Biến chứng viêm thực quản bạch cầu ái toan

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Mai Viễn Phương, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh viêm thực quản bạch cầu ái toan là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như: hẹp xơ thực quản, nghẹn thức ăn, thủng thực quản.

Thực quản là một ống cơ (muscular tube) để giúp cơ thể đẩy và nuốt thức ăn từ miệng vào trong dạ dày. Viêm thực quản có một số nguyên nhân: nguyên nhân hay gặp nhất là trào ngược acide (acide reflux) dẫn đến cảm giác nóng tại vùng họng, mặc dù trào ngược acide có thể gây ra loét trên lớp trong của thực quản. Các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn là do virus (herpes simplex), nấm (candida), thuốc (tetracycline), chạy tia xạ (điều trị ung thư phổi). Viêm thực quản do bạch cầu ái toan (VTQDBCAT) là một tình trạng viêm trong đó thành của thực quản bị thâm nhiễm một lượng lớn bạch cầu eosin. Dấu chứng xác nhận của viêm thực quản tăng eosin là sự có mặt một lượng lớn bạch cầu eosin trong mô bên dưới lớp niêm mạc của thực quản.

Thực quản
Hình 1: Thực quản là một ống cơ, nối từ miệng đến dạ dày

Ở trẻ em, triệu chứng hay gặp giống như các biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm nôn, đau bụng, không muốn ăn, tăng cân chậm... trong khi đó ở người lớn ba triệu chứng chính là nuốt khó, nuốt nghẹn với thức ăn và đau ngực. Triệu chứng nuốt khó có thể gặp ở 70 - 80% bệnh nhân trong khi nuốt nghẹn với thức ăn gặp ở 33 - 54% bệnh nhân. Tiếp theo là các triệu chứng như nóng rát, trào ngược, nặng ngực và đau ngực khi vận động.

Bệnh lý này có thể gây nên một số biến chứng sau:

1. Hẹp/vòng xơ thực quản

Ở người lớn, tổn thương hẹp thực quản không thường gặp tuy nhiên có thể tiến triển nặng ở các mức độ khác nhau với hai hình thái chính là hẹp khu trú tại một vị trí hoặc hẹp trên một đoạn dài. Theo một số báo cáo hàng loạt ca bệnh, tỉ lệ gặp tổn thương hẹp khu trú < 10%. Những bệnh nhân có biến chứng này thường tiến triển từ từ và bệnh nhân thích nghi bằng cách thay đổi chế độ ăn đặc sang các loại thức ăn lỏng dần và ăn thật chậm. Việc điều trị các thuốc chống viêm như steroid tại chỗ có thể giúp giảm hình thành xơ hóa ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc thực quản. Steroid đường toàn thân có thể tác động được đến quá trình xơ hóa ở lớp cơ thực quản nhưng chỉ dùng được trong thời gian ngắn vì những tác dụng không mong muốn khi sử dụng kéo dài.

2. Nghẹn thức ăn

Đôi khi đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh và có thể ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh nhân thường thấy nghẹn sau khi nuốt thức ăn và tìm cách để thức ăn trôi xuống bằng cách uống thêm nước, đứng lên ngồi xuống hoặc làm một số động tác gắng sức. Trong giai đoạn đầu, khi sử dụng các phương pháp này bệnh nhân có thể hết nghẹn tuy nhiên có một vài trường hợp bệnh nhân phải đến nhập viện khi thức ăn không xuống được.

Một nghiên cứu đã chỉ ra 54% các bệnh nhân nghẹn thức ăn phải nhập viện được chẩn đoán là VTQDBCAT. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán nhưng không được điều trị và theo dõi thường xuyên. Cơ chế của tình trạng nghẹn hiện vẫn chưa được giải thích đầy đủ tuy nhiên có thể do sự hẹp khu trú hoặc lan tỏa của thực quản hoặc do sự co bóp thoáng qua của lớp cơ thực quản. Giả thuyết thứ hai này được đặt ra do trong một số trường hợp, sau khi lấy thức ăn ra khỏi thực quản, không tìm thấy vị trí hay tổn thương gây hẹp thật sự.

2
Hình 2: Viêm thực quản bạch cầu ái toan không điều trị, gây các vòng xơ ở đoạn dưới thực quản

3. Thủng thực quản

Thủng thực quản là biến chứng rất hiếm nhưng có thể gặp do tình trạng thành thực quản mỏng và dễ tổn thương và ở nhiều mức độ khác nhau từ vết rách nhỏ, thủng do bị tách các lớp ở thành thực quản cho đến thật sự thủng vào trung thất. Thủng thực quản vào trung thất là một biến chứng rất nặng nề trên cơ địa bệnh nhân có bệnh lý này. Nếu chẩn đoán và điều trị chậm trễ, tỉ lệ tử vòng sẽ rất cao.
Cần đặc biệt lưu ý đến biến chứng này khi bệnh nhân có nuốt nghẹn thức ăn hoặc thứ phát sau khi uống thuốc. Một nghiên cứu đã ghi nhận những trường hợp VTQDBCAT bị thủng thực quản do thuốc trong đó hay gặp là paracetamol.

4
Hình 4: Khối thức ăn bị nghẽn ở thực quản lâu ngày, gây thủng và chảy máu ở thực quản

4. Biến chứng liên quan đến điều trị

Trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân VTQDBCAT cần chú ý đến các biến chứng liên quan đến sử dụng thuốc hoặc thủ thuật. Đối với bệnh nhân dùng lâu dài steroid tại chỗ, đã có những báo cáo ghi nhận tình trạng nhiễm Candida, Herpes. Bệnh nhân có chỉ định nội soi hoặc nong bóng qua nội soi, cần chú ý đến nguy cơ xuất hiện các trợt loét, tách các lớp thành thực quản hoặc thủng thực quản.

5. Suy dinh dưỡng

Giảm thức ăn đưa vào cơ thể lâu ngày, sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng thể teo đét, người bệnh sẽ bị suy kiệt, thiếu máu, dễ nhiễm trùng, khó lành vết thương

5
Hình 5: Nấm thực quản trên bệnh nhân bị viêm thực quản bạch cầu ái toan, do bệnh nhân sử dung steroid để điều trị kéo dài

Thức ăn và dịch bị ứ đọng ở thực quản lâu ngày, có thể trào ngược vào thanh khí quản gây viêm thanh quản, viêm phổi hít, nhất là ở các bệnh nhân nhỏ hoặc lớn tuổi.

Kết luận:

Bệnh nhân có các triệu chứng nuốt khó, nuốt nghẹn, khó chịu sau xương ức, nên được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng trên. Việc tư vấn cho bệnh nhân về bệnh học và tuân thủ điều trị cũng góp phần đáng kể trong việc điều trị bệnh

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý tiêu hoá, nhất là các bệnh lý ở thực quản...Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, chẩn đoán các bệnh lý này được thực hiện thông qua nội soi dạ dày với máy nội soi Olympus CV 190, có chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương mạch máu, viêm teo dạ dày, thực quản, các tổn thương niêm mạc thực quản, dạ dày giai đoạn sớm. Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi dạ dày, thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  1. Schoepfer AM, Gonsalves N, Bussmann C, et al. Esophageal dilation in eosinophilic esophagitis: effectiveness, safety, and impact on the underlying inflammation. American Journal of Gastroenterology. 2010;105(5):1062–1070. [PubMed]
  2. Jung KW, Gundersen N, Kopacova J, et al. Occurrence of and risk factors for complications after endoscopic dilation in eosinophilic esophagitis. Gastrointestinal endoscopy. 2011;73(1):15–21. [PubMed] [Google Scholar]
  3. Ally M, Dias J, Veerappan G, et al. Safety of dilation in adults with eosinophilic esophagitis. Diseases of the Esophagus. 2013;26(3):241–245. [PubMed]
  4. Dellon ES, Gibbs WB, Rubinas TC, et al. Esophageal dilation in eosinophilic esophagitis: safety and predictors of clinical response and complications. Gastrointestinal endoscopy. 2010;71(4):706–712. [PubMed]
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

575 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan