Sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mổ lấy thai chủ động là sinh mổ lấy thai khi chưa có chuyển dạ. Thời gian hồi phục của mẹ sẽ lâu hơn sinh thường và việc phẫu thuật có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé

1. Những trường hợp cần sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ

1.1. Nguyên nhân về người mẹ

  • Người mẹ bị bệnh toàn thân nặng không tiếp tục mang thai được nữa. Khi có những tình trạng bệnh lý của mẹ hay thai nhi cần phải chấm dứt thai kỳ ngay.
  • Người mẹ bị cao huyết áp do thai kỳ nặng, huyết áp tăng cao không điều chỉnh được bằng thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi..
  • Người mẹ có bệnh lý về tim mạch mà tình trạng có thể trở nên tệ hơn do quá trình chuyển dạ. Mẹ bị bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường.
  • Mang nhiều thai cùng một lúc
  • Sinh mổ nhiều lần trước đây
  • Sức khỏe người mẹ không bảo đảm, suy thai cấp...
  • Bị các bệnh lý do thai gây ra: Tiền sản giật, dị ứng nặng do thai.
  • Từng phẫu thuật tử cung trước đó. Tử cung có sẹo mổ cũ : Mổ lấy thai > 2 lần, mổ bóc u xơ tử cung, mổ tạo hình tử cung.

Thông thường, chỉ định sinh mổ lấy thai chủ động trong trường hợp người mẹ bị khung chậu bất thường, đường ra của thai bị cản trở như nhau tiền đạo, u tiền đạo, bé không quay đầu xuống khi gần đến ngày sinh.

1.2. Nguyên nhân về thai

  • Thai quá to, tiên lượng > 4kg ở người đẻ con rạ, > 3,5 kg ở người đẻ con so.
  • Bé có các dấu hiệu suy thai như nhịp tim thai quá nhanh hoặc chậm
  • Thai suy dinh dưỡng
  • Suy thai mãn tính trong tử cung.

1.3. Nguyên nhân về phần phụ của thai

  • Rau tiền đạo trung tâm
  • Rau tiền đạo chảy máu nhiều lần
  • Rau xơ hóa nặng: độ III - IV
  • Hết nước ối: Chỉ số ối < 30.

1.4. Những lý do khác

Bà mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề: thai chết lưu nhiều lần, thai chết lưu trước chuyển dạ Đôi khi vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển dạ dẫn tới quyết định mổ lấy thai, thường liên quan tới: Quá trình chuyển dạ chậm và khó khăn hoặc bị ngừng hoàn toàn. Các vấn đề liên quan tới nhau thai có thể là nguyên nhân gây băng huyết cho sản phụ nếu sinh thường.Thông thường những trường hợp này không đợi có dấu hiệu chuyển dạ, vì khi chuyển dạ có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

Bà bầu
Một số bệnh lý từ người mẹ có thể dẫn đến phải sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ

2. Những lợi ích và bất lợi khi mổ lấy thai chủ động

2.1. Lợi ích cho mẹ khi mổ lấy thai chủ động

Nếu tình trạng của thai yếu, khi sinh mổ lấy thai chủ động sẽ giảm được khả năng bị ngạt, bị sang chấn do sinh khó hay chuyển dạ kéo dài.

2.2. Những bất lợi cho mẹ khi mổ lấy thai chủ động

  • Khi sinh mổ lấy thai chủ động, người mẹ có thể bị những tai biến do gây mê hay do phẫu thuật (phạm phải động mạch tử cung, bàng quang, ruột, khâu trúng niệu quản...). Người mẹ sẽ mất máu nhiều hơn, hậu phẫu kéo dài ảnh hưởng đến sự hồi phục của tử cung và hồi phục sức khỏe, thời gian nằm viện lâu hơn.
  • Sau mổ lấy thai chủ động có thể bị biến chứng nhiễm trùng vết mổ nên khả năng phải dùng kháng sinh nhiều hơn và lâu hơn. Sản phụ bị sẹo ngoài da, đặc biệt, cơ địa sẹo lồi càng mất thẩm mỹ. Sẹo mổ trên thân tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau. Vết mổ trên tử cung cũng có thể gây ra dính ruột, tắc ruột.
  • Với ca sinh mổ, bà mẹ không thể cho con bú trong những giờ đầu sau sinh. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phân tiết bình thường của tuyến sữa.

2.3. Những bất lợi cho con khi sinh mổ lấy thai chủ động

  • Nếu sinh mổ lấy thai chủ động khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có khả năng bị suy hô hấp cấp do thiếu chất Surfactant (chất rất cần cho hoạt động của phổi, giúp phổi giãn nở tốt) hay bị hội chứng phổi ướt (Hội chứng chậm hấp thu dịch phổi).
  • Trẻ sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn và dị ứng hơn trẻ sinh thường do không được tiếp xúc với vi khuẩn ở đường sinh thường. Các vi khuẩn có lợi đường ruột phát triển không vượt trội và phải tới 6 tháng sau tỷ lệ khu trú của vi khuẩn này mới bắt kịp các trẻ sinh thường. Đó có thể là l‎ý do trẻ sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ thường bị các bệnh nhiễm khuẩn và dị ứng hơn trẻ sinh thường.
  • Ngoài ra, nếu non tháng, trẻ cũng dễ bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, vàng da nhân, nhiễm trùng huyết...
Sinh non
Trẻ sinh chưa đủ tháng dễ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe

3. Có nên mổ lấy thai chủ động không?

Các trường hợp cần thiết phải mổ lấy thai phải được hội chẩn và chỉ định chặt chẽ. Không nên vì những lý do chủ quan của một cá nhân nào đó mà cố thu xếp để mổ lấy thai chủ động ra khi mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ để phải chịu những rủi ro không đáng có.

Hậu quả của việc chọn giờ đẹp để sinh đã có những trường hợp sau sinh, trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, phải điều trị rất khó khăn và tốn kém, đã có một số trường hợp tử vong.

Các thai phụ sắp được làm mẹ cần hiểu biết về việc này để có những quyết định khoa học, hợp lý và phải tự chịu trách nhiệm khi đưa ra hoặc chấp nhận yêu cầu mổ lấy thai chủ động theo giờ. Đừng vì những ý kiến bên ngoài tác động đến cuộc sinh đẻ của chính bản thân mình và vì sự an toàn cho chính đứa trẻ mà mình sắp sinh ra.

Với số ca sinh mổ phát triển lên con số kỷ lục, những tuần cuối thai kỳ cần được xem xét một cách nghiêm túc. Từ đó dẫn đến việc thai kỳ được chia thành những loại riêng biệt.

  • Sinh sớm từ tuần thứ 37 tuần 0 ngày đến 38 tuần 6 ngày
  • Đủ tháng: Từ 39 tuần 0 ngày đến 40 tuần 6 ngày
  • Thai vượt tháng từ 41 tuần 0 ngày đến 41 tuần 6 ngày.
  • Thai già tháng: từ 42 tuần 0 ngày và nhiều hơn.

Thời kỳ mang thai có thể sinh mổ thường từ tuần thứ 38 - 40 nếu không có bất kỳ bất thường về sức khỏe nào ở mẹ và thai nhi, sinh mổ giúp bạn giảm đau nhưng cũng cần phải cực kỳ lưu ý khi chăm sóc.

Vì vậy bạn nên đi khám thai thường xuyên theo lịch để được bác sĩ khám và tư vấn thời gian mổ thích hợp.

Việc sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ có thể được lên kế hoạch từ trước (trường hợp này được gọi là “chọn” mổ) khi các biến chứng khi mang thai trở nên rõ ràng hơn ngay trước khi mẹ chuyển dạ, do mẹ đã từng đẻ mổ hoặc xuất hiện những di chứng bất ngờ trong quá trình chuyển dạ và bác sĩ buộc phải cho sinh mổ. Đó là lý do bà mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và kiến thức về sinh mổ hoặc có những phát sinh ngoài ý muốn. Bà mẹ cũng nên nhận được sự tư vấn của bác sĩ Sản khoa có kinh nghiệm từ lúc có thai đến khi chuyển dạ để cho mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan