Lý do gây đau bụng kinh dữ dội

Đau bụng kinh là một tình trạng sinh lý bình thường và có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, ngoài những biểu hiện sinh lý thì đau bụng kinh dữ dội và ngày càng tăng theo thời gian thì có thể do một nguyên nhân bất thường nào đó ở vùng chậu gây ra.

1. Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh là những cơn đau nhói hoặc co thắt, quặn ở vùng bụng dưới, thường xuất hiện những ngày trước và trong khi hành kinh. Nhiều phụ nữ chỉ cảm thấy cơn đau này hơi khó chịu, mệt mỏi và gây ảnh hưởng ít tới cuộc sống. Ngược lại, một số lại bị đau bụng kinh dữ dội và có thể gây cản trở hoạt động bình thường của họ trong vài ngày.

Dựa theo nguyên nhân gây đau bụng kinh thì nó được phân thành 2 loại như sau:

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Những cơn đau xuất hiện lặp lại trong những lần có kinh nguyệt và không liên quan đến bệnh lý khác. Cơn đau thường bắt đầu trước chu kỳ khoảng 1–2 ngày hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Biểu hiện là đau ở vùng bụng dưới, có khi kèm theo đau lưng hay đùi, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Mức độ đau bụng tùy thuộc vào từng người và thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày.
  • Đau bụng kinh thứ phát: Thường liên quan đến một rối loạn hay bệnh lý ở cơ quan sinh sản của phụ nữ. Loại đau thứ phát này thường diễn ra trước khi kỳ kinh và kéo dài hơn cơn đau bụng kinh thông thường. Cơn đau bụng kinh thứ phát thường không kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn, mệt mỏi hay tiêu chảy.
đau bụng kinh dữ dội
Đau bụng kinh dữ dội khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi

2. Những nguyên nhân gây đau bụng dữ dội

2.1. Nguyên nhân đau bụng kinh nguyên phát

Bình thường trong một chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác động của hormon, niêm mạc tử cung sẽ dày lên nhằm tạo điều kiện cho phôi đã thụ tinh làm tổ. Nhưng nếu không có sự thụ tinh, dưới tác động của hormon, cơ tử cung co lại làm cho mạch máu nuôi dưỡng lớp niêm mạc bị chèn ép, không bong ra và tử cung sẽ phải co bóp để đẩy lớp niêm mạc ra ngoài tạo thành máu trong kỳ kinh nguyệt.

Do nguồn máu và oxy bị tạm thời gián đoạn, các mô sẽ giải phóng ra các chất trung gian hoá học có tên gọi là prostaglandin. Chất này khiến cho cơ ở tử cung co bóp nhiều và mạnh hơn, do đó làm tăng mức độ đau trong thời điểm này.

Một số phụ nữ cứ đến tháng đau bụng dữ dội hơn số khác có thể được giải thích là do tích tụ nhiều prostaglandin. Từ đó, khiến cho quá trình co thắt tử cung xảy ra mạnh, gây đau bụng kinh dữ dội.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể góp phần làm tăng tình trạng đau bụng kinh bao gồm:

  • Tuổi bắt đầu hành kinh sớm thì sẽ dễ bị đau nặng hơn;
  • Cấu tạo lỗ cổ tử cung rất hẹp khiến cho máu kinh khó thoát ra ngoài nên tử cung sẽ phải co bóp mạnh hơn;
  • Tiền sử gia đình có người cũng bị đau bụng kinh dữ dội;
  • Kinh nguyệt kéo dài;
  • Ít vận động.

2.2. Nguyên nhân đau bụng kinh nguyên nhân thứ phát

Thông thường, nếu đau bụng kinh dữ dội do nguyên phát thì sẽ giảm dần theo thời gian, càng nhiều tuổi thì mức độ đau sẽ giảm dần. Thường giảm đau hẳn sau khi sinh con. Tuy nhiên, nếu không giảm hoặc tăng dần có thể do một số bất thường vùng chậu bao gồm:

  • U xơ tử cung: Đây là khối u phát triển trong cơ tử cung. Chúng có kích thước thay đổi tùy từng người, từ rất nhỏ đến rất lớn. Phụ nữ bị u xơ tử cung có thể thấy một khối u xơ đơn lẻ hoặc nhiều. Khi bị u xơ tử cung người bệnh thường sẽ bị đau hơn khi tới chu kỳ kinh, có nguy cơ bị rong kinh...;
  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là một nguyên nhân khiến cho phụ nữ tới kỳ kinh đau rất dữ dội. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung không chỉ phát triển ở tử cung mà còn được tìm thấy bên ngoài tử cung của phụ nữ như buồng trứng, ống dẫn trứng, bên trong cơ tử cung và trên bàng quang. Đặc điểm của các niêm mạc tử cung lạc chỗ này cũng tương tự như niêm mạc tử cung bình thường, nó cũng phát triển dưới tác động của hormon và cũng gây chảy máu. Chính điều này gây ra đau, đặc biệt nhất là trong kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, trường hợp lạc nội mạc trong cơ tử cung;
  • U nang buồng trứng: Là những túi chứa chất lỏng có thể hình thành trong buồng trứng giống như các nang trứng. Nhưng khi noãn bên trong các nang trứng không được giải phóng hoặc túi hình thành của trứng không tan sau khi trứng được giải phóng, có thể tạo thành u nang. Đây cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ bị đau vùng chậu và trong kỳ kinh;
  • Viêm nhiễm vùng chậu: Những người bị viêm vòi trứng, viêm nhiễm cổ tử cung hay tử cung... cũng khiến họ bị đau nhiều hơn mỗi kỳ kinh;
  • Một số nguyên nhân ít gặp bao gồm: Dị tật tử cung bẩm sinh, dính buồng tử cung, đau do yếu tố tâm lý...
đau bụng kinh dữ dội
Massage vùng bụng giúp giảm cơn đau

3. Một số cách chữa đau bụng kinh dữ dội

Bạn có thể áp dụng một số cách chữa đau bụng kinh dữ dội như sau:

  • Chườm ấm: Sử dụng túi chườm hay chỉ cần dùng một chai nước ấm để chườm lên vùng bụng khiến cho các cơ được thư giãn và giúp giảm đau. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại thảo dược như ngải cứu, muối trắng rồi rang lên cho ấm, sau đó chườm vùng bụng đang bị đau cũng khá hiệu quả.
  • Tập thể dục đều đặn: Thường xuyên tập thể dục cũng khiến cho cơ thể của bạn giảm được tình trạng đau mỗi khi tới chu kỳ kinh. Những ngày sắp tới kỳ kinh, bạn có thể tập những bài thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ hoặc thực hiện các động tác căng cơ sẽ giúp giải phóng hormone endorphin, đây được coi như thuốc giảm đau tự nhiên.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Khi đang đến chu kỳ kinh, bạn nên nghỉ ngơi đủ, tránh lao động quá sức khiến cơ thể mệt mỏi và tình trạng đau không thuyên giảm. Đặc biệt nên tránh căng thẳng bởi đây là một yếu tố góp phần gia tăng tình trạng đau bụng kinh.
  • Tự massage vùng bụng: Massage vùng bụng giúp thư giãn các cơ cũng là biện pháp hiệu quả để giảm tình trạng đau bụng. Để tăng tác dụng, có thể kết hợp với tinh dầu hoa hồng, quế hoặc đinh hương.
  • Sử dụng đồ ăn uống ấm nóng: Nên tránh những đồ ăn có tính lạnh vì nó khiến bụng bạn đau hơn. Một số loại đồ ăn có tính ấm như gừng, ngải cứu... nên sử dụng trong kỳ kinh.
  • Bấm huyệt trị đau bụng kinh: Trước hoặc trong kỳ kinh, bạn có thể bấm một số huyệt vị giúp giảm bớt đau bụng. Một số huyệt có thể giảm đau bụng kinh bao gồm: Huyệt huyết hải (xác định bằng cách từ điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo lên 1 thốn và vào trong 2 thốn); huyệt thái xung (nằm ở vị trí khe giữa đốt bàn chân 1, 2 đo lên 1,5 thốn); huyệt tam âm giao (ở đỉnh mắt cá chân trong đo lên 3 thốn); huyệt tử cung (nằm ở vị trí dưới rốn 4 thốn và đo ngang 2 bên 3 thốn). Nên xoa bóp mỗi huyệt khoảng 2 đến 3 phút.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau thường không được khuyến khích sử dụng, tuy nhiên nếu các biện pháp chăm sóc trên không đạt hiệu quả và tình trạng đau ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thì bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể dùng như Motrin, Tylenol giúp giảm viêm và đau bụng kinh hiệu quả tức thì.
  • Thăm khám: Đau bụng kinh dữ dội nếu như gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng tháng và các triệu chứng đau càng trở nên nghiêm trọng hoặc bạn vừa bị đau bụng kinh dữ dội khi trên 25 tuổi thì nên tới các cơ sở y tế để thăm khám để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Như vậy, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới đau bụng kinh dữ dội. Nếu như bạn cảm thấy mình đau bụng kinh nhiều hay ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, hãy thăm khám để loại trừ các nguyên nhân thứ phát và có hướng chăm sóc điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

109.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan