Các biến chứng của viêm tai giữa mủ mãn tính

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Vĩnh Toàn - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng, Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Viêm tai giữa mủ mãn tính được xem là tình trạng viêm tai giữa kéo dài hơn 6 tuần, có mủ chảy ra từ tai giữa. Viêm tai giữa mãn khởi nguồn từ viêm niêm mạc tai giữa kéo dài dẫn tới sự phù nề và viêm loét niêm mạc, phá hủy lớp biểu mô, cuối cùng tạo các mô hạt và polyp trong tai giữa hậu quả có thể phá hủy cấu trúc xương và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

1. Các biến chứng của viêm tai giữa

1.1 Ảnh hưởng đến sức nghe

Nghe kém nhẹ thường hồi phục khi nhiễm trùng qua đi, tuy nhiên nhiễm trùng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến nghe kém nặng nếu tổn thương nghiêm trọng cấu trúc màng nhĩ, chuỗi xương con.

1.2 Chậm phát triển ngôn ngữ

Nghe kém sẽ ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ dẫn đến làm giảm các kỹ năng giao tiếp xã hội và học tập.

1.3 Sự lan tràn của nhiễm trùng

Viêm nhiễm điều trị không dứt điểm sẽ dẫn đến sự lan tràn của nhiễm trùng sang các mô xung quanh và các cấu trúc rất quan trọng kế cận gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

1.3.1 Nhiễm trùng của vùng xương thái dương như: viêm xương chũm, viêm xương đá, liệt mặt, viêm mê nhĩ

1.3.2 Các biến chứng của nội sọ

+ Các biến chứng ngoài màng cứng: Áp xe ngoài màng cứng, viêm màng não, viêm tĩnh mạch bên

+ Các biến chứng trong màng cứng: Áp xe dưới màng cứng, áp xe não, não úng thủy do tai

Chọc dịch tủy sống chẩn đoán viêm màng não
Biến chứng của viêm tai giữa gây viêm màng não

2. Vì sao viêm tai giữa mãn tính khó chữa dứt điểm và hay tái phát

  • Các vi khuẩn thường gặp khi nuôi cấy trong viêm tai giữa kéo dài đó là trực khuẩn mủ xanh chiếm từ 48-90%, tụ cầu vàng chiếm 15-30%, Klebsiella chiếm 10-21%, Proteus: 10-15%. Đây là những vi khuẩn rất khó chữa, kháng nhiều loại kháng sinh. Đặc biệt với trực khuẩn mủ xanh khi tiếp xúc với niêm mạc tai giữa sẽ tiết ra các enzyme như Protease, lipopolysaccharide và một số enzyme khác ngăn ngừa cơ chế miễn dịch, sự tổn thương mô do vi khuẩn và các enzyme sẽ gây tổn thương hơn nữa các mô, gây hoại tử và làm mòn các xương dẫn tới các biến chứng
  • Trong viêm tai giữa mãn nhiều bệnh nhân còn gặp tình trạng nhiễm nấm kèm theo
  • Sự hình thành Biofilms: Đó là một tập hợp các vi sinh vật gắn trên một bề mặt tạo thành lớp màng bao phủ bề mặt, các vi khuẩn trong biofloc liên kết với nhau chặt chẽ, tạo thành một cấu trúc bền vững ngăn cản tác động của kháng sinh.
Sự hình thành Biofilms
Sự hình thành Biofilms

3. Phòng tránh viêm tai giữa kéo dài để tránh các biến chứng

Viêm tai giữa thường khởi nguồn từ viêm mũi họng, các biện pháp để ngăn ngừa viêm tai giữa cũng bao gồm ngăn ngừa tình trạng viêm mũi họng như dạy trẻ rửa tay thường quy, không sử dụng chung đồ ăn uống, lúc hắt hơi phải che tay, cách ly trẻ khi có các dịch xảy ra:

  • Môi trường không thuốc lá
  • Cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng, sữa mẹ chứa các kháng thể để chống lại các bệnh nhiễm trùng
  • Trẻ bú bình chú ý tư thế phù hợp
  • Vắc-xin đầy đủ cho các bé như cúm mùa, phế cầu...
  • Điều trị tốt và theo dõi sát tình trạng viêm tai giữa cấp, có biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
  • Khi tình trạng viêm tai giữa tái phát tùy theo giai đoạn, điều trị tích cực và theo dõi sát sao tránh các biến chứng xảy ra như:

+ Nhỏ thuốc kháng sinh tại chỗ

+ Vệ sinh tai

+ Kiểm soát tránh mô hạt phát triển

+ Điều trị toàn thân

+ Phẫu thuật khi điều trị nội khoa thất bại

Nhỏ thuốc đau tai
Sử dụng thuốc nhỏ tai
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan