Sỏi mật sót/tái phát sau phẫu thuật: Phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sau phẫu thuật lấy sỏi mật, nhiều bệnh nhân nghĩ rằng mình đã hoàn toàn khỏi bệnh. Nhưng thực tế có đến 50% người bệnh sỏi mật bị sót hoặc tái phát sau phẫu thuật 3 – 5 năm. Riêng với sỏi bùn mật, thời gian tái phát sớm hơn, có thể chỉ vài tháng sau điều trị.

1. Sỏi mật sót/tái phát sau phẫu thuật là gì?

Sót sỏi mật là tình trạng sỏi mật bị bỏ sót do không phát hiện được hoặc không thể lấy ra hết được trong lúc phẫu thuật. Sỏi mật sót thường được phát hiện dựa trên X quang đường mật hoặc siêu âm trong và sau khi mổ.

Theo thống kê, tỷ lệ sót sỏi trong khi mổ phiên (tức mổ có kế hoạch) rơi vào khoảng từ 10 – 20%, với mổ cấp cứu khoảng 28 – 33%. Riêng đối với trường hợp sỏi trong gan thì tỷ lệ sót sỏi là rất cao (lên tới gần 70%).

Sau khi phẫu thuật, sỏi mật có bị tái phát không? Thực tế, không phải phẫu thuật xong nghĩa là bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn, bởi hiện tượng sỏi mật tái phát có thể xảy ra với tỷ lệ khá cao. Sỏi mật tái phát sau mổ là trường hợp sỏi mật mới được hình thành sau khi đã lấy hết sỏi trước đó. Thời gian sỏi tái phát tùy thuộc vào từng bệnh nhân, chế độ sức khỏe và điều trị dự phòng, thông thường là 6 tháng.

Theo ước tính, số bệnh nhân sỏi mật tái phát tương đương với số bệnh nhân sót sỏi mật sau phẫu thuật.

2. Nguyên nhân gây sỏi mật sót/tái phát sau phẫu thuật

Sót sỏi mật
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sót sỏi, chủ yếu do hạn chế của phương pháp điều trị hoặc tình trạng sỏi mật nhiều, khó lấy

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sót sỏi, chủ yếu do hạn chế của phương pháp điều trị hoặc tình trạng sỏi mật nhiều, khó lấy. Một số nguyên nhân chính gây sót sỏi mật sau phẫu thuật gồm:

  • Nhiều sỏi trong gan, nhất là sỏi nằm sâu trong các ống gan;
  • Sỏi trong gan có kèm theo chít hẹp ống gan;
  • Quá nhiều sỏi mật và sỏi tiết niệu, nhất là khi mổ cấp cứu;
  • Sỏi nằm ở túi phình đáy ống mật chủ hoặc bị kẹt ở bóng Vater;
  • Kích thước ống mật chủ hẹp, khó kiểm tra và lấy sỏi;
  • Không kiểm tra và đánh giá được hệ thống đường mật trong mổ (X - quang đường mật trong mổ);

Nguyên nhân gây sỏi mật tái phát sau phẫu thuật thường do không giải quyết triệt để tình trạng ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật ở lần phẫu thuật trước. Ngoài ra cũng do 1 số nguyên nhân như:

  • Cấu tạo giải phẫu đường mật tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi (chít hẹp đường mật);
  • Do chỉ khâu cũ đường mật;
  • Do giun, trứng hoặc xác giun trong đường mật;
  • Sỏi tái phát ở ống mật chủ có thể hình thành tại chỗ ống mật chủ hoặc từ ống gan, túi mật di chuyển xuống;
  • Sỏi sót có thể là nguyên nhân gây ứ đọng và bùn mật lắng đọng sẽ hình thành sỏi mới.

3. Làm sao để hạn chế khả năng sỏi mật sót/tái phát sau mổ?

Từ việc xác định được nguyên nhân gây sót và tái phát sỏi mật sau phẫu thuật trên, có thể dự phòng bằng cách:

  • Mổ có chuẩn bị và đánh giá tình hình sỏi trước khi phẫu thuật;
  • Có các biện pháp thăm dò đường mật trong mổ như chụp X-quang đường mật, siêu âm và soi đường mật;
  • Sử dụng các dụng cụ và các biện pháp hiệu quả để lấy hết sỏi;
  • Tạo sự lưu thông mật ruột, dự phòng tắc mật tái phát bằng phẫu thuật nối mật ruột, mở rộng cơ Oddi;

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tiếp tục chế độ điều trị sau mổ sỏi mật với:

  • Tẩy giun và ký sinh trùng.
  • Thuốc lợi mật, chống co thắt đường mật.
  • Kháng sinh chống viêm đường mật.

4. Xử lý khi sỏi mật sót/tái phát sau phẫu thuật

Với trường hợp phẫu thuật sỏi mật bị sót, có thể áp dụng một số cách sau:

  • Bơm dưới áp lực hoặc pha tiêm Heparin (3 – 5 ml) (Heparin chứa điện tích âm sẽ tác động đến điện tích dương ở bề mặt sỏi làm tan sỏi);
  • Bơm rửa bằng nước muối sinh lý + Atropin + Nitritamyl nếu sỏi nhỏ và cơ Oddi còn mềm mại;
  • Dùng các thuốc làm tan sỏi: Các acid mật chenodeoxycholic và ursodeoxycholic, hỗn hợp MTBE (methyl Tertiary Butyl Ether) để điều trị sỏi cholesterol, Natri hexametaphotphat để làm tan sỏi sắc tố mật;
  • Lấy sỏi qua đường ống dẫn lưu Kehr bằng dụng cụ theo kỹ thuật Burhene: Tiến hành sau mổ 4 tuần khi ống Kehr đã tạo được 1 đường hầm được bao bọc xung quanh chắc chắn và dùng dụng cụ chuyên biệt (Dormia, Forgaty) dưới màn huỳnh quang tăng sáng để lấy sỏi sót. Tỷ lệ hiệu quả của phương pháp từ 90 – 95%;
  • Dùng ống soi mềm qua đường đặt Kehr để soi ống mật chủ và tán sỏi sót ở đường mật trong gan và ngoài gan bằng điện thủy lực;
  • Dùng nội soi tá tràng cắt cơ Oddi để lấy sỏi ống mật chủ;
Sót sỏi mật
Dùng nội soi tá tràng cắt cơ Oddi để lấy sỏi ống mật chủ
  • Tán sỏi qua da xuyên gan có sử dụng nội soi ống mềm, nhất là với sỏi trong gan mà ống mật chủ không giãn hoặc chít hẹp đường mật phía dưới, bệnh nhân đã mổ sỏi mật nhiều lần, đã được nối ống mật ruột. Tán sỏi bằng điện – thủy lực hay laser.
  • Tán sỏi bằng sóng xung động ngoài cơ thể (extracorporeal shock ware lithyotripsy – ESWL) nhất là sỏi túi mật, hoặc bằng điện phân thủy lực học và bằng tia laser (sỏi TM, sỏi cholesterol), có thể kết hợp với các thuốc làm tan sỏi.

Trong trường hợp sỏi mật sót và tái phát, ở nước ta, phẫu thuật vẫn là biện pháp điều trị chủ yếu. Tỷ lệ phẫu thuật mật lại do sỏi sót và sỏi tái phát là 15 – 42.2%.

Ngoài những trường hợp phải mổ cấp cứu hoặc cấp cứu trì hoãn do các biến chứng của sỏi mật tái phát thì chỉ định mổ phiên (mổ có kế hoạch) với sỏi mật lại thường phải cân nhắc kỹ dựa vào các yếu tố đặc điểm lâm sàng, sỏi mật (vị trí, kích thước, số lượng sỏi...), các tổn thương đường mật, các biến chứng đã xảy ra và đáp ứng với điều trị nội khoa.

Phẫu thuật lại lấy sỏi là phẫu thuật phức tạp bởi sau khi mổ nhiều lần, vị trí giải phẫu thay đổi, chức năng gan, thận và tụy đều bị suy giảm. Do đó, cần hạn chế tối đa mổ lại bằng dự phòng tái phát.

Như vậy, xử trí sỏi mật sót, tái phát sau phẫu thuật là khó khăn, gây nhiều ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng hơn nên phẫu thuật lấy sỏi lần đầu cần đảm bảo hiệu quả, ngăn ngừa tái phát là tốt nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ y tế uy tín để bệnh nhân bị sỏi túi mật có thể lựa chọn điều trị sỏi mật hiệu quả. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc hay phẫu thuật lấy sỏi. Các phương pháp mổ sỏi mật tại Vinmec là những phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới, được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, sẽ hạn chế tối đa khả năng sỏi mật bị sót hoặc tái phát sau phẫu thuật.

Thạc sĩ. Bác sĩ Dương Xuân Lộc đã có kinh nghiệm hơn 12 năm làm Bác sĩ Ngoại tiêu hóa và hiện đang là Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan