Lợi ích của Bạch phục linh đối với sức khỏe và sắc đẹp

Nấm phục linh có nhiều tác dụng sinh học như chống ung thư, chống viêm, chống oxy hóa và kháng vi-rút. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lợi ích của bạch phục linh đối với sức khỏe và làm đẹp.

1. Tổng quan về dược liệu phục linh

1.1. Đặc điểm phục linh

Nấm phục linh có tên khoa học Poria cocos Wolf, thuộc họ Nấm lỗ (Polyporaceae). Phục linh còn được gọi bạch linh, là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ một số loài thông.

Về hình dạng, phục linh có hình khối to, có thể nặng từ 3 - 5kg hoặc các nấm nhỏ thì có thể chỉ bằng nắm tay. Nấm phục linh không mùi, có vị nhạt và khi cắn gây dính răng.

Thể quả nấm phục linh khô; có dạng hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều; lớn, nhỏ không đồng nhất; mặt ngoài ngoài có màu từ nâu đến nâu đen; có nhiều vết nhăn rõ và bề mặt lồi lõm. Khi bẻ thì bề mặt bẻ sần sùi và có vết nứt; lớp viền ngoài màu nâu nhạt, phần trong màu trắng, một số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thòng (phục thần).

1.2. Bộ phận dùng của phục linh

Tùy theo các phần thái và màu sắc của Phục linh mà có tên gọi khác nhau như: Bạch phục linh, Phục linh bì, Xích phục linh, Phục linh khối, Phục linh phiến. Cụ thể:

  • Phục linh bì: Là lớp ngoài cùng của nấm phục linh tách ra. Có đặc điểm là lớn, nhỏ, không đồng nhất; phía mặt ngoài có màu từ nâu đến nâu đen, phía mặt trong có màu trắng hoặc nâu nhạt. Thể chất tương đối xốp và hơi có tính đàn hồi.
  • Phục linh khối: Là phần còn lại sau khi tách lớp ngoài. Thường được thái, cắt thành phiến hay miếng, lớn nhỏ không đồng nhất; có màu màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.
  • Xích phục linh: Đó là lớp thứ hai sau lớp ngoài cùng (sau lớp phục linh bì); có màu hơi hồng hoặc nâu nhạt.
  • Bạch phục linh: Là phần bên trong và có màu trắng.
  • Phục thần: Là phần nấm phục linh ôm đoạn rễ thông phía bên trong.

1.3. Thành phần hóa học trong phục linh

Thành phần trong phục linh chứa 2 nhóm hóa học chính là polysaccharid và triterpenes:

  • Triterpen và dẫn xuất: Axit pachymic, axit tumolosic, axit eburicoic, axit pinicolic, axit polyporenic, axit dehydropachymic ...
  • Polysaccharid: Có tới 75% pachyman trong phục linh và các monosaccharide gồm các dạng D của glucose, xylose, mannose, galactose, fucose và rhamnose.

Ngoài ra, phục linh cũng chứa các axit amin, enzym, steroidcholine, cũng như histidine và muối kali

Bạch phục linh: Là phần bên trong và có màu trắng.
Bạch phục linh là phần bên trong của nấm phục linh và có màu trắng.

2. Bạch phục linh có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Theo Đông Y, phục linh có vị ngọt nhạt, tính bình, quy vào kinh tỳ, tâm, phế, thận, có tác dụng lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, an thần. Phục linh có trong các bào thuốc:

  • Thuốc bổ, chữa suy nhược, chóng mặt.
  • Di tinh, mộng tinh.
  • Lợi tiểu chữa phù thũng, bụng đầy trướng.
  • Tiêu chảy, tỳ hư, ăn kém.
  • An thần, trị mất ngủ.

Ngày nay, các nhà khoa học chiết xuất - phân lập các thành phần và thử hoạt tính sinh học của bạch phục linh. Cụ thể, polysaccharides, triterpenoids và axit béo có trong nấm phục linh được chứng minh có khả năng lợi tiểu, chống viêm, chống oxy hóachống lão hóa, điều hòa miễn dịch, hạ đường huyết và điều trị ung thư,... Một số thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện để chứng minh tác dụng của bạch phục linh như sau:

  • Tác dụng chống viêm: Ở người tình nguyện bị viêm da tiếp xúc gây ra, kem nấm phục linh (poria emollient cream) có hiệu quả chống viêm trong giai đoạn khởi phát và không gây kích ứng cho làn da khỏe mạnh.
  • Tác dụng điều trị ung thư: Cả hai phần triterpene và polysaccharide của bạch phục linh đều có tác dụng chống ung thư trong ống nghiệm, có khả năng chống lại nhiều dòng tế bào ung thư ở người như bệnh bạch cầu và u ác tính, ung thư phổi, tuyến tiền liệt, buồng trứng, dạ dày, tuyến tụy, vú và da. Thử nghiệm trên động vật được tiêm gây ung thư cho thấy hiệu quả giảm trọng lượng khối u theo nồng độ sử dụng.
  • Bệnh tiểu đường: Thử nghiệm trên động vật cho thấy bạch phục linh có hiệu quả làm giảm đáng kể đường huyết ở những con chuột bị mắc bệnh tiểu đường. Điều này có thể được giải thích là do thành phần triterpenes chiết xuất từ bạch phục linh giúp cải thiện độ nhạy của insulin với tế bào đích, từ đó dẫn đến giảm đường huyết.
  • Điều hòa miễn dịch: thử nghiệm cho thấy sử dụng các dịch chiết từ ​​nấm phục linh làm tăng cường hoạt động miễn dịch của lách và tuyến ức chuột. Sự gia tăng phản ứng miễn dịch đo được ở đại thực bào được cho là do tác động lên cytokine, bao gồm yếu tố hoại tử khối u và interleukin.
  • Gan nhiễm mỡ: Một nghiên cứu quan sát tác động của nấm phục linh in vitro và in vivo cho thấy rằng dịch chiết nấm phục linh cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân gây ra vôi hóa gan
Bạch phục linh giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ

3. Một số bài thuốc có bạch phục linh

Liều dùng của bạch phục linh phụ thuộc bệnh lý, mức độ bệnh, tuổi, tình trạng sức khỏe. Thường dùng từ 9 - 15g/ngày phối hợp trong các bài thuốc. Vi dụ:

3.1. Điều trị chứng phù thũng

  • Bạch phục linh phối hợp với trư linh, bạch truật, trạch tả như bài ngũ linh tán để điều trị chứng thuỷ thũng do biểu tà không giải, thuận kinh nhập phủ gây chứng thuỷ tích bàng quang.
  • Bạch phục linh phối hợp với hoạt thạch, a giao, trạch tả như bài trư linh thang trong điều trị chứng thuỷ nhiệt hỗ kết, âm hư tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng.
  • Để điều trị chứng tỳ thận dương hư thủy thũng, thường phối hợp bạch phục linh cùng phụ tử, sinh khương như bài chân vũ thang.

3.2. Điều trị tình trạng suy nhược cơ thể kèm tiêu chảy kéo dài do tỳ hư

  • Chứng tỳ hư, ăn ít, mệt mỏi: Phối hợp bạch phục linh cùng nhân sâm, bạch truật, cam thảo như bài tứ quân tử thang.
  • Chứng tỳ hư đình ẩm: Phối hợp bạch phục linh với quế chi, bạch truật như bài linh quế truật thảo thang.
  • Chứng tỳ hư thấp tả: Phối hợp bạch phục linh với sơn dược, bạch truật, ý dĩ như bài sâm linh bạch truật tán.

3.3. Điều trị bệnh khớp, phong hàn thấp tí hoặc nhiệt tí

Để điều trị bệnh khớp, phong hàn thấp tí hoặc nhiệt tí: Bạch phục linh, sài hồ, kinh giới, phòng phong, khương hoạt, độc hoạt, tiền hồ, cát cánh, chỉ xác, xuyên khung, cam thảo.

3.4. Điều trị cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi

Để điều trị cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, có thể phối hợp bạch phục linh và các vị thuốc khác như sau:

  • Bạch phục linh, nhân sâm hoặc đẳng sâm, bạch truật; cam thảo.
  • Bạch phục linh, mẫu đơn, trạch tả, thục địa hoặc sinh địa, sơn thù, hoài sơn.
  • Bạch phục linh, thục địa, sơn thù, hoài sơn, mẫu đơn, trạch tả, nhục quế, phụ tử.
  • Bạch phục linh, bạch truật; đảng sâm, cam thảo, thục địa, đương quy, bạch thược đều, xuyên khung, hoàng kỳ sao; nhục quế.

4. Tác dụng của bạch linh trong làm đẹp

Không chỉ có lợi ích bảo vệ sức khỏe, trong bạch linh có chứa chất chống oxy hóa ngăn ngừa lão hóa da, giúp da mịn màng, căn tràn sức sống. Nhờ công dụng thải độc và diệt khuẩn, bạch linh được sử dụng để làm trắng da, mờ vết thâm nám, tàn nhang, mụn nhọt,..

Cách sử dụng:

  • Đem bạch linh hấp cách thủy khoảng 40 -60 phút rồi trộn cùng mật ong và nấu đến khi hỗn hợp cô đặc lại. Mỗi ngày ăn một bát đều đặn trong 1 đến 2 tháng.
  • Có thể dùng đắp trực tiếp lên mặt bằng cách tán bạch phục linh thành bột mịn và trộn đều với mật ong rồi đắp lên da. Sau đó, chờ khoảng 15 – 20 phút và rửa sạch với nước. Thực hiện khoảng 2-3 ngày 1 lần để có làn da trắng sáng.

Khi sử dụng bạch phục linh, bạn cần cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ. Để đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc y sĩ Y Học Cổ Truyền trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan