5 tư thế ngủ nào tốt bạn nên biết

Tư thế ngủ của bạn đóng một vai trò lớn trong chất lượng giấc ngủ của mỗi người. Tuy nhiên, mỗi cá nhân là khác nhau có sở thích với những tư thế ngủ khác nhau. Điều quan trọng là tư thế đó có ích cho cơ thể và nhu cầu giấc ngủ mỗi người.

1. Tầm quan trọng của giấc ngủ

Giấc ngủ là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Ngủ là thời điểm cơ thể được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, một người trưởng thành nên ngủ đủ từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên ngay cả khi đã đảm bảo được số lượng giờ ngủ, bạn vẫn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống vào ngày hôm sau. Điều này xảy ra là do chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo vì nhiều lý do và một trong số đó là tư thế ngủ.

Tư thế ngủ đóng một vai trò quan trọng trong chất lượng giấc ngủ. Tư thế ngủ khác nhau mang lại những lợi ích khác nhau. Một người đang vật lộn với những cơ đau hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác có thể sẽ cần thay đổi tư thế cũng như vị trí ngủ của mình để tránh làm ảnh hưởng đến các giai đoạn của giấc ngủ.

Dành thời gian rèn luyện bản thân dần dần ở một tư thế ngủ mới có thể là bí quyết để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên cần lưu ý đến sự thoải mái của cơ thể. Một tư thế ngủ có thể là tốt đối với tình trạng sức khỏe của bạn nhưng không mang lại sự thoải mái có thể làm chất lượng giấc ngủ giảm sút. Nên cố gắng thay đổi các tư thế khác nhau và tìm ra một tư thế phù hợp nhất với bản thân để mang lại hiệu quả tối đa cho giấc ngủ.

Buồn ngủ liên tục là triệu chứng của biến chứng đái tháo đường lên thận
Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khi tỉnh giấc

Mỗi người trong chúng ta dành khoảng một phần ba thời gian trong cuộc đời để ngủ. Nếu gặp khó khăn khi ngủ, sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng. Một điểm cần chú ý là tư thế ngủ thực sự quan trọng hơn mọi người vẫn nghĩ.

2. 5 tư thế giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

Dưới đây là 5 tư thế ngủ phù hợp với từng loại tình trạng sức khỏe của cơ thể bạn có thể áp dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình:

2.1. Nằm nghiêng

Nằm nghiêng là tư thế ngủ phổ biến nhất đặc biệt là đối với phụ nữ. Khoảng 40% số người trên thế giới nằm ngủ ở tư thế này. Trong hầu hết các trường hợp, nằm nghiêng mang lại một giấc ngủ ngon lành. Tư thế này cho phép cột sống được nghỉ ngơi một cách tự nhiên. Nằm nghiêng cũng giúp cơ thể tránh một số bệnh như bệnh Alzheimer hoặc bệnh parkinson.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy não sẽ thư giãn tốt hơn trong lúc ngủ khi nằm nghiêng qua đó hạn chế các bệnh lý liên quan đến thần kinh như đã đề cập ở trên.

Tư thế ngủ này cũng đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai nhất là tư thế nằm nghiêng sang bên trái. Nằm nghiêng sang trái giúp cải thiện lưu thông máu cũng như chất dinh dưỡng qua nhau thai và ngăn sự chèn ép của tử cung đối với gan và một số cơ quan khác trong ổ bụng.

Tuy nhiên tư thế nằm nghiêng cũng có một số nhược điểm. Cần thả lỏng cơ thể ở mức tối đa khi ngủ trong tư thế này nếu không bạn sẽ khó có thể thở sâu trong khi ngủ. Ngoài ra nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến khớp như đau khớp hoặc cứng khớp, ngủ trong tư thế nằm nghiêng có thể khiến bạn cảm thấy đau nhức khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau.

Mất ngủ
Nằm nghiêng mang lại một giấc ngủ ngon lành

2.2 Nằm nghiêng về bên trái

Cũng là tư thế nằm nghiêng nhưng thay vì nghiêng sang 2 bên tùy ý, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên nằm nghiêng về phía bên trái. Tư thế này không chỉ giúp giảm tình trạng ngủ ngáy mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa và giảm chứng ợ chua.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 10 tình nguyện viên trong suốt 2 ngày. Ngày đầu tiên những người này được cho nằm ngủ trong tư thế nghiêng sang phải sau khi đã ăn một bữa ăn giàu chất béo. Ngày thứ 2 vẫn là bữa ăn đó nhưng những tình nguyện viên được hướng dẫn tư thế nằm ngủ nghiêng sang trái. Kết quả thu được đã chỉ ra rằng nằm ngủ nghiêng sang bên phải làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày, thực quản và chứng ợ chua.

Tuy nhiên, tư thế nằm ngủ nghiêng sang bên trái cũng có một số nhược điểm như gây đau, cứng vai cũng như quai hàm phía bên trái. Thêm vào đó, một số nghiên cứu còn chứng minh rằng nằm ngủ nghiêng sang trái còn góp phần làm tăng sự xuất hiện của các nếp nhăn trên da, đặc biệt là da mặt.

2.3. Nằm sấp

Nếu có một danh sách xếp loại các tư thế ngủ mang lại nhiều lợi ích nhất cho cơ thể, có lẽ nằm sấp sẽ xuất hiện ở một trong những vị trí cuối cùng trong danh sách. Mặc dù đây là tư thế nằm giúp hạn chế tình trạng ngủ ngáy tuy nhiên những lợi ích của nằm sấp thực sự không thể so sánh với các tư thế ngủ khác.

Nằm sấp có thể dẫn đến đau lưng, đau cổ hoặc đau vai, gáy. Tư thế này cũng ảnh hưởng không tốt đến các cơ và hệ xương khớp, khiến bạn cảm thấy đau và mệt mỏi khi ngủ dậy.

Những nhược điểm của tư thế ngủ nằm sấp có thể được hạn chế bằng cách đặt một chiếc gối ở phần bụng dưới để giảm đau lưng. Ngoài ra không nên nằm gối quá cao có thể làm tăng áp lực lên phần cổ dẫn đến đau cổ hoặc tức ngực, khó thở khi ngủ.

Mất ngủ, đau đầu nên khám chuyên khoa nào?
Ngủ sấp khiến bạn cảm thấy đau và mệt mỏi khi tỉnh dậy

2.4. Nằm ngửa

Nằm ngửa là một trong những tư thế mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe. Nằm ngửa không chỉ giúp bảo vệ cột sống mà còn giúp giảm đau hông và đầu gối.

Các chuyên gia cho rằng ngủ trong tư thế nằm ngửa có thể tận dụng trọng lực để giữ cho cơ thể thẳng hàng so với cột sống, giúp giảm áp lực lên lưng hoặc khớp. Ngoài ra tư thế nằm ngủ cũng giúp làn da không bị chảy xệ hoặc xuất hiện các nếp nhăn.

Tư thế nằm ngửa có thể khó khăn đối với những người ngủ ngáy hoặc mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ và đặc biệt là những người mắc chứng đau lưng kinh niên.

Do đó nếu muốn ngủ trong tư thế này bạn cần được hướng dẫn và hỗ trợ nằm đúng cách. Có thể sử dụng một chiếc gối mỏng kê dưới lưng để giữ đường cong tự nhiên của cơ thế cũng như giảm đau lưng, giảm áp lực lên cột sống và hỗ trợ hệ hô hấp đối với những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

2.5. Tư thế “sao biển”

Tương tự như tư thế nằm ngửa nhưng hai chân dang rộng và hai tay giơ lên hai phía trên phần đầu.

Tư thế ngủ này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc trào ngược dạ dày, thực quản nhưng khiến tình trạng ngáy ngủ trở lên nghiêm trọng hơn cũng như làm nặng thêm triệu chứng của ngừng thở khi ngủ.

Giấc ngủ rất quan trọng vì thế hãy cố gắng hình thành những tư thế ngủ hợp lý. Kết hợp với việc thay đổi một số thói quen ảnh hưởng đến giấc ngủ như: Hạn chế sử dụng quá nhiều chất kích thích, tập luyện thể dục thể thao đều đặn hay cố gắng thư giãn trước khi bước vào giấc ngủ mỗi đêm... giúp tăng chất lượng giấc ngủ.

Ngoài ra không nên thay đổi tư thế ngủ nếu không gặp bất kỳ vấn đề gì với nó. Điều quan trọng là đảm bảo bạn sẽ thức dậy với một tinh thần thoải mái và tỉnh táo.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, onhealth.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan