Các thuốc chống ghẻ hiệu quả

Ghẻ là bệnh da liễu đặc trưng bởi triệu chứng ngứa dữ dội. Để ngăn ngừa vấn đề này bạn có thể sử dụng thuốc chống ghẻ nào?

1. Tìm hiểu về bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh da liễu do ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei gây nên, thường gặp trong môi trường nóng ẩm. Con cái ghẻ xâm nhập qua da, đào hầm và đẻ trứng, trứng ghẻ nở thành ấu trùng và phát triển thành con ghẻ trưởng thành.

Triệu chứng điển hình của ghẻ là ngứa, tăng lên về đêm, khi lao động, chơi thể thao, trời nóng. Vị trí đặc hiệu xuất hiện mụn nước là ở kẽ ngón tay, nếp lằn cổ tay, nếp gấp bàn tay, thắt lưng, bẹn đùi, sinh dục, cạp quần, nách, quầng vú ở phụ nữ.

2. Các loại thuốc chống ghẻ hiệu quả

2.1. Thuốc bôi trị ghẻ chứa thành phần Permethrin 5%

Đây là thuốc trị ghẻ ngứa thông dụng hiện nay, khá an toàn khi sử dụng bôi ngoài da. Permethrin 5% là thuốc trị ghẻ ít độc tính nhất trên thị trường. Thuốc có thể dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả điều trị tốt nhất và hạn chế các tác dụng phụ, cần sử dụng thuốc bôi có chứa Permethrin đúng cách, đúng liều lượng. Tùy thuộc mức độ và phạm vi tổn thương da, độ tuổi cũng như khả năng đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân, mà thuốc bôi Permethrin được chỉ định với liều lượng phù hợp.

Dưới đây là các lưu ý khi bôi thuốc Permethrin ngoài da:

  • Trước khi bôi thuốc Permethrin, cần vệ sinh và lau khô vùng da tổn thương.
  • Lấy một lượng thuốc Permethrin vừa đủ trên đầu ngón tay.
  • Thoa một lớp mỏng nhẹ thuốc lên vùng da cần điều trị.
  • Không lạm dụng hay thoa thuốc Permethrin với một lượng lớn.
  • Rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn sau khi tiếp xúc với thuốc Permethrin.

2.2. Thuốc DEP (Diethylphtalat)

Thuốc DEP (Diethylphtalat) là một trong những loại thuốc trị ghẻ ngứa phổ biến trong nhiều thập kỷ đến nay. DEP có nhiều ưu điểm với tác dụng diệt con ghẻ cái nhanh, ít độc tính, rẻ tiền. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: kích ứng da, ngứa da, đỏ rát,...

Trước khi bôi thuốc DEP, cần vệ sinh tay và tổn thương da cần điều trị, sau đó lau khô và lấy một lượng thuốc DEP vừa đủ, thoa đều lên vùng da tổn thương. Thời gian sử dụng thuốc DEP khoảng 1-3 lần/ngày. Việc sử dụng thuốc DEP cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Không dùng thuốc DEP trị ghẻ cho trẻ nhũ nhi. Không dùng thuốc DEP cho người mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc.
  • Thuốc DEP không được bôi vào bộ phận sinh dục. Không sử dụng thuốc DEP lên vùng niêm mạc và vùng da xung quanh mắt.
  • Không bôi thuốc DEP lên vùng da cần điều trị đang có dấu hiệu nhiễm khuẩn hay chảy dịch.
  • Rửa tay với xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với thuốc DEP.
  • Không che phủ hoặc băng vùng da đang bôi thuốc DEP, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Tránh để thuốc DEP tiếp xúc với vùng da khỏe mạnh hay da của người khác.
  • Thoa thuốc DEP đúng liều lượng của bác sĩ kê đơn, không tự ý thoa nhiều lần hơn hướng dẫn của bác sĩ. Không thoa thuốc DEP ở diện rộng và tự ý kéo dài thời gian dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

2.3. Lưu huỳnh

Kem lưu huỳnh dạng mỡ được sử dụng như một loại thuốc trị ghẻ nước, ghẻ ngứa. Nếu có chỉ định sử dụng kem lưu huỳnh, cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không được lạm dụng thuốc.

Trước khi bôi kem lưu huỳnh, nên tắm rửa toàn thân với xà phòng, sau đó bôi một lượng lưu huỳnh vừa phải vào tổn thương. Có thể lặp lại việc bôi thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc lưu huỳnh để điều trị bệnh ghẻ là tình trạng kích ứng da.

2.4. Các loại thuốc khác

Bên cạnh các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh ghẻ, một số loại thuốc khác cũng được chỉ định:

  • Benzyl benzoat: Bôi hoặc xịt Benzyl benzoat 2 lần / ngày đem lại hiệu quả và độ an toàn cao
  • Eurax: Sử dụng thuốc bôi Eurax 10% có tác dụng chống ngứa và diệt con ghẻ cái. Lặp lại việc môi thuốc sau mỗi 6-1o giờ.
  • Lindane: Lindane có tác dụng chữa ghẻ nhanh, tuy nhiên lại gây độc thần kinh, nên không dùng được cho trẻ em và phụ nữ có thai

3. Cách đề phòng bệnh ghẻ tái phát

Bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh cũng cần tuân thủ các biện pháp sau đây mới nhanh chóng đạt được hiệu quả điều trị:

  • Vệ sinh quần áo, chăn, màn, gối, chiếu. Tốt nhất là trụng nước sôi, phơi nắng thật khô hay ủi nóng quần áo trước khi mặc.
  • Tránh dùng chung quần áo và các vật dụng cá nhân.
  • Vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.
  • Khi phát hiện trong gia đình có người bị ghẻ, cần phải điều trị sớm. Tránh tiếp xúc và dùng chung các vật dụng của người bệnh để tránh lây lan.

Trên đây là một vài thông tin có thể tham khảo về thuốc trị ghẻ nước hay thuốc trị ghẻ ngứa. Người bệnh trước khi có ý định dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để quá trình điều trị đạt được kết quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan