Thuốc nội tiết uống trước hay sau ăn?

Thuốc nội tiết là loại thuốc chứa thành phần dược chất là nội tiết tố (hormone). Việc sử dụng thuốc nội tiết cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng “lợi bất cập hại”. Vậy thuốc nội tiết uống trước hay sau ăn thì tốt?

1. Khi nào nên sử dụng thuốc nội tiết

Thuốc nội tiết có chứa hormone. Hormone đảm nhiệm toàn bộ các chức năng của cơ thể như: Điều hòa quá trình tăng trưởng và phát triển của tế bào, chuyển hóa thức ăn, duy trì sự phát triển của cơ quan sinh sản và chức năng tình dục, điều chỉnh tâm trạng và chức năng nhận thức, duy trì nhiệt độ cơ thể,... Mọi tình trạng mất cân bằng bài tiết hormone trong cơ thể đều có thể dẫn đến các bệnh lý.

Tuổi tác, bệnh tật, rối loạn di truyền, tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường,... đều có thể ảnh hưởng tới khả năng bài tiết hormone của cơ thể. Tình trạng rối loạn hormone (tăng hoặc giảm) đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều chức năng và cơ quan khác nhau trên cơ thể. Những rối loạn thường gặp là: Rối loạn hormone tuyến giáp, rối loạn hormone tuyến thượng thận, rối loạn hormone tuyến tụy, rối loạn hormone tuyến sinh dục,... Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc nội tiết để khôi phục lại sự cân bằng lượng hormone trong cơ thể.

Với trường hợp thiếu hụt hormone, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc nội tiết (gọi là trị liệu thay thế). Phụ nữ có thể dùng hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone để điều trị các triệu chứng xảy ra ở thời kỳ mãn kinh. Bệnh nhân nam có thể được bác sĩ cho bổ sung hormone sinh dục nam là testosterone để tăng cường khả năng tình dục hoặc điều trị rối loạn tình dục di truyền như hội chứng Klinefelter. Người bệnh bị suy giảm chức năng tuyến giáp (nhược giáp) có thể sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp như levoxyl hoặc synthroid (levothyroxine).

Với trường hợp dư thừa hoặc hoạt động quá mức của hormone, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc kháng hormone. Ví dụ bệnh nhân có tuyến giáp hoạt động quá mạnh, tiết nhiều hormone tuyến giáp là thyroxin (bệnh cường giáp) sẽ được dùng thuốc kháng giáp là propylthiouracil hoặc methimazole. Các thuốc này ức chế sự tổng hợp hormone tuyến giáp, giúp người bệnh trở lại trạng thái ổn định bình thường.

2. Giải đáp: Thuốc nội tiết uống trước hay sau ăn?

Khi uống thuốc, hầu hết người bệnh chỉ quan tâm tới hiệu quả của thuốc mà không chú ý tới thời điểm uống thuốc trong ngày (kể cả khi được bác sĩ căn dặn kỹ). Đây là quan điểm sai lầm vì chỉ có uống thuốc đúng lúc mới có thể phát huy hết công dụng của thuốc.

Thuốc sau khi uống sẽ được hấp thu qua ruột, vào máu và phát huy tác dụng. Thế nhưng, vấn đề tương tác giữa thuốc và thức ăn có thể làm giảm tác dụng hoặc tăng cường tác dụng của thuốc, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh cần chú ý tới thời điểm dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Vậy thuốc nội tiết uống sáng hay tối thì tốt? Thời điểm uống thuốc tốt là 1 lần vào buổi sáng, tốt nhất là vào khoảng 6 - 8 giờ (trước bữa ăn sáng). Đối với những người cần uống thuốc nội tiết dài ngày, việc sử dụng thuốc 1 lần vào sáng sớm sẽ làm giảm các tác dụng phụ hơn rất nhiều so với việc uống thuốc 2 - 3 lần trong ngày. Bởi lẽ vào khoảng 6 - 8 giờ sáng, tuyến thượng thận sẽ tiết ra nhiều nội tiết tố nhất trong ngày. Đến 22 giờ là thời điểm nội tiết tố giảm dần.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc nội tiết

Thuốc nội tiết uống thế nào? Sau đây là một số lưu ý quan trọng người bệnh không nên bỏ qua:

  • Không dùng liệu pháp hormone thay thế ở phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai, bị chảy máu âm đạo bất thường, có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc huyết khối, mắc bệnh về gan;
  • Cân nhắc khi sử dụng hormone với liều thấp nhất, cảnh giác với những tác dụng phụ như ung thư vú, ung thư tử cung, nhồi máu cơ tim, huyết khối;
  • Dùng thuốc chứa estrogen có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, đau vú, rụng tóc, nôn ói, chảy máu âm đạo bất thường,...

Với câu hỏi thuốc nội tiết uống trước hay sau ăn thì tốt, đáp án là trước khi ăn sáng. Khi dùng thuốc, người bệnh cũng nên tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị liệu toàn diện, hạn chế tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan