Bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?

Bệnh vẩy nến là một tình trạng viêm mãn tính gây ra các triệu chứng về da như các mảng đỏ có vảy. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh vẩy nến, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Bệnh vẩy nến ở trẻ em

Bệnh vẩy nến xảy ra khi hệ thống miễn dịch trở nên hoạt động quá mức. Các bộ phận của nó nhắm vào các tế bào da khỏe mạnh gây viêm và gây ra sự phát triển nhanh chóng của các tế bào da. Tình trạng này làm tăng tốc độ tái tạo tế bào da, khiến chúng tích tụ quá nhanh trên bề mặt da. Kết quả là các tế bào da thừa tạo ra các mảng khô, đỏ, ngứa và đôi khi đau đớn. Có tới 40% người mắc bệnh vẩy nến có các triệu chứng trước khi 16 tuổi và 10% mắc bệnh trước khi 10 tuổi.

Trẻ em có thể bị bệnh vẩy nến nhẹ, trung bình hoặc nặng. Đây là một tình trạng bệnh suốt đời không có cách chữa, nhưng các triệu chứng có thể được điều trị bằng thuốc. Hầu hết các trường hợp nhi khoa của bệnh vẩy nến là nhẹ và trở nên tốt hơn khi được điều trị.

Bệnh vẩy nến không truyền nhiễm. Thông thường, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn gây ra bệnh vẩy nến ở trẻ em. Có những trẻ có một số gen nhất định từ cha mẹ khiến chúng có nguy cơ bị vẩy nến. Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến ở trẻ bao gồm:

  • Bị béo phì
  • Tác dụng phụ từ một số loại thuốc, như lithium, thuốc chẹn beta hoặc thuốc sốt rét
  • Thời tiết lạnh
  • Vết cắt, vết trầy xước, cháy nắng hoặc nổi mẩn trên da
  • Mức độ căng thẳng cao
Bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh
Bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh gây nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Các loại bệnh vẩy nến ở trẻ em

Có năm loại bệnh vẩy nến, nhưng một số loại phổ biến hơn ở trẻ em so với những loại khác. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Trẻ có nhiều khả năng bị bệnh vẩy nến trên mặt hoặc xung quanh khớp. Hai loại vẩy nến mà trẻ em dễ mắc phải nhất là:

  • Bệnh vẩy nến thể mảng. Hầu hết trẻ bị bệnh vẩy nến bị loại này. Nó gây ra các mảng đỏ, khô, có vảy bạc gọi là mảng bám. Các mảng hoặc vảy thường xuất hiện trên đầu gối, khuỷu tay, lưng dưới và da đầu. Chúng gây ngứa, đỏ và đôi khi đau. Nó cũng có thể bị chảy máu. Các mảng vảy nến mảng bám nhỏ hơn, mỏng hơn và ít vảy hơn ở trẻ em so với ở người lớn.
  • Bệnh vẩy nến Guttate. Loại này gây ra các chấm nhỏ màu đỏ hình thành trên thân, lưng, cánh tay và chân. Nó có thể được kích hoạt bởi nhiễm trùng. Nhiều trẻ mắc loại vẩy nến này cũng phát triển bệnh vẩy nến mảng bám.

Trẻ em dưới 2 tuổi có thể bị hăm tã trên vùng da được che bởi tã. Nó có thể xuất hiện như bệnh vẩy nến mảng bám, hoặc nó có thể gây ra phát ban đỏ. Hăm tã do vẩy nến khác với hăm tã thông thường. Hăm tã do vẩy nến không có tác dụng khi áp dụng các phương pháp điều trị hăm tã thông thường.

Hăm tã ở trẻ em: Nguyên nhân, hướng dẫn xử trí
Trẻ có thể bị hăm tã do bệnh vẩy nến

3. Chẩn đoán và điều trị vảy nến ở trẻ em

Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh vẩy nến ở trẻ sơ sinh bằng cách xem xét kỹ da, móng tay hoặc da đầu của trẻ. Để chắc chắn, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu da nhỏ để xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể đặt các câu hỏi về lịch sử và thói quen của gia trẻ để đánh giá nguy cơ mắc bệnh của trẻ.

Nếu trẻ được xác định là bị vẩy nến, bác sĩ có thể sẽ khuyên dùng thuốc kháng histamin (một loại thuốc dùng để điều trị dị ứng) để giảm ngứa và giữ ẩm cho da. Axit salicylic cũng có thể là một lựa chọn điều trị cho các mảng dày, nhưng không nên sử dụng loại này cho trẻ dưới 6 tuổi. Ngoài ra, có các lựa chọn điều trị khác có thể bao gồm:

Điều trị tại chỗ: Hầu hết trẻ bị bệnh vẩy nến ở dạng nhẹ và có thể điều trị bằng kem hoặc thuốc mỡ bôi trên da. Chúng bao gồm các:

  • Corticosteroid.
  • Nhựa than.
  • Anthralin.
  • Calcipotriene (một dạng vitamin D).

Liệu pháp ánh sáng: Bác sĩ có thể lựa chọn giải pháp này nếu các mảng bám xuất hiện trên hầu hết cơ thể của trẻ. Liệu pháp ánh sáng bao gồm ánh sáng nhân tạo (tia UV) và liệu pháp laser. Nhưng những phương pháp điều trị này thường được lựa chọn sau khi thử phương pháp điều trị tại chỗ.

Thuốc uống: Bác sĩ có thể sẽ cho trẻ dùng thuốc bằng đường uống hoặc tiêm nếu bệnh vẩy nến nặng. Nhiều thuốc sử dụng cho người lớn không an toàn ở trẻ em và có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Xét nghiệm da tuberculin - lao
Lấy một mẫu da nhỏ để xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh

4. Bệnh vẩy nến và cảm xúc của trẻ

Vẩy nến có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của trẻ và cách bé nhìn nhận bản thân. Để hỗ trợ trẻ và giúp trẻ cảm thấy tốt hơn, bạn hãy:

Đừng tập trung quá nhiều vào căn bệnh này để con bạn không cảm thấy xấu hoặc khác biệt khi bị bệnh vẩy nến.

Tạo cơ hội cho trẻ quyền có tiếng nói trong điều trị, ví dụ như cho trẻ lựa chọn dùng kem thay vì thuốc mỡ hoặc cho trẻ lựa chọn thời gian trị liệu bằng ánh sáng.

Cung cấp cho con trẻ các hỗ trợ và hiểu biết cần thiết.

Giáo dục con bạn về tình trạng bệnh này ngay từ nhỏ. Khuyến khích trẻ nói chuyện với bạn bè về nó để có thể giảm hay loại bỏ sự kỳ thị.

Bệnh vẩy nến xảy ra hoàn toàn không thể đoán trước và nó có thể bùng phát lên bất cứ lúc nào. Bệnh có thể bùng phát trong một giai đoạn và lắng xuống ở giai đoạn khác. Nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết ổn thỏa và hãy luôn có thái độ tích cực.

Cân nhắc các phương pháp trị liệu, nó có thể là một trợ giúp lớn cho trẻ bị bệnh vẩy nến. Các nhà trị liệu có thể cung cấp cho trẻ những phương án lâu dài để đối phó với bệnh và các vấn đề trong cuộc sống.

Trẻ em bị bệnh vẩy nến có nguy cơ thiếu tự tin và trầm cảm. Hãy lên lịch một cuộc hẹn với nhà trị liệu, chẳng hạn như một nhà tâm lý học trẻ em hoặc nhân viên xã hội, nếu bạn thấy trẻ luôn ở trong trạng thái cáu kỉnh và tức giận, dành ít thời gian hơn với bạn bè, có những thay đổi trong thói quen ngủ hoặc ăn uống và có vấn đề ở trường.

5. Làm gì khi trẻ bị vẩy nến

Bệnh vẩy nến là một tình trạng da mãn tính có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Bệnh vẩy nến ở trẻ sơ sinh là rất hiếm. Chẩn đoán bởi bác sĩ da liễu nhi khoa là cần thiết. Bệnh vẩy nến ở trẻ sơ sinh thường chỉ có các triệu chứng nhẹ, và điều trị có thể không ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình rối loạn. Vì vậy, phương pháp điều trị tốt nhất có thể là phương pháp có ít rủi ro tác dụng phụ nhất.

Phương pháp điều trị vảy nến trẻ sơ sinh có thể bao gồm:

  • Tránh nóng và lạnh nếu những thứ này dường như làm nặng thêm phát ban.
  • Giữ cho các khu vực bị ảnh hưởng sạch sẽ và khô ráo
  • Liệu pháp ánh sáng
  • Sử dụng kem, chẳng hạn như corticosteroid tại chỗ và các dẫn xuất vitamin D tại chỗ
  • Thuốc uống (không thường dùng cho trẻ sơ sinh)
  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên
  • Dùng kem dưỡng ẩm đặc biệt được thiết kế cho bệnh nhân vẩy nến
Nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh lúc mấy giờ?
Tắm nắng cho trẻ giúp điều trị bệnh

Bệnh vẩy nến là một tình trạng không thể đoán trước. Nó thường kéo dài suốt đời, nhưng nếu các triệu chứng da của bệnh vẩy nến được giải quyết, nó có thể không trở lại.

Một số người có các triệu chứng được cải thiện hoàn toàn, trong khi những người khác sống với phát ban và tổn thương kéo dài. Điều quan trọng là tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi trẻ có dấu hiệu của bệnh vẩy nến. Chẩn đoán bệnh cũng phải hết sức cẩn thận vì các triệu chứng da thường là kết quả của một tình trạng da khác.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ tốt nhất.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, medicalnewstoday.com, healthline.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan