Những rủi ro khi sinh con sau 35 tuổi

Xu hướng làm cha mẹ lớn tuổi có vẻ đang gia tăng, có nhiều phụ nữ ở độ tuổi ngoài 30 sinh con hơn phụ nữ ở độ tuổi 20. Có nhiều rủi ro liên quan đến việc mang thai và sinh nở khi tuổi mẹ tăng lên không? Các nghiên cứu báo cáo rằng mọi người có thể trì hoãn việc làm cha mẹ cho đến khi 35 tuổi trở lên vì một số lý do. Những lý do này bao gồm phụ nữ đạt trình độ học vấn cao hơn, lập nghiệp, cải tiến các phương pháp tránh thai, sự thay đổi về văn hóa và xã hội khiến phụ nữ cảm thấy chưa sẵn sàng có con, thiếu chăm sóc trẻ em, mức hưởng lợi thấp, chính sách nơi làm việc không linh hoạt, kinh tế hoặc nhà ở, và thất nghiệp. Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi và sinh con đầu lòng được gọi là bà mẹ tuổi cao hoặc bà mẹ lớn tuổi hơn, hoặc họ được gọi là bà mẹ già. Những điều khoản này có phải là vô căn cứ hay không, hay trên 35 tuổi có gây ra rủi ro nghiêm trọng cho mẹ và con? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về những rủi ro khi sinh con sau 35 tuổi ở phụ nữ.

1. Khả năng thụ thai không cao

Bước vào tuổi 35, chất lượng trứng của người phụ nữ có xu hướng suy giảm cùng với các khiếm khuyết di truyền cao hơn, làm giảm khả năng thụ thai. Theo Hiệp hội y học sinh sản Hoa Kỳ cho biết, nếu khả năng thụ thai của phụ nữ lứa tuổi 30 là 20% cơ hội mang thai trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt thì bước vào tuổi 40, khả năng thụ thai của họ bị giảm 5% trên mỗi chu kỳ kinh. Ngoài sự suy giảm về sức khỏe sinh sản, phụ nữ sau tuổi 35 cũng dễ bị stress do công việc và cuộc sống hơn, đời sống tinh thần khó có thể vui vẻ và thoải mái như khi họ 20, chính những áp lực này cũng làm giảm khả năng thụ thai.

Bên cạnh đó cũng phải nói đến người chồng của bạn khi đã có tuổi thì khả năng sinh sản cũng giảm do số lượng tinh trùng, tốc độ di chuyển và lượng tinh dịch không còn được như khi họ 20 tuổi. Những yếu tố liên quan đến tuổi tác này kết hợp với nhau có thể khiến phụ nữ khó mang thai hơn.

Tinh trùng
Khả năng sinh sản của người phụ nữ sẽ giảm khi bước vào tuổi 35

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để kết luận rằng khả năng sinh sản kém có phải do các cặp vợ chồng ít quan hệ tình dục hơn không. Trong đó có 1 nghiên cứu trên 782 cặp vợ chồng đã xem xét tỷ lệ thụ thai trên ngày quan hệ tình dục trước khi rụng trứng. Những người phụ nữ đã sử dụng biểu đồ nhiệt độ cơ thể để theo dõi ngày rụng trứng và phát hiện:

  • Đối với mọi phụ nữ, hai ngày trước khi rụng trứng là dễ thụ thai nhất
  • Đối với phụ nữ từ 19 - 26 tuổi, quan hệ ngày dễ thụ thai tỷ lệ thành công là 50%
  • Với phụ nữ từ 35 - 39 tỷ lệ còn 29%.

Một vài phụ nữ sau khi cố gắng có con không thành công họ đã lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo nhưng tỷ lệ thành công cũng không cao. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy trong số những phụ nữ được thụ tinh nhân tạo thì 74% những người dưới 31 tuổi đã mang thai trong vòng một năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 61% ở các cá nhân trong độ tuổi từ 31 đến 34, và con số này tiếp tục giảm xuống còn 54% ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.

Và sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công thì tỷ lệ sinh ra đời thành công cũng sẽ giảm dần theo tuổi của mẹ. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cho thấy 41,5% thành công với phụ nữ dưới 35 tuổi; 31,9% với phụ nữ từ 35-37 ; 22,1% cho phụ nữ từ 38-40 ; 12,4% ở phụ nữ từ 41-42 ; 5% cho phụ nữ từ 43-44; và 1% cho phụ nữ trên 44 tuổi.

2. Những rủi ro về di truyền

Những rủi ro về di truyền xuất hiện thường xuyên hơn trong thai kỳ khi phụ nữ già đi như: khuyết tật tim bẩm sinh, các bệnh về đường hô hấp, bệnh tắc nghẽn tiêu hóa sớm, ung thư máu... và điển hình trong số đó là Hội chứng Down.

Trong khi tỷ lệ phôi thai mắc hội chứng Down ở thời điểm 10 tuần của thai kỳ là 1/1250 ở tuổi 25, tỷ lệ này tăng lên 1/952 ở tuổi 30 và 1/378 ở tuổi 35. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications nhằm tìm hiểu lý do tại sao các bà mẹ lớn tuổi lại có nguy cơ cao sinh ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh đặc trưng bởi số lượng nhiễm sắc thể bất thường.

Down
Mang thai khi lớn tuổi khiến trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh về di truyền

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa Albert Einstein thuộc Đại học Yeshiva ở New York đã biết rằng quá trình tái tổ hợp gen có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như hội chứng Down.Tái tổ hợp gen là quá trình các cặp nhiễm sắc thể trao đổi vật chất di truyền trước khi phân li. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những bà mẹ lớn tuổi, quá trình tái tổ hợp có thể ít được điều chỉnh hơn, dẫn đến số lượng nhiễm sắc thể bất thường trong tế bào giới tính hoặc sự sắp xếp lại nhiễm sắc thể lớn.

3. Nguy cơ sẩy thai

Nguy cơ sảy thai cũng tăng dần theo tuổi của người phụ nữ. Nghiên cứu công bố trên BMJ cho thấy : Ở độ tuổi 20 khoảng 10% phụ nữ sảy thai; Độ tuổi đầu 30 là 12%; Từ 35-37 tuổi, 18% thai kỳ kết thúc do sẩy thai; Tiếp tục tăng lên 25% ở độ tuổi 38-40; Và đến 40 tuổi tỷ lệ này là 34 %. Chất lượng trứng suy giảm của người phụ nữ được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sẩy thai cao hơn.

4. Thai chết lưu

Một đánh giá có hệ thống được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada cho thấy thai chết lưu ở phụ nữ lớn tuổi cao hơn khoảng 1,2 đến 2,23 lần ở phụ nữ trẻ.

Trong một nghiên cứu khác, lấy dữ liệu từ 385.120 trường hợp mang thai ở Vương quốc Anh, quan sát thấy tỷ lệ thai chết lưu là 4,7 / 1.000 đối với phụ nữ từ 18 đến 34 tuổi; 6,1 / 1.000 ở độ tuổi từ 35 đến 40 và 8,1 / 1.000 đối với phụ nữ 40 tuổi.

Hiện tượng thai chết lưu là gì?
Tỷ lệ thai chết lưu ở phụ nữ lớn tuổi cao hơn ở phụ nữ trẻ

Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên được khuyến cáo nên mổ lấy thai trước khi đến ngày dự sinh, do nguy cơ thai chết lưu ngày càng tăng so với tuổi thai. Khoảng 1 /1.000 phụ nữ dưới 35 tuổi bị thai chết lưu khi thai 39 và 40 tuần tuổi, so với 1,4 / 1.000 phụ nữ từ 35 đến 39 tuổi và 2 / 1.000 phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến tỷ lệ thai chết lưu tăng theo tuổi mẹ.

5. Các rủi ro khác

Những người phụ nữ lựa chọn có thai sau 35 tuổi sẽ phải đối mặt với những biến chứng liên quan đến thai kỳ và sinh nở.

Các nhà nghiên cứu xác định sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, rau tiền đạo, rau bong non, sinh non, tiền sản giật, đẻ khó, huyết áp cao....Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong ở bà mẹ cũng tăng theo tuổi.

Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ năm 2016 cho thấy so với những phụ nữ trải qua thời kỳ mang thai ở độ tuổi trẻ hơn thì phụ nữ mang thai từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ do xuất huyết, đau tim và tử vong do bệnh tim mạch.

Tiến sĩ Adnan I. Qureshi, giám đốc Viện đột quỵ Zeenat Qureshi ở St. Cloud, MN và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng tất cả các rủi ro, ngoại trừ đột quỵ do xuất huyết, được giải thích bởi các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch - chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đườngcholesterol cao - mà phụ nữ mang thai lớn tuổi phải đối mặt.

Với tất cả những rủi ro trên nhưng bạn vẫn muốn có con khi ngoài 35 tuổi thì hãy chắc chắn rằng bạn được chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, kinh tế, bổ sung vitamin, axit folic và dinh dưỡng hợp lý. Sau cùng quan trọng nhất là đảm bảo bạn được chăm sóc y tế và theo dõi đầy đủ trong suốt thai kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa sản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan