Bệnh Parkinson: Những điều cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khúc Thị Nhẹn - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Parkinson là một bệnh thoái hoá mạn tính một số tổ chức ở não (thể vân, liềm đen) dẫn đến giảm sản xuất Dopamin. Bệnh là nguyên nhân thứ hai gây tàn phế ở người cao tuổi chỉ sau các bệnh mạch não. Parkinson tiến triển nặng dần và phải điều trị suốt đời, gây tốn kém cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán, điều trị sớm và kịp thời có thể làm giảm triệu chứng cũng như sự tiến triển của bệnh.

1. Nguyên nhân của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson được Bác sĩ người Anh tên là Jame Parkinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1817, từ đó bệnh mang tên ông. Bệnh Parkinson được biểu hiện bằng các dấu hiệu run, cứng đờ và giảm động tác.

Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân của bệnh Parkinson, tuy nhiên bệnh có liên quan tới yếu tố di truyền (gia đình) và / hoặc phơi nhiễm với thuốc diệt cỏ dại (MTTP: 1-methyl-4 phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine).

Bệnh Parkinson gặp ở mọi nơi, tần suất mắc bệnh là 1 trường hợp /700 dân, tỷ lệ cân bằng nhau ở cả nam và nữ. Phần lớn bệnh mắc ở lứa tuổi 40 – 70, trung bình bắt đầu ở tuổi 55.

parkinson
Bệnh Parkinson xuất hiện phổ biến ở những người cao tuổi

2. Triệu chứng lâm sàng bệnh Parkinson

2.1. Những triệu chứng ban đầu

Bệnh diễn biến từ từ với các triệu chứng như nhanh mệt mỏi, máy cơ, đau mỏi cơ (đau vai), giảm cảm giác về mùi (giảm khả năng phân biết mùi của thực phẩm), đây là những triệu chứng không đặc trưng của bệnh.

2.2. Triệu chứng chính của bệnh

Các triệu chứng của bệnh Parkinson là: Run, cứng đờ (tăng trương lực cơ), giảm động tác.

Run

Run khi nghỉ ngơi, run nhỏ, khoảng 4 - 8 chu kỳ / một giây. Run mất khi ngủ và vận động chủ ý nhưng tăng khi xúc động, mệt mỏi và khi cố gắng tập trung trí óc; run thường bắt đầu ở một bên và chủ yếu ở đầu ngón tay (cử động giống như đếm tiền hoặc vê thuốc lào), bệnh cũng có thể run ở chân.

Tăng trương lực cơ (cứng đờ)

Lúc đầu cứng ở một bên của cơ thể, sau lan sang bên đối diện và cuối cùng là toàn thân dẫn đến các động tác bị ngừng lại hoặc ngập ngừng khi khởi động.

Giảm động tác

Người bệnh ít chớp mắt; giảm điệu bộ với nét mặt không diễn cảm; giảm vung tay khi đi; khó khăn thực hiện được các động tác xen kẽ nhanh như sấp ngửa bàn tay...

Những rối loạn vận động biểu hiện: khi đi, bước từng bước nhỏ với dậm chân lúc khởi động; chữ viết nhỏ; nói khó đơn điệu...

parkinson
Run chân tay là một trong những dấu hiệu của bệnh Parkinson

2.3. Các triệu chứng khác

Hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, táo bón, đau mỏi các khớp, đau lưng, bất lực ở nam giới, hạ huyết áp tư thế, rối loạn cơ tròn bàng quang, trầm cảm (buồn bã, chán nản)... đến giai đoạn cuối bệnh nhân có thể có khó thở và khó nuốt, thể trạng suy kiệt.

3. Chẩn đoán bệnh Parkinson

3.1. Chẩn đoán bệnh Parkinson

Chẩn đoán bệnh Parkinson chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng (run, cứng đờ và giảm động tác đầu tiên xuất hiện ở một bên cơ thể tiếp theo sang bên đối diện). Vai trò của chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính sọ não giúp loại trừ các nguyên nhân khác như tai biến mạch não, u não...

Chẩn đoán giai đoạn Parkinson: có 5 giai đoạn. Cụ thể:

  • Giai đoạn I: Triệu chứng lâm sàng ở một bên cơ thể, chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Giai đoạn II: Triệu chứng lâm sàng ở một bên cơ thể nhưng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Giai đoạn III: Triệu chứng lâm sàng ở hai bên cơ thể, thay đổi tư thế dáng đi, không tàn tật nghiêm trọng, tự chủ hoàn toàn.
  • Giai đoạn IV: Tàn tật nặng hơn, vẫn có thể đi lại, tự chủ hạn chế.
  • Giai đoạn V: Không đi lại được (phải ngồi xe lăn hoặc nằm trên giường), mất tự chủ.
Cộng hưởng từ
Cộng hưởng từ giúp chẩn đoán bệnh Parkinson

3.2. Chẩn đoán phân biệt với hội chứng Parkinson

Có triệu chứng run nhưng không phải bệnh Parkinson mà do các nguyên nhân khác, triệu chứng bệnh xuất hiện ở cả hai bên cơ thể. Hội chứng Parkinson gặp trong các trường hợp sau: tiền sử gia đình, tai biến mạch não tái phát, chấn thương sọ não nhiều lần, viêm não, điều trị thuốc an thần kinh (Aminazin; Haloperidol...)

Bệnh Parkinson đáp ứng tốt với thuốc Levodopar (L-dopar), ngược lại hội chứng parkinson chỉ có khoảng 20 % đáp ứng với thuốc L-dopar.

4. Điều trị bệnh Parkinson

Mục đích điều trị bệnh Parkinson là làm giảm các triệu chứng của bệnh như run, cứng đờ, giảm động tác. Nâng cao thể trạng. Theo đó, bệnh cần được điều trị kéo dài suốt đời, gồm liệu pháp dùng thuốc và tập phục hồi chức năng. Tùy từng trường hợp, có thể phối hợp với phẫu thuật hoặc ghép tế bào gốc...

4.1. Liệu pháp dùng thuốc

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh Parkinson nhưng tùy theo triệu chứng lâm sàng, tùy theo tuổi và giai đoạn bệnh mà có sự phối hợp thuốc khác nhau. Các thuốc điều trị Parkinson như sau:

Thuốc L-dopa (Modopar, Madopar):

Đây là loại thuốc tác dụng tốt nhất với những triệu chứng của bệnh Parkinson, đặc biệt với các triệu chứng tăng trương lực và giảm động tác nhưng ít tác dụng với triệu chứng run.

Tác dụng của thuốc được ghi nhận tốt nhất trong những năm đầu điều trị “giai đoạn tuần trăng mật”, giai đoạn này kéo dài 3 – 4 năm. Sau đó thuốc sẽ chậm tác dụng và hiệu quả tác dụng ngắn (hiện tượng ON/OFF)

Tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ): buồn nôn, nôn, đau dạ dày, hạ huyết áp tư thế đứng, loạn nhịp tim, lú lẫn, ảo giác (nhìn hoặc nghe, ngửi thấy bất thường...), loạn động (những động tác bất thường nhưng xuất hiện muộn).

Theo đó, người bệnh nên tránh dùng L- dopar với Vitamin B6 liều cao vì gây giảm tác dụng của thuốc.

thuốc
Bệnh nhân Parkinson được chỉ định dùng thuốc nhằm điều trị bệnh

Thuốc giảm run (Anticholinergiques): Trihexyphenidil (Artan)

Thuốc có tác dụng với triệu chứng run và tăng trương lực, không có tác dụng đối với giảm động tác. Những tác dụng không mong muốn mà người bệnh có thể gặp phải: lú lẫn, ảo giác (nhất là ở người lớn tuổi), khô miệng, táo bón, bí tiểu. Tránh sử dụng đối với người trên 70 tuổi, u xơ tuyến tiền liệt, Glocom.

Thuốc chủ vận Dopamin

Pramipexole và Ropinirole, thuốc có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với thuốc L-dopar để tránh tăng liều thuốc L-dopar (vì L-dopar ở liều cao có thể gây loạn động).

Thuốc ức chế COMT (Tolcapone, Entacapone)

Kéo dài thời gian sử dụng L-Dopar bằng cách ngăn chặn quá trình chuyển hóa của dopamine. Chỉ được sử dụng ở những người đã điều trị bằng L-dopar nhưng kém hiệu quả (hiện tượng ON/OFF) hoặc khi đáp ứng với điều trị không đầy đủ.

Chất ức chế MAO (Rasagiline, Selegiline)

Đây là một tác nhân đơn lẻ hoặc một thuốc bổ sung cho L-dopar, ngăn chặn sự thoái giáng của Dopamine để kéo dài tác dụng của thuốc L-dopar.

Amantadine

Thuốc điều trị cúm A, tuy nhiên được chỉ định trong bệnh Parkinson phối hợp với Levodopar khi xuất hiện tác dụng phụ (loạn động) hoặc kém tác dụng. Thuốc được dùng với liều tăng dần và không được dừng thuốc đột ngột.

4.2. Liệu pháp không dùng thuốc

Bên cạnh việc dùng thuốc, hồi phục chức năng có một vai trò quan trọng giúp cho người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, gồm tập phục hồi chức năng vận động, ngôn ngữ, tập thể dục, đi bộ...

Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson

4.3. Điều trị phẫu thuật

Ngày nay với sự phát triển của Y học, ở Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, đã áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật (đặt điện cực kích thích não sâu) ở những trường hợp không đáp ứng với thuốc điều trị giúp cho bệnh nhân Parkinson cải thiện chất lượng cuộc sống.

4.4. Ghép tế bào gốc

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong tương lai các nhà khoa học trên thế giới có thể tiến hành ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Parkinson.

5. Chăm sóc bệnh nhân Parkinson

Bệnh tiến triển từ từ nặng dần, đến giai đoạn cuối người bệnh xuất hiện khó nuốt, ăn kém dẫn đến suy kiệt. Vì thế, chế độ ăn uống, tập luyện và vệ sinh thân thể cần được chú trọng. Cụ thể:

  • Chế độ ăn: Bệnh nhân cần được ăn đủ chất, thức ăn dễ tiêu, nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước tránh táo bón.
  • Chế độ vệ sinh: vệ sinh thân thể, răng miệng...
  • Chế độ tập luyện: tập luyện và vận động hàng ngày. Các hoạt động thường xuyên sẽ làm hệ cơ mạnh và dẻo dai hơn. Đi bộ là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất, và cùng với việc dùng thuốc, nó giúp cho sự linh hoạt của cơ thể người bệnh tăng lên.

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo một số động tác tập luyện đơn giản (trích từ tài liệu Tham khảo dành cho cán bộ y tế năm 2010) như sau:

  • Đi bộ và xoay người: đi theo đường thẳng, bước từng bước dài và dạng tách hai chân để giữ thăng bằng tốt hơn, đong đưa hai tay đều đặn, khi cần xoay lại hãy đi thành đường cung tròn.
  • Tập “đi” khi đang ngồi: ngồi trên ghế có lưng tựa, lần lượt nhấc đầu gối phải và trái lên cao như khi đang đi bộ. Lặp lại động tác này 10 lần.
  • Ngồi lên khỏi giường khi đang nằm: xoay người nằm nghiêng và co hai đầu gối lại. Trước tiên, đặt hai chân ra khỏi giường sau đó dùng hai tay để chống trên mặt giường để ngồi dậy.
  • Kéo vai: ngồi hoặc đứng với lưng thẳng đứng, hai tay để phía trước, hai bàn tay và hai khuỷu tay áp sát nhau. Đưa hai tay ra hai bên càng xa càng tốt sao cho hai bả vai sau lưng co lại gần nhau. Đưa tay về vị trí cũ ở trước mặt. Lặp lại động tác này 10 lần.
Dinh dưỡng cho người bị Thalassemia
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học, dinh dưỡng

  • Đứng lên và ngồi xuống: chọn những loại ghế tựa có tay vịn và chỗ ngồi chắc chắn. Khi muốn đứng lên, phải nghiêng người về phía trước và dùng hai tay vịn vào bờ ghế để đẩy lên. Khi muốn ngồi xuống, quay lưng về phía ghế và nghiêng người về phía trước rồi từ từ ngồi xuống, dùng hai tay vịn trên tay nắm của ghế.
  • Động tác vặn người: ngồi trên ghế hai tay để trên vai và xoay phần trên của cơ thể từ phải qua trái và ngược lại. Làm càng nhanh càng tốt. Lặp lại động tác này 10 lần.

Parkinson ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên nếu được chăm sóc, điều trị và thay đổi chế độ sinh hoạt, luyện tập thì người bệnh vẫn có cuộc sống bình thường. Thuốc điều trị có thể giúp người bệnh đối phó với các rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng.

Chăm sóc một người mắc bệnh Parkinson có thể là một thách thức. Khi kỹ năng vận động suy giảm, các nhiệm vụ đơn giản có thể trở nên khó khăn hơn, nhưng bệnh nhân Parkinson có thể đấu tranh để duy trì sự độc lập. Cả thuốc và bệnh đều có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng. Chính vì vậy, những người mắc bệnh Parkinson rất cần sự thấu hiểu và đồng cảm để họ có thể vươn lên, chiến đấu với bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1. Lê Quang Cường (2002), Bệnh và Hội chứng Parkinson, Nhà xuất bản Y học.

2. Tài liệu Tham khảo dành cho cán bộ y tế năm 2010.

3. First aid (Tr: 287-288)

4. Handbook of Parkinson's Disease (Rajesh Pahwa, Kelly E. Lyons CRC Press, 23 thg 3, 2007 - 520

5. C.Hausser –Hauw, B. Jarraya, F. Bourdin. Vivre avec la maladie de Parkinson. Albin Michel, 2016.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan