Bị sốt mấy ngày thì xét nghiệm sốt xuất huyết?

Theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường có xu hướng gia tăng vào mùa mưa và đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10 – 11. Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá mờ nhạt, thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý phổ biến khác. Vậy sốt mấy ngày thì xét nghiệm sốt xuất huyết?

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý sốt xuất huyết

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có các dấu hiệu sau đây:

  • Sốt cao 39 – 41 độ C, sốt đột ngột và liên tục kéo dài từ 2 – 7 ngày;
  • Xuất huyết: Chấm xuất huyết xuất hiện ở da, có thể có tình trạng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi ngoài ra máu hoặc phân đen, bầm tím tại chỗ tiêm (nếu có);
  • Đau bụng (do gan sưng to);
  • Trụy mạch: Ngày thứ 3 – 6, bệnh nhân thường hết sốt, tuy nhiên vẫn li bì hoặc bứt rứt, lạnh chân tay, tím môi, tiểu tiện ít, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu bệnh nhân sốt xuất huyết không được cấp cứu kịp thời.

Nếu trẻ em có triệu chứng sốt cao liên tục trên 2 ngày cần phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám kịp thời.

Xem ngay: Các chỉ số xét nghiệm máu sốt xuất huyết

2. Sốt mấy ngày thì xét nghiệm sốt xuất huyết?

Triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết chính là sốt và xuất huyết dưới da dạng phát ban Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết diễn ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 (tính từ thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh). Vậy sốt mấy ngày thì xét nghiệm sốt xuất huyết?

Bệnh nhân có thể thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết (test sốt xuất huyết) từ ngày thứ 3 tính từ khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên, tức là sốt được 3 ngày. Tuy nhiên, trong mùa dịch sốt xuất huyết bùng phát, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao đột ngột nên thực hiện xét nghiệm sớm hơn: vào khoảng 24h - 48h sau khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên. Cần chú ý nếu thực hiện xét nghiệm quá sớm có thể xuất hiện tình trạng âm tính giả (tức là mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính).

3. Xét nghiệm sốt xuất huyết bao gồm những loại nào?

Người bệnh nghi ngờ nhiễm sốt xuất huyết cần thực hiện các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Xét nghiệm này được sử dụng để theo dõi số lượng tế bào máu thay đổi hàng ngày của bệnh nhân và các xét nghiệm chẩn đoán virus bao gồm xét nghiệm về kháng nguyên và kháng thể sốt xuất huyết.

3.1. Tổng phân tích tế bào máu

Kết quả tổng phân tích tế bào máu của một bệnh nhân sốt xuất huyết thường có tình trạng giảm tiểu cầu. Điều này được giải thích là do trong quá trình nhiễm virus, cơ thể bệnh nhân sẽ sinh ra các kháng thể chống lại virus, vô tình kháng thể này lại phá hủy tiểu cầu chính chủ thông qua cơ chế miễn dịch. Song song đó, virus sốt xuất huyết có thể gây ức chế tủy, từ đó gây ra hiện tượng giảm tiểu cầu tạm thời. Khi tiểu cầu trong máu giảm sẽ dẫn tới tình trạng xuất huyết như: Xuất huyết dưới da ở dạng phát ban, xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu răng miệng, chảy máu tại vị trí nơi tiêm truyền...). Nghiêm trọng hơn là tình trạng chảy máu bên trong cơ thể với các dấu hiệu nhận biết như: đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen, rong kinh kéo dài...

Người bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy cơ xuất huyết cần được nghỉ ngơi tại giường, tránh đi lại nhiều, hạn chế thực hiện các can thiệp thủ thuật (tránh động vào các tĩnh mạch lớn hoặc tĩnh mạch khó cầm máu như tĩnh mạch cổ, bẹn, dưới đòn).

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam năm 2019, người bệnh sốt xuất huyết cần được truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu thấp dưới ngưỡng 50 g/L và kèm theo các triệu chứng xuất huyết. Đối với người bệnh không có triệu chứng xuất huyết nhưng có lượng tiểu cầu dưới 5 g/L thì mới cần thực hiện truyền tiểu cầu.

3.2. Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1

Phương pháp được thực hiện vào khoảng thời gian nghi ngờ nhiễm sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu. Tuy nhiên, có một đặc điểm cần lưu ý là nồng độ kháng nguyên Dengue NS1 trong máu của người bệnh thường có xu hướng sẽ giảm sau 3 ngày đầu, vì vậy nếu xét nghiệm tìm kháng nguyên sau thời điểm này thì sẽ cho kết quả âm tính giả - cơ thể có nhiễm virus nhưng kết quả cho ra là âm tính, không bị bệnh.

3.3. Xét nghiệm kháng thể IgG

Nếu cần kiểm tra tiền sử mắc sốt xuất huyết của người bệnh, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm tìm kháng thể IgG. Đây là xét nghiệm không được sử dụng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết giai đoạn cấp tính so kháng thể IgG sẽ bắt đầu hiện diện trong cơ thể bệnh nhân sau 7 ngày mắc bệnh. Chúng sẽ tồn tại và bảo vệ cơ thể khỏi chủng virus sốt xuất huyết đã nhiễm cho đến hết đời.

3.4. Xét nghiệm kháng thể IgM

Xét nghiệm kháng thể loại này được áp dụng cho những bệnh nhân đã có triệu chứng sốt khoảng 3 - 5 ngày từ khi nhiễm virus sốt xuất huyết. Sau khi đã bước sang giai đoạn cấp tính, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể IgM. Kháng thể này có chức năng chống lại virus gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, khả năng tạo ra kháng thể IgM của người bệnh chính là yếu tố chính quyết định kết quả của xét nghiệm.

3.5. Các xét nghiệm khác hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết

  • Xét nghiệm CRP: đây là xét nghiệm được thực hiện để đánh giá nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn khi mắc sốt xuất huyết;
  • Xét nghiệm Albumin: gan chính là cơ quan có nhiệm vụ sản xuất Albumin - protein giữ vai trò duy trì tính thẩm thấu keo trong máu, đồng thời gan cũng sản xuất ra các loại axit amin tham gia vào quá trình tổng hợp protein của các tế bào. Xét nghiệm Albumin được thực hiện khi phát hiện ra các dấu hiệu nhiễm virus Dengue để kiểm tra tình trạng huyết tương tràn khỏi mạch máu, từ đó giúp bác sĩ đưa ra phương án xử trí phù hợp;
  • Điện giải đồ: Phương pháp cận lâm sàng này có tác dụng xác định hàm lượng ion K+, Na+, Cl- trong cơ thể bệnh nhân, giúp kiểm tra tình trạng rối loạn điện giải có xảy ra hay không;
  • Xét nghiệm chức năng thận (xét nghiệm chỉ số Ure, Cystatin C, Creatinine, Microalbumin niệu): đánh giá nguy cơ biến chứng hoặc tổn thương thận do bệnh lý sốt xuất huyết gây nên;
  • Xét nghiệm chức năng gan (đo men gan GGT, ALT, AST): đánh giá nguy cơ biến chứng hoặc tổn thương gan do bệnh lý sốt xuất huyết.

Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán sốt xuất huyết cần được thực hiện tại phòng xét nghiệm của các phòng khám hoặc bệnh viện, do mẫu bệnh phẩm là mẫu máu. Tuy nhiên hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà của các bệnh viện hoặc phòng khám ra đời ngày càng nhiều, mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh, thời gian trả kết quả cũng tương tự như xét nghiệm trực tiếp tại viện.

Có thể thấy sốt xuất huyết đang vào mùa với số lượng ca bệnh tăng nhanh trong cộng đồng. Việc theo dõi các biểu hiện bệnh và kịp thời thực hiện các test sốt xuất huyết sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm và có hướng điều trị thích hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: