Sưng, phù sau sinh: Vì sao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Tình tay, chân và mặt bị phù sau sinh là dấu hiệu bình thường, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cần phát hiện sớm để có biện pháp cải thiện tình trạng này kịp thời.

1. Nguyên nhân bị phù sau sinh

Có thể nhiều người cho rằng những triệu chứng sưng phù trong quá trình mang thai sẽ hết sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, khuôn mặt của sản phụ vẫn sưng húp, thậm chí chân, bàn chân, mắt cá chân, bàn tay và cánh tay cũng bị sưng phù mặc dù sinh xong.

Sưng sau sinh là sự tích tụ chất lỏng dư thừa trong các mô ngay dưới da của sản phụ. Ngoài ra, góp phần gây ra tình trạng này có thể là do phải truyền chất lỏng bổ sung qua đường tĩnh mạch trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, đặc biệt trong trường hợp sinh mổ.

Khi mang thai, cơ thể sẽ giữ lại thêm chất lỏng, khiến lượng máu của sản phụ tăng gần 50%. Sau khi sinh con, cơ thể sẽ loại bỏ dần chất lỏng này thông qua đường nước tiểu và mồ hôi. Nhưng trong khi đó, chất lỏng cũng có thể tiếp tục rò rỉ từ các mạch máu để đi vào mô của cơ thể và gây sưng (phù), phổ biến nhất là ở tay và chân hoặc mắt cá chân.

Phù sau khi sinh con sẽ hết sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể kéo dài thêm vài ngày nếu bạn bị tiền sản giật hoặc huyết áp cao liên quan đến thai kỳ, gây ra sưng chân và tay quá mức trong giai đoạn cuối của thai kỳ.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác góp phần vào hiện tượng bị phù sau sinh:

  • Rặn: Việc rặn trong quá trình chuyển dạ có thể khiến chất lỏng trong khi mang thai di chuyển đến tứ chi và khuôn mặt của sản phụ.
  • Ít vận động: Việc bạn không di chuyển nhiều sau khi sinh, đặc biệt là đối với các trường hợp sinh mổ sẽ khiến cơ thể sản phụ khó đưa chất lỏng ra khỏi cơ thể hơn.
  • Hormone: Khi mang thai, mức progesterone của sản phụ tăng lên. Một trong những tác dụng phụ của progesterone đó là tích nước nên dẫn đến tình trạng sưng phù trong khi mang thai và tiếp tục sưng sau khi sinh.
Làm thế nào để hết táo bón sau sinh?
Việc bạn không di chuyển nhiều sau khi sinh, đặc biệt là đối với các trường hợp sinh mổ sẽ khiến cơ thể sản phụ khó đưa chất lỏng ra khỏi cơ thể hơn

2. 10 phương pháp điều trị tự nhiên giúp giảm sưng phù sau sinh

Sau khi sinh con, cơ thể cần nhiều thời gian để phục hồi. Ăn uống đúng cách, nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn bình thường sẽ giúp cơ thể trở lại trạng thái khỏe mạnh. Các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây có thể giúp sản phụ giảm sưng phù sau sinh hiệu quả:

  • Uống nước

Uống nước thực sự có thể giúp sản phụ đào thải nước đang tích trong cơ thể. Nước cũng giúp đẩy chất thải được lọc ở thận, có thể giữ cho hệ thống trong cơ thể khỏe mạnh và tăng tốc độ phục hồi cơ thể sau khi mang thai và sinh con.

  • Nâng cao bàn chân của bạn

Để giảm sưng ở chân và cải thiện lưu thông tuần hoàn, hãy dành thời gian thực hiện 2 chân nâng cao hơn mức của tim. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nước lưu thông khắp cơ thể.

Bình thường, chất lỏng trong cơ thể sẽ chảy đến bàn chân khi ở tư thế đứng, do đó việc nâng cao bàn chân có thể giảm sưng tạm thời. Ngoài ra, tránh thực hiện những hành vi làm hạn chế lưu lượng máu đến chân, điều này có thể xảy ra khi sản phụ bắt chéo chân hoặc ngồi xổm.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng

Nhiều người thấy rằng việc tập thể dục nhẹ có thể làm giảm sưng và các triệu chứng liên quan. Di chuyển xung quanh nhà giúp máu và nước lưu thông trong tuần hoàn và ngăn không cho nước rò rỉ ra các tế bào gây sưng phù. Tuy nhiên, sản phụ nên lắng nghe cơ thể mình và tránh những cử động gây đau đớn.

Đại học Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (The American College of Obstetricians and Gynecologists) khuyến cáo các bà mẹ sau sinh có thể tập các bài tập thể dục như: Đi dạo, yoga nhẹ nhàng, bơi lội, tập thể dục dưới nước (Aquanatal exercise), tập pilates

  • Mang tất áp lực

Các tác giả của một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, mang tất áp lực giúp giảm sưng trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi sinh. Tuy nhiên, nhóm tác giả lưu lưu ý rằng vẫn cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi đưa ra khuyến cáo chính thức.

Vớ áp lực giúp tăng lưu lượng máu bằng cách giảm kích thước mạch máu ở chân. Điều này tạo điều kiện cho các mạch máu lưu thông nhiều máu hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.

  • Mặc quần áo rộng

Quần áo bó sát có thể hạn chế lưu thông máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Điều này có thể ngăn cơ thể giảm trọng lượng nước và tăng khả năng tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Do đó, việc mặc quần áo rộng có thể giúp ngăn ngừa những vấn đề này.

  • Hạn chế muối

Cơ thể cần duy trì cân bằng natri và nước. Nếu sản phụ ăn quá nhiều natri hoặc muối, thì sẽ khiến có thể bị tích nhiều nước hơn. Các nguồn natri phổ biến bao gồm muối ăn và thực phẩm chế biến sẵn, như bánh ngọt, khoai tây chiên, thực phẩm đóng hộp và nước ngọt.

Hướng dẫn chế độ ăn uống 2015-2020 dành cho người Mỹ khuyến nghị mọi người nên ăn không quá 2.300 miligam natri mỗi ngày.

Kiểm tra hàm lượng natri trên bao bì thực phẩm có thể giúp sản phụ biết chính xác sản phẩm đó có bao nhiêu muối và giữ lượng muối tiêu thụ trong phạm vi cho phép và giảm tích nước.

Muối
Nếu sản phụ ăn quá nhiều natri hoặc muối, thì sẽ khiến có thể bị tích nhiều nước hơn
  • Ăn thực phẩm giàu kali

Natri và kali hoạt động cùng nhau và cơ thể đòi hỏi cần có đủ hàm lượng 2chất này để hoạt động bình thường. Tiêu thụ nhiều kali tự nhiên sẽ làm giảm lượng natri trong cơ thể. Các loại thực phẩm giàu kali bao gồm: Quả mơ, chuối, bơ, rau bina, đậu nướng, đậu lăng, sữa chua, bơ đậu phộng...

  • Uống ít cafein

Cà phê và các sản phẩm có chứa caffein có thể khiến cơ thể tăng đào thải nước nên làm tăng nguy cơ mất nước. Sau đó, cơ thể có thể đáp ứng lại bằng cách giữ lại chất lỏng. Do đó, bạn nên thay thế đồ uống chứa cafein bằng trà thảo dược hoặc nước lọc để giữ nước và giảm sưng sau sinh.

  • Sử dụng ống lăn (foam roller)

Ống lăn có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm tích tụ nước trong cơ thể. Ví dụ, sử dụng ống lăn trên chân có thể giúp tăng tốc độ lưu thông máu bằng cách khuyến khích máu di chuyển qua các tĩnh mạch với tốc độ nhanh hơn.

Sản phụ có thể tham khảo thêm thông tin về sử dụng ống lăn từ bác sĩ và ống lăn này bạn có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng thể thao hoặc trực tuyến.

  • Cải thiện tuần hoàn với massage sau sinh

Hiệp hội Thai kỳ của Mỹ (The American Pregnancy Association) khuyên sản phụ nên massage sau sinh để thư giãn, giảm đau và sưng. Massage có thể thúc đẩy tuần hoàn và giúp cơ thể giảm trọng lượng nước dư thừa.

Massage sau sinh cũng có thể giúp cân bằng lại mức độ hormone và điều chỉnh mức độ của một số loại hormone gây căng thẳng như cortisol.

Caffeine
Cà phê và các sản phẩm có chứa caffein có thể khiến cơ thể tăng đào thải nước nên làm tăng nguy cơ mất nước

3. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ về tình trạng bị phù sau sinh?

Hầu hết bị phù sau sinh là bình thường và sẽ tự biến mất. Nhưng đôi khi sưng phù xảy ra trong những ngày sau khi sinh có thể chỉ ra bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, bạn cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở Y tế nếu:

  • Nhận thấy sưng phù tăng lên đột ngột
  • Sưng phù tăng sau một vài ngày thay vì giảm dần.
  • Thấy vết lõm trên da nếu ấn vào vùng bị sưng và tình trạng lõm trong hơn một vài phút mà không tự biến mất.
  • Cảm thấy đau hoặc kích thích ở chân kèm theo sưng phù.
  • Một chân bị sưng nhiều hơn chân kia và/hoặc chân có màu đỏ, chuột rút và da ở vùng chân ấm hơn vùng khác kèm theo sưng ở một chân.
  • Nhận thấy sưng phù kèm theo các dấu hiệu tiền sản giật sau sinh khác như đau đầu dữ dội, nôn mửa, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Bị đau ngực hoặc khó thở.
  • Vết mổ bị sưng và kèm theo đau ngày càng tăng, chảy máu hoặc có mùi hôi hoặc chất lỏng chảy ra.

Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:
- Quy trình cuộc chuyển dạ diễn ra như thế nào, thường kéo dài trong bao lâu để có hướng sinh thường hay sinh mổ, bảo vệ sức khỏe tốt cho thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.2K

Dịch vụ từ Vinmec