Tổng hợp đầy đủ các bệnh lành tính - Ác tính ở tuyến vú

Bệnh tuyến vú là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc khá cao ở phụ nữ, thường được chia thành hai nhóm: Bệnh tuyến vú không do u và bệnh tuyến vú do u.

1. Các bệnh lành tính ở tuyến vú

1.1 Xơ nang tuyến vú

Xơ nang tuyến vú hay còn gọi là u xơ nang tuyến vú, một trong những dạng tổn thương lành tính thường gặp ở nữ giới, là khối u khu trú do xơ hóa tuyến và quá sản biểu mô tuyến vú hình thành nang xảy ra khi mất cân bằng nội tiết estrogen, progesterone, prolactin.

Các mô vú hình thành nang xơ có dạng bướu phẳng, cứng và di động; cảm nhận thấy các khối mềm, ranh giới không rõ xuất hiện nửa sau kì kinh, gặp ở nửa ngoài vú hoặc có thể cả 2 bên vú. Những biến đổi này làm vú dày lên, đau và căng.

Gần một nửa phụ nữ mắc xơ nang tuyến vú không có triệu chứng. Một số triệu chứng phổ biến như đau theo chu kì và sưng hai vú. Khi nắn bóp, vú có cảm giác đầy, ứ đọng dịch, đau nhiều và căng. Mô vú dày đặc và cảm giác có bướu như những viên sỏi. Triệu chứng đau vú, tăng kích thước vú và có nhiều khối xơ nang cần phải phân biệt với các khối nhân xơ lành tính hoặc tổn thương của ung thư vú.

1.2 Nhân xơ vú

Là bệnh lý lành tính thường gặp ở phụ nữ trẻ trong khoảng 20 năm đầu sau dậy thì, nhiều nhân có thể gặp ở một hay cả 2 bên vú.

Trên lâm sàng một nhân xơ vú điển hình thường là một khối tròn đều, cứng, chắc, ranh giới rõ, di động, nắn không đau, kích thước thay đổi từ 1-5 cm.

Phát triển nhân xơ vú khá dễ dàng và thường do tự phát hiện thấy một cách ngẫu nhiên, tuy nhiên đối với những phụ nữ trên 30 tuổi thì cần phân biệt với nang vú hoặc ung thư vú.

1.3 Cystosarcoma phyllodes

Là loại nhân xơ vú với các tế bào mô đệm phát triển rất nhanh tạo thành một khối u rất to, cứng chắc, thậm chí chiếm toàn bộ vú. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có một tỉ lệ nhỏ ác tính.

Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ khối u và vùng tổ chức lành xung quanh khối u để phòng ngừa tái phát.

1.4 Bệnh nang vú

Là bệnh lý thường liên quan đến nội tiết. Nang là những khối riêng rẽ, ranh giới rõ, di động, mật độ căng. Kích thước nang to nhỏ khác nhau, thường có nhiều nang ở một hay cả hai vú, khi siêu âm sẽ thấy các vùng giảm âm đồng nhất, ranh giới rõ, vỏ mỏng.

tong-hop-day-du-cac-benh-lanh-tinh-ac-tinh-o-tuyen-vu-1
Bệnh nang vú liên quan đến nội tiết

1.5 Hoại tử tổ chức mỡ

Là bệnh lý hiếm gặp thường xuất hiện sau chấn thương hoặc sinh thiết. Cảm giác căng đau có thể xuất hiện hoặc không. Khối u có thể tự mất mà không cần điều trị.

1.6 Áp xe vú

Hiện tượng áp xe vú là hiện tượng xuất hiện vùng tấy đỏ, cương đau, không cứng do nhiễm khuẩn ngược vào các ống tuyến vú rồi lan tỏa ra xung quanh.

Do áp xe vú thường xảy ra trong giai đoạn mang thai hay cho con bú nên giai đoạn đầu của viêm có thể vẫn cho con bú và đồng thời điều trị kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Nếu đến giai đoạn muộn, khối viêm có thể hóa mủ khu trú tại chỗ thành khối đau và ấn lõm, đôi khi có thể tự vỡ khối mủ. Trong trường hợp này cần mở thông khối mủ và dẫn lưu.

1.7 Tiết dịch núm vú

Phần lớn các trường hợp tiết dịch vú bất thường thường liên quan với u nhú (papilloma) ống tuyến vú, xơ nang gây giãn ống tuyến hoặc ung thư vú.

1.8 Dị dạng vú

Phì đại vú một hay cả hai bên thường cần phải phẫu thuật tạo hình để thu nhỏ lại.

2. Bệnh u vú ác tính và những điều cần biết

U vú ác tính (ung thư tuyến vú) là sự thay đổi bất thường của các tế bào mô vú, ban đầu chúng phát sinh ở một vị trí, sau đó có thể xâm nhập và hủy hoại mô cũng như bộ phận lân cận. Ung thư vú có hai loại chính là ung thư thể ống và ung thư thể thùy.

70% các trường hợp ung thư vú khám phát hiện thấy: Khối u đơn, không căng, cứng chắc, với bờ khó xác định. Bên cạnh đó cũng 90% khối u được phát hiện bởi chính người bệnh, nhất là những khối u nhỏ < 1cm.

Các triệu chứng ít gặp hơn là đau vú, tiết dịch. Phát hiện muộn hơn, nhất là khi khối u lớn > 5cm thì có thể thấy khối u co kéo da và núm vú, vú to lên, da giống cam sành, đau, khối u dính vào da hay thành ngực, khám hố nách thấy có hạch. Thậm chí có loét, hạch trên đòn, phù tay, di căn xương, phổi, gan, não...

2.1 Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Chụp vú: Có thể phát hiện rất sớm từ 2 năm trước khi sờ thấy. Khoảng 35% các trường hợp được phát hiện chỉ nhờ chụp vú sàng lọc.
  • MRI vú giúp xác định tính chất khối u ranh giới không rõ ràng với các tổ chức xung quanh, có hiện tượng tăng sinh mạch và mức độ xâm nhiễm của khối u ra xung quanh nhất là so với cơ ngực.
  • Sinh thiết: Tiêu chuẩn vàng để xác định và phân loại ung thư vì có 30% nghĩ tới ung thư trên lâm sàng nhưng sinh thiết lành tính và 15% nghĩ lành tính nhưng sinh thiết là ác tính.
  • Chụp xạ hình xương bằng technetium 99m - labeled phosphonates, là phương tiện quan trọng để đánh giá di căn vú. Tỉ lệ di căn xương tăng lên cùng giai đoạn bệnh, nếu Stages I và II thì chỉ khoảng 7% và 8% có (+), trong khi giai đoạn III là 25% (+).

2.2 Một số dạng đặc biệt của ung thư vú

2.2.1 Bệnh Paget

Có sự thay đổi màu sắc da ở vùng núm vú dưới dạng chàm và 99% là ác tính. Sờ thấy có khối u nằm ở dưới, các khối u này 95% được phát hiện là do ung thư di căn, mà phần lớn là do ung thư ống tuyến thâm nhiễm.

Bệnh Paget hiếm gặp nhưng lại thường phát hiện muộn vì triệu chứng không rõ ràng . Điều trị có thể phẫu thuật cắt bỏ vú và tia xạ sau mổ.

2.2.2 Ung thư vú dạng viêm

Được phát hiện dưới dạng tổn thương ở da vùng vú, tấy đỏ ở vùng bờ xung quanh, và thường không sờ thấy khối u ở dưới.

Đây là bệnh có tính chất ác tính chất vì khi phát hiện ra thì đã có tới >35% trường hợp có di căn, nhưng may mắn là bệnh chỉ chiếm < 5% các trường hợp ung thư vú.

tong-hop-day-du-cac-benh-lanh-tinh-ac-tinh-o-tuyen-vu-2
Ung thư vú

2.2.3 Ung thư vú trong thời gian mang thai và cho con bú

Trong phần lớn các trường hợp thì cắt bỏ vú rộng là phương thức điều trị tối thiểu được lựa chọn. Nếu thai muộn hơn ở 3 tháng cuối của thai nghén có thể chỉ cắt bỏ khối u và tia xạ ngay sau sinh.

2.2.4 Ung thư vú hai bên

Tỷ lệ chỉ khoảng <1%, nhưng có tỷ lệ cao hơn từ 5-8% với những trường hợp ung thư vú giai đoạn 2. Ung thư vú hai bên thường gặp ở phụ nữ < 50 tuổi và thường là ung thư tiểu thùy.

2.3 Các biện pháp nhằm phát hiện sớm ung thư vú

Khám lâm sàng và chụp vú giúp phát hiện tới 40% các trường hợp ung thư giai đoạn sớm và 40% khác được phát hiện qua sờ nắn. Chụp vú có thể 2-3 năm một lần ở những phụ nữ 40-49 tuổi và hằng năm ở những tuổi lớn hơn.

  • Siêu âm vú thường chỉ giúp chẩn đoán phân biệt u nang và nhân xơ. Siêu âm chỉ nên được coi như là một biện pháp bổ sung cho khám lâm sàng và chụp vú trong sàng lọc ung thư vú.
  • Xét nghiệm gen: Ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình ung thư vú, với việc phát hiện dương tính với 2 gen BRCA1 và BRCA2, đồng nghĩa với tăng nguy cơ ung thư vú cũng như ung thư buồng trứng, đại tràng, tiền liệt tuyếnung thư tụy.

2.4 Điều trị ung thư vú

Phẫu thuật cắt bỏ vú rộng thường được chỉ định ở những giai đoạn sớm của bệnh để cắt bỏ khối u hoặc một phần vú hay một phần tư vú để bảo tồn.

  • Điều trị bảo tồn nếu chỉ có một ổ tổn thương có đường kính <2 cm. Tuy nhiên, điều trị bảo tồn phải đi kèm với kiểm tra mô học ngay tức thì vùng rìa xung quanh để bảo đảm đã cắt hết tổ chức ung thư.
  • Điều trị cắt bỏ vú theo phương pháp Patey thường được chỉ định tại Việt Nam, kèm theo vét hạch nách. Phương pháp này được chỉ định bất kể giai đoạn nào nào của bệnh.
  • Tia xạ, hóa chất và nội tiết là những liệu pháp điều trị bổ xung trong ung thư vú.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan