Các di chứng thường gặp của bệnh lao phổi

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phú - Bác sĩ Hồi sức tích cực - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Lao phổi vốn là một căn bệnh nguy hiểm thường mắc ở những người trong độ tuổi lao động. Việc mắc bệnh không chỉ gây khó khăn trong việc điều trị mà còn để lại nhiều di chứng nặng nề đối với sức khỏe bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời.

1. Khái niệm về vi khuẩn lao?

Vi khuẩn lao do Robert Koch phát hiện năm 1882, vì vậy còn được gọi là Bacille de Koch (BK). Vi khuẩn lao thuộc họ Mycobacteriaceae, dài từ 3-5 μm, rộng 0.3-0.5 μm , không có long, hai đầu tròn, thân có hạt, đứng riêng rẽ hoặc thành đám trên tiêu bản nhuộm Ziehl-Neelsen, không bị cồn và acid làm mất màu đỏ của fucsin.

2.Một số đặc điểm vi khuẩn lao

Đặc điểm của vi khuẩn lao có thể nhận biết qua những vấn đề sau đây:

  • Đây là loại vi khuẩn kháng cồn và acid: áp dụng đặc điểm này để nhuộm Ziehl-Neelsen tìm vi khuẩn lao.
  • Ái khí hoàn toàn: trong hang lao thông với phế quản có mật độ vi khuẩn lao cao hơn, phát triển chậm, 20-24h sinh sản một lần. Áp dụng đặc điểm này để điều trị bệnh lao, chỉ uống thuốc một lần duy nhất trong ngày mà không cần chia nhỏ liều như trong điều trị các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Thay đổi khả năng gây bệnh dưới ảnh hưởng của môi trường: áp dụng chế vắc-xin BCG.
  • Có khả năng kháng lại các thuốc chống lao: áp dụng đặc điểm này trong điều trị cần phối hợp thuốc, thường phối ít nhất là 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn điều trị tấn công.

3. Đặc điểm bệnh lao là gì?

3.1. Là một bệnh nhiễm trùng

Từ khi nhà khoa học Robert Koch tìm ra vi khuẩn lao năm 1882 thì nguyên nhân của bệnh lao đã được xác định là do vi khuẩn lao. Bao gồm trực khuẩn lao người (Mycobacterium Tuberculosis Hominiss), vi khuẩn lao bò (Mycobactorium Bovis) và vi khuẩn lao chim (Mycobactorium Avium). Chúng khác nhau về tính chất sinh vật học và khả năng gây bệnh. Ở mỗi khu vực khác nhau trên thế giới, vi khuẩn lao gây bệnh cũng khác nhau về tính chất nuôi cấy, thành phần sinh hóa học và khả năng gây bệnh.

3.2. Bệnh lao là một bệnh lây

Từ xa xưa quan niệm, bệnh lao là một bệnh di truyền, khi Robert Koch tìm ra vi khuẩn lao thì bệnh lao đã được công nhận là một bệnh lây. Nguồn lây chủ yếu là những bệnh nhân bị lao phổi ho khạc có vi khuẩn lao trong đờm, lây truyền sang người lành do tiếp xúc.

Trong thời gian điều trị lao phổi có thể bị lây cho người khác không?
Bệnh lao là một bệnh lây truyền thông qua vi khuẩn trong đờm của người bệnh

Người bị bệnh lao phổi có ho khạc, tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm bằng phương pháp soi trực tiếp là nguồn lây nguy hiểm nhất. Thời gian nguy hiểm của nguồn lây bắt đầu từ lúc có triệu chứng đến khi được điều trị đặc hiệu, mức độ nguy hiểm giảm dần khi được điều trị đặc hiệu từ 2 tuần trở lên. Tuy nhiên, nguồn lây hết nguy hiểm không có nghĩa là bệnh đã khỏi.

3.3. Bệnh lao có quá trình diễn biến qua 2 giai đoạn

Giai đoạn nhiễm lao là khi vi khuẩn lao lần đầu tiên đột nhập vào cơ thể chưa bao giờ tiếp xúc với vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp vào tận phế nang gây tổn thương viêm phế nang, sau khoảng 3 tuần đến 3 tháng, dưới tác động của vi khuẩn lao, cơ thể có sự chuyển biến về mặt sinh học, hình thành dị ứng và miễn dịch đối với vi khuẩn lao. Người bị lây ở tình trạng lao nhiễm, lúc này trong cơ thể người bị nhiễm đã có kháng thể kháng lao và phản ứng tuberculin có thể dương tính.

Giai đoạn lao bệnh, đa số người bị bệnh chỉ ở tình trạng nhiễm lao (khoảng 80-90%) không chuyển sang giai đoạn lao bệnh. Người ta gọi lao bệnh là lao thứ phát (khoảng 10-20%) khi sức đề kháng của cơ thể giảm, số lượng và độc tố của vi khuẩn tăng, đặc biệt ở những người trong nhóm nguy cơ cao như bị các bệnh phổi mạn tính, các bệnh toàn thân: đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, nghiện rượu, nghiện ma túy, HIV...sẽ hình thành lao thứ phát.

3.4. Bệnh lao có thể phòng và điều trị khỏi được không?

Đối với về phòng bệnh, tiêm phòng lao bằng vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, có thể hạn chế cho trẻ mắc lao cấp tính tới 80%. Trong vấn đề điều trị, tất cả các thể lao được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi gần như hoàn toàn bằng các thuốc chống lao đặc hiệu. Với điều kiện phải điều trị bệnh lao một cách đầy đủ nghiêm túc, đúng thuốc, đúng liều, phối hợp thuốc, đủ thời gian. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến chất lượng thuốc mới tránh khỏi kháng thuốc của vi khuẩn lao.

3.5. Bệnh lao là một bệnh xã hội

Bệnh lao là một bệnh nhiều người mắc, tỷ lệ tử vong cao và có tính chất lây lan trong cộng đồng. Bệnh tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế xã hội, chế độ xã hội, mức sống, hoàn cảnh sinh hoạt, các hiện tượng xã hội như thiên tai, chiến tranh, những nước có nhiều người nhiễm HIV đều ảnh hưởng đến tình hình bệnh lao. Ở các nước đang phát triển tỷ lệ mắc lao cao và chủ yếu ở lứa tuổi lao động tuổi từ 15-65 (80%).

4. Tiến triển và các biến chứng, di chứng của lao phổi

4.1. Tiến triển tốt

Khi bệnh nhân được phát hiện sớm và chữa kịp thời, các triệu chứng lâm sàng sẽ giảm và hết (trung bình 1-2 tuần). Vi khuẩn ở trong đờm sẽ âm hóa sau 1-2 tháng điều trị. Tổn thương trên x- quang thường thay đổi chậm hơn. Tổn thương có thể xơ hóa hết hoặc để lại một số nốt vôi hoặc dải xơ.

4.2. Tiến triển không tốt

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đa số trường hợp bệnh diễn biến từng đợt, các triệu chứng ngày càng nặng lên và có thể có các biến chứng hoặc để lại di chứng sau này như:

  • Ho ra máu: là biến chứng thường gặp trong lâm sàng. Số lượng máu có thể nhiều hoặc ít. Trường hợp ho ra máu nhiều, người bệnh có thể tử vong. Đây là một cấp cứu phải xử trí kịp thời.
  • Giãn phế quản: có thể phát triển sau bệnh lao nguyên phát hoặc tái hoạt và kết hợp với ho ra máu. Sau khi nhiễm lao nguyên phát, sự chèn ép từ bên ngoài vào phế quản bởi các hạch lớn gây giãn phế quản xa chỗ tắc nghẽn. Trong bối cảnh lao tái hoạt, sự phá hủy tiến triển và xơ hóa nhu mô phổi có thể dẫn đến giãn phế quản khu trú. Nếu có lao nội phế quản, hẹp phế quản gây giãn phế quản đoạn xa. Giãn phế quản thường xảy ra hơn ở các vùng lao tái hoạt (các vùng đỉnh và sau của thùy trên) nhưng có thể được tìm thấy ở các vùng khác của phổi.
  • Sỏi phế quản (vôi hóa): Bệnh sỏi phế quản được định nghĩa là sự hiện diện của chất vôi hóa hoặc xương hóa trong lòng của cây khí quản đây là một biến chứng không phổ biến của lao phổi. Các nốt vôi hóa trong hạch lao ăn mòn vào thành phế quản và có thể làm tắc phế quản. Các triệu chứng biểu hiện có thể bao gồm ho, ho ra máu, thở khò khè hoặc bằng chứng của viêm phổi tái phát.
  • Tràn khí màng phổi: do vỡ hang lao hoặc vỡ phế nang bị giãn (trong lao phổi có thể kèm giãn phế nang vì nhu mô phổi lành cần thở bù cho phần phổi bị tổn thương). Bệnh nhân đau ngực đột ngột kèm theo khó thở. Đây cũng là một cấp cứu, cần phải chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Tràn khí màng phổi xquang
Hình ảnh X-quang tràn khí màng phổi

  • Xơ phổi, giãn phế nang: nếu lao phổi phát hiện muộn tự khỏi, hoặc lao phổi ở người cao tuổi thường để lại tổn thương xơ hóa cơ kéo tổ chức phổi, gây chít hẹp khẩu kính phế quản, phá hủy các phế nang tạo ra các bóng khí lớn trên nhu mô phổi.
Giãn phế nang
Hình ảnh X-quang xơ phổi, giãn phế nang

  • Bội nhiễm: bệnh nhân có triệu chứng cấp tính (sốt cao, ho nhiều đờm...), xét nghiệm máu: bạch cầu tăng (chủ yếu tăng đa nhân trung tính). Cần phải điều trị phối hợp thêm kháng sinh.
  • Sốc nhiễm trùng: lao có thể gây sốc nhiễm trùng, các biểu hiện tương tự như sốc nhiễm khuẩn.
  • Phá hủy phổi trên diện rộng: Rất hiếm, khi bệnh lao không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ có thể gây ra sự phá hủy tiến triển, rộng khắp các vùng của một hoặc cả hai phổi. So với bệnh nhân sốc nhiễm trùng do các mầm bệnh khác, bệnh nhân sốc nhiễm trùng do lao có chỉ số khối lượng cơ thể trung bình thấp hơn (22 so với 27), công thức máu trắng trung bình thấp hơn (10,4 so với 16,2) và thường gặp ở bệnh nhân bị nhiễm HIV hơn.
  • Lao nhiều bộ phận trong cơ thể: từ phổi vi khuẩn lao theo đường máu và bạch huyết, gây lao ở nhiều bộ phận như lao hạch, lao các màng, lao xương khớp...Trong đó lao màng não là thể lao nặng nhất, bệnh nhân có thể tử vong.
  • Tâm phế mạn tính: do giảm diện tích phổi tham gia hô hấp, bệnh nhân bị suy hô hấp kéo dài, dẫn đến tâm phế mạn, cuối cùng là tử vong trong bệnh cảnh suy tim, suy hô hấp.
  • Bệnh ác tính: Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Ung thư Quốc gia cho thấy rằng, lao phổi có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư phổi, sau khi điều chỉnh tình trạng hút thuốc tích cực và tình trạng kinh tế xã hội.
  • Bệnh aspergillosis phổi mãn tính: Bệnh aspergillosis phổi mãn tính có thể là một di chứng của bệnh lao phổi, đặc biệt là ở những người bị bệnh thể hang.

Có thể thấy các dị chứng của bệnh lao phổi để lại vốn rất nặng nề và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe về sau. Do đó, khi có dấu hiệu bệnh lao phổi, bạn nên tới bệnh viện để được kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.

Hiện nay ngoài cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin BCG được sản xuất bởi công ty Vắc-xin và sinh phẩm Y tế, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec còn áp dụng nhiều phương pháp kết hợp cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại vào trong điều trị giúp việc chữa trị bệnh lao phổi được hiệu quả hơn. Quy trình thăm khám được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Do đó, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng y tế tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan