Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tiêu chảy khi mang thai nếu bị nhẹ có thể tự khỏi, chỉ cần bù nước và điện giải. Tuy nhiên, nếu bà bầu tiêu chảy nặng kèm theo đau bụng, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

1. Tiêu chảy khi mang thai

Nguyên nhân đau bụng tiêu chảy chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus từ chế độ ăn uống hàng ngày không đảm bảo vệ sinh.

Tuy nhiên, thực tế thì đau bụng tiêu chảy là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bà bầu. Trong thời gian mang thai, sức đề kháng của phụ nữ thường bị giảm út và rất yếu nên khi ăn uống cần hết sức cẩn trọng, vì trong thời gian này hệ tiêu hóa có phần yếu đi.

Khi ăn hoặc uống phải thực phẩm hoặc nguồn nước bị nhiễm khuẩn, cộng thêm sức đề kháng yếu hơn bình thường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nên tình trạng tiêu chảy ở bà bầu.

Đôi khi, mặc dù đã rất cẩn thận trong vệ sinh ăn uống, nhưng mẹ bầu vẫn có thể bị tiêu chảy do thực phẩm chứa một số chất không phù hợp với thể trạng và sức hấp thu của cơ thể.

Một số thai phụ bị dị ứng với sữa tươi, đồ lạ, thậm chí là ăn nhiều đồ mỡ, đạm không tiêu hóa được gây rối loạn tiêu hóa cũng có thể khiến cơ thể phải tống ra ngoài qua tình trạng tiêu chảy khi mang thai.

2. Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm không?

Tiêu chảy khi mang thai có thể kéo dài từ 1 đến 10 ngày tùy thuộc nguyên nhân.

Bệnh nhân tiêu chảy thường có kèm theo nôn mửa. Đặc biệt là tiêu chảy do vi khuẩn tả hoặc Rota virus. Đi lỏng và nôn mửa quá nhiều làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất nước và suy kiệt rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra sốc mất nước và nhiều nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

Các triệu chứng đau bụng tiêu do tiêu chảy thường gặp như đau bụng vùng quanh rốn, đôi khi có thể đau dữ dội và mỗi cơn đau lại mót đi ngoài phân lỏng. Điều đáng lo ngại nhất là các cơn đau bụng có thể kích thích tử cung co bóp, đe dọa sự an toàn của thai nhi.

Phụ nữ mang thai sức đề kháng kém hơn nên mắc tiêu chảy nặng hơn các trường hợp bình thường, do đó, mức độ nguy hiểm cao hơn. Ngoài tác hại lên cơ thể mẹ, thai nhi trong bụng cũng chịu ảnh hưởng nếu mẹ bị tiêu chảy khi mang thai. Người mẹ bị mệt, kém ăn, suy kiệt có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể làm thai chết lưu trong bụng mẹ.

Như vậy, trong trường hợp tiêu chảy khi mang thai, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp do cấp cứu muộn, phải dùng nhiều thuốc, kháng sinh để điều trị có thể khiến mẹ bị sảy thai, hoặc nguy cơ để lại dị tật cho thai nhi cũng cao hơn nhiều so với bình thường.

Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm?
Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm không?

3. Điều trị tiêu chảy khi mang thai như thế nào?

Phụ nữ khi mang thai nếu bị bệnh thường rất lo lắng, không dám uống thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, tiêu chảy khi mang thai có thể được điều trị rất đơn giản và không gây hại cho thai nhi nếu điều trị đúng cách.

Các trường hợp tiêu chảy nhẹ sẽ tự khỏi, chỉ cần uống oresol, bù nước.

Điều trị tiêu chảy phải tùy theo nguyên nhân. Nếu tiêu chảy do nguyên nhân vi khuẩn, ví dụ như do vi khuẩn Salmonela, tụ cầu vàng,... thì bác sĩ có thể xem xét cho mẹ bầu dùng kháng sinh loại an toàn cho thai nhi.

Tuy nhiên, nếu để tiêu chảy tiến triển nặng dẫn tới mất nước thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, nếu thai phụ bị đau bụng tiêu chảy, đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ thì nên đi khám càng sớm càng tốt để điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và nhanh khỏi bệnh. Không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc dùng các thuốc do người khác mách bảo vì nhiều loại thuốc có thể gây nguy hại cho thai nhi.

4. Phòng bệnh tiêu chảy khi mang thai?

Một số biện pháp có thể giúp mẹ bầu giảm thiểu nguy cơ bị tiêu chảy khi mang thai:

  • Uống nhiều nước: vì đau bụng tiêu chảy sẽ làm người bệnh mất nước. Tránh các loại nước hoa quả, nước ngọt, nước có gas...
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn: tiêu chảy gây ra khá nhiều phiền toái và khó chịu, cơ thể luôn mệt mỏi.
  • Ăn uống an toàn, vệ sinh: Bà bầu cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại rau sống chưa rửa sạch, tuyệt đối không ăn gỏi, tiết canh hay thịt tái sống... Hạn chế ăn uống ở hàng quán khi chưa thật sự tin cậy về khâu chế biến thực phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
  • Tránh nhóm thực phẩm giàu gia vị hay ẩn chứa lượng chất béo vượt ngưỡng cho phép.
  • Hạn chế những loại cá biển, tôm, ốc hoặc các thực phẩm từng khiến mẹ bầu bị đau bụng, tiêu chảy.
  • Các thực phẩm nên ăn: Bánh mì nướng, nước sốt táo, gạo, khoai tây nghiền (không có phụ gia), bánh quy, mì (không có phụ gia); chuối, cà rốt nấu chín, bí nấu chín, cháo và bột yến mạch. Những thực phẩm này đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.
  • Sữa chua: đây là thực phẩm khá tốt cho sức khỏe và có thể giúp mẹ bầu đẩy lùi tiêu chảy.

Trường hợp tiêu chảy ở bà bầu kéo dài kèm các triệu chứng mệt mỏi khác, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

13.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan