Vỡ tử cung trong thai kỳ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Vỡ tử cung trong thai kỳ thường ít gặp hơn trong chuyển dạ.

1. Vỡ tử cung trong thai kỳ là gì?

Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ. Vỡ tử cung bao gồm 4 hình thái lâm sàng:

1.1 Vỡ tử cung hoàn toàn

Vỡ tử cung hoàn toàn là toàn bộ bề dày thành tử cung đều bị xé rách ( niêm mạc, cơ đến phúc mạc). Vị trí rách thường ở bên trái và mặt trước đoạn dưới tử cung, vết rách có thể kéo dài từ cổ tử cung đến thân tử cung. Trong vỡ tử cung hoàn toàn: thai, nhau nước ối bị đẩy vào ổ bụng của mẹ nên dễ bị viêm phúc mạc.

1.2 Vỡ tử cung không hoàn toàn

Hình thái này còn được gọi là vỡ tử cung dưới phúc mạc. Chỉ có lớp niêm mạc và lớp cơ bị xé rách, phúc mạc đoạn dưới bị bong ra nhưng vẫn chưa bị rách. Máu không chảy vào ổ bụng người mẹ mà chảy vào dây chằng rộng tạo thành khối máu tụ trong dây chằng rộng, tiểu khung. Trường hợp vỡ tử cung không hoàn toàn thai và rau vẫn ở trong tử cung nên thai có thể còn sống.

1.3 Vỡ tử cung ở người có sẹo mổ cũ

Thường do sẹo ở tử cung bị vỡ hoặc bị nứt một phần, trường hợp này bờ vết rách không nham nhở và có khi ít chảy máu.

1.4 Vỡ phức tạp

Tổn thương của vỡ tử cung phức tạp bao gồm vỡ tử cung hoàn toàn với tổn thương rộng, có thể kéo dài xuống âm đạo, xé rách túi cùng, bàng quang hoặc đứt động mạch tử cung. Do tổn thương phức tạp bệnh nhân thường bị choáng nặng nên việc xử trí rất khó khăn và hậu phẫu nặng nề.

2. Nguyên nhân dẫn đến vỡ tử cung trong thai kỳ

Vỡ tử cung trong thai kỳ có thể xảy ra trên các thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung do:

  • Mổ lấy thai ở thân tử cung.
Vỡ tử cung trong thai kỳ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết
Vỡ tử cung trong thai kỳ có thể xảy ra ở thai phụ có sẹo mổ cũ do mổ lấy thai ở thân tử cung

  • Khâu lại tử cung bị vỡ.
  • Mổ lấy thai từ hai lần trở lên ( sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung trước đó, số lần mổ càng nhiều càng làm tăng nguy cơ vỡ tử cung).
  • Mổ cắt góc tử cung trong phẫu thuật điều trị chửa ngoài tử cung ở sừng.
  • Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung.
  • Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung ( nếu u xơ tử cung ăn vào nội mạc tử cung).
  • Khâu lỗ thủng tử cung sau nạo phá thai.
  • Tai nạn, sang chấn trực tiếp.

3. Các dấu hiệu vỡ tử cung trong thai kỳ

Vỡ tử cung trong thai kỳ có thể xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ nhưng không có dấu hiệu dọa vỡ tử cung.

3.1 Triệu chứng cơ năng

  • Đau xảy ra đột ngột ở vùng tử cung ( thường ở vị trí vết mổ cũ).
  • Ra máu ở âm đạo.

3.2 Triệu chứng toàn thân

Trong một số trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu choáng, da mặt tái nhợt, nhịp thở nhanh, thở nông, chân tay lạnh toát, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, đôi khi có thể ngừng tim.

3.3 Triệu chứng thực thể

  • Đau bụng: đau có thể lan tỏa toàn bụng, có khi phản ứng phúc mạc rất rõ.
  • Tử cung không còn hình dạng ban đầu, có thể sờ thấy các phần thai ngay dưới thành bụng, trường hợp vỡ tử cung không hoàn toàn có thể sờ thấy tử cung nhưng có điểm đau chói tại vùng sẹo của tử cung.
  • Nghe tim thai: Tim thai không còn nghe được.
  • Gõ bụng: Bụng đục toàn bộ.
  • Khám âm đạo: Ngôi thai không sờ thấy, có máu chảy ra theo tay.

Cần chú ý: Có trường hợp sẹo mổ cũ bị nứt, nên không có dấu hiệu điển hình của chảy máu trong như đã mô tả ở trên.

3.4 Cận lâm sàng

  • Siêu âm nếu vỡ tử cung hoàn toàn sẽ thấy trong ổ bụng có: Thai nhi, tim thai không đập, dịch.
  • Xét nghiệm: Trong xét nghiệm máu có giảm số lượng hồng cầu, hemoglobin (Hb) và hematocrit (Hct). Hồng cầu, Hb, Hct giảm nhiều trong trường hợp mất máu nặng.

4. Phòng ngừa vỡ tử cung trong thai kỳ

Phòng ngừa có vai trò rất quan trọng để hạ thấp tỷ lệ vỡ tử cung, tỷ lệ tử vong do vỡ tử cung.

  • Trong thai kỳ: Cần khám thai thường xuyên, phát hiện sớm các nguy cơ khó đẻ như khung chậu hẹp, khung chậu méo, có sẹo mổ cũ ở tử cung, thai to, ngôi bất thường...
  • Tuyến xã, huyện không có khả năng phẫu thuật không được quản lý các trường hợp sinh khó mà phải chuyển lên tuyến trên để quản lý.
  • Các thai phụ có sẹo ở tử cung phải được vào viện trước khi chuyển dạ để theo dõi cẩn thận và chỉ định can thiệp đúng lúc.

Nếu có những đâu hiệu bất thường và có xuất hiện những cơn đau bụng hoặc chảy máu bất thường ở âm đạo bạn nên đi khám ngay để có thể phát hiện và xử trí kịp thời những biến chứng có thể xảy ra.

Vỡ tử cung trong thai kỳ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết
Cần khám thai thường xuyên đúng chỉ định trong thai kỳ để phát hiện sớm các vấn đề có thể gây vỡ tử cung

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, khi có những yếu tố nguy cơ của vỡ tử cung, các thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ.

Hãy để Vinmec đồng hành cung mẹ và bé trong chương trình Thai sản trọn gói “ . Khi mua gói, mẹ và bé sẽ được theo dõi, siêu âm, xét nghiệm thường quy tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec trong suốt quá trình mang thai đến khi sinh con và sau sinh. Với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm, chu đáo, nắm bắt và kịp thời xử lý các vấn đề sức khỏe cho mẹ trong thời gian thời kỳ, việc sinh đẻ chắc chắn sẽ trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan