, không có nguy cơ sinh non là điều không cần thiết vì trẻ khi được sinh đủ tháng, các cơ quan nội tạng đã đủ trưởng thành để thích ứng với cuộc sống bên ngoài khi được sinh ra. Mặt khác, các tác dụng phụ của thuốc trợ phổi thai nhi cũng có nguy cơ gây hại đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Các nghiên cứu đã chỉ ra, tiêm corticoid có thể ảnh hưởng đến não, chức năng của trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận thai nhi, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và ức chế trục hạ đồi-tuyến yên- tuyến thượng thận của người mẹ. Các phản ứng sốc phản vệ, quá mẫn, tụt huyết áp cũng có thể xảy ra đối với người mẹ khi tiêm thuốc trợ phổi thai nhi.

Mặc dù có thể để lại một số tác dụng phụ không mong muốn nhưng khi được bác sĩ chỉ định, các thai phụ nên thực hiện để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mẹ và thai nhi.

Mang thai tự nhiên sau khi đã triệt sản
Thai phụ nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé

Nếu bạn có tiền sử sinh non hoặc có các dấu hiệu sinh non thì bạn nên thực hiện khám thai định kỳ, đồng thời lựa chọn các phương pháp chăm sóc thai sản trọn gói để cả thai kỳ các bác sĩ đều có thể nắm được tiền sử bệnh và có hướng theo dõi, điều trị, hạn chế các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan