Quai bị có thể gây vô sinh: Điều đó có thật không?

Bài viết được viết bởi TS, BS Trần Thị Phương Thúy, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh quai bị là căn bệnh rất dễ lây nhiễm, mặc dù hiện nay căn bệnh này ít gặp hơn do đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng khi mắc phải mà không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như: viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn, viêm buồng trứng. Vậy khi mắc bệnh quai bị liệu có bị vô sinh? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này.

Quai bị là một bệnh nhiễm trùng do virus. Bệnh này thường gây sưng đau các tuyến ở trước tai và trên xương hàm (xem hình dưới), gọi là các tuyến mang tai. Bệnh quai bị trước đây rất phổ biến và gây dịch. Ngày nay bệnh ít gặp hơn do phần lớn trẻ em đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị: đó chính là vaccine MMR, giúp phòng ngừa cả 3 bệnh là sởi, quai bị và rubella.

Bệnh quai bị lây qua con đường giọt bắn, tức là qua các giọt nhỏ li ti chứa virus bắn ra khi người bệnh ho và hắt hơi. Do vậy tiếp xúc gần với một người bệnh mà không đeo khẩu trang dễ dàng làm bạn nhiễm bệnh nếu chưa được tiêm phòng. Thời gian ủ bệnh, tức là thời gian từ khi tiếp xúc với người bệnh đến khi bạn có các triệu chứng bệnh vào khoảng 14 đến 18 ngày.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh quai bị là sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người, ăn không ngon. Thường khoảng sau 2 ngày sẽ xuất hiện sưng đau tuyến mang tai.

Teo tinh hoàn do mắc bệnh quai bị
Bệnh quai bị thường gây sưng đau các tuyến ở trước tai và trên xương hàm

Nếu bạn có triệu chứng của bệnh quai bị, nên gọi điện thông báo cho bác sĩ của bạn hoặc thông báo với tổng đài khi đặt hẹn. Bạn sẽ được khám ưu tiên và ở khu vực khám riêng biệt, để tránh làm lây truyền bệnh cho những người khác.

Viêm tinh hoànmào tinh hoàn là biến chứng hay gặp nhất của bệnh quai bị. Tỷ lệ mắc biến chứng này ở nam giới đã dậy thì vào khoảng 15 đến 30% số ca. Triệu chứng thường xảy ra khoảng 5-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai, có thể sốt cao 39-41 độ C đột ngột trở lại, kèm theo sưng đỏ bìu và đau. Khoảng 60 đến 80 % các trường hợp sẽ chỉ có sưng đau bìu ở 1 bên.

Hiện tượng teo tinh hoàn xảy ra ở khoảng 30-50% những người bệnh bị viêm tinh hoàn mà chưa được tiêm vắc-xin trước đó. Và có hiện tượng giảm sinh tinh trùng ở những người bệnh bị viêm tinh hoàn cả hai bên; tuy nhiên biến chứng này ít gặp và rất hiếm gây vô sinh. Hiện tượng vô sinh thường có thể gặp ở nam giới bị viêm tinh hoàn cả hai bên hơn là một bên. Chưa thấy có mối liên hệ nào giữa bệnh viêm tinh hoàn do quai bị với ung thư tinh hoàn.

Ở phụ nữ, có thể có biến chứng viêm buồng trứng do quai bị, xảy ra ở khoảng 5 % người đã dậy thì. Thường biểu hiện bằng đau vùng bụng dưới, sốt và nôn. Bệnh quai bị cũng có thể gây viêm vú và vô kinh hoặc mãn kinh sớm, nhưng hiếm gặp. Người ta cũng chưa rõ viêm buồng trứng do quai bị ở phụ nữ liệu có gây vô sinh hay không.

Như vậy, mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh quai bị thật sự có thể gây vô sinh. Bạn nên tiêm phòng bệnh này theo khuyến cáo của bác sĩ.

Vì sao cần tiêm phòng, sởi, quai bị, rubella trước khi mang thai?
Nên tiêm phòng đầy đủ đề phòng ngừa nguy cơ bị vô sinh do quai bị

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: uptodate.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan